Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ tại tỉnh Cát Lâm, Trung Quốc

[MINH HUỆ 27-03-2022] Một học viên Pháp Luân Công ở thành phố Cát Lâm (tỉnh Cát Lâm) đã bị bức hại không ngừng nghỉ kể từ khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) phát động chiến dịch bức hại nhằm xóa sổ Pháp Luân Công trên toàn quốc vào tháng 7 năm 1999.

Trong 23 năm qua, bà Lý Thúy Linh đã bị bắt tổng cộng 8 lần vì từ chối từ bỏ đức tin vào Pháp Luân Công. Bà đã bị giam giữ trong 3 năm, bị giam trong trại lao động cưỡng bức gần 1 năm, trong trung tâm tẩy não trong 1,5 tháng, và tổng cộng một 1,5 năm trong các Trại tạm giam khác nhau. Số lần bà bị tra tấn và sỉ nhục không thể kể xiết. Bà được ra tù vào tháng 11 năm 2019, nhưng lương hưu của bà đã bị đình chỉ vào tháng 7 năm 2020. Bởi không có nguồn thu nhập nào khác nên cuộc sống của bà vô cùng chật vật.

Lần bắt giữ gần đây nhất của bà xảy ra vào ngày 14 tháng 6 năm 2021. Bà bị giam 5 ngày vì đã đệ đơn tố cáo Giang Trạch Dân (cựu lãnh đạo ĐCSTQ) vì đã phát động cuộc bức hại Pháp Luân Công.

Vì lo sợ bản thân bị bức hại nên chồng bà Lý đã ly hôn với bà vào tháng 9 năm 2001 và được giao quyền nuôi con (lúc đó mới 18 tháng tuổi). Họ quay trở lại với nhau vào năm 2006, nhưng sự sách nhiễu trở nên tồi tệ đến mức ông ấy lại ly hôn bà vào năm 2014 trong khi bà đang sống xa nhà để tránh bị bức hại.

Hai con nhỏ mất đi sự chăm sóc của mẹ. Công an thường xuyên đe dọa và khủng bố tinh thần bố chồng của bà (là một cảnh sát đã nghỉ hưu). Sức khỏe của ông trở nên tồi tệ và cuối cùng đã sinh bệnh nằm liệt giường và phải đặt ống truyền thức ăn. Vợ của ông sống trong nỗi sợ hãi thường trực và giật mình mỗi khi có ai đó gõ cửa.

Dưới đây là lời tường thuật của bà Lý về những gì đã xảy ra với bà trong 23 năm qua.

+++

Tôi là Lý Thúy Linh. Tôi bắt đầu tu luyện Pháp Luân Đại Pháp vào năm 2000. Trong 23 năm của cuộc bức hại, chính quyền đã nhiều lần bắt giữ và giam cầm tôi. Họ tra tấn tôi vì tôi từ chối từ bỏ đức tin của mình. Chồng tôi đã hai lần ly hôn với tôi vì ông ấy không thể chịu đựng được những cuộc sách nhiễu không có hồi kết.

Khi ra khỏi nhà tù vào tháng 11 năm 2019 tôi đã ngoài 50 tuổi, nhưng tóc tôi đã bạc trắng. Lương hưu của tôi bị đình chỉ vào tháng 7 năm 2020. Tôi sống với bố mẹ đẻ, thế nhưng cảnh sát vẫn không chịu để chúng tôi yên.

Trong cuộc bức hại mà bước vào tu luyện Pháp Luân Đại Pháp

Trước khi đắc Pháp, tôi đã quen biết nhiều học viên Pháp Luân Công. Sau khi cuộc bức hại bắt đầu, cảnh sát đã bắt một trong những người bạn thân nhất của tôi và tống anh ấy vào trại lao động cưỡng bức. Tôi biết sức khỏe và tâm tính của anh ấy đã được cải thiện nhiều như thế nào sau khi anh ấy tu luyện, và tôi không thể hiểu tại sao các nhà chức trách lại làm như vậy với anh ấy. Vì hiếu kỳ, tôi bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công vào năm 2000, và tôi rất vui sướng vì đã quyết định tu luyện. Sức khỏe và thế giới quan của tôi đã cải biến theo chiều hướng tốt hơn.

Một năm sau chồng tôi ly dị tôi vì ông ấy không muốn bị liên lụy vào cuộc bức hại. Thẩm phán đã trao cho chồng tôi quyền nuôi con khi cháu nó mới 18 tháng tuổi. Nỗi đau mất con của tôi là không thể tả xiết.

Cảnh sát bắt giữ và sách nhiễu

Ngay khi tôi chuyển đến sống với bố mẹ đẻ sau khi ly hôn, cảnh sát từ Đồn Công an Cang Diêu ở quận Long Đàm đã bắt tôi với lý do là tôi mang theo tờ rơi Pháp Luân Công. Tại đồn công an, họ đánh và đá tôi. Một cảnh sát đã giật một mảng tóc của tôi, tạo thành một vết hói vĩnh viễn trên đầu tôi. Họ còn dùng đế giày tát tôi. Khi tôi cố gắng nói với họ lý do tại sao cuộc bức hại là sai trái, họ thậm chí còn tát mạnh hơn.

Tháng 10 năm 2001, cảnh sát đã bắt tôi khi tôi phát tặng tài liệu chân tướng Pháp Luân Công. Khi tôi từ chối lên xe cảnh sát, họ đã hành hung tôi và khiến tôi bị thương ở phần lưng dưới. Họ nói rằng cấp trên của họ đã ra lệnh bắt giữ và họ phải làm công việc của mình. Cuối cùng tôi vẫn không lên xe của họ.

Tôi quyết định đến Bắc Kinh để nói với chính quyền trung ương rằng Pháp Luân Công là tốt.

Tra tấn ở trong trại tạm giam Xương Bình

Ngay khi tôi vừa đến Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh liền có cảnh sát đển hỏi tôi. Sau đó họ bắt tôi và lấy biểu ngữ của tôi. Khi tôi hô lên “Pháp Luân Đại Pháp hảo”, họ túm tóc và xô tôi ngã xuống đất. Họ đưa tôi và các học viên khác vào đồn công an và không cho chúng tôi sử dụng nhà vệ sinh suốt cả ngày.

Tối hôm đó tôi bị chuyển đến Đồn Công an Quận Xương Bình, và ở đó một cảnh sát đã đánh đập tôi. Tôi nói với anh ta: “Là cảnh sát, tại sao các anh lại bắt người tốt và mà không bắt tội phạm?” Anh ta trả lời: “Đó là những gì tôi làm.”

Hai ngày ở trong đồn công an, tôi không có gì để ăn và không thể vệ sinh cá nhân. Khi tôi luyện các bài công pháp của Pháp Luân Công, cảnh sát đã đánh đập tôi bằng dùi cui và để cửa sổ mở toang nhằm làm tôi rét cóng. Họ chuyển tôi đến trại tạm giam quận Xương Bình. Bởi tôi từ chối đưa tay lên đầu nên một lính canh đã ra lệnh cho các tù nhân chửi rủa tôi. Họ lột quần áo của tôi và dội nước lạnh lên người trong khi một nam lính canh đúng nhìn. Tôi đã suy sụp và bật khóc.

2004-6-6-force_feeding--ss.jpg

Tranh vẽ minh họa tra tấn: Bức thực

Tra tấn bức thực và tiêm các loại thuốc không rõ nguồn gốc ở trong trại lao động cưỡng bức

Ngày 20 tháng 7 năm 2002, cảnh sát bắt tôi tại nhà bố mẹ đẻ và tống tôi vào Trại Lao động Cưỡng bức Hắc Chủy Tử vào ngày 1 tháng 9. Một số lính canh đã thay nhau đánh đập tôi, tôi đã phản kháng bằng cách tuyệt thực.

Để bức thực, lính canh đã cạy miệng tôi và nhét một cái ống dẫn thức ăn thẳng vào dạ dày của tôi. Họ khuấy chiếc ống bên trong dạ dày của tôi khiến tôi bị nôn hết dịch dạ dày ra ngoài, đồng thời họ còn chửi rủa tôi. Một bác sỹ nói với tôi: “Đừng ương ngạnh nữa. Chẳng phải Lưu Minh Khắc cũng ở Cát Lâm đó sao? Anh ta đã chết trong khi chúng tôi bức thực anh ta, vậy thì sao nào?“

Cái chết có thể đến với tôi bất cứ lúc nào. Một ngày nọ, sau khi thấy tôi ngồi đả tọa luyện công, hai lính canh gọi tôi vào một căn phòng trống và đánh đập tôi. Một trong số họ nhét cây lau nhà bẩn vào miệng tôi trong khi người kia cố gắng bóp cổ tôi. Tôi đã suýt chết ngạt.

Trong trại, lính canh đánh tôi một cách vô cớ. Họ chỉ cho chúng tôi năm phút để ăn. Nhiều tù nhân cao tuổi có vấn đề về răng miệng thường xuyên phải đổ bỏ thức ăn của họ [vì không kịp ăn xong].

Tháng 3 năm 2003, một lính canh đã sốc điện tôi bằng dùi cui điện vì tôi từ chối mặc đồng phục tù nhân. Anh ta có bố trí 4 lính canh để canh chừng tôi suốt ngày đêm. Tôi đã tuyệt thực để phản đối sự ngược đãi này. Khi họ cố gắng bức thực tôi, một trong số họ đã bóp mũi tôi, còn những người khác ghì tôi xuống. Tôi bị nghẹn mỗi khi họ đổ thức ăn xuống cổ họng.

Sau đó, lính canh trói tôi vào giường và không cho tôi ngủ trong 10 ngày. Họ không cho phép tôi sử dụng nhà vệ sinh. Một cái xô được đặt dưới giường để hứng chất thải của tôi. Trong 10 ngày đó, họ thường xuyên tiêm cho tôi những loại thuốc không rõ nguồn gốc. Tôi cảm thấy buồn ngủ và cô cùng khó chịu sau khi bị tiêm. Sau đó, tôi biết rằng họ đã cố gắng đầu độc tôi bằng những mũi tiêm đó.

Trại lao động cưỡng bức đó thực sự là địa ngục trần gian, và tôi thật may mắn khi cuối cùng cũng có thể được rời khỏi đây.

Bắt tại nhà của một học viên khác

Khoảng 3 giờ chiều vào ngày 26 tháng 5 năm 2005, khi tôi gõ cửa nhà học viên Minh Diễm Ba, một cảnh sát mặc thường phục đã mở cửa. Tôi cũng thấy hai cảnh sát mặc thường phục khác ở trong nhà. Họ đã xới tung ngôi nhà của bà Minh. Trước khi tôi có thể rời đi, họ đã túm lấy tôi và giữ tôi lại, hỏi tôi có phải cũng tu luyện Pháp Luân Công không. Tôi từ chối trả lời và một người đã đánh tôi vào đầu. Tôi cảm thấy như thể đầu tôi bị nứt toác ra. Để xem tôi có tu luyện Pháp Luân Công hay không, họ đã xé một bức ảnh của Sư phụ. Tôi hét lên: “Đừng làm vậy! Điều đó không tốt cho anh.” Sau đó, cảnh sát đưa bà Minh và tôi đến Đồn Công an Long Hoa.

Chúng tôi bị chuyển đến trụ sở Công an Long Đàm vào buổi tối hôm đó. Cảnh sát thẩm vấn và ra lệnh cho tôi ký tên vào bản cam kết từ bỏ tu luyện. Tôi đã xé nó. Họ giam tôi ở đó qua đêm với sự canh chừng của hai cảnh sát. Sáng hôm sau, tôi mở cửa sổ và hô: “Pháp Luân Đại Pháp hảo, Chân Thiện Nhẫn hảo” với những người qua đường. Các cảnh sát lập tức lao đến, tát và còng tay tôi.

Cảnh sát đưa bà Minh và tôi đến trại tạm giam Thành phố Cát Lâm. Tôi không ngừng run rẩy co quắp vì sức khỏe của tôi bị giảm sút sau nhiều năm bị bức hại. Trại tạm giam từ chối tiếp nhận tôi, nhưng cảnh sát vẫn để chúng tôi lại ở đó.

Sau khi tôi từ chối ăn trong ba ngày, lính canh bắt đầu bức thực tôi. Một người giữ đầu và ngực tôi, trong khi những người khác giẫm lên chân tay tôi. Bác sỹ đá vào mặt tôi khi tôi giãy giụa. Anh ta nhét một cái ống qua mũi xuống dạ dày tôi rồi đổ nước muối và bột ngô vào. Tôi đã nôn ra ra hết những gì có trong bụng. Người tôi dính đầy thức ăn và tôi hỏi bác sỹ rằng đó có phải là cách họ cứu chữa bệnh nhân hay không. Anh ta nói với tôi đó là cách họ đối xử với những người không chịu ăn. Họ bức thực tôi hai lần một ngày.

Bất kỳ ai mà tôi gặp trong trại giam, từ lính canh đến tù nhân, tôi đều nói với họ Pháp Luân Công là gì và tại sao cuộc bức hại là sai trái. Điều này đã khiến lính canh tức giận và cùm chân và còng tay tôi để trả đũa.

Đến ngày thứ 10 tuyệt thực, các nhà chức trách đã đưa tôi đến Trại Lao động Cưỡng bức Hắc Chủy Tử, nhưng trại từ chối tiếp nhận tôi đi vì lý do sức khỏe. Họ đưa tôi trở lại Đồn Công an Long Hoa vào ngày 6 tháng 6 năm 2005. Một cảnh sát lôi tôi vào phòng và nói: “Tôi không tin vào quả báo gì đó!” Anh ta đã tát tôi nhiều cái, khiến đầu và mặt tôi sưng lên, miệng thì chảy máu. Đêm hôm đó tôi đã trốn thoát khỏi đồn công an.

Tôi và chồng cũ tái hôn vào năm 2006.

Bị bắt giữ tại nhà mẹ đẻ

Tháng 5 năm 2012, khi tôi đang ở nhà mẹ đẻ thì cảnh sát của Đồn Công an Tân An xông vào và bắt giữ tôi chỉ vì tôi dán các câu đối Pháp Luân Đại Pháp trên cửa nhà. Họ đã thả tôi vào buổi tối cùng ngày.

Xương sườn bị gãy trong trung tâm tẩy não

Ngày 29 tháng 6 năm 2012, cảnh sát Đồn Công an Tây Thành đã bắt tôi khi tôi đang dán tài liệu chân tướng Pháp Luân Công. Sau hai tuần ở trong trại tạm giam Ô Mã Hà, tôi bị chuyển đến Trung tâm Tẩy não Thành phố Y Xuân và bị buộc phải xem các video phỉ báng Pháp Luân Công trong khi phải ngồi trên một chiếc ghế đẩu nhỏ hoặc đứng yên. Tôi bị bắt đứng vào ban đêm và không được phép ngủ. Họ mở video ầm ĩ đến tận đêm khuya và không cho tôi nghỉ ngơi. Sự kiệt sức khiến tâm tôi khó chịu và căng thẳng. Lính canh đã dán băng dính vào miệng tôi khi tôi yêu cầu được đi ngủ.

Lính canh đã đánh ngã và đá tôi cho đến khi một xương sườn của tôi bị gãy vì tôi từ chối xem bản tin trên Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV).

Trong một tháng, lính canh đã một còng cổ tay tôi vào ống sưởi ở phía trên, cổ tay còn lại còng vào ống sưởi ở mặt đất. Việc bị còng trong tư thế khó này suốt hai ngày khiến vai tôi đau đớn tột cùng. Sau đó, họ còng hai tay tôi vào ống sưởi phía trên trong hai ngày. Sau đó, họ còng tay tôi ra sau lưng và gắn còng tay vào ống sưởi với các ngón chân của tôi không chạm xuống sàn nhà. Tôi đã bị treo lên theo cách này ba lần, và tôi không nghĩ rằng ai đó có thể tưởng tượng nổi cảm giác đau đớn khi bị tra tấn như vậy. Khi họ hạ tôi xuống, tay tôi tê cứng và không còn chút sức lực. Tôi thậm chí không thể mở nắp một chai nước. Bất cứ khi nào tôi cố gắng nhặt một cái gì đó, tay tôi sẽ bị chuột rút.

2012-6-18-cmh-kuxingtu-06--ss.jpg

Tranh vẽ minh họa tra tấn: Còng tay ra phía sau và gắn vào một thanh ngang ở trên cao và người bị treo lơ lửng.

Trong hai tháng ở trại tôi thường hô: “Pháp Luân Đại Pháp hảo” và ngồi đả tọa. Lính canh sẽ tát, giẫm lên người, giật tóc tôi, không cho tôi sử dụng nhà vệ sinh và dùng đầu bút chì đâm vào chân và bàn chân của tôi cho đến khi chúng chảy máu.

Ngày 7 tháng 8 năm 2012, họ cố gắng đưa tôi đến Trung tâm Cai nghiện Ma túy Cáp Nhĩ Tân. Trên đường đi, trưởng Phòng 610 Quận Y Xuân đã tát mạnh vào đầu tôi và làm tôi chảy máu mũi. Trung tâm cai nghiện từ chối tiếp nhận tôi vì lý do sức khỏe. Họ đưa tôi trở lại Trung tâm Tẩy não Y Xuân và bắt đầu bức thực tôi.

Đêm ngày 10 tháng 8 năm 2012, một lính canh tên Lương Bảo Kim đã mang đến một bát cơm cùng một quả trứng, và nói với tôi rằng tôi có thể về nhà sau khi ăn xong. Tôi không làm theo và ngay lập tức, ba người đàn ông bắt đầu bức thực tôi. Họ đè tôi xuống và một người trong số họ dùng thìa cạy miệng tôi. Họ không thành công trong việc bức thực vì tôi đã phản kháng mạnh mẽ. Sáng hôm sau, họ quay lại và một người trong số họ bóp mũi tôi hòng ép tôi phải há miệng ra. Tôi đã không làm vậy và họ đã thả tôi ra sau khi tôi gần như chết ngạt. Hai ngày sau, một bác sỹ của bệnh viện tâm thần đến và đe dọa sẽ đưa tôi vào khoa tâm thần nếu tôi tiếp tục không chịu ăn.

Tôi được thả vào ngày 15 tháng 8 năm 2012.

Người nhà bị sách nhiễu triền miên

Sau khi tôi về nhà, cảnh sát địa phương, một nhân viên từ Phòng 610, và một ủy viên của Ủy ban Chính trị và Pháp luật địa phương đã đến sách nhiễu và đe dọa tôi. Tháng 8 năm 2012, bố chồng tôi lâm bệnh và phải nhập viện. Cảnh sát tiếp tục sách nhiễu ông trong bệnh viện khiến ông không thể hồi phục. Bây giờ, ông nằm liệt giường và không thể tự chăm sóc cho bản thân. Cảnh sát đến sách nhiễu tôi vì tôi đã phát lịch Tết vào mùa đông năm 2013.

Bắt đầu từ ngày 6 tháng 3 năm 2014, cảnh sát Đồn Công an Ô Mã Hà thường xuyên sách nhiễu gia đình tôi. Mẹ chồng tôi không thể nhìn rõ và mỗi lần ai đó đập cửa là bà vô cùng hoảng sợ. Bố chồng tôi thường khóc lóc vì sợ hãi sau khi cảnh sát ập đến. Chồng tôi phải một mình chăm sóc cho họ và hai đứa con của chúng tôi. Những đứa trẻ không thể học hành hay ăn uống đầy đủ. Bố chồng tôi yếu đến mức phải nằm liệt giường và phải đặt ống truyền thức ăn để duy trì sự sống. Ông là một sỹ quan đã nghỉ hưu của Đồn Công an Ô Mã Hà, nhưng những cảnh sát ở đây lại dường như không quan tâm.

Cuối năm 2014, bởi không chịu được áp lực và sự khủng bố của chính quyền, chồng tôi lại ly hôn với tôi để tránh bị sách nhiễu thêm nữa.

Trốn thoát sau khi bị bắt và trở nên cơ cực

Ông Vương Tân Xuân ở tỉnh Hắc Long Giang bị tàn tật sau khi bị tra tấn vì tu luyện Pháp Luân Công. Tôi đã cùng ông ấy gửi đơn khiếu nại vào ngày 17 tháng 9 năm 2014. Cảnh sát từ Đồn Công an Nam Cương ở thành phố Cáp Nhĩ Tân (tỉnh Hắc Long Giang) đã bắt giữ tôi. Hai ngày sau, cảnh sát từ Đồn Công an Ô Mã Hà đưa tôi trở lại Cát Lâm và thẩm vấn tôi xuyên đêm. Ngày hôm sau, họ đưa tôi đến bệnh viện để kiểm tra sức khỏe và tôi đã trốn thoát.

Cảnh sát treo tiền thưởng 10.000 Nhân dân tệ cho việc bắt giữ tôi và dán lệnh truy nã có kèm hình ảnh của tôi trên đó. Họ giám sát bên ngoài nhà tôi suốt ngày đêm. Tôi không thể về nhà và sống cơ cực.

Ba tháng sau, vào ngày 24 tháng 12 năm 2014, tôi đến Đồn Công an Ô Mã Hà để yêu cầu họ ngừng sách nhiễu gia đình tôi. Cảnh sát trưởng đã bắt và trói tôi vào ghế cọp. Tôi bị giam 15 ngày.

Giam cầm và tra tấn trong 4 năm

Ngày 23 tháng 11 năm 2015, cảnh sát từ Đồn Công an Ô Mã Hà đã bắt tôi vì đã giúp một học viên làm tài liệu thông tin về Pháp Luân Công. Họ tống tôi vào trại tạm giam Thành phố Y Xuân (tỉnh Hắc Long Giang), ở đây, lính canh đánh đập tôi vì tôi luyện các bài công pháp của Pháp Luân Công và từ chối trả lời điểm danh. Các nhà chức trách đưa tôi vào Nhà tù Nữ Tỉnh Hắc Long Giang vào tháng 10 năm 2016.

Lính canh đã đưa tôi vào nhà kho để cách ly tôi với các học viên khác. Tôi tuyệt thực phản kháng và họ đã ra lệnh cho tù nhân bức thực tôi. Mũi tôi chảy máu và người tôi dính đầy thức ăn mà tôi đã nôn ra, nhưng họ không cho tôi lau dọn. Hàng ngày, họ ép tôi phải xem các video phỉ báng Pháp Luân Công. Tôi ở trong nhà kho suốt hai tháng, và trong thời gian đó họ đã mặc một chiếc áo khoác bó vào người tôi (một dụng cụ tra tấn) vì tôi cố gắng luyện công. Lính canh chuyển tôi đến một xà lim và ra lệnh cho các tù nhân canh chừng tôi 24/24 để ngăn tôi luyện công.

Lính canh đã biệt giam tôi vào tháng 6 năm 2017 vì tôi đọc sách Pháp Luân Công. Họ chỉ cho tôi một bộ quần áo bẩn và ăn một mẩu bánh mì nhỏ mỗi ngày. Để ngăn tôi luyện công, lính canh đã còng tay tôi vào một chiếc vòng trên mặt đất trong 15 ngày. Nơi đây ẩm thấp và lạnh lẽo và tôi không thể sử dụng nhà vệ sinh khi cần thiết. Lúc được đưa ra khỏi đó, tôi đã mất hết các giác quan vì đói và lạnh.

Một lính canh đã lệnh cho các tù nhân trong phòng giam của tôi phải ngăn không cho tôi ngủ. Trong hai tuần, tôi không được làm gì khác ngoài việc ngồi trên một chiếc ghế đẩu nhỏ. Nếu tôi ngủ gật, các tù nhân sẽ đánh hoặc cấu véo tôi. Lính canh sẽ đe dọa những tù nhân nào cảm thông đối với tôi. Một ngày nọ, lính canh đang làm nhiệm vụ trông chừng tôi đã đưa tôi trở lại phòng biệt giam vì cô ta cảm thấy mệt mỏi khi theo dõi tôi.

Trở lại phòng giam của tôi, các tù nhân theo dõi tôi chặt chẽ để ngăn tôi nói chuyện với các học viên khác hoặc luyện công. Tôi tuyệt thực và họ bắt tôi ngồi trên một chiếc ghế đẩu nhỏ từ 6 giờ sáng đến 9 giờ tối cho đến khi tôi bắt đầu ăn. Họ bật ti vi chiếu những nội dung tuyên truyền của ĐCSTQ và mở tiếng to hết cỡ khiến tôi không thể nghỉ ngơi.

Vào thời điểm tôi được ra tù vào tháng 11 năm 2019, tóc tôi đã bạc trắng hoàn toàn và toàn thân không còn chút sức lực.

Sách nhiễu không ngừng, giam giữ và đình chỉ lương hưu

Bố mẹ tôi đã tới nhà tù đón tôi. Vào tháng 7 năm 2020, lãnh đạo nơi làm việc cũ đã đình chỉ lương hưu của tôi và tôi đã không nhận được bất cứ thứ gì kể từ đó, mặc dù tôi đã yêu cầu khôi phục lương hưu. Nhân viên chính quyền ở quận Long Đàm của thành phố Cát Lâm và cảnh sát đã đến nhà chúng tôi để hỏi han và chụp ảnh.

Ngày 29 tháng 10 năm 2020, một người đàn ông đã gọi cho tôi và nói rằng tôi sẽ phải tham gia một buổi tẩy não ở tỉnh Hắc Long Giang và không chấp nhận câu trả lời không đi của tôi.

Ngày 14 tháng 6 năm 2021, một cảnh sát ở Đồn Công an Tân An đã lừa tôi đến đồn công an. Tôi bị giam 5 ngày vì đã đệ đơn kiện Giang Trạch Dân vì đã phát động cuộc bức hại.

Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2022/3/27/440557.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2022/5/5/200182.html

Đăng ngày 17-06-2022; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share