Bài viết của học viên Pháp Luân Đại Pháp ở Trung Quốc
[MINH HUỆ 30-11-2021] Tôi bắt đầu tu luyện Pháp Luân Đại Pháp vào năm 1996. Trước đó, tôi tính tình nóng nảy, không thể chịu thua và sẽ tức giận khi bị bắt nạt. Mặc dù là nữ nhi, nhưng tôi rất thích đánh nhau. Mọi người đặt biệt danh cho tôi là “hổ cái”.
Được giới thiệu Đại Pháp
Sức khỏe của tôi rất kém và bị đi ngoài ra máu dù tuổi còn trẻ. Bác sỹ khuyên tôi nên học Pháp Luân Công (còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp). Ông ấy nói với tôi rằng Pháp Luân Công rất tốt cho việc cải thiện sức khỏe, và còn được dạy miễn phí. Do đó, vào sáng sớm ngày hôm sau, tôi đi đến quảng trường trung tâm thành phố để học các bài công pháp và xem các bài giảng được ghi lại của Sư phụ vào buổi tối hôm đó.
Trong vòng chưa đầy hai ngày, tôi đã ngừng đi ngoài ra máu. Sau đó, trong vòng một tháng, tôi đã bình phục khỏi các vấn đề sức khỏe đã đeo bám tôi trong nhiều năm, chẳng hạn như chóng mặt, thiếu thiamine (Vitamin B1) và táo bón. Nước da xám xịt của tôi không còn nữa, và thuận theo việc tôi tu luyện Pháp Luân Công, người tôi đã thon gọn lại. Tôi vui mừng khôn xiết.
Triển hiện vẻ đẹp của Pháp Luân Đại Pháp
Với sự chỉ đạo của Chân-Thiện-Nhẫn, tôi đã đem trả lại những thứ mà trước đây tôi đã lấy từ nơi làm việc về nhà. Tôi cũng xin lỗi những đồng nghiệp mà tôi mà trước kia tôi đã ẩu đả với họ.
Nhưng khu vực sinh hoạt chung ở chung cư nơi tôi sinh sống không có ai quét dọn nên tôi cứ một thời gian tôi lại dọn dẹp những chỗ đó. Mỗi khi trời mưa, tôi thường giúp những người hàng xóm đi lại bất tiện thu quần áo đã phơi khô của họ vào nhà.
Tòa nhà tôi ở đã không được bảo trì trong nhiều năm nên nước bị rò rỉ thấm vào các bức tường chính. Mọi người đều lo lắng rằng tòa nhà sẽ sập vì ngấm nước, nhưng không ai muốn đóng góp tiền để thuê người đến sửa chữa. Cư dân đùn đẩy trách nhiệm cho nhau. Người sống ở lầu trên nói là trách nhiệm thuộc về người ở lầu dưới, và ngược lại.
Sau khi bàn bạc với mẹ, tôi đã chi ra 2.000 nhân dân tệ để thuê thợ xây đến thay các đường ống nước bị hư hỏng, để nước không thấm qua tường. Mọi người thở phào nhẹ nhõm. Có người nói tôi là khờ khạo, cũng có người khen tôi là người tốt, tôi đều không để tâm. Tôi chỉ cố gắng làm mọi việc chiểu theo yêu cầu của Đại Pháp để trở thành một người tốt với đạo đức cao thượng.
Bị bắt giữ, cầm tù và bức hại
Tôi đã đi đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công sau khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bắt đầu bức hại các học viên vào tháng 7 năm 1999. Tôi bị giam trong trại tạm giam ở địa phương nơi tôi sinh sống.
Lúc đó con gái tôi mới được vài tháng tuổi. Hai mẹ con tôi buộc phải phân ly và tôi nhờ cha mẹ đẻ của tôi chăm sóc cháu. Sau đó tôi bị giam trong trại lao động cưỡng bức và bị kết án tù vì không từ bỏ đức tin của mình.
Cái chết của chồng và cách hành xử của một học viên
Khi con gái tôi hơn một tuổi, chồng tôi bị máy móc đập vào đầu do một nhân viên thao tác sai khi vận hành thiết bị đó và anh ấy đã không qua khỏi. Vào thời điểm đó tôi đang bị giam giữ phi pháp ở trong trại tạm giam. Sau nhiều lần gia đình tôi yêu cầu, tôi cũng được phép về nhà để lo hậu sự cho chồng.
Hàng ngày gia đình chồng tôi đều đi đến nơi làm việc của anh ấy để yêu cầu bồi thường. Nơi làm việc của anh ấy đã chi trả các chi phí phát sinh trong khi giữ lạnh thi thể của anh ấy ở trong nhà tang lễ chờ hỏa táng. Người quản lý ở nơi làm việc của chồng tôi đã rất lo lắng và đã liên lạc với tôi để thương lượng. Họ hỏi tôi có yêu cầu gì không và tôi đã nói rằng tôi không có yêu cầu gì. Tôi nói người mất thì cũng đã mất rồi, tôi không muốn gây phiền phức thêm cho đơn vị, và sẽ lập tức hỏa táng thi thể.
Người quản lý của anh ấy rất cảm động, vì anh ấy không ngờ là các học viên Pháp Luân Công lại hiểu chuyện như vậy. Gia đình chồng tôi đã ngừng việc gây rắc rối cho nơi làm việc của anh ấy, nhưng không tha thứ cho người nhân viên đã gây ra cái chết cho anh ấy. Kể từ khi vụ tai nạn xảy ra, người đàn ông đó cũng chưa về nhà, và vẫn ở lại phòng bảo vệ của cơ quan, vì sợ rằng anh ta sẽ bị gia đình chồng tôi đánh chết. Tôi đã thuyết phục gia đình chồng không tìm anh ta trả thù và yêu cầu bồi thường nữa, và rồi mọi chuyện cũng được giải quyết ổn thỏa.
Ngoài việc trả cho tôi, con gái tôi và mọi người trong gia đình anh ấy một khoản tiền an ủi, nơi làm việc còn trả tiền tuất một lần. Bố mẹ chồng tôi yêu cầu được lấy toàn bộ số tiền tuất một lần đó, nhưng bố mẹ tôi không đồng ý. Với tư cách là vợ của người quá cố và còn có con nhỏ sống phụ thuộc, về tình về lý tôi có quyền lấy số tiền này. Tôi nói với mẹ tôi: “Họ muốn lấy cứ để họ lấy mẹ ạ! Con còn trẻ, còn có thể đi làm kiếm tiền. Ba mẹ chồng còn thì già rồi, lại mất đi con trai, chắc họ đau lòng lắm! Dù gì thì chúng ta vẫn là một gia đình mà!” Bố mẹ tôi thấy những lời này thấu tình đạt lý nên cũng nghe theo tôi, không còn kiên quyết muốn phản đối nữa. Vì vậy, bố mẹ chồng tôi đã lĩnh toàn bố số tiền tuất đó.
Bất chấp những lời tuyên truyền bịa đặt, bôi nhọ Pháp Luân Công một cách phô thiên cái địa, gia đình chồng tôi đều minh bạch rằng Pháp Luân Công là tốt, là đang bị oan uổng. Tuy nhiên, họ lại đổ lỗi cho tôi là đã gây ra cái chết của chồng tôi và oán hận tôi. Tại thời điểm tôi ra tù thì con gái tôi đã học tiểu học. Cháu được bố mẹ tôi nuôi dưỡng từ nhỏ và họ đã chi trả mọi chi phí cho cháu. Khi tôi nói muốn đưa con gái về thăm ông bà nội, thì mẹ tôi không thích, và nói: “Trong suốt những năm qua họ đâu có quan tâm gì đến con, cũng đâu có đến nhà tù thăm con lấy một lần. Tại sao con phải bận tâm đi gặp họ?” Tôi trả lời: “Dù gì thì họ cũng là ông bà nội của con gái con. Vì đang rảnh rỗi, con cũng nên hiếu thuận với họ”.
Tôi thường đến thăm bố mẹ chồng, mua cho họ quần áo mới và những loại trái cây mà họ thích ăn, và khi họ đau ốm, tôi liền đến chăm sóc họ. Thời gian đầu, họ đối xử lạnh nhạt với tôi. Lúc ăn cơm, ngoại trừ chị dâu ra thì tất cả nhà chồng đều lạnh lùng với tôi. Trong tâm tôi khó chịu và cố kìm nước mắt, vội vàng ăn xong bữa cơm, thu dọn bát đũa rồi trở về nhà. Về đến nhà, nước mắt tôi vẫn cứ trào ra. Mẹ tôi thấy đau lòng và khuyên tôi không nên quay lại đó nữa, sao phải tự làm khổ mình như vậy. Tôi tự nhủ với bản thân: “Không được. Tôi nhất định phải nhẫn và ở đâu hay lúc nào, tôi cũng phải làm một người tốt”.
Sư phụ giảng:
“Khi gặp khó khăn kiếp nạn, hoặc khi vượt quan, chư vị hãy thử xem: khó Nhẫn, chư vị hãy cứ Nhẫn xem sao; thấy thật khó làm, nói là khó làm, chư vị cứ làm xem cuối cùng có làm được chăng”. (Bài giảng thứ chín, Chuyển Pháp Luân)
Tôi tiếp tục đến thăm bố mẹ chồng và dần dần tôi cũng không còn cảm giác ủy khuất nữa. Tôi thiện đãi gia đình chồng và giúp họ làm việc nhà. Trong dịp Năm mới (Tết Âm lịch), tôi mua những đồ đặc sản biếu chị dâu và chị ấy cũng đối với tôi rất nhiệt tình. Bố mẹ chồng bắt đầu mỉm cười với tôi và rất thích tâm sự với tôi. Sau đó, bố chồng tôi trả lại cho tôi số tiền tuất và khoản bồi thường mà ông đã nhận từ nơi làm việc của chồng tôi và bảo tôi hãy lấy số tiền đó để dùng vào việc học của con gái tôi. Khi con gái tôi đi học trung học, bố mẹ chồng tôi đưa cho tôi 5.000 nhân dân tệ và kiên quyết yêu cầu tôi phải nhận. Tôi đã cố gắng từ chối, nhưng không thể lay chuyển được họ. Vì sợ họ phật ý nên tôi miễn cưỡng nhận 2.000 nhân dân tệ, và gửi lại họ số tiền còn lại.
Thoái ĐCSTQ
Sau khi cuốn sách Cửu Bình (Chín bài luận về đảng cộng sản) được xuất bản, nó đã làm dấy lên làn sóng thoái ĐCSTQ trên toàn quốc. Hầu hết gia đình và bạn bè của chồng tôi đều đã từ bỏ làm đảng viên, ngoại trừ chị gái của chồng tôi. Chị ấy từ chối thoái ĐCSTQ bất chấp tôi đã rất nỗ lực khuyên chị ấy, vì chị ấy bị ảnh hưởng bởi chủ nghĩa tôn thờ tiền bạc và sợ hãi trước sự chuyên chế của ĐCSTQ. Chị ấy bảo tôi: “Nhét tiền đầy túi, đó mới là điều quan trọng nhất.”
Vì quan niệm tiền bạc là trên hết, chị ấy đã rời nhà một mình đến thành phố khác làm việc bất chấp sự phản đối của chồng để kiếm thêm tiền. Chồng chị ấy đã ngoại tình từ lâu, chỉ là giấu chị ấy mà thôi. Giờ đây, anh ấy ở nhà một mình, càng có cơ hội để làm những gì mình muốn, và ngay sau đó anh ấy đã tìm cách ly hôn. Chị dâu tôi đau đớn và chịu đả kích rất lớn trước sự phản bội của chồng. Chị cảm nghiệm được sự vô thường của thế gian con người và bắt đầu dấy lên tâm kính ngưỡng Thần và Phật. Chị ấy cũng trở nên hiền hòa hơn rất nhiều. Để gần gũi hơn với chị ấy, hàng năm tôi đều đến thăm và mang theo những món ăn mà chị ấy yêu thích. Khi cô con gái lấy chồng xa của chị ấy về quê chơi, tôi sẽ mời hai mẹ con chị ấy ăn tối. Khi tôi đề cập đến việc thoái ĐCSTQ, chị dâu tôi đã không còn nói chẹn họng tôi nữa. Thay vào đó, chị ấy im lặng, nhưng vẫn không đồng ý thoái ĐCSTQ.
Năm ngoái, sau khi đại dịch bùng phát, cả nước đã bị phong tỏa. Tôi vẫn vương vấn trong tâm việc chị dâu còn chưa thoái đảng. Tôi đeo khẩu trang và đi đến bệnh viện nơi chị ấy làm việc. Chị ấy rất lo lắng và liên tục yêu cầu tôi về nhà, bảo tôi phải chú ý an toàn. Tôi biết chị ấy đang lo lắng, sợ tôi bị ĐCSTQ bức hại. Bởi không muốn khiến chị ấy lo lắng thêm, nên tôi không nói gì thêm và trở về nhà.
Chớp mắt đã nửa năm trôi qua, làn sóng thứ hai của đại dịch viêm phổi Vũ Hán lại bùng phát. Hầu hết những người tôi đã nói chuyện đều sợ bị lây nhiễm vi-rút, và đều thoái ĐCSTQ sau khi tôi giảng chân tướng cho họ. Mặc dù thỉnh thoảng tôi sẽ chạm mặt chị dâu và thậm chí còn có người thoái xuất khỏi ĐCSTQ trước mặt chị ấy, nhưng tôi không biết phải nói gì với chị ấy khi nhìn thấy vẻ mặt nghiêm nghị của chị ấy.
Một đêm nọ, vào khoảng 8 giờ tối, chị ấy gọi điện cho tôi. Con gái chị đã ly hôn và con rể thì đã bí mật tiêu hết số tiền có trong thẻ tín dụng của con gái chị ấy. Ngân hàng đã kiện con gái chị ấy lên tòa án. Nếu không nhanh chóng trả nợ ngân hàng, con gái chị sẽ phải đối mặt với kiện tụng. Con rể của chị đã dọn ra ngoài từ lâu và bặt vô âm tín. Con gái chị ấy không còn cách nào khác là phải nhờ mẹ giúp đỡ. Đơn vị công tác của chị ấy cũng gặp khó khăn và chị ấy đã không được trả lương trong vài tháng. Chị ấy gọi cho tôi với hy vọng có thể vay được 6.000 nhân dân tệ. Tôi không chút do dự liền đồng ý cho chị ấy vay 10.000 nhân dân tệ. Chị ấy lập tức đến chỗ tôi và tôi đưa tiền cho chị.
Chị ấy đã khóc khi kể cho tôi nghe những bất hạnh của con gái mình. Tôi an ủi chị ấy và bảo chị ấy thoái ĐCSTQ và bảo rằng chị ấy sẽ được phúc báo sau khi thoái đảng, và chị ấy sẽ được bình an. Chị ấy đã đồng ý. Tôi cũng bảo với chị: “Chị biết không? Em đã phát chính niệm cho chị vào mỗi buổi sáng, hy vọng chị sẽ bình an và có một tương lai tươi sáng”. Chị ấy cảm động không nói lên lời. Tôi cũng dặn dò chị nhớ niệm “Pháp Luân Đại Pháp hảo, Chân-Thiện-Nhẫn hảo” và chị ấy đã đồng ý ngay lập tức.
Trước khi chia tay, tôi nói với chị ấy: “Sau này nếu có chuyện gì cần em giúp, chị cứ nói với em, không có gì phải ngại ạ. Em sẽ cố gắng hết sức [giúp đỡ chị]. Chị là chị của em mà”. Chị ấy mỉm cười với tôi và tôi cũng mỉm cười đáp lại.
Bài viết chỉ thể hiện quan điểm hoặc nhận thức của tác giả. Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/11/30/434084.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2022/2/12/199161.html
Đăng ngày 22-04-2022; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.