Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp ở Trung Quốc

[MINH HUỆ 09-08-2021] Trung Quốc được mệnh danh là vùng đất Thần Châu từ thời cổ đại. Rất nhiều giá trị đạo đức truyền thống được lưu truyền từ lịch sử. Kính trọng người cao tuổi được coi là lòng tốt cơ bản của con người và là nền tảng cho sự thịnh vượng của đất nước.

Mạnh Tử (372 – 289 TCN), một nhà triết gia Nho giáo nổi tiếng Trung Quốc đã khuyên vua Lương Huệ Vương: “Tôn kính người già trong gia đình mình để những người già trong gia đình khác cũng được tôn kính như vậy; yêu thương con trẻ trong gia đình mình để con trẻ trong gia đình khác cũng được yêu thương như vậy.”

Tuy nhiên, trong cuộc đàn áp Pháp Luân Công, một môn tu luyện thiền định cổ xưa, các học viên lớn tuổi không chỉ không được tôn kính mà còn bị bức hại nghiêm trọng. Mặc dù Luật hình sự Trung Quốc quy định rằng: “Người đến tuổi 75 có thể bị phạt nhẹ hoặc giảm nhẹ khi phạm tội“ nhưng nhiều học viên lớn tuổi đã bị kết án nặng nề vì đức tin của mình.

Bà Hồ Khắc Anh, 85 tuổi, bị ra lệnh bỏ tù

Bà Hồ Khắc Anh, người thành phố Chu Khẩu, tỉnh Hà Nam, bị tòa án huyện Xuyên Hối năm 2017 kết án 5 năm tù và được lệnh thụ án tại nhà.

Năm 2019, thẩm phán ra lệnh cho thừa phát lại bắt giam bà Hồ, khi đó bà đã 83 tuổi với lý do “duy trì sự ổn định.” Đầu tiên bà bị giam tại trại giam Chu Khẩu, sau đó bị đưa đến nhà tù nữ Tân Hương. Sau khi nhà tù từ chối tiếp nhận bà do tuổi cao và chứng cao huyết áp, cảnh sát đã đưa bà trở lại Chu Khẩu và giam bà tại trại giam trong 2 tuần nữa trước khi thả bà ra.

Tháng Giêng năm 2021, Ủy ban Pháp luật và Chính trị tỉnh Hà Nam, một cơ quan ngoài vòng tư pháp chuyên giám sát cuộc bức hại đã ra lệnh cho cơ quan tư pháp địa phương đánh giá lại điều kiện của các học viên Pháp Luân Công đang được thụ án tại nhà hoặc được tại ngoại để điều trị y tế.

Bà Hồ bị đưa trở lại bệnh viện để kiểm tra sức khỏe. Bà được xác định là không đáp ứng điều kiện được miễn án tù nên thẩm phát đã ra lệnh cho bà trở lại trại giam Chu Khẩu vào đầu tháng 6. Trước đó, bà lại bị tăng huyết áp và luôn ở mức 230/130 mmHg.

Ngày 9 tháng 7 năm 2021, bà Hồ được đưa đến nhà tù nữ Tân Hương.

Bà Hồ bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công vào mùa xuân năm 1996. Chưa đầy hai tháng, mọi bệnh tật của bà biến mất mà không cần dùng thuốc. Sau khi cuộc bức hại bắt đầu vào năm 1999, nhiều lần bà Hồ đã đi đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện và bị tra tấn dã man. Kể cả khi nhà tù từ chối tiếp nhận bà do bà phát bệnh tim nặng thì bà cũng bị giam tại một trại giam trong 2 năm.

Ông Cung Quốc Khanh, 79 tuổi, bị kết án 8 năm tù giam

Ông Cung Quốc Khanh và hai học viên Pháp Luân Công khác đang đến thăm ông đã bị bắt tại nhà ông vào ngày 17 tháng 5 năm 2020.

Ngày 30 tháng 4 năm 2021, ông bị tòa án Vạn Bá Lâm thành phố Thái Nguyên kết án 8,5 tù giam.

Ông Cung tu luyện Pháp Luân Công vào cuối những năm 90. Trước đó, ông bị tình trạng kỳ lạ là thường xuyên ói mửa. Các xét nghiệm y khoa mở rộng đều không giải thích được tại sao. Ông đã khám ở nhiều bác sĩ Tây y lẫn Trung y. Tuy nhiên, sau khi ông tiêu tốn tất cả tiền tiết kiệm và trải qua nhiều đợt điều trị đau đớn, bệnh tình vẫn không thuyên giảm. Ông vẫn rất suy yếu và phải mặc áo len và quần dày vào mùa hè.

Trong khi đang tuyệt vọng, ông Cung được giới thiệu về Pháp Luân Công. Không lâu sau cơ thể ông được tịnh hóa và sau đó ông ăn uống lại được bình thường. Ông có thể giúp làm việc nhà.

Nhiều tháng sau, chính quyền cộng sản Trung Quốc ra lệnh đàn áp Pháp Luân Công vào tháng 7 năm 1999. Cảnh sát liên tục gây áp lực bắt ông từ bỏ đức tin của mình, đôi khi họ phá hàng rào và đột nhập vào nhà ông lúc nửa đêm để sách nhiễu ông. Ông bị giam trong một tháng sau khi bị bắt vào ngày 21 tháng 11 năm 2012 vì đã phân phát tài liệu Pháp Luân Công.

Vợ ông cũng bị tổn thương bởi cuộc bức hại và rơi vào trạng thái mơ mơ tỉnh tỉnh. Thị lực của bà giảm dần và hiện nay bà bị mù hẳn. Từ khi bà bị bệnh, ông Cung vẫn luôn chăm sóc cho bà.

Ông Lý Đăng Thần, 82 tuổi, bị kết án mười năm tù

Sau khi bị bắt và được thả nhiều lần, ông Lý Đăng Thần, một giáo viên đã nghỉ hưu ở thành phố Thần Châu, tỉnh Hà Bắc, đã bị kết án 10 năm vào tháng 1 năm 2021 vì đức tin của mình với Pháp Luân Công.

Ngày 22 tháng 10 năm 2018, ông Lý Đăng Thần bị bắt lần đầu tiên tại nhà. Cảnh sát đã lục soát nơi ở của ông và tịch thu các vật dụng có giá trị lên đến 150.000 nhân dân tệ. Do ông bị chứng huyết áp cao nên nhà tù thành phố Thần Châu từ chối nhận ông và cho ông về. Ngày hôm sau ông Lý đã đến đồn cảnh sát địa phương và yêu cầu trả lại những tài sản bị tịch thu, nhưng điều đó đều vô ích.

Nhiều ngày sau, ông Lý để ý thấy ai đó đã leo hàng rào vào nhà ông khi ông ra ngoài. Ông nghi ngờ chính cảnh sát đã cố tìm thêm các tài liệu liên quan đến Pháp Luân Công trong nhà ông. Vì vậy ông quyết định sống xa nhà để tránh bị bức hại.

Chỉ một tháng sau, vào ngày 23 tháng 11, ông lại bị bắt và đưa vào nhà tù thành phố Thần Châu. Trước khi bị bắt lần thứ hai, cảnh sát đã tống tiền gia đình ông 1.700 nhân dân tệ với lý do “phí khám sức khỏe”.

Ông lý bị bệnh phổi nghiêm trọng và được điều trị trong phòng chăm sóc đặc biệt vào năm 2019. Ông được tại ngoại vào ngày 26 tháng 4. Sau đó, ông trở nên hốc hác, mất tự chủ và không thể tự chăm sóc cho bản thân. Chân ông cũng sưng tấy. Sau khi tiếp tục tu luyện Pháp Luân Công tại nhà, ông ấy đã dần hồi phục. Tuy nhiên, chính quyền vẫn không ngừng nhăm nhe bức hại ông.

Vào cuối tháng 7 năm 2020, ông Lý nhận được thông báo phải ra hầu tòa vì vụ việc của mình. Ông lại sống xa nhà một tháng để trốn cảnh sát. Vào tháng 1 năm 2021, ông bị bắt thêm một lần nữa và nhận bản án 10 năm. Hiện ông ta đã được đưa đến nhà tù Bảo Định để thi hành án.

Trong các trường hợp khác, cảnh sát đã thay đổi tuổi của các học viên trong hồ sơ để biện minh cho các bản án nặng. Ví dụ, vào tháng 4 năm 2008, bà Hồ Duyên Thuận, người huyện Đại Anh, tỉnh Tứ Xuyên bị kết án 9 năm tù. Để biện minh cho bản án nặng, nhân viên văn phòng tư pháp huyện Đại Anh đã thay đổi tuổi của bà từ 76 thành 70 trước phiên tòa. Bà Hồ đã viết thư cho tòa án về việc thay đổi này nhưng không bao giờ nhận được hồi âm. Sau nhiều năm bị bức hại, bà không thể tự chăm sóc bản thân và bị mất trí nhớ nghiêm trọng.

Năm 2001, ông Vương Văn Phúc ở thành phố Bác Phiêu, tỉnh Liêu Ninh bị kết án 3 năm lao động cưỡng bức. Cảnh sát đã thay đổi tuổi của ông từ 68 thành 60 để ông không bị nhà tù từ chối tiếp nhận.

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung đăng trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/8/9/429234.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/10/27/196342.html

Đăng ngày 22-11-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share