Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp ở Mỹ
[MINH HUỆ 08-09-2021] Tôi muốn chia sẻ với mọi người về trải nghiệm tu luyện của tôi trong vài năm qua.
Chúng ta nên thực sự tu luyện bản thân
Bố mẹ của tôi chuyển đến Mỹ sống cùng tôi vào năm 2004. Mẹ tôi là học viên đã qua đời do nghiệp bệnh vào năm 2014. Bố tôi không tu luyện nhưng luôn ủng hộ. Ông thậm chí còn mắng mỏ và ngăn cảnh sát khi họ cố gắng bắt mẹ tôi hồi còn ở Trung Quốc. Tuy nhiên thái độ của ông đối với Pháp Luân Đại Pháp đã thay đổi đáng kể sau khi mẹ tôi qua đời. Ông nghĩ rằng mẹ tôi bị cảm lạnh vào mùa đông trong khi đang phát ấn bản đặc biệt của Shen Yun, vì vậy mà đổ bệnh.
Ông bắt đầu nói lời bất kính với Sư phụ và Đại Pháp. Ông cũng ngừng xem đài truyền hình Tân Đường Nhân và đọc báo Đại Kỷ Nguyên. Ông thường hay nói những điều gì tiêu cực khi nghe nhắc đến “Shen Yun.”
Tôi cố gắng giải thích cho ông nghe chuyện gì đã xảy ra. Tôi tìm mọi lý do mà tôi có thể nghĩ ra từ các bài giảng của Đại Pháp, nhưng những điều tôi nói đều không thay đổi được thái độ của ông. Các cuộc thảo luận của chúng tôi thường trở thành tranh luận. Cả hai chúng tôi đều bảo vệ quan điểm của mình và từ chối lắng nghe đối phương. Chúng tôi càng ngày càng giận nhau hơn. Cuối cùng tôi thậm chí còn nói: “Bố sẽ bị quả báo nếu còn nói những lời bất kính đối với Đại Pháp và Sư phụ.” Bố tôi nói rằng ông không sợ.
Tôi quyết định viết những gì cần nói vào một lá thư. Tôi sử dụng các thuật ngữ của người thường, bằng lý trí và lòng trắc ẩn, cố gắng để loại bỏ những hiểu lầm của ông. Tôi quyết định viết thư vì ông liên tục ngắt lời tôi bất cứ khi nào tôi nói chuyện với ông. Vào một ngày nọ, tôi đưa cho ông lá thư dày 10 trang giấy trước khi tôi đi làm và bảo ông hãy đọc nó. Ông không nói gì khi tôi về nhà. Tôi cũng không nhắc lại đề tài này vì tôi đã viết tất cả điều tôi muốn nói xuống rồi. Tôi cảm thấy thái độ của ông dịu đi một chút, nhưng cơ bản là không có gì thay đổi.
Tôi vẫn không thể nhắc đến Pháp Luân Đại Pháp. Nếu tôi nhắc đến một chút, ông liền lập tức nói điều tiêu cực. Khi tôi để ý thấy ông đang đọc các trang web công kích Đại Pháp của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), tôi đã chặn chúng.
Ông đã chửi bới tôi khi tôi tham gia nhóm học Pháp. Thỉnh thoảng ông yêu cầu tôi phải tắt nhạc khi luyện công. Tôi nói: “Đây là nhà của con. Bố có thể đi nếu bố không muốn ở đây nữa.” Ông nói ông muốn về Trung Quốc, nhưng tôi không muốn ông về lại đó, vì ông có thể mất cơ hội được cứu. Tôi cũng lo lắng rằng ông sẽ lan truyền thái độ tiêu cực của mình về Đại Pháp cho người thân và bạn bè ở Trung Quốc và tạo thêm nhiều nghiệp cho bản thân.
Tôi cứ nghĩ mãi và không hiểu nổi tại sao tôi lại không thể thay đổi được ông. Tôi nghĩ những gì tôi nói với ông rất thuyết phục. Khi kiểm điểm lại bản thân, tôi tìm thấy có một vấn đề cơ bản. Từ nhỏ tôi đã có một mối liên hệ rất chặt chẽ với mẹ, nhưng tôi không có nhiều tình cảm với bố. Trong thâm tâm tôi luôn coi thường ông, nghĩ rằng ông không có năng lực làm việc và lười làm việc nhà. Ông cũng có tính khí nóng nảy. Thực ra, ông không quá tệ. Ông không thích ĐCSTQ. Ông không gia nhập bất kỳ một tổ chức nào của ĐCSTQ, ngay cả đội thiếu niên tiền phong ông cũng không tham gia. Ông đã đọc các sách của Pháp Luân Đại Pháp và luyện công được một thời gian, nhưng đã dừng lại sau khi sức khoẻ của ông không được cải thiện. Ông cũng không tin vào những điều siêu thường. Tôi đã xem thường ông vì điều này.
Với tâm thái như thế, làm sao tôi có thể nhận được kết quả khả quan khi cố gắng giảng chân tướng cho ông?
Sư phụ giảng:
“Kỳ thực tôi cho mọi người hay, là vì lời chư vị nói ra mang theo tất cả tư duy của chư vị. Các chủng thất tình lục dục nơi người thường của chư vị, thậm chí những thứ chư vị chấp trước thật nhiều, trong lời mà chư vị nói ra đều mang theo các tư tưởng phức tạp, nên làm cho lời của chư vị không có lực lượng lớn như thế, rất phân tán.” (Giảng Pháp tại Pháp hội Thuỵ Sỹ năm 1998)
Sư phụ cũng giảng rằng:
“Giảng chân tướng không chỉ là giảng rõ đạo lý. Chư vị biết chăng? Khi giảng đạo lý giữa người thường với người thường, rất nhiều lúc cũng không phải chỉ là giảng rõ [đạo] lý đâu, là những gì họ giảng xuất ra, khiến cho lối nghĩ của đối phương bị áp lại, đối phương mới nghe theo họ, mới tin họ nói. Có rất nhiều người sẽ thấy cái này. Rằng khi giảng chân tướng cho người thường, năng lực của chư vị sẽ giải thể những thiên kiến, sẽ khiến những thứ bất hảo, những thứ không tốt trong đầu não của họ bị giải thể rớt đi, bản thân [việc đó] chẳng phải cứu độ sao? Chư vị nếu không tu luyện thì chư vị nào có năng lực đó?” (Giảng Pháp tại Pháp hội New York 2016)
Tôi biết mình cần loại bỏ những quan niệm của tôi về ông, buông bỏ những mong đợi của tôi và thực sự quan tâm đến ông. Tôi cần từ bi đối với ông.
Năm 2018 ông bảo tôi đưa ông đi Châu Âu chơi. Tôi không muốn đi vì chuyến đi sẽ mất của tôi những một tuần. Các đồng tu đề nghị tôi nên phù hợp tối đa với tiêu chuẩn của người thường. Nên tôi đã mua vé và chúng tôi đã đi Pháp. Khi đó, ông có các triệu chứng của bệnh Alzheimer giai đoạn đầu và đi bộ chậm chạp.
Có rất nhiều cặp đôi trên đường phố Paris, nhưng tôi lại đến đó cùng một ông già, người không thể đi nhanh và nghĩ rằng chúng tôi đang ở Canada. Một ngày nọ, bố tôi đã đại tiện ra quần và tôi đã vệ sinh cho ông. Khi tôi đang giúp bố mặc quần, ông nói: “Cảm ơn”. Đây là lần đầu tiên tôi nghe thấy ông cảm ơn tôi bằng ngữ khí chân thành như thế này! Tôi nói đó là những gì tôi nên làm.
Ông nói: “Không có nhiều việc ‘nên làm.’”
Tôi đáp: “Nếu bố muốn cảm ơn, hãy cảm ơn Đại Pháp.”
Ông nói: “Được, cảm tạ Đại Pháp.”
Khi ấy tôi biết ông đã thay đổi.
Ông không còn nhớ tên tôi do căn bệnh Alzheimer. Ông nghĩ tôi là em trai ông. Nhưng ông nhớ tên Sư phụ. Có lần ông hỏi tôi: “Dạo này Sư phụ Lý có khoẻ không?” Tôi rất ngạc nhiên vì trước đây ông không gọi Sư phụ là “Sư phụ.” Bây giờ mỗi sáng sau khi ăn sáng xong, tôi bật nhạc Phổ Độ và hỏi ông điều đầu tiên ông nên làm mỗi ngày là gì.
Ông đáp: “Niệm Pháp Luân Đại Pháp hảo! Chân-Thiện-Nhẫn hảo!” Ông đã quên hầu hết mọi thứ nhưng nhớ câu quan trọng nhất này.
Hiện nay sau hơn một năm niệm “Pháp Luân Đại Pháp hảo! Chân-Thiện-Nhẫn hảo! Bệnh cao huyết áp do di truyền, được chẩn đoán mắc từ khi còn trẻ, căn bệnh đã theo ông suốt đời nay đã hoàn toàn biến mất.
Tôi phải chăm sóc cho ông về mọi mặt. Tôi để ý thấy: Bất cứ khi nào tôi không kiên nhẫn và có niệm phàn nàn về ông, thì ngày hôm sau ông sẽ đi đại tiện ra quần. Ông thậm chí còn không biết là mình đã làm điều ấy. Và tôi sẽ phải mất cả tiếng đồng hồ để tắm rửa cho ông. Khi tôi tu luyện tốt, ông rất hiếm khi đi ra quần. Tôi biết ông không cố ý làm việc đó, vì điều này nằm ngoài nhận thức của ông. Tôi nhận ra chuyện này đã giúp tôi loại bỏ được chấp trước phàn nàn của mình. Đã đến lúc tôi phải thực sự buông bỏ hận thù và lấy khổ làm vui.
Sư phụ giảng:
“Đặc biệt là trong thời kỳ Chính Pháp, tất cả các sinh mệnh chính-phụ trong vũ trụ đều muốn có thể được cứu độ trong Chính Pháp lần này, kể cả vô lượng những Thần rất lớn ở tầng tầng lớp lớp cao nhất, và đặc biệt là chúng sinh của thế giới của họ, vì họ đều đặt một chân ở tại thế gian, ở trong tam giới, họ có thể bỏ qua cơ hội cứu mạng mà vạn kiếp không gặp được chăng? ‘Các vị cần phải cứu tôi’, đều nói ‘các vị phải cứu tôi, các vị phải cứu tôi’, nhưng hình thức biểu hiện không có giống như nhận thức luận lý của thế gian, [rằng khi yêu] cầu người cần phải rất lễ phép, rất khiêm tốn mới được: ‘các vị cứu tôi, tôi phải trước tiên cảm kích các vị, tôi cung cấp thuận tiện cho các vị’, nhưng không phải thế đâu. Như họ xem xét, ‘các vị muốn có thể cứu tôi, các vị phải có thể đạt tới tầng thứ của tôi mới được, các vị phải có uy đức ấy, các vị mới có thể cứu tôi được. Các vị không có uy đức ấy, các vị không đạt đến cao như tôi, thì cứu tôi sao đây?’ Vậy họ bèn để chư vị vấp ngã, chịu khổ, trừ bỏ chấp trước của chư vị, sau đó khiến uy đức chư vị được kiến lập, chư vị tu luyện đến tầng thứ nào đó rồi, chư vị mới có thể cứu họ được, [họ] đều làm như thế cả.” (Đệ tử Đại Pháp nhất định phải học Pháp)
Buông bỏ chấp trước vào danh lợi
Khi tôi rời bỏ vị trí của mình ở trường đại học vào năm 2008, và nhận được bốn lời mời làm việc trong hai tuần. Tôi đã không chọn công ty tốt nhất với mức lương cao nhất. Thay vào đó, tôi chọn một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở gần nhà mình. Tôi nghĩ rằng công việc này sẽ giúp tôi có thời gian linh hoạt và ít áp lực về công việc. Cũng dễ xin nghỉ phép để tôi có thể tham gia các sự kiện giảng chân tướng. Tuy nhiên tôi cũng biết rằng làm ở đây sẽ không có nhiều cơ hội để phát triển. Tôi biết rằng mình phải buông bỏ chấp trước vào danh lợi và chọn Pháp là điều quan trọng nhất.
Cách đây vài năm, tổ chức của tôi đã chi 150.000 đô la để thuê một công ty dữ liệu nổi tiếng làm một dự án. Đồng thời còn phải chi thêm một khoản kha khá để thuê thêm một công ty bên ngoài duy trì hệ thống đó. Tôi nói với tổ chức của mình rằng tôi có thể làm được công việc này và còn làm rất tốt. Tôi dành vài tháng để tham gia khoá học. Sau đó tôi phát triển một mô hình bằng cách sử dụng thuật toán mà tôi đã học. Sản phẩm của tôi tốt hơn của công ty tư vấn. Tuy nhiên, người quản lý không có chuyên môn về kỹ thuật không tin rằng kết quả của tôi có thể đánh bại sản phẩm của công ty bên ngoài và thậm chí còn đặt câu hỏi về phương pháp của tôi.
Thị trường cho rằng dự đoán từ mô hình của tôi cho kết quả tốt, và đáp ứng mong đợi. Một số đồng nghiệp đã khen ngợi tôi, nhưng tổ chức vẫn giữ im lặng. Tôi cảm thấy điều này là không công bằng, vì sản phẩm của tôi cho kết quả tốt hơn và tiết kiệm được khá nhiều tiền nhưng lại không nhận được nhiều sự công nhận từ tổ chức. Tôi nghĩ rằng tổ chức không tôn trọng nhân tài và có thể đã đến lúc tôi phải rời đi. Tôi bắt đầu tìm việc khác.
Tôi lấy cớ từ Pháp, chẳng hạn như một người bạn cùng lớp của tôi là kiến trúc sư trưởng tại một công ty phần mềm nổi tiếng và người khác là Phó chủ tịch của một ngân hàng lớn. Nếu tôi có một danh hiệu cao quý, nó sẽ giúp tôi giảng chân tướng cho mọi người tốt hơn. Mặc dù bề ngoài những lý do này nghe có vẻ tốt, nhưng tôi biết chấp trước vào danh lợi của mình đã được phơi bày.
Sư phụ giảng:
“Thanh niên thường khó tự chủ bản thân; bình thường chư vị thấy họ rất tốt; khi chưa có bản sự gì nơi xã hội người thường, thì tâm danh lợi của họ rất nhẹ. Rồi một khi nổi danh, thông thường họ rất dễ bị tâm danh lợi can nhiễu” (Bài giảng thứ ba, Chuyển Pháp Luân)
Tôi biết rằng nếu tôi nhận được thứ mà mọi người thường coi là “công việc tốt hơn,” tôi có thể kiếm thêm vài chục nghìn đô-la, nhưng khối lượng công việc của tôi sẽ gấp đôi. Mọi người thường hay nói “thời gian là tiền bạc.” Đối với những học viên đang cố gắng cứu người, thì thời gian quý báu là rất ít. Điều tôi thực sự cần là thời gian. Tôi quyết định không thay đổi công việc của mình, nhưng điều này đã can nhiễu tôi trong vài tháng.
Tôi hướng nội để tìm xem lý do tại sao tâm tôi lại bị động mặc dù tôi nghĩ mình đã buông bỏ chấp trước danh lợi. Tôi nhận ra trạng thái tu luyện của mình đã đi xuống. Tôi không còn tinh tấn luyện công và học Pháp như trước.
Tôi bắt đầu học thuộc Chuyển Pháp Luân vào năm 2006. Tôi nghĩ rằng mỗi lần học thuộc lòng cuốn sách nó sẽ dễ dàng hơn và nhanh hơn. Tuy nhiên chuyện này không hề xảy ra. Lý do chính là tôi đã dành quá ít thời gian cho nó. Tôi không có thời gian nhất định để học Pháp. Nhiều lần tôi đã trì hoãn việc học Pháp khi có những việc cấp bách khác đến. Cuối cùng khi tôi có thời gian thì thường buồn ngủ. Tôi biết trạng thái này là nguy hiểm.
Trang web Minh Huệ tiếng Trung đã đăng loạt bài chia sẻ “Trong trạng thái tiệm ngộ nhìn thấy nguyên nhân của nghiệp bệnh trường kỳ” vào năm 2014. Nó chỉ ra nhiều vấn đề phổ biến trong các học viên. Tôi hiểu được rất nhiều qua những bài chia sẻ đó. Một hiện tượng được đề cập là “Mặt ngoài tinh tấn, nhưng thực chất là buông lơi.” Tôi cảm thấy mình đang như vậy.
Đôi khi tôi tự hỏi tại sao nhiều người mắc bệnh nan y đã khoẻ lại sau khi tu luyện Pháp Luân Đại Pháp, nhưng một số khác lại qua đời do nghiệp bệnh. Đối với những người mắc bệnh nan y họ thực sự muốn tu luyện, họ tu luyện một cách thành tâm. Động cơ của họ không phải là được trị bệnh. Tâm tính của họ đã thăng hoa từ người thường lên tầng thứ của một người tu luyện. Một bước nhảy lớn! Nếu chúng ta muốn thoát khỏi nghiệp bệnh nặng, tâm tính của chúng ta cũng cần phải đề cao đáng kể, sau đó cơ thể của chúng ta cũng sẽ trải qua những thay đổi tương ứng.
Đề cao tâm tính là quá trình dần dần theo thời gian. Sư phụ giảng,
“Một niệm của người ta là có trường kỳ tu luyện tạo được cơ sở.” (Giảng Pháp tại thành phố New York, Giảng Pháp Tại Pháp Hội Mỹ Quốc [1997])
Nếu chúng ta không đề cao trong phương diện tu luyện nào đó của mình, chúng ta sẽ khó làm được như vậy khi đối mặt với đại nạn.
Sư phụ giảng:
“Chính là công này của chúng ta mặc dù tu rất nhanh, [nhưng] những năm còn lại của cuộc đời vị ấy có đủ để tu luyện hay không? Nghiêm túc mà nói, đối với bất kỳ ai đều đủ, tuổi lớn bao nhiêu cũng như nhau. Nhưng có một điểm, người bình thường chúng ta không nắm chắc được, miệng chư vị nói có thể nắm chắc được, chư vị thực chất vẫn là không nắm chắc, bởi vì chư vị chưa tu đến cảnh giới cao như thế, tâm của chư vị chưa đạt đến tiêu chuẩn cao như thế, vì vậy chư vị không nắm chắc được.” (Giảng Pháp tại Pháp hội Sydney [1996])
Bây giờ mỗi ngày tôi có một khoảng thời gian nhất định để học Pháp trực tuyến với các học viên khác trong một giờ đồng hồ. Trong khoảng năm tháng, chúng tôi đã đọc tất cả các bài giảng của Sư phụ. Việc học thuộc Pháp rất khó để phối hợp với các học viên khác, vì vậy tôi vẫn cần phải sắp xếp thời gian để tự mình làm việc này. Đây là điều mà tôi cần đột phá.
Thay đổi suy nghĩ
Khi còn nhỏ, tôi đã phát triển thói quen suy nghĩ về mọi thứ. Tôi có xu hướng suy nghĩ theo hướng tiêu cực và tôi lo lắng về tất cả mọi thứ. Bởi vì tôi nghiên cứu khoa học và công nghệ, nên tôi đã hình thành một lối suy nghĩ rất mạnh mẽ bằng cách sử dụng suy luận logic dựa trên khoa học thực nghiệm.
Tôi nhận thấy thói quen và quy trình suy nghĩ của mình đã cản trở tôi nghiêm trọng, mặc dù tôi có thể không nhận ra điều đó. Vì tôi học Pháp với những thói quen mà tôi đã phát triển trong học tập khoa học, nhiều khi tôi chỉ đi vòng tròn. Ví dụ, tôi tưởng tượng mình nên xử lý như thế nào nếu tôi tức giận trong mâu thuẫn.
Sư phụ giảng:
“Nhẫn không phải là tức giận rồi thì mới nhẫn, mà là hoàn toàn không tức giận.” (Giảng Pháp và trả lời câu hỏi ở Quảng Châu, Chuyển Pháp Luân Pháp Giải)
Tôi cũng tưởng tượng ra việc mình sẽ buông bỏ mọi chấp trước như thế nào khi gặp đại nạn hoặc đối mặt với nghiệp bệnh. Sư phụ giảng:
“Hôm nay tôi đọc Minh Huệ Net báo cáo, thấy một học viên chân bị đánh đến xương cốt vỡ nát cả, không nối tiếp lại thì đã băng thạch cao. Học viên này không nghĩ chút gì rằng bản thân sẽ tàn phế, hoàn toàn không để ý; hàng ngày học Pháp, chính niệm rất đầy đủ, có thể ngồi dậy được chút thời gian nào liền luyện công.” (Giảng Pháp tại Pháp hội San Francisco năm 2005)
“Thế nào gọi là ‘chính niệm’? Đó chính là ‘chính niệm’.” (Giảng Pháp tại Pháp hội San Francisco năm 2005)
Một đồng tu đã chỉ ra sơ hở của tôi “Kiểu suy nghĩ logic này đã khiến bản thân bị mắc kẹt trong giả tướng giả tu; do đó việc tu luyện trở nên giống như một chiếc đu quay: nó cứ quay vòng vòng mà không tiến lên.” Lúc đầu, tôi không đồng ý với điều này, nhưng sau đó tôi nhận ra rằng nó quả đúng là như vậy.
Trong quá trình hiểu Pháp và loại bỏ các chấp trước, tôi cũng có xu hướng rơi vào lối suy nghĩ logic kiểu công thức. Einstein từng nói: “Tư duy trực giác là món quà tặng thiêng liêng. Tư duy lý luận là tên đầy tớ trung thành.” “Đầy tớ” có nghĩa là chúng ta có thể sử dụng nó khi chúng ta muốn, nhưng không phải khi chúng ta không muốn. Chúng ta là những người chỉ đạo những người đầy tớ của mình, không phải là để chúng chi phối. Chúng ta cần sử dụng tư duy logic trong công việc hàng ngày của con người, đặc biệt là trong nghiên cứu khoa học. Nhưng lối suy nghĩ logic dựa trên công thức là chướng ngại nghiêm trọng trong tu luyện.
Khi dành nhiều thời gian hơn để học Pháp, tôi thấy rằng cách suy nghĩ của mình dần thay đổi. Tôi không còn có truy cầu mạnh mẽ trong tu luyện nữa. Tôi đã hiểu sâu hơn về “Vô vi là Đại Pháp.” (Giảng Pháp tại Pháp hội Bắc Mỹ lần đầu [1998]) Tôi không còn cố gắng tu bằng trí tưởng tượng của mình nữa, mà chỉ cố gắng tu khi các tình huống thực sự xảy ra. Tôi không còn có những ý nghĩ tiêu cực khi sự cố xảy ra. Nếu những suy nghĩ tiêu cực của tôi xuất hiện, tôi xác định chúng là tiêu cực và ngăn chúng lại. Tôi không còn dễ dàng bị mắc kẹt trong “logic” nữa.
Sự thay đổi này không phải là thứ mà tôi đạt được nhờ truy cầu. Giải pháp là tĩnh tâm, học Pháp và hoà tan trong Pháp. Sau đó, những thay đổi tự nhiên xảy ra.
Tất nhiên, tôi vẫn có một số kiểu tư duy logic, vì nó đã ăn sâu trong người tôi. Tôi tin rằng miễn là tôi tiếp tục học Pháp và tu luyện, nó sẽ dần giảm bớt. Tu luyện là dần dần thoát ra khỏi cách suy nghĩ và cấu trúc của con người, để cuối cùng đạt đến trạng thái của một vị Thần.
Cải thiện kỹ năng
Trong khi giảng chân tướng cho xã hội phương Tây, tôi phát hiện thấy có một số học viên đã chịu sự bức hại vô cùng tàn bạo, nhưng cách mọi người kể lại câu chuyện của họ lại không gây xúc động cho lắm. Các học viên khác không chịu đựng nhiều như vậy nhưng cách họ nói về trải nghiệm của mình rất cảm động. Điều này cho thấy sự khác biệt trong kỹ năng diễn đạt và giao tiếp.
Tôi bắt đầu chú ý đến kỹ năng viết tiếng Anh của mình. Tôi nhận ra rằng nghe Pháp trong khi lái xe là không tốt vì tôi không thể tập trung vào những gì Sư phụ giảng. Tôi đã mua một số sách nói về viết và giao tiếp tiếng Anh. Tôi lắng nghe họ khi tôi lái xe hoặc khi tôi đi dạo với bố. Tôi đã nghe khoảng 10 cuốn sách và học được khá nhiều. Tôi cũng đọc về cách viết tiếng Anh trong khi ăn. Khi tôi đọc một câu tuyệt vời trên Đại Kỷ Nguyên tiếng Anh hoặc các phương tiện truyền thông khác, tôi viết nó ra. Theo thời gian tôi đã cải thiện kỹ năng viết và giao tiếp bằng tiếng Anh của mình.
Trân quý cơ hội tu luyện
Tôi đã hỗ trợ kéo một chiếc thuyền Pháp Luân Đại Pháp vào năm 2002 để các học viên có thể tham gia các cuộc diễu hành tại địa phương. Một ngày nọ, tôi cần lấy một biểu ngữ từ xe của mình. Khi tôi mở thùng xe ra tôi đột nhiên có cảm giác mạnh mẽ rằng vô số vị Thần trong vũ trụ đều đang tật đố với tôi vì tôi có thể chứng thực Đại Pháp trong thế giới con người. Tôi không nghĩ về điều này, vì vậy tôi không chắc ý tưởng này xuất hiện trong đầu mình như thế nào. Thiên mục của tôi không mở – nhưng cảm giác đó mạnh đến mức tôi ngay lập tức rơi nước mắt. Nhiều năm sau tôi vẫn nhớ lại khoảnh khắc đó một cách sống động.
Tôi hy vọng tất cả chúng ta đều trân quý cơ hội mà vô số vị Thần đều ngưỡng mộ này, cơ hội được tu bản thân và chứng thực Pháp trong thế giới con người. Tất cả chúng ta hãy cùng nhau bước những bước cuối cùng trên con đường tu luyện của chúng ta!
[Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org]
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/9/8/430541.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/9/14/195067.html
Đăng ngày 31-10-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.