Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ ở tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc

[MINH HUỆ 18-08-2021] Vào ngày 6 tháng 11 năm 2020, bà Vương Phúc Hoa, một phụ nữ ngoài 60 tuổi ở thành phố Tuy Hóa, tỉnh Hắc Long Giang, đã được thả khỏi Nhà tù Nữ Tỉnh Hắc Long Giang, sau khi đã phải thụ án hai năm tù vì nói chuyện với mọi người về Pháp Luân Công, một pháp môn tu luyện đã bị chính quyền Cộng sản Trung Quốc bức hại từ năm 1999. Bà trông tiều tụy và trông già hơn nhiều so với tuổi của mình.

Nỗ lực buộc bà Vương từ bỏ đức tin vẫn tiếp diễn sau khi bà trở về nhà. Phòng An sinh Xã hội yêu cầu bà phải hoàn trả lại số tiền trợ cấp mà bà đã nhận trong hai năm bà ngồi tù và đe dọa sẽ đình chỉ lương hưu trong tương lai của bà, với lý do chính sách mới cấm tất cả các học viên Pháp Luân Công đang thụ án nhận bất kỳ khoản trợ cấp hưu trí nào.

Ngoài ra, khoản lương hưu tăng mà bà Vương nhận được trong thời gian hai năm đã bị xóa và lương hưu hàng tháng của bà đã bị hạ xuống mức trước khi bà bị bắt. Không còn lựa chọn nào khác, gia đình bà Vương đã trả 60.000 Nhân dân tệ theo yêu cầu để bà được nhận lại tiền trợ cấp.

Vào tháng 4 năm 2021, bà Vương lại bị sách nhiễu và được lệnh phải viết tuyên bố từ bỏ Pháp Luân Công. Nhà chức trách đe dọa sẽ đưa bà đến trung tâm tẩy não nếu bà không chịu tuân thủ.

Bị bắt và giam giữ

Vào ngày 3 tháng 10 năm 2018, bà Vương và bốn học viên Pháp Luân Công địa phương khác, bao gồm bà Triệu Đình Đình, ông Dương Truyện Hậu, bà Vương Phương và bà Bạch Hà, đã đến quận Lan Tây gần đó để phân phát tài liệu thông tin về Pháp Luân Công và đã bị bắt.

Họ bị thẩm vấn tại Trại tạm giam Lan Tây. Tất cả đều từ chối cung cấp tên tuổi của họ. Bị cảnh sát uy hiếp, bà Vương đã bị ngất đi.

Cảnh sát phát hiện ra rằng các học viên đến từ Tuy Hóa sau khi phát hiện ra một biên lai trong xe của ông Dương. Họ chụp ảnh từng học viên và gửi thông tin đến Phòng 610 Tuy Hóa, một cơ quan ngoài vòng pháp luật được thành lập đặc biệt để bức hại Pháp Luân Công. Phòng 610 sau đó đã tìm ra tất cả tên tuổi của các học viên.

Cảnh sát Vinh Lực của Phòng An ninh Nội địa Huyện Lan Tây đã đưa năm học viên đến Công an Huyện Lan Tây và thẩm vấn riêng họ. Mỗi học viên bị đưa vào một phòng riêng biệt và ngồi trên một chiếc ghế kim loại với tay và chân của họ bị trói.

Bà Vương giải thích về Pháp Luân Công cho hai cảnh sát đã thẩm vấn bà và kêu gọi họ không tham gia vào cuộc bức hại. Cảnh sát đã từ chối lắng nghe và thay vào đó ghi âm lại những lời nói của bà và sử dụng chúng làm bằng chứng truy tố bà.

Sau đó, sỹ quan Vinh Lực đã đưa các học viên đến Bệnh viện Huyện Lan Tây để kiểm tra sức khỏe. Mặc dù bà Vương được phát hiện mắc chứng huyết áp cao nguy hiểm, trại tạm giam Thành phố Lan Tây vẫn tiếp nhận bà.

Ngày hôm sau, ngày 4 tháng 10, cảnh sát đột kích vào nhà của bà Vương. Họ tịch thu một máy in, mực in, máy cắt giấy và 1.000 Nhân dân tệ tiền mặt. Họ cũng bắt em gái của bà Vương, người tình cờ đến thăm bà trong cuộc đột kích, nhưng đã dịu lại khi biết rằng bà ấy không phải là học viên Pháp Luân Công.

Vào ngày 10 tháng 10 năm 2018, ba học viên khác, bao gồm bà Tống Hồng Vĩ (vợ ông Dương), bà Ngô Cảnh Hoa và bà Cao Cẩm Thục cũng bị bắt và đưa đến trại tạm giam khi họ đi đưa quần áo cho các học viên đang bị giam giữ.

Vào ngày 15 tháng 10, các học viên nữ bị đưa đến trại tạm giam An Đạt, nơi đã từ chối tiếp nhận bà Vương và bà Cao sau khi phát hiện ra họ bị chứng huyết áp cao nguy hiểm. Cảnh sát buộc trại tạm giam phải đo huyết áp của hai học viên ba lần trước khi cho phép thả họ. Bà Vương cũng bị phạt 1.000 Nhân dân tệ.

Bị bức hại tại trại tạm giam An Đạt

Vào ngày 23 tháng 11 năm 2018, một tháng sau khi bà Vương được tại ngoại, ba nhân viên cảnh sát đã đưa bà và bà Bạch, người cũng đã được tại ngoại, đến Công an Huyện Lan Tây, và sau đó đến trại tạm giam An Đạt vào lúc nửa đêm. Bà Vương đã bị giam trong trại tạm giam trong một năm.

Môi trường ở trại tạm giam An Đạt là rất tồi tệ, tối tăm và ẩm ướt. Một phòng giam thường có từ 20 đến 32 người. Tất cả những người bị giam giữ phải tắm rửa, ăn uống, đại tiện và ngủ trong cùng phòng giam cả ngày. Vì cửa sổ trong phòng rất hẹp và không có nhiều ánh sáng mặt trời, nhiều người đã bị ghẻ do môi trường bẩn thỉu và kém thông gió. Thức ăn được cung cấp rất ít và chất lượng kém. Đôi khi súp còn bị trộn lẫn với chất bẩn.

Trong phòng giam rất lạnh, nhưng một tù nhân tên là Trần Đan Đan đã lột quần áo của bà Vương và chỉ để lại quần áo lót khiến bà run lên vì lạnh.

Mỗi sáng, bà Vương được lệnh phải học thuộc nội quy phòng giam. Bà từ chối vì tin rằng mình vô tội.

Bất cứ khi nào bà bắt chéo chân khi thiền định, Trần Đan Đan đều đánh vào ngực bà. Trần cũng cố gắng ép buộc bà Vương viết một bản tuyên bố từ bỏ đức tin của mình.

Bác sỹ của trại tạm giam buộc bà Vương phải uống thuốc để hạ huyết áp. Tuy nhiên, thuốc khiến bà Vương chóng mặt và khó chịu. Khi bà từ chối uống thêm thuốc, Trần đã ném cốc nước của bà vào bồn cầu và đấm vào môi khiến môi bà bị sưng tấy.

Một lần khác, khi bà Vương từ chối uống thuốc, Trần đã gây áp lực với bà bằng cách ra lệnh cho tất cả các tù nhân ngồi bắt chéo chân.

Khi cô Triệu, người ngoài 20 tuổi, được chuyển đến phòng giam của bà Vương, cô và tất cả các học viên khác trong cùng phòng giam đã quyết định phản đối cuộc bức hại bằng cách từ chối mặc áo của phạm nhân. Trần bắt đầu đánh đập cô Triệu một cách đầy giận dữ. Bà ta đe dọa sẽ đánh bà Vương nếu bà không chịu mặc áo phạm nhân vào.

Bà Vương nói: “Chúng tôi là những người tốt và không phạm tội. Chúng tôi không nên bị bức hại như thế này. Chúng tôi không làm gì sai. Tôi không phải là một phạm nhân. Tôi sẽ không mặc áo phạm nhân!” Các tù nhân sợ rằng bà Vương sẽ bị đánh. Họ đã giữ bà và mặc áo phạm nhân cho bà.

Bà Vương luôn đối xử tốt với các tù nhân và thường chia sẻ thức ăn của mình với họ. Có một thiếu niên trong phòng giam của bà, người đã đánh cha dượng vì đối xử tệ bạc với cô ấy. Sau đó, cha dượng của cô đã trình báo cô với cảnh sát và đưa cô đến trại tạm giam. Người cha đã không gửi cho cô ấy bất kỳ nhu cầu thiết yếu hàng ngày nào hay gửi tiền mặt cho cô. Bà Vương luôn chăm sóc cho cô gái trẻ này, ngay cả các quản giáo cũng thấy cảm động. Một trong những người lính canh nhận xét rằng tất cả trẻ em sẽ được chăm sóc đầy đủ nếu chúng có cha mẹ như bà Vương.

Bị kết án một năm trong tù

Bà Vương Phúc Hoa và sáu học viên khác (bao gồm bà Triệu, ông Dương, bà Vương Phương, bà Bạch, bà Tống và bà Cao) đã bị đưa ra xét xử tại Tòa án Thành phố An Đạt vào ngày 16 tháng 4 năm 2019. Họ bị đưa đến tòa án với mũ trùm đen che kín đầu. Họ cũng bị còng tay và cùm chân. Vài phút sau phiên xét xử, bà Cao bị nôn mửa và ngất xỉu. Phiên xét xử sau đó đã bị hủy bỏ.

Phiên xét xử thứ hai được tổ chức vào ngày 14 tháng 5 năm 2019. Mỗi người trong bảy học viên đều được đại diện bởi một luật sư và tất cả đều biện hộ vô tội cho họ. Các luật sư lập luận rằng cuộc bức hại Pháp Luân Công không có cơ sở pháp lý. Họ cũng nhấn mạnh rằng các học viên Pháp Luân Công sống theo nguyên lý Chân, Thiện, Nhẫn, chỉ mang lại lợi ích cho xã hội mà không gây hại cho bất kỳ ai.

Thẩm phán đã kết án tất cả các học viên từ một đến hai năm tù. Bà Vương Phúc Hoa bị phạt hai năm tù và 10.000 nhân dân tệ. Các học viên đã kháng cáo lên Tòa án Trung cấp Thành phố Tuy Hóa, nhưng thẩm phán Lưu Ngạn Khôn đã ra phán quyết giữ nguyên phán quyết ban đầu.

Bị ngược đãi trong Nhà tù Nữ Hắc Long Giang

Bắt ngồi trên một chiếc ghế đẩu nhỏ

Các học viên nữ bị chuyển đến Nhà tù Nữ Tỉnh Hắc Long Giang vào ngày 29 tháng 11 năm 2019. Bà Vương Phúc Hoa được chỉ định vào đội một trong Khu số 9 và được lệnh viết “bản tuyên bố” từ bỏ Pháp Luân Công. Khi bà Vương từ chối tuân thủ, bà đã bị trừng phạt bằng cách bắt ngồi trên một chiếc ghế đẩu nhỏ, một hình thức tra tấn rất phổ biến được sử dụng đối với các học viên trong nhà tù.

Ghế chỉ cao 10 cm và có bề mặt rất hẹp, rộng không quá 20 cm. Học viên bị bắt phải ngồi trên ghế đẩu, hai chân ép vào nhau và đặt tay lên đầu gối. Nếu các tù nhân nhìn thấy các học viên nhắm mắt, họ sẽ đá hoặc đánh họ.

Bà Vương bị buộc phải ngồi trên ghế đẩu trong ngày đầu tiên ở nhà tù cho đến 10 giờ tối. Lúc 12 giờ sáng, bà bị ép phải tiếp tục ngồi. Khi bà nhắm mắt, các tù nhân đã chửi bới bà. Bà Vương bị đau chân khi ngồi và khó khăn khi đứng dậy hoặc ngồi xuống. Lưng của bà bị đau và ngực bà cảm thấy rất căng. Nhiều học viên bị đau khắp cơ thể, mông bị phồng rộp và thâm tím.

Chửi bới

Bà Vương là học viên Pháp Luân Công duy nhất trong phòng giam của bà. Các tù nhân được giảm án vì đã tra tấn bà Vương. Tù nhân Vương Tú Lệ đã dán một mảnh giấy có ghi những lời lăng mạ Nhà sáng lập Pháp Luân Công lên lưng bà Vương. Sau khi bà Vương gỡ nó xuống, một số tù nhân đã đẩy bà ngã và chửi mắng bà. Sau đó bà lại bị buộc phải ngồi trên một chiếc ghế đẩu nhỏ khi bà từ chối phỉ báng Pháp Luân Công.

Lao động cưỡng bức

Ngoài sự tra tấn về thể xác và tinh thần, các tù nhân còn bị bắt lao động không công.

Vào tháng 1 năm 2020, nhà tù phân công mọi tù nhân trong phòng giam của bà Vương làm lá thiếc bên trong phòng giam. Căn phòng nồng nặc mùi độc hại. Vào cuối ngày, lỗ mũi của họ lấp đầy bởi màu đen. Hầu hết họ đều bị ho nặng và đờm có màu đen.

Họ cũng bị yêu cầu đóng gói 800 đến 900 găng tay dùng một lần một vài lần. Các tù nhân bắt đầu làm việc từ 6 giờ sáng và sẽ dừng lại ăn uống lúc 7 giờ 30 sáng trước khi tiếp tục làm việc trở lại. Họ kết thúc công việc vào khoảng 6 hoặc 7 giờ tối. Công việc đã dừng trước Tết Nguyên Đán năm 2020 và sau đó được tạm dừng khi đại dịch bắt đầu.

Bài liên quan:

Bảy học viên Pháp Luân Công bị tống tù sau khi Tòa Phúc thẩm giữ nguyên kết án sai trái của họ

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/8/18/429720.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/9/23/195878.html

Đăng ngày 15-10-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share