Bài viết của đệ tử Đại Pháp trẻ ở Nhật Bản

[MINH HUỆ 06-09-2021] Tôi vừa chuyển sang chỗ ở mới. Cách trạm xe điện hai phút đi bộ có một nhà hàng Trung Hoa, bà chủ nhà hàng tầm 60 tuổi. Tôi nghĩ dì ấy là người hữu duyên, nên lúc rảnh tôi sẽ ghé qua giúp dì làm tam thoái.

Một hôm, tôi đã đến nhà hàng này. Dì ấy nói giọng vùng Đông Bắc khiến tôi cảm thấy rất thân quen. Chúng tôi đã trò chuyện với nhau. Tôi hơi lưỡng lự, cảm thấy thời cơ còn chưa chín muồi, do đó tôi nghĩ để lần sau mình mang theo tài liệu rồi giảng chân tướng cho dì ấy luôn.

Kết quả của lần do dự đó đã khiến tôi trì hoãn đến mấy tuần. Tôi biết mình phải hướng nội tìm, nhưng có đủ loại lý do để tôi né tránh. Ví dụ như, đôi lúc đi làm về muộn, nhà hàng đã đóng cửa, tôi bèn để sang ngày mai tính tiếp. Hôm sau, tối đi làm về, đi ngang qua nhà hàng, tôi lại nghĩ buồn ngủ quá, trạng thái của mình không tốt, hiệu quả giảng chân tướng sẽ không tốt. Vậy là tôi lại dời sang lần sau. Sau đó tôi lại đến đây, nhưng nhà hàng tạm nghỉ, lúc ấy tôi còn thấy vui trong lòng, tôi nghĩ hôm nay người ta nghỉ bán, chứ không phải mình không đi giảng chân tướng. Sau đó, tôi còn viện đủ thứ lý do để trốn tránh, nào là hôm nay chưa luyện công xong, mình không mang theo tài liệu v.v. Mãi cho tới một buổi tối nọ, tôi đi làm về rất muộn, đi ngang qua chỗ nhà hàng, vừa đúng lúc bà chủ đi ra ngoài cửa, dì ấy đẩy chiếc xe đi ngang qua tôi, nhìn thấy bộ dạng mệt mỏi của dì, tôi cảm nhận được sự mỏi mệt của một sinh mệnh đã sống hơn phân nửa cuộc đời, sự bất lực không có cảm giác thân thuộc thật sự và sự bi ai vĩnh viễn không biết sinh mệnh sẽ đi về đâu. Tôi biết đây chính là an bài để tôi giảng chân tướng cho dì ấy, nhưng do đã quá muộn nên tôi vẫn chưa gọi dì để nói chuyện.

Hôm sau trên đường đi làm, tôi nghĩ tối đi làm về mình ghé qua giảng chân tướng cho dì, dọc đường tôi nghĩ mình nên bắt chuyện thế nào, làm sao để đi vào chủ đề chính, dì ấy sẽ hỏi mình những câu nào. Lúc đến trạm xe, tôi chợt nhớ ra mình đã đổi túi xách khác, nhưng tôi lỡ để tài liệu trong cái túi kia rồi. Điều thần kỳ là khi bước lên xe điện, tôi nhìn thấy một dì đồng tu sống chung vừa lúc ra ngoài giảng chân tướng. Tôi đã xin dì ấy một quyển tài liệu tiếng Trung. Tôi thực sự biết ơn Sư phụ đã an bài chu đáo mọi thứ cho một đệ tử không biết nỗ lực và có tâm dựa dẫm vào tài liệu như tôi.

Tối hôm đó, tôi đi làm về, ra khỏi trạm xe, trong tâm cảm thấy hơi căng thẳng, tôi lại muốn viện đủ lý do như trước để khỏi đi giảng chân tướng. Tôi liền cảnh giác mình phải hướng nội tìm, chứ không được dừng lại ở trạng thái hiểu Pháp lý nhưng không chịu đi làm.

Tôi dừng lại hỏi bản thân, trước đây mình giảng chân tướng ở điểm du lịch không ít, bây giờ chỉ là một chuyện đơn giản, Sư phụ đã an bài tốt cả, chỉ cần mình bước đi và mở miệng nói mà sao cứ trì hoãn hết lần này tới lần khác, rốt cuộc mình đang né tránh điều gì? Là tâm chấp trước gì mạnh mẽ đến thế? Chính là sợ! Tôi đã nghe thấy câu trả lời như vậy. Tôi tự hỏi mình sợ gì nhỉ? Tôi sợ dì ấy không làm tam thoái. Vậy là tôi thấy khổ tâm vì sợ chúng sinh không được cứu phải không? Nếu thật sự là vậy, thì biểu hiện nên có của tôi là phải hành động ngay lập tức, vả lại tâm của con người sẽ không lúc nào dừng lại.

Tôi nhận ra mình khổ tâm vì cho rằng bản thân tu không tốt, cảm giác bản thân không làm được, cảm thấy thất bại và tiêu trầm. Nếu làm tam thoái thành công, thì sẽ vui mừng, sẽ cảm thấy bản thân có tự tin đứng giữa các đồng tu, mà các loại cảm xúc này đều đang xoay quanh bản thân, là chứng thực bản thân. Tiếp tục đào sâu xuống đây chẳng phải là “tư” hay sao? Tâm của tôi chất chứa đủ loại cảm xúc đan xen và bị dẫn động. Dù tôi cố ý hay vô ý, thường sẽ có loại cảm xúc nào đó thao túng tôi nghĩ rằng mình làm hay không làm gì đó, chứ không phải bản thân tôi thực sự đang làm chủ chính mình.

Thậm chí lúc bình thường tranh luận với đồng tu, tâm sĩ diện của tôi chẳng phải cũng giống vậy sao? Ngay cả biết mình đã sai, nhưng tôi vẫn muốn giữ hình tượng lý tưởng trong tâm mắt của đối phương, duy hộ cái “tư” kia, khiến nó can nhiễu tôi làm tốt ba việc, mà thông qua học Pháp, tôi cũng biết cảm giác của con người không là gì cả.

Sư phụ giảng:

”Con người ở thế gian, họ chỉ là hưởng thụ quá trình sinh mệnh, tôi từng nói rằng con người thật đáng thương, con người ở thế gian này họ chỉ là hưởng thụ những cảm thụ được mang đến cho con người trong quá trình sinh sống. Cách nói ấy của tôi khá là chuẩn xác. Ý là gì? Con người cảm thấy bản thân đang làm chủ chính mình, và những gì mình muốn làm, kỳ thực đó là thói quen và chấp trước hậu thiên được dưỡng thành trong khi [cảm thấy] ưa thích, đang truy cầu cảm thụ, chỉ là thế mà thôi; còn nhân tố đằng sau vốn thật sự khởi tác dụng rằng muốn làm gì, chính là đang lợi dụng những thứ như thói quen, chấp trước, quan niệm và dục vọng của người ta để khởi tác dụng. Thật sự thân thể người chính là như thế, chính là hưởng thụ những cảm thụ được mang đến trong quá trình sinh sống, đưa ngọt cho chư vị thì chư vị biết là ngọt, đưa đắng cho chư vị thì chư vị biết là đắng, đưa cay cho chư vị thì chư vị biết là cay, đưa thống khổ đến cho chư vị thì chư vị biết khó chịu, đưa hạnh phúc đến cho chư vị thì chư vị biết cao hứng.” (Đệ tử Đại Pháp nhất định phải học Pháp)

Tôi đã tìm ra những chấp trước này, bắt đầu phát chính niệm cường đại và cầu xin Sư phụ: Đệ tử không cần tâm sợ hãi này, không cần cái “tư”, không cần những suy nghĩ và vật chất tiêu cực này, đệ tử phải cứu người, hoàn thành tốt việc cứu người Sư phụ đã an bài, đệ tử chỉ là mở miệng mà thôi, thực sự cứu người là Sư phụ. Xin Sư phụ gia trì cho đệ tử! Tôi liền cảm thấy mình có chính niệm, vả lại chỉ giữ một niệm là tôi phải cứu dì ấy, ngay cả khi dì không làm tam thoái thì hằng ngày tôi sẽ đến nhà hàng của dì ăn cơm cho đến khi dì chịu tam thoái mới thôi. Tôi phát chính niệm suốt dọc đường đi, lúc ghé vào nhà hàng, tiện thể tôi gọi một bát mì để trò chuyện với bà chủ. Kết quả là tôi còn chưa kịp đi vào chủ đề chính, thì đã nghe dì ấy nói: “Chuyện này nếu ở Trung Quốc, thì cháu không có chỗ nào để nói, không có tự do …” Tôi cười thầm trong tâm, sinh mệnh này đúng là đang chờ tôi giúp làm tam thoái mà. Cuối cùng, tôi đã thành công giúp dì thoái xuất khỏi Đoàn và Đội bằng hóa danh. Lúc sắp sửa rời đi, tôi tặng dì ấy quyển tài liệu chân tướng.

Ra khỏi nhà hàng, trên đường về nhà, tôi cảm thấy vui trong lòng vì một sinh mệnh đã được đắc cứu, hơn nữa trong tâm tôi luôn biết ơn Sư phụ. Tôi biết ơn Sư phụ đã ban cho tôi một cơ hội nữa. Ngoài ra, một câu Pháp luôn hiện ra trong đầu tôi:

”Giảng chân tướng, cứu chúng sinh, đó chính là điều chư vị cần làm, trừ đó ra thì không có điều chư vị cần làm, trên thế gian này không có điều chư vị cần làm.” (Giảng Pháp tại Pháp hội New York 2015)

Kỳ thực có rất nhiều cơ hội như thế này, tôi nghĩ tới một đồng tu làm việc chung đã từng nói: “Cứu người không phải chỉ là trong các loại hạng mục như truyền thông v.v., mà mọi lúc mọi nơi đều có thể đi cứu người. Đi đến siêu thị, nếu bên cạnh bạn có một người Trung Quốc, bạn có thể làm được tiến tới giảng chân tướng cho anh ấy không?” Tôi nghĩ có lẽ mình chỉ làm được một lần, chỉ một lúc thôi, có lẽ không làm được đến mức thời thời khắc khắc đi đến đâu giảng đến đó. Có lẽ trong một hoặc vài hạng mục, tôi đang làm việc cứu người, hoàn thành sứ mệnh cứu người. Tôi cho rằng mình đã làm hạng mục tức là đang cứu người rồi. Những lúc không làm hạng mục, ví như khi ngồi trên xe điện hay đứng xếp hàng mua rau, nếu nhìn thấy chúng sinh cần giảng chân tướng thì tôi lại nghĩ mình cũng cố gắng làm hạng mục rồi, mình cũng đang cứu người mà. Có khi tôi bị quan niệm hậu thiên như ngại ngùng, không muốn làm phiền người khác v.v. Trói buộc. Có khi tôi tìm cớ thế này thế nọ để bỏ qua hết lần này đến lần khác, từ đó không đạt yêu cầu cứu độ chúng sinh và bỏ lỡ những người hữu duyên. Cơ hội tuy rất nhiều, nhưng nếu lỡ mất một lần thì ít đi một lần cơ hội. Vậy mà, các đồng tu ở Trung Quốc Đại lục chính là đang tận dụng mọi cơ hội như thế này để cứu người dưới áp lực cực lớn. Tôi thấy cách biệt giữa chúng tôi thật lớn, nó khiến tôi cảm thấy xấu hổ.

Tôi nghĩ dù bất kể ở đâu, đây đều không phải là trạng thái nên có của một người gánh vác trên vai sứ mệnh lịch sử và được gọi với danh hiệu đệ tử Đại Pháp thần thánh nhất trong toàn vũ trụ. Tôi biết trạng thái cứu người thật tốt đến từ chỗ chúng ta học Pháp nhiều, gia cường chính niệm, đồng thời cũng phải đi làm thực tế, thực tu, như vậy mới có thể tống khứ những quan niệm hậu thiên kia, đạt đến trạng thái cứu người thuần chính.

Đêm đó, tôi đã có một giấc mơ hết sức rõ ràng. Trong mơ không rõ là tôi đang ở Trung Quốc Đại lục hay ở Nhật Bản, chỉ biết hoàn cảnh ở đó rất căng thẳng. Tôi đi đến giữa ngã tư đường lớn, lúc này có một người phụ nữ cột tóc đuôi ngựa vội vã đuổi theo phía sau tôi, mặt mày hung ác, cô ta đứng ở bên phải trước mặt tôi, cách tôi rất gần, chỉ tay vào tôi và nói: “Cô luyện Pháp Luân Công à! Tôi sẽ báo cảnh sát để cảnh sát đến bắt cô!” Tôi rất sợ, run rẩy cố hết sức la lớn “Pháp Luân Đại Pháp hảo! Pháp Luân Đại Pháp hảo!” Tôi la hai lần liên tiếp, khi này đã xuất hiện một khung cảnh tráng quan. Một đoàn diễu hành lớn của Đại Pháp đi về phía hai chúng tôi, đệ tử Đại Pháp ở hàng đầu tiên mặc quần áo màu vàng có in chữ Đại Pháp, mỗi người cầm một tấm bảng lớn; ở sau lưng tôi cũng có một đoàn diễu hành tấu nhạc đi qua, có lẽ là Thiên Quốc Nhạc Đoàn; sau đó ở phía bên trái cũng có một đoàn diễu hành đi qua, đây là đoàn diễu hành của đệ tử Đại Pháp mặc trang phục dân tộc màu xanh lam trông tuyệt đẹp; đoàn diễu hành bủa vây bốn phía trông như họ vừa diễu hành xong ở các địa khu, cuối cùng toàn bộ các đoàn đều tụ họp về chỗ ngã tư này.

Lúc này, tôi nhìn thấy người phụ nữ khi nãy ở bên cạnh mình, ban đầu cô ta còn tức giận xoắn xuýt, nhưng bây giờ cô ta lại ngạc nhiên há hốc mồm, sau đó bỗng dưng cô ta bật cười, cuối cùng thì cô cũng nở nụ cười rạng rỡ trên môi. Cô ấy chuyển biến quá nhanh đến mức tôi thấy ngạc nhiên. Sau khi tỉnh giấc, tôi biết là Sư phụ khích lệ mình, Ngài đã gỡ bỏ tầng vật chất kia cho tôi. Đồng thời, ngay cả một người hung ác đến thế, khi ở trong trường chính niệm cự đại, thì rất nhanh giải thể nhân tố tà ác ở phía sau họ, lập tức hoán tỉnh mặt minh bạch của chúng sinh.

Tôi đã từng đọc qua một bài chia sẻ, khi đồng tu đang phát chính niệm vào sáng sớm, đồng tu nhìn thấy Sư phụ đã chuẩn bị tươm tất phần tài liệu, vật dụng cần phải phân phát trong một ngày và chỉnh tề ngay ngắn đặt chúng ở lối vào cổng, sau đó Sư phụ tĩnh tĩnh chờ đợi đồng tu bước ra khỏi cửa. Vậy thì, chúng ta còn có lý do gì để không bước đi nữa đây! Không được để tâm an dật lôi kéo bước chân tinh tấn của chúng ta. Không được để cho Sư phụ ở ngoài cửa chờ đợi chúng ta quá lâu.

Nếu có chỗ nào chưa dựa trên Pháp, mong quý đồng tu từ bi chỉ chính.

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org.


Bản tiếng Hán: https://big5.minghui.org/mh/articles/2021/9/6/不要讓師父等我們太久-430500.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/9/15/195071.html

Đăng ngày 06-10-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share