Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ tại tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc

[MINH HUỆ 25-07-2021] Bà Đằng Anh Phân đã bị bắt sáu lần kể từ khi Đảng Cộng sản Trung Quốc bắt đầu bức hại Pháp Luân Công vào năm 1999 và nhà của bà bị lục soát bảy lần. Bà cũng đã phải ngồi tù bốn năm và bị buộc phải sống xa nhà trong bảy năm. Trong khi bà sống xa nhà để tránh bị bắt giữ bất hợp pháp, chồng bà cũng phải thụ án 8 năm vì đức tin chung của họ, khiến cô con gái tuổi thanh thiếu niên của họ phải sống một mình.

Cuộc bức hại kéo dài đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của bà Đằng. Cư dân thành phố Chiêu Viên, tỉnh Sơn Đông này đã qua đời vào ngày 4 tháng 4 năm 2021, hai tháng trước sinh nhật lần thứ 60 của bà.

Tháng 8 năm 1996, bà Đằng bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công, một pháp môn tu luyện cả thân lẫn tâm cổ xưa. Trong vòng chưa đầy một tháng, nhiều căn bệnh hành hạ bà trong nhiều năm đã biến mất. Khuôn mặt tái xạm của bà cũng trở nên tươi tắn, hồng hào. Bà không còn tiều tụy như trước và tràn đầy năng lượng.

Chứng kiến những thay đổi nơi bà, chồng bà là ông Tôn Quốc cũng bước vào tu luyện và nhanh chóng bỏ thuốc lá, rượu chè. Con gái của họ khi đó vẫn đang học tiểu học cũng tham gia tu luyện cùng với bố mẹ.

Bắt giam và sách nhiễu nhiều lần

Khi chính quyền cộng sản bắt đầu tiến hành cuộc bức hại Pháp Luân Công vào ngày 20 tháng 7 năm 1999, gia đình ba người đã lên đường đến Bắc Kinh để nói lời công đạo cho Pháp Luân Công. Họ bị chặn lại khi mới đi được nửa đường và bị đưa trở lại Chiêu Viễn. Kể từ đó, họ không một ngày nào được sống yên ổn.

Lãnh đạo đơn vị công tác của bà Đằng và ông Tôn cũng như chính quyền thành phố địa phương liên tục cử người đến thuyết phục họ từ bỏ Pháp Luân Công. Khi họ từ chối, các nhà chức trách đã giám sát cuộc sống hàng ngày và nghe lén điện thoại của họ. Vào những ngày kỷ niệm liên quan đến Pháp Luân Công hoặc các sự kiện lớn trong thành phố, cảnh sát thường kéo đến nhà sách nhiễu họ. Sở Điện lực Chiêu Viễn nơi ông Tôn làm việc thậm chí còn cử người ngồi bên ngoài nhà của họ suốt ngày đêm, khiến họ không thể có một cuộc sống bình thường.

Không còn kênh nào khác để đòi công lý, gia đình họ lại đến Bắc Kinh vào ngày 19 tháng 1 năm 2001 để phản bức hại. Họ bị đánh đập tại Quảng trường Thiên An Môn và sau đó bị đưa về Chiêu Viễn. Bà Đằng bị giam 38 ngày, trong thời gian đó bà đã bị đuổi việc. Con gái bà cũng bị giam một ngày và được thả sau khi gia đình bà kiên quyết yêu cầu. Sau khi cô trở lại trường học, giáo viên đã không để cô tiếp tục làm lớp trưởng.

Ông Tôn bị giam gần ba tháng. Các lính canh từ trại tạm giam thành phố Chiêu Viễn đã tát vào mặt, đá vào người và dùng dùi cui sốc điện ông trong hơn hai giờ khiến người ông co quắp lại vì đau đớn. Các ngón tay của ông bị bỏng nghiêm trọng và không thể lành lại trong một thời gian dài. Ông không thể ăn uống trong nhiều ngày sau khi bị tra tấn và thường xuyên buồn nôn.

Ông hốc hác và rất yếu sau khi được thả ra khỏi trại tạm giam, nhưng Khương Hồng Hải từ nơi làm việc của ông và các nhân viên từ Phòng 610 địa phương đã đưa ông đến một trung tâm tẩy não, và ở đây ông bị cấm ngủ, cưỡng chế xem các video tuyên truyền phỉ báng Pháp Luân Công.

Ba tháng sau, lúc ông được phép trở lại làm việc, ông đã bị loại khỏi vị trí quản lý và bị đưa đến xưởng để làm các công việc chân tay nặng nhọc. Ông chỉ được trả 320 nhân dân tệ mỗi tháng. Phòng 610 cũng phạt ông 10.000 nhân dân tệ.

Ngày 25 tháng 4 năm 2001 trong khi ông Tôn vẫn còn ở trong trung tâm tẩy não, bà Đằng lại bị bắt tại nhà của một học viên khác. Các nhân viên Phòng 610 đã dùng búa phá cửa và đột nhập vào trong. Nhiều học viên bị bắt lúc đó đã bị giam trong trung tâm tẩy não trong một tháng.

Ngày 15 tháng 7 năm 2001, cảnh sát lại ập vào nhà bà Đằng và đưa bà đến Đồn Công an La Phong. Khi bà từ chối trả lời các câu hỏi, cảnh sát đã kéo lê bà trên sàn nhà, còng tay bà vào ghế vòng ra sau lưng, bà không được phép ngủ. Cơ thể bà chi chít những vết muỗi đốt.

Giữa tháng 10 năm 2001, cảnh sát lại lục soát nhà bà một lần nữa.

Ông Tôn bị kết án tám năm, bà Đằng buộc phải sống xa nhà

Vào ngày 13 tháng 4 năm 2002, một nhóm sĩ quan cảnh sát xuất hiện tại nơi làm việc của ông Tôn và cố gắng bắt giữ ông. Sau khi ông trốn thoát, ông đã bị đuổi việc. Trong khi đó, hàng chục cảnh sát đã bao vây nhà của họ, cố gắng ép bà Đằng tiết lộ tung tích của ông Tôn.

Để tránh bị sách nhiễu, bà Đằng buộc phải sống xa nhà. Lúc đó bà không biết rằng bà sẽ phải xa nhà đến tận bảy năm. Vào tháng 9 năm 2002 ông Tôn bị bắt và sau đó bị kết án tám năm tù.

Với việc cô con gái chưa thành niên của họ bị bỏ lại ở nhà một mình, các nhà chức trách liên tục sách nhiễu và theo dõi cô trên đường cô đến trường. Vào tháng 7 năm 2002, trong kỳ nghỉ hè, Phòng 610 đã ra lệnh cho trường học đưa cô đến trung tâm tẩy não để làm con tin. Khi cô trốn thoát, họ bắt một giáo viên phải đến nhà bà cô tìm cô. Cô gái trẻ cũng buộc phải sống xa nhà và sống lang thang trong suốt mùa hè năm đó.

Vào ngày 11 tháng 8 năm 2005, Lý Kiến Quang của Phòng 610 đã ra lệnh cho trường học phải đưa cô đến trung tâm tẩy não. Cô gái trẻ không chịu ăn uống tại trung tâm tẩy não, khóc lóc xin được đi học trở lại. Việc bắt giữ cô khiến ông bà cô vô cùng đau khổ. Mặc dù cô bé đã được thả sau 15 ngày, nhưng cô đã bị tổn thương sâu sắc bởi sự việc này.

Bà Đằng bị bắt giữ

Khoảng 10 giờ tối ngày 16 tháng 6 năm 2007, sáu nhân viên cảnh sát và nhân viên họ Lý của Phòng 610 đã đột nhập vào nơi ở trọ của bà Đằng và bắt cả bà và cô con gái, tịch thu máy tính xách tay và sách Pháp Luân Công của bà. Sau đó hai mẹ con bà bị đưa đến Trung tâm tẩy não thành phố Yên Đài.

Khi hay tin họ bị bắt, em trai và anh rể của bà Đằng đã đi taxi hơn 95km đến thành phố Yên Đài để tìm họ, nhưng vô ích.

Con gái của bà Đằng, khi đó là học sinh cuối cấp ba, đã bị giam giữ trong 15 ngày. Bà Đằng đã bị giam hơn một tháng, trong thời gian đó bà liên tục bị đánh đập và buộc phải xem các tài liệu tuyên truyền phỉ báng Pháp Luân Công.

Ngày 12 tháng 6 năm 2008, bà Đằng lại bị nhân viên Phòng 610 họ Lý bắt giữ ngay khi bà rời nơi thuê trọ. Lý yêu cầu bà cung cấp thông tin về các học viên khác, nhưng bà từ chối. Lý đã mắng chửi bà thậm tệ, và lần này, bà bị giam trong hai tháng.

Đến ngày 29 tháng 8 năm 2010, ngày cuối cùng trong kỳ nghỉ hè của con gái bà Đằng, khi hai mẹ con bà đang chuẩn bị đi mua đồ ăn sáng, và ngay vào lúc cô con gái bước ra khỏi cửa, cô đã bị cảnh sát nấp sẵn bên ngoài ập vào và bắt giữ. Bà Đằng đi sau con gái, nên đã nhanh chóng trở vào trong và đóng cửa lại. Nhưng cảnh sát đã đưa con gái bà đến đồn công an và giữ cô làm con tin.

Khi em trai của bà Đằng đến đồn công an để yêu cầu thả con gái bà, cảnh sát đã đưa cả hai người đến nhà bà Đằng và ép bà phải mở cửa.

Vương Túc Thành, người đứng đầu Đội An ninh Nội địa, kéo bà Đằng ra bên ngoài. Khi bà chống cự, Vương đã bỏ điếu thuốc lá đang cháy vào quần áo của bà. Con gái bà đã bật khóc và hét vào mặt ông ta: “Đừng làm mẹ cháu bị thương!”

Bất chấp lời van xin tuyệt vọng của cô con gái, cảnh sát đã đưa bà Đằng lên xe cảnh sát và đưa bà đến trung tâm tẩy não. Máy tính và sách Pháp Luân Công của bà cũng bị tịch thu.

Tại trung tâm tẩy não, bà Đằng bị trói vào một chiếc ghế kim loại trong ba ngày. Chân của bà bị sưng lên nghiêm trọng. Cảnh sát lại một lần nữa yêu cầu bà cung cấp thông tin về các học viên khác, nhưng bà vẫn từ chối.

Bản án bốn năm của bà Đằng

Sau một tháng ở trung tâm tẩy não, bà Đằng bị chuyển đến trại tạm giam và bị xét xử bí mật ở đó vào ngày 5 tháng 12 năm 2010.

Cách đó vài tháng, khi ông Tôn vừa được ra tù, ông đã thuê luật sư đại diện cho bà Đằng. Tuy nhiên, các nhà chức trách đã ngăn chặn quyền bào chữa của luật sư. Họ trừng phạt bà Đằng bằng cách đưa bà trở lại trung tâm tẩy não và giam bà ở đó thêm ba tháng.

Bà Đằng bị kết án bốn năm tù và bị chuyển đến Nhà tù Nữ tỉnh Sơn Đông vào ngày 20 tháng 4 năm 2011. Bà đã phải chịu đựng áp lực không thể tưởng tượng, bị tẩy não và tra tấn thể xác. Sau khi phục hồi sức khỏe nhờ tu luyện Pháp Luân Công, bà lại bị ngược đãi ở trong tù, khiến bà một lần nữa bị cao huyết áp, bệnh tim và vấn đề ở cổ. Trong sự thống khổ cùng cực, bà vẫn sống sót sau thời gian dài ngồi tù.

Sự ra đi của cha mẹ và bà Đằng

Các nhà chức trách thường xuyên sách nhiễu cha mẹ của ông Tôn và mẹ của bà Đằng sau khi cả bà Đằng và ông Tôn buộc phải sống xa nhà vào tháng 4 năm 2002 để tránh bị bức hại.

Vào lúc 9 giờ 30 phút tối ngày 2 tháng 6 năm 2003, cảnh sát đã sách nhiễu người mẹ gần 80 tuổi đang sống một mình của bà Đằng. Sau khi cảnh sát rời đi, bà cụ bị tổn thương sâu sắc và tinh thần trở nên thất thường. Bà cụ không thể kiểm soát được cảm xúc của mình và thường xuyên ra ngoài vào nửa đêm. Đôi khi bà cầm dao để chặt cây và phạt vườn rau của hàng xóm. Gia đình đã hai lần đưa bà vào bệnh viện tâm thần để điều trị. Bà thường bị trói và cưỡng bức dùng thuốc. Tổn thương tinh thần đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của bà và sau đó bà đã qua đời trong đau đớn.

Cha mẹ của ông Tôn, những người ngoài 80 tuổi, đã phải vật lộn để chăm sóc bản thân và thường xuyên rơi nước mắt trước những bức hại mà gia đình ông phải đối mặt. Mẹ của ông Tôn đã qua đời vào tháng 10 năm 2005 và cha của ông, 84 tuổi, qua đời vào tháng 9 năm 2007. Ông Tôn đã không được phép gặp họ lần cuối vì ông vẫn đang trong thời gian thụ án tại Nhà tù tỉnh Sơn Đông.

Khi ở trong tù, ông Tôn bị buộc phải ngồi trên một chiếc ghế đẩu nhỏ mà không được nhúc nhích từ 5 giờ sáng đến 12 giờ trưa mỗi ngày. Vào ngày 26 tháng 12 năm 2003, các lính canh đã ra lệnh cho hơn mười tù nhân đánh và tát vào mặt ông. Ông cũng bị cưỡng chế đứng suốt hai ngày mà không được ngủ.

Ông Tôn bị còng tay và biệt giam trong 56 ngày, từ ngày 1 tháng 6 đến ngày 25 tháng 7 năm 2006. Mỗi bữa ăn, ông chỉ được cung cấp một chiếc bánh mì nhỏ hấp, một ít dưa chua và nước uống. Tù nhân Triệu Hồng Dũng, người được giao nhiệm vụ giám sát đã đánh đập ông tùy ý. Hai tháng đó là khoảng thời gian nóng nhất ở Tế Nam. Trong căn phòng không có điều hòa, các lính canh thường bật đèn chiếu và chiếu vào ông trong nhiều ngày. Ông đã bị giảm gần 25kg trong khoảng thời gian này.

Con gái của ông đã được nhận vào trường đại học danh tiếng mà cô ấy dự tuyển. Nhưng Phòng 610 cuối cùng đã ép nhà trường phải đuổi học cô.

Năm 2015, bà Đằng và ông Tôn bị sách nhiễu sau khi nộp đơn kiện Giang Trạch Dân, cựu lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc, vì đã ra lệnh bức hại Pháp Luân Công.

Cục An sinh Xã hội địa phương đã đình chỉ lương hưu của bà Đằng bắt đầu từ năm 2020 và yêu cầu bà trả lại hơn 90.000 nhân dân tệ mà bà đã nhận trong thời gian thụ án 4 năm tù. Các nhà chức trách tuyên bố rằng các học viên Pháp Luân Công bị bỏ tù vì đức tin của họ không được hưởng trợ cấp hưu trí, mặc dù luật lao động Trung Quốc không hề có quy định như vậy.

Bà Đằng đã qua đời ngày 4 tháng 4 năm 2021, để lại nỗi đau khôn nguôi cho chồng và con gái.

Bài liên quan:

Một lời kêu gọi cấp cứu em Sun Yanpei 16 tuổi

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/7/25/428645.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/7/27/194304.html

Đăng ngày 12-08-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share