Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ tại tỉnh Giang Tô, Trung Quốc
[MINH HUỆ 31-07-2021] Một người dân thành phố Nam Kinh, tỉnh Giang Tô đã bị đưa đến Nhà tù Tô Châu để thụ án 5 năm vì đức tin của ông vào Pháp Luân Công, một pháp môn tu luyện cả thân lẫn tâm đã bị chính quyền cộng sản Trung Quốc bức hại từ năm 1999.
Ông Trương Minh Nghị, một nhân viên của Công ty Hóa Dầu Kim Lăng, đã bị bắt tại nơi làm việc vào ngày 27 tháng 9 năm 2019. Gần đây, Minghui.org đã xác nhận được ông đã bị kết án vào tháng 3 năm 2021, nhưng các chi tiết khác liên quan đến vụ án của ông vẫn chưa được làm rõ.
Ông Trương, 48 tuổi, bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công vào tháng 5 năm 1997. Kể từ đó, ông trở nên ân cần, chu đáo và hiếu kính hơn đối với cha mẹ của mình.
Vì kiên định đức tin vào Pháp Luân Công trong hai thập kỷ qua, ông đã bị bắt vào trung tâm tẩy não ba lần và bệnh viện tâm thần hai lần. Vợ ông buộc phải ly hôn với ông do áp lực rất lớn từ cuộc bức hại.
Bị bắt vì thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công
Ông Trương đã hai lần đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện cho quyền tu luyện Pháp Luân Công, lần lượt vào tháng 7 và tháng 10 năm 1999. Ông bị bắt ở Bắc Kinh lần thứ hai khi đến đó và bị nhân viên từ nơi làm việc đưa trở về Nam Kinh. Người quản lý đã giữ ông trong một khách sạn thuộc sở hữu của công ty, và tại đây, một buổi tẩy não đang được tổ chức và các video tuyên truyền phỉ báng Pháp Luân Công được phát suốt ngày đêm.
Khi ông Trương từ chối viết tuyên bố từ bỏ Pháp Luân Công, cảnh sát đã đưa ông đến Bệnh viện tâm thần Nam Kinh và ép ông uống các loại thuốc làm tổn thương hệ thần kinh. Ông được trả tự do sáu tháng sau đó.
Gia đình bị hủy hoại bởi cuộc bức hại
Ngày 15 tháng 2 năm 2006, ông Trương lại bị bắt khi đang làm việc. Đầu tiên ông bị đưa đến Đồn Công an Bản Thương và sau đó đến Trại tạm giam quận Huyền Vũ vào buổi tối. Vào cuối tháng 2, ông bị chuyển đến trại tạm giam thành phố Nam Kinh.
Sau khi ông tuyệt thực để phản đối cuộc bức hại, cảnh sát đã đưa vợ ông đến đồn công an và đe dọa sẽ kết án ông bảy hoặc tám năm nếu ông vẫn “ngoan cố” kiên định đức tin của mình. Họ cũng ra lệnh cho vợ ông làm chứng chống lại ông, nếu không bà cũng có thể bị liên lụy. Tuy nhiên bà đã từ chối tuân thủ và nói nếu ông bị kết án, bà sẽ đợi ông trở về nhà.
Khi bố vợ của ông Trương đến đồn công an để tìm con gái, cảnh sát hỏi ông nghĩ gì về ông Trương. Người đàn ông lớn tuổi đã trả lời rằng: “Minh Nghị là một người đàn ông tốt!” Vì nhận xét tích cực của ông ấy, cảnh sát đã xem xét hồ sơ để xem liệu có phải ông ấy cũng tu luyện Pháp Luân Công hay không.
Hai tháng sau, vào tháng 4 năm 2006, ông Trương bị chuyển đến trung tâm tẩy não trong một khách sạn do Phòng 610 thành phố Nam Kinh tổ chức, một cơ quan ngoài vòng pháp luật được thành lập đặc biệt để bức hại Pháp Luân Công.
Ông Trương tiếp tục tuyệt thực và bị bức thực. Lần tuyệt thực dài nhất là gần 30 ngày và ông tiều tụy đến mức gần như không thể nhận ra được. Khi ông Trương vẫn kiên định với Pháp Luân Công, các nhân viên Phòng 610 đã đưa cha và vợ ông đến gặp ông, cố gắng sử dụng tình cảm gia đình để làm giảm ý chí của ông.
Cha của ông đã suy sụp khi nhìn thấy ông. Vợ ông đã bật khóc. Bà ấy quỳ trước mặt ông gần hai tiếng đồng hồ và cầu xin ông ngừng tuyệt thực.
Hai năm trong trại lao động cưỡng bức và buộc phải ly hôn
Sau khi giam giữ ông tại trung tâm tẩy não trong hai tháng, nhà chức trách lại đưa ông Trương đến bệnh viện tâm thần và giữ ông ở đó trong 30 ngày.
Vào tháng 7, nhà chức trách đưa ông trở lại trung tâm tẩy não và ông Trương đã tiếp tục tuyệt thực.
Bị nhà chức trách lừa gạt, vợ của ông Trương tin rằng ông sẽ được trả tự do ngay sau khi ông từ bỏ tu luyện Pháp Luân Công. Bà đã bỏ việc và đến trung tâm tẩy não để giúp “chuyển hóa” ông. Tuy nhiên ông vẫn không nhượng bộ. Tuyệt vọng, vợ ông đã tát vào mặt ông và dọa sẽ ly hôn.
Đối mặt với mâu thuẫn gay gắt và tình trạng thể chất vô cùng yếu ớt, ông Trương đã bị suy sụp tinh thần và buộc phải ký tuyên bố từ bỏ Pháp Luân Công.
Nhưng các nhà chức trách đã không giữ lời hứa sẽ trả tự do cho ông. Thay vào đó, họ kết án ông hai năm lao động cưỡng bức. Mặc dù ông được phép thụ án tại nhà, cảnh sát buộc ông phải viết báo cáo tư tưởng hàng tháng, nếu không họ sẽ bắt và đưa ông vào trại lao động.
Phòng 610 cũng yêu cầu nơi làm việc của ông Trương phải chi trả tất cả các chi phí của phiên tẩy não, bao gồm cả chi phí sinh hoạt của tất cả các nhân viên. Họ cũng gây áp lực buộc nơi làm việc của ông Trương phải tăng cường giám sát để ngăn ông lại đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện hoặc giới thiệu Pháp Luân Công tại địa phương.
Không thể chịu được áp lực tinh thần quá lớn, vợ của ông Trương đã buộc phải ly hôn với ông.
Bức hại vẫn tiếp diễn
Trong hai năm thụ án trong trại lao động cưỡng bức, nơi làm việc chỉ trả cho ông Trương 1.300 nhân dân tệ mỗi tháng, tuy nhiên khối lượng công việc của ông không ngừng tăng lên.
Ông Trương từ chối viết báo cáo tư tưởng theo yêu cầu của cảnh sát. Do vậy nơi làm việc của ông đã trừng phạt ông bằng cách gạt ông khỏi tất cả các lần có cơ hội thăng chức hoặc tăng lương.
Vào ngày 1 tháng 11 năm 2011, ông Trương bị cảnh sát tạm giữ trên đường đi làm và bị cưỡng chế thu thập dấu vân tay và mẫu máu. Cảnh sát không chỉ lục soát nhà và lấy đi máy tính của cha ông (sau đó đã phải trả lại trước sự phản đối gay gắt của cha ông) mà còn khám xét nơi làm việc của ông. Một bức ảnh về Nhà sáng lập Pháp Luân Công mà ông lưu trên máy tính làm việc của mình đã bị cảnh sát xóa bỏ. Vào buổi chiều, ông đã được trả tự do.
Trong Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 18 của Đảng Cộng sản Trung Quốc vào tháng 11 năm 2012, Phòng 610 đã không cho phép ông Trương làm việc và gây áp lực buộc nơi làm việc phải giám sát chặt chẽ các hoạt động hàng ngày của ông.
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/7/31/428947.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/8/4/194432.html
Đăng ngày 11-08-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.