Bài viết của phóng viên Minh Huệ tại Đức

[MINH HUỆ 19-07-2021] Ngày 18 tháng 7, các học viên tại Đức đã tổ chức hội nghị chia sẻ trải nghiệm tu luyện (Pháp hội) tại Berlin. Sư phụ Lý Hồng Chí, nhà sáng lập Pháp Luân Đại Pháp, đã gửi lời chúc mừng:

“Chào tất cả! Trách nhiệm của các đệ tử Đại Pháp là trợ Sư cứu độ chúng sinh, do đó để hoàn thành thật tốt sứ mệnh của chư vị, thì trước hết phải tu thật tốt chính mình.” (Gửi Pháp hội tại Đức [2021])

20 học viên đã chia sẻ cách họ học Pháp tốt và vững bước trên con đường tu luyện khi gặp khó khăn và khổ nạn. Bằng cách hướng nội tìm và xử lý tốt các vấn đề trong xã hội, họ có thể cứu thêm nhiều chúng sinh. Nhiều người tham dự đã rất ấn tượng và nhận được sự khích lệ từ những chia sẻ này.

12930a7c8e875c0e1ca957534df13040.jpg4c42fa6056a95cef72c5352771452e57.jpgc956e2b10c46c4b57dd2337b5da8a322.jpg93ec5e15efd52569dce17f4ae0fa7957.jpgdb1db8626868dd25191519306f00df22.jpg

Các học viên đọc các bài chia sẻ tại Pháp hội Đức năm 2021, hôm 18 tháng 7

Xem xét các vấn đề của Đại Pháp

Khi cô Đường Tịnh chuyển đến Frankfurt bốn năm trước, cô bắt đầu tham gia vào nhiều hạng mục. Khi nghe nói việc giảng chân tướng về Đại Pháp cho các quan chức chính phủ chưa được tốt, cô đã vượt qua khó khăn và cùng với các học viên khác lập nên một nhóm để liên hệ với các nhân vật quan trọng của chính phủ.

Một lần, cô nhận được một bức thư từ một nghị sỹ tiểu bang với ngữ điệu thiếu lịch sự, nói rằng ông ấy không muốn nhận thông tin về Pháp Luân Đại Pháp nữa. Suy nghĩ đầu tiên của cô Đường là cảm thấy bị tổn thương, và cô cũng nảy sinh nhiều suy nghĩ tiêu cực về điều này. Ngày hôm sau, khi trả lời thư cho nghị sỹ đó, cô nhận ra rằng mình đã ích kỷ.

Cô chia sẻ: “Tôi chỉ quan tâm đến suy nghĩ của bản thân mà không nghĩ đến tương lai của ông ấy. Tại sao không giải thích rõ điều này và cho ông ấy một cơ hội khác?”. Với tâm trí tường hòa, cô Đường đã phản hồi bức thư, giải thích lý do về việc cô gửi thông tin và hy vọng có được một cuộc gặp trực tiếp. Vị nghị sỹ đã đồng ý, và trong cuộc gặp ông cho biết ông đã đọc một số thông tin phỉ báng Pháp Luân Công từ Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Cuối cùng, thái độ của ông ấy hoàn toàn thay đổi, và từ đó trở đi ông đã nhiều lần gửi thư chúc mừng cho các sự kiện Đại Pháp.

Một phương diện khác mà cô Đường chia sẻ là về việc buông bỏ bản ngã. Mặc dù học chuyên ngành tiếng Trung, nhưng cô nhận thấy những bài báo mình viết thường bị phê bình. Sau khi điều này xảy ra vài lần, cô Đường trở nên ít động tâm hơn, và tâm tính của cô cũng được đề cao. Điều này cũng giúp cô trong việc điều phối giảng chân tướng ở Frankfurt và khiến cô cởi mở hơn. Với những kinh nghiệm này, cô trân trọng hạng mục truyền thông và việc học Pháp nhóm hơn, bởi vì cả hai việc này đều giúp cô rất nhiều trong tu luyện.

Ông Cổ Phong đã tu luyện Pháp Luân Đại Pháp hơn 20 năm, và ông chú trọng tu luyện từng niệm đầu. Điểm luyện công tập thể mà ông tham gia không có nhiều học viên, và không khí rất hòa hợp. Sau đó, một học viên khác tham gia, và ông Cổ có vấn đề với việc chấp nhận cô ấy. Khi xem xét kỹ hơn, ông Cổ nhận ra ông cảm thấy khó chịu vì vị trí của mình trong nhóm học Pháp bị ảnh hưởng. Trong các cuộc trao đổi nhóm trước đây, ông thường chia sẻ suy nghĩ của mình và giúp các học viên khác qua việc trích dẫn những kinh văn của Sư phụ. Theo thời gian, ông đã phát triển tư tâm, nhưng ông không nhận ra điều đó.

Ông giải thích: “Sau khi học viên này đến, cô ấy thường chia sẻ thể ngộ của mình về Pháp, và các cuộc chia sẻ trở nên đa dạng hơn, người điều phối của nhóm cũng rất thích cô ấy, và tôi cảm thấy phần nào bị làm ngơ.” Ông đã cố gắng loại trừ những suy nghĩ tiêu cực, nhưng không hiệu quả lắm. Ban đầu, chiểu theo lời dạy của Sư phụ, ông lý giải rằng bất cứ điều gì xảy ra với ông đều tốt cho việc tu luyện của bản thân ông. Sau đó, ông nhận ra suy nghĩ đó vẫn là vị tư vì ông chỉ quan tâm đến việc tu luyện cá nhân. Thay vào đó, là một học viên Đại Pháp, ông nên nghĩ nhiều hơn về những lợi ích mà người khác có thể nhận được. Bằng cách này, ông thấy mình dễ dàng buông bỏ những suy nghĩ tiêu cực hơn.

Hoàn thành sứ mệnh của chúng ta bất chấp đại dịch

Cô Constanze, một giáo viên đến từ Karlsruhe, chia sẻ về cách cô nhận ra chân ngã của mình trong cuộc sống hàng ngày. Ngoài ra, cô đã viết thư cho hiệu trưởng nhà trường và phòng đào tạo trong thời gian đại dịch để giải thích về cuộc bức hại đang diễn ra ở Trung Quốc.

Cô cho biết ngay cả những vấn đề tưởng như nhỏ nhặt cũng có thể liên quan đến việc tu luyện của chúng ta. Trong một thời gian, máy tính của cô gặp sự cố khi đang cập nhật. Khi hướng nội, cô nhận ra đó là một điểm hóa rằng trạng thái tu luyện của cô cần được cải thiện. Trong nhiều phương diện, từ xử lý công việc hàng ngày đến bày tỏ quan điểm chính trị, cô đã cư xử gần giống một người thường. Là một học viên, cô cần phải có sự đột phá trong những việc nhỏ này.

Cô đã ngộ ra rằng mọi thứ tồn tại đều có lý do, và điều đó có thể liên quan đến sự triển hiện của Pháp. Cô giải thích: “Thay vì hòa hợp với mọi người bằng tình cảm hoặc sự cảm thông, tôi nên đối xử với họ bằng sự tôn trọng và nhân phẩm.“ Vì vậy, cô bắt đầu tập trung vào việc áp dụng nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn thay vì đưa ra những nhận xét thông thường về mọi người hay sự việc. Điều thú vị là cô thấy có nhiều sinh viên sẵn sàng nói chuyện một cách chân thành với cô hơn.

Trong một thời gian dài, ông Dan thấy mình tiến bộ rất ít trong tu luyện. Điều đó khiến ông đã suy nghĩ lại xem liệu mình có thực sự tín Sư tín Pháp không. Giống như nhiều gia đình Thụy Điển khác trong những năm 1970 và 1980, ông đã chứng kiến sự thay đổi của xã hội vì chủ nghĩa xã hội và sự bại hoại đạo đức. Tất cả những điều này đã làm suy yếu niềm tin và tinh thần trách nhiệm của ông, điều được bắt nguồn từ những giá trị được truyền lại từ nhiều thế hệ. Sự xuất hiện của chủ nghĩa xã hội đã thay thế tất cả những điều này bằng niềm tin và quan tâm giả tạo. Đối với ông, cái gọi là tự do của chủ nghĩa xã hội đã xóa bỏ nền văn hóa truyền thống, trí tuệ cổ xưa và mối liên hệ với Thần.

Sau khi có các triệu chứng của dịch bệnh, ông Dan xem điều đó như một khảo nghiệm. Ông không chỉ vượt qua, mà còn nhận ra một vấn đề nghiêm trọng trong tu luyện của bản thân. Đó là ông đã làm việc để được người khác công nhận. Ngay cả khi hướng nội, ông vẫn ẩn chứa suy nghĩ muốn được người khác công nhận. Nhưng tu luyện có nghĩa là nỗ lực thực sự và đạt được những tiến bộ vững chắc. Điều này khác hẳn với chủ nghĩa xã hội – mọi người nhận được mọi thứ mà không cần nỗ lực. Từ đó, ông học được cách chịu trách nhiệm với cuộc sống, tu luyện và mọi suy nghĩ của bản thân.

Chiểu theo các Pháp lý

Bà Tùng từ Augsburg bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công trước khi cuộc bức hại diễn ra vào năm 1999. Lúc đầu, bà không nghĩ rằng bà có nhiều chấp trước. Sau khi tìm được việc và bắt đầu đi làm, bà nhận thấy tất cả các loại cám dỗ gặp phải trong cuộc sống hàng ngày đều có thể có hại cho các học viên. Điều này là vì chúng có thể dễ dàng nuôi dưỡng tâm an dật và dẫn các học viên rời xa chính đạo. Ban đầu, bà tự xem mình là một học viên và không nóng giận hay phàn nàn. Một số đồng nghiệp thậm chí còn đề nghị đấu tranh hộ bà.

Nhưng theo thời gian, tâm tính của bà đã thay đổi. Một ngày nọ, một khách hàng đến từ Trung Quốc tỏ ra rất vô lý. Bà Tùng bèn tranh luận với ông ấy. Đây là lần đầu tiên bà trở nên nổi giận với một khách hàng. Đáng ngạc nhiên là thái độ của khách hàng đã thay đổi và ông ấy vẫn mua hàng. Tuy nhiên, bà Tùng càng ngày càng cư xử giống như một người thường. Bà trở nên dễ nóng giận. Bà thích nghe những lời tốt đẹp, và bà tự cảm thấy bản thân ngày càng tốt hơn. Thậm chí, cân nặng của bà cũng tăng lên nhanh chóng. Tất cả những điều này đã khiến bà cảnh giác, thay đổi bản thân và dành nhiều thời gian hơn cho việc tu luyện và cứu người. Sau sáu tháng bà vẫn không giảm được cân. Khi hướng nội sâu hơn, bà Tùng nhận thấy tâm an dật và tự mãn đã ăn sâu vào suy nghĩ của bà. Bà giải thích: “Tôi chỉ vừa mới bắt đầu trên con đường tu luyện. Điều đó có nghĩa là tôi nên khiêm tốn và tập trung vào việc tu luyện bản thân.” Vì vậy, bà quyết định tập trung vào tu luyện, thay vì bị phân tâm bởi nhiều cám dỗ khác nhau.

Học viên Thụy Sỹ Diep bắt đầu tu luyện cách đây khoảng hai năm. Trước đây, cô từng than phiền rằng chồng cô không tìm được việc làm trong thời gian dài. Sau đó, cô nhận ra suy nghĩ tiềm ẩn của mình rằng tu luyện sẽ mang lại cho cô một cuộc sống tốt đẹp hơn. Ngay cả khi gặp vấn đề, cô cũng chỉ hướng nội trên bề mặt, cố gắng tháo gỡ khó khăn trong khi lo sợ rằng vấn đề có thể không được giải quyết. Khi điều này tiếp diễn, mâu thuẫn với đồng nghiệp ngày càng gay gắt, và áp lực từ quản lý cũng tăng lên.

Cô nhớ lại: “Vì vậy, tôi tự hỏi bản thân: khi lợi ích vật chất của tôi bị ảnh hưởng, tôi có còn đi theo Sư phụ không? Khi các chấp trước đang can nhiễu tôi, liệu tôi có còn tuân thủ các Pháp lý không? Câu trả lời của tôi là: có.” Hiện tại, cô Diệp đã nỗ lực hơn trong tu luyện thay vì bị can nhiễu bởi các mâu thuẫn. Cô cũng xem sự thay đổi đồng nghiệp thường xuyên là cơ hội để giảng chân tướng. Cô nói thêm: “Sứ mệnh của tôi là cứu người.”

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/7/19/428396.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/7/20/194162.html

Đăng ngày 25-07-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share