Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp tại tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc

[MINH HUỆ 22-01-2021] Tôi đã tu luyện Pháp Luân Đại Pháp được hơn hai thập kỷ. Tôi muốn chia sẻ kinh nghiệm gần đây của mình về việc loại bỏ những chấp trước cứng đầu.

Những khổ nạn đến từ chấp trước vị tư của tôi

Sau khi bắt đầu tu luyện Pháp Luân Đại Pháp vào năm 1998, tôi tham gia vào nhiều hạng mục chứng thực Pháp. Tôi là một người học rất nhanh. Dù biết mình được Sư phụ Lý ban cho những kỹ năng này, tôi cảm thấy mình là người có năng lực. Tự ngã của tôi đã thắng và tôi dần phát triển tư tâm.

Tôi trở nên bận rộn hơn vì nhiều học viên tìm đến tôi để nhờ giúp đỡ. Tôi thực sự thấy thích thú cảm giác được người khác cần đến mình và tôn trọng mình. Tôi cảm thấy tốt khi chủ động làm mọi việc và thấy cuộc đời thật mãn nguyện. Thay vì dạy các học viên khác các kỹ năng cần thiết thì tôi lại nhận quá nhiều các hạng mục. Điều này can nhiễu nghiêm trọng đến khả năng tự bước trên con đường tu luyện của họ.

Đào sâu hơn nữa, tôi thấy tâm tự tư của mình ẩn giấu sau cái cớ là giúp đỡ những người khác. Tôi muốn thỏa mãn dục vọng vào danh và hư vinh. Tôi không cầu danh hay chỗ đứng trong xã hội người thường, thay vào đó tôi lại truy cầu sự thỏa mãn khi làm các hạng mục chứng thực Pháp. cựu thế lực đã nắm được sơ hở này và tôi bị kết án ba năm tù do tâm chấp trước mạnh mẽ này.

Tôi đã không hướng nội

Trước khi bị bức hại tôi không hề có tâm sợ hãi–tôi luôn vui tươi. Tất cả mọi bệnh tật của tôi đều tan biến sau khi tôi bắt đầu tu luyện Pháp Luân Đại Pháp, và tôi trở nên lạc quan và tràn đầy năng lượng. Con trai tôi tốt bụng, thông minh và học giỏi ở trường. Họ hàng và các đồng nghiệp của tôi đều nói rằng Pháp Luân Đại Pháp hảo. Thậm chí khi bị tống giam thì tôi vẫn luôn lạc quan.

Mọi việc thay đổi sau khi tôi được tại ngoại. Ba năm bị cầm tù thực sự đã làm tổn thương gia đình tôi–nhất là con trai của tôi. Khi con trai ba tuổi thì chồng tôi ngoại tình và ly hôn với tôi, vì thế tôi phải nuôi con một mình. Con được đắm mình trong Đại Pháp từ khi còn nhỏ và tu luyện rất tinh tấn. Công việc và tài chính của tôi khá tốt. Mẹ con tôi sống một cuộc sống hạnh phúc.

Khi tôi bị kết án tù, con trai tôi phải ở với ông bà. Họ vô cùng sợ hãi và không để con tu luyện Pháp Luân Đại Pháp. Con tôi không có môi trường tu luyện và điểm số ở trường bị kém đi.

Gia đình tôi gánh vác trách nhiệm nuôi con trai tôi. Họ rất bận nhưng không bao giờ than phiền. Họ thường đến thăm tôi trong tù và cho tôi tiền. Họ không bao giờ chỉ trích tôi mặc dù tôi biết họ rất khổ tâm.

Khi tôi trở về nhà, những người thân mà đã giúp đỡ tôi đã bảo tôi ngừng tu luyện Pháp Luân Đại Pháp. Họ cũng bảo tôi ngừng liên lạc với các học viên khác và ngăn trở không cho con trai tôi tu luyện. Đối mặt với sự phản đối mạnh mẽ từ phía gia đình, môi trường tu luyện của tôi trở nên kìm kẹp và tôi không còn mỉm cười như trước nữa.

Gia đình tôi liên tục nhắc nhở tôi rằng họ đã làm được cho tôi và con trai tôi nhiều đến như thế nào khi tôi bị giam ba năm trong tù. Tôi cảm thấy mình không thể trả hết ơn cho họ được. Họ thực sự giúp đỡ tôi bằng việc chăm sóc cho con trai tôi–đó là một nỗ lực to lớn. Nhưng tôi vẫn không muốn thừa nhận rằng trạng thái tu luyện kém của mình đã khiến tôi bị bức hại. Tôi có tâm kiêu ngạo, không muốn nợ ai điều gì cả.

Tu luyện Pháp Luân Đại Pháp không có gì là sai cả, nhưng tôi nên thành tâm xin lỗi gia đình của mình do những khó khăn mà cuộc đàn áp đã gây ra cho họ. Tôi ngại không muốn xin lỗi, vì thế các tâm người thường của tôi, cái mà đáng nhẽ phải bị loại bỏ thì lại được bảo vệ với bao biện là duy hộ Đại Pháp.

Sau khi ra tù trở về nhà, tôi không có nhiều thời gian để điều chỉnh lại trạng thái tu luyện của mình hay hướng nội vì mẹ tôi phải nhập viện phẫu thuật và cần tôi giúp đỡ. Hai hôm sau mẹ tôi đã được ra viện, bạn tôi đã giúp tôi có được một công việc, nhưng tôi phải bắt đầu đi làm ngay. (Sếp cũ của tôi đã ngừng hợp đồng với tôi khi tôi bị kết án.) Tôi đã không học Pháp trường kỳ trong ba năm trời, vì thế tôi quên mất phải hướng nội và trừ bỏ các chấp trước của mình khi gặp phải vấn đề. Tôi không kiên nhẫn và tính khí của tôi rất tệ. Tôi không hề hành xử giống người tu luyện chút nào.

Tôi cảm thấy tức giận ngay khi nghe bất cứ chỉ trích nào. Tôi cũng chẳng tôn trọng bố mẹ tôi. Mẹ tôi thường phàn nàn với tôi về điều đó, thính giác của bố tôi kém và tôi không đủ kiên nhẫn để nhắc đi nhắc lại những gì mình đã nói.

Ở chỗ làm mới tôi luôn muốn chiến thắng trong mọi việc. Khi đồng nghiệp của tôi mắc lỗi, thì tôi không thông cảm với họ. Thay vào đó tôi lại coi thường anh ta và cảm thấy mình sẽ làm tốt hơn anh ta nếu tôi làm công việc đó.

Con trai tôi bị trầm cảm

Việc học Pháp hàng tuần của chúng tôi không được tốt vì tôi và con trai luôn trao đổi những điều khác sau khi học xong. Con trai tôi học ở một trường cao đẳng ở địa phương, cháu thường về nhà vào thứ Sáu và quay lại trường vào Chủ nhật. Trong học kỳ hai của năm đầu tiên, cháu đã ngại ngần không muốn quay lại trường vào tối Chủ nhật mà đợi đến sáng thứ Hai.

Sau đó cháu có triệu chứng trầm cảm. Giọng của cháu nhỏ đến mức mà tôi không thể nghe thấy cháu nói gì. Cháu ở trong phòng và đóng hết rèm, cửa sổ và tắt đèn. Sau đó cháu quyết định bỏ học và ở nhà. Theo các thầy cô giáo nói, một khi sinh viên mà bỏ học thì rất hiếm khi các em ấy sẽ quay lại học và về cơ bản là chào tạm biệt với bằng cấp. Sau khi nghe thấy điều này thì tất cả chúng tôi đều cảm thấy rất buồn.

Từ khía cạnh của một người thường mà xét thì trầm cảm luôn đi kèm với những vấn đề về thần kinh. Con trai tôi có những vấn đề đó. Gia đình chồng tôi vứt máy MP3 của con trai tôi đi để ngăn cháu nghe Pháp vì họ quá sợ hãi. Vì điều này mà con trai tôi rất tức tối và không tha thứ cho họ. Hơn nữa, gia đình chồng tôi đã lục đồ của cháu sau lưng. Các bạn cùng lớp ở cấp hai của cháu nói là cháu bị đồng tính luyến ái. Cháu có những mâu thuẫn với các bạn cùng lớp, v..v. Cháu luôn tức giận bất cứ khi nào nghĩ về những điều này. Sau một thời gian, cháu không thể kiểm soát được tính khí của mình và không thể tập trung vào việc học được. Cuối cùng, cháu thậm chí không thể học Pháp. Con trai tôi quyết định bỏ học.

Các triệu chứng của con tôi thậm chí còn tệ hơn nữa. Chủ nguyên thần của cháu bị cái gì đó khống chế. Cháu trở nên vui buồn thất thường, chơi điện tử cả ngày. Cháu mở cửa sổ vào giữa đêm và la hét cho đến lúc khản cổ thì thôi. Cháu nói những điều vô nghĩa và luôn sẵn sàng đánh nhau với ai đó.

Tôi lo lắng vô cùng. Tôi phát chính niệm cho con và cố gắng giúp con nhận thức các Pháp lý của Đại Pháp. Tôi làm mọi việc có thể, nhưng chẳng thành công. Tôi lo lắng và rối bời. Tôi nhận ra rằng vấn đề này rất nghiêm trọng và tôi phải thay đổi trạng thái này.

Tôi biết có điều gì đó cần thay đổi, nhưng tôi không biết vấn đề nằm ở đâu. Sau đó Sư phụ từ bi đã khai sáng cho tôi qua các đồng tu rằng vấn đề là ở tôi. Cốt lõi của vấn đề là ở tôi. Tôi cứ đi giúp con trai tìm hiểu vấn đề của con–tôi đã rất tự tin rằng mình không có vấn đề gì trong tu luyện cả. Tôi không hề hướng nội và đề cao tâm tính của mình. Trên thực tế thì trạng thái không đúng đắn của tôi được biểu hiện qua hành xử của con trai tôi. Cuối cùng thì tôi nhận ra rằng nếu tôi chính lại trạng thái tu luyện của mình thì con trai tôi sẽ bình phục.

Gia đình tôi rất lo lắng cho con trai tôi vì cháu còn quá trẻ. Họ không muốn nhìn thấy cháu hủy tự hoại cuộc đời mình. Họ đổ mọi tội lỗi cho tôi. Họ nhắc tôi rằng con trai tôi đã bị áp lực cực lớn vì tôi bị đàn áp. Con trai tôi tu luyện Pháp Luân Đại Pháp, vì thế cháu bị phân biệt đối xử bởi những người bị tẩy não bởi những lừa dối của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Tình trạng trầm cảm của cháu ngày càng tệ hơn. Những lời buộc tội của họ như dao kiếm đâm khắp người tôi vậy.

Sau khi được tại ngoại, tôi hay mơ về một điều giống nhau. Tôi mơ thấy mình vẫn bị giam trong tù mặc dù hạn tù của tôi đã mãn. Khi nghĩ sâu về điều này, tôi nhận ra rằng tâm tôi vẫn còn bị trói buộc bởi cuộc đàn áp.

Tôi cần hướng nội và đề cao tâm tính. Do tôi không tu luyện tốt nên tôi đã có một vài sơ hở. Tôi biết chắc phải có một sơ hở rất lớn. Tôi nhận ra tâm chấp trước lớn nhất và ẩn giấu sâu nhất của tôi là mong muốn được đóng vai trò lãnh đạo. Đằng sau tâm này là chấp trước căn bản của tôi, đó là tâm oán hận. Hận là một vật chất làm tổn hại chính bản thân người đó và những người khác. Tôi oán hận sâu sắc những thân nhân đã đổ lỗi cho tôi, và tôi cũng oán hận con trai tôi, nghĩ rằng cháu đang hủy hoại hình ảnh của Đại Pháp và gây cho tôi vô số khổ nạn.

Tôi cũng oán hận Đảng Cộng sản Trung Quốc mạnh mẽ do đã bức hại tôi. Tôi căm thù bọn cựu thế lực đã bức hại tôi–bất cứ ai can nhiễu hoặc đổ lỗi cho tôi thì tôi đều căm họ. Tôi cảm thấy nhục nhã và tôi bị mất thể diện. Tâm oán hận ẩn giấu đó mạnh đến mức đã trở thành tự nhiên.

Tình trạng được cải thiện khi tôi hướng nội

Vì tôi không biết bắt đầu từ đâu nên Sư phụ đã an bài một người bạn giúp tôi bằng cách chỉ ra những vấn đề của tôi. Ban đầu tôi đã không chịu thừa nhận rằng tôi có vấn đề. Nhưng tôi dần chấp nhận sự thật. Tôi nhận ra các chấp trước của mình và trừ bỏ chúng đi. Tôi thấy mình từ lâu đã mất đi cái cảm giác tu luyện như thuở ban đầu.

Đầu tiên, tôi tu bỏ tâm oán giận gia đình và bạn bè. Họ đổ lỗi cho tôi về việc con trai tôi bị trầm cảm. Quá trình này là cơ hội lớn cho tôi loại bỏ nghiệp lực và đề cao tâm tính. Sao tôi lại có thể oán giận họ được cơ chứ? Tôi nhận ra tình trạng này xuất hiện là do trước kia tôi tu luyện không tốt. Trước kia tôi ghét tất cả những ai chỉ trích tôi và tôi từ chối giao thiệp với họ. Tôi đặc biệt tức giận bất cứ khi nào có ai đó chỉ trích Đại Pháp. Thay vì xem xét lại việc tu luyện của mình để xem tại sao điều này lại xảy ra thì tôi lại giấu diếm các chấp trước của mình. Tôi thậm chí còn đổ lỗi cho gia đình và bạn bè vì đã không tôn kính Đại Pháp.

Tôi miễn cưỡng biết ơn họ vì tôi rất ngạo mạn. Thay vào đó, tôi dùng Đại Pháp như một lá chắn. Gia đình tôi đã phải chịu rất nhiều khó khăn để chăm sóc con tôi trong ba năm liền khi tôi bị bỏ tù. Cháu được nhận vào một trường trung học rất tốt và thi đỗ vào trường đại học danh tiếng. Tôi nghĩ rằng tất cả những điều đó là sự an bài của Sư phụ và tôi không thừa nhận sự giúp đỡ của gia đình tôi.

Sau khi bắt đầu hướng nội thì tôi quyết định loại bỏ chấp trước ngạo mạn của mình và nhìn nhận sự việc từ cơ điểm của gia đình tôi. Khi tôi thành tâm cảm ơn họ thì họ không còn đổ lỗi cho tôi nữa.

Bạn của tôi gợi ý tôi cũng nên xin lỗi con trai tôi. Trước kia, tôi luôn nghĩ số phận của cháu là bị trầm cảm. Tôi cảm thấy giúp cháu cải thiện trạng thái là cả một thử thách vì thế tôi luôn bảo con phải tuân theo các nguyên lý tu luyện. Tôi đã không đặt mình vào vị trí của cháu và nhận ra rằng việc tôi bị tống giam đã làm hại cả thể chất và tinh thần của cháu. Nó cũng gây nên những trở ngại không mong muốn trong việc tu luyện của con tôi vì cháu chỉ mới là một cậu học sinh cấp hai 14 tuổi khi tôi bị kết án.

Mọi người xung quanh cháu đã cố tách cháu ra khỏi Đại Pháp. Dù trong tình huống khó khăn như vậy, hàng ngày cháu vẫn học thuộc Hồng Ngâm. Bất cứ khi nào có thể là cháu đọc Chuyển Pháp Luân. Nhờ Sư phụ bảo hộ, con trai tôi đã vượt qua được nhiều khổ nạn. Cháu đạt được “Giải thưởng Tiến bộ nhất.” Cháu đã được nhận vào một trường trung học rất tốt. Cháu đến thăm tôi trong tù và nói với tôi rằng cháu ổn. Cháu còn nhắc tôi đừng viết hối quá thư từ bỏ tu luyện Pháp Luân Đại Pháp.

Chẳng phải tôi nên cảm ơn cậu con trai tuyệt vời như vậy sao? Chẳng phải tôi nên xin lỗi con vì tất cả những tổn hại mà con phải chịu vì tôi sao? Trước kia tôi luôn nghĩ rằng: “Tổn hại thì đã xảy ra rồi, xin lỗi thì ích gì chứ? Mình là mẹ, sao lại phải đi xin lỗi?” Thực ra thì tôi vẫn không thể buông bỏ được tâm ngạo mạn.

Sau khi tôi viết một bức thư xin lỗi con trai thì tình trạng của cháu đã được cải thiện nhưng chưa hoàn toàn bình phục. Sau đó một người bạn khác đã gọi điện hỏi tôi liệu tôi có oán hận Đảng không. Tôi đột nhiên hiểu ra rằng tôi chưa tu bỏ tâm oán hận.

Sư phụ giảng:

“Nếu như người tu luyện mà chỉ là buông bỏ được trên bề mặt, nhưng khi bên trong nội tâm vẫn còn bảo thủ – cố chấp một thứ gì, cố chấp vào cái lợi ích bản chất nhất kia của chính chư vị mà không để người gây tổn hại, tôi bảo cho mọi người, đó là tu luyện giả! Nội tâm của chính chư vị mà không động, thì một bước chư vị cũng không thể đề cao nổi, đó là đánh lừa chính mình. Chỉ có là chư vị thực sự đề cao từ nội tâm, chư vị mới là đề cao thực sự.” (Giảng Pháp tại Pháp hội Bắc Mỹ lần đầu [1998])

Trở lại tu luyện chân chính

Tôi không vững bước tu luyện trong vài năm. Tôi chỉ tu luyện trên bề mặt vì thế đã không thực sự đề cao hoặc loại bỏ các chấp trước. Giờ đây khi phát chính niệm, tôi chú ý thanh lý tâm oán hận. Tôi cảm thấy nó yếu đi rất nhiều. Bất cứ khi nào tâm oán hận nổi lên thì tôi lập tức nhận ra nó và giải thể nó. Tôi nhẩm bài thơ Hồng Ngâm của Sư phụ:

“Bất yếu bão oán

Thủ trụ nhĩ đích Thiện”

Diễn nghĩa

“Đừng mang oán hận

Giữ vững sự thiện lương của bạn”

(“Giải khai nhĩ đích mê bán” Hồng Ngâm IV)

Tôi vui tươi trở lại. Thậm chí trạng thái tu luyện của tôi không phải là rất tốt nhưng tôi đã có được sự đề cao lớn.

Con trai tôi đã hoàn toàn khỏi bị trầm cảm. Khi tôi tiếp tục đề cao tâm tính thì cháu cũng cải thiện. Gia đình và bạn bè khó mà có thể tin nổi điều đó. Mọi việc xảy ra chỉ như một giấc mơ. Đột nhiên con trai tôi bị trầm cảm và đột nhiên khỏi bệnh! Giờ đây khi gặp cháu thì không ai có thể nói là cháu đã từng bị trầm cảm.

Cháu quay lại trường học mà chẳng lo lắng gì. Mọi người đều rất vui. Cháu học những môn học yêu thích và đạt điểm rất cao ở bài thi cuối kỳ. Mọi nhứ đều hài hòa vì cháu có thể học Pháp và giúp tôi một số hạng mục chứng thực Pháp.

Sự việc này giống y như Sư phụ đã giảng cho chúng ta vậy:

“Cho nên mọi người nhất thiết phải nhớ kỹ điểm này, gặp phải bất cứ sự tình gì, rắc rối gì, chuyện không vui, hay xảy ra xung đột với ai, nhất định phải xem xét chính mình, tìm chính mình, thì chư vị có thể tìm được nguyên nhân khiến vấn đề không thể giải quyết được. Rất nhiều người trước kia khi làm khí công thịnh hành, cũng hiểu là trường của tự thân có thể ảnh hưởng ra bên ngoài, kỳ thực không phải là việc như thế, mà là vì bản thân chư vị không đúng, đi ngược lại với đặc tính của vũ trụ này, liền phát hiện hết thảy mọi thứ xung quanh đều không hiệp điệu với chư vị nữa, chính là cái quan hệ như thế. Chư vị tự mình hiệp điệu với nó rồi, tất cả đều thuận lợi, chính là như thế.” (Giảng Pháp tại Pháp hội Bắc Mỹ lần đầu [1998])

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/1/22/416981.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/2/9/190330.html

Đăng ngày 29-03-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share