Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ tại tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc

[MINH HUỆ 06-02-2021] “Trung tâm Giáo dục Pháp luật Tỉnh Quảng Đông”, trước đây được gọi là “Trường Giáo dục Pháp luật Tỉnh Quảng Đông”, là một hắc lao do Phòng 610 của tỉnh Quảng Đông điều hành, một cơ quan ngoài vòng pháp luật có nhiệm vụ bức hại Pháp Luân Công.

Tọa lạc tại quận Tam Thủy của thành phố Phật Sơn, cơ sở này còn được biết đến là Trung tâm Tẩy não Tam Thủy.

Vào tháng 5 năm 2001, Trường Giáo dục Pháp luật Tỉnh Quảng Đông được thành lập để bức hại các học viên Pháp Luân Công làm việc trong các văn phòng cấp tỉnh và đại học. Đảng ủy Đảng Cộng sản Trung Quốc tỉnh Quảng Đông, Cục Quản lý Công nghiệp và Thương mại Tỉnh Quảng Đông, Đại học Công nghệ Nam Trung Quốc, Đại học Tế Nam và các đơn vị công tác khác đã chuyển các học viên đang làm việc cho họ đến Trường Giáo dục Pháp luật Tỉnh Quảng Đông để bức hại.

Vào tháng 4 năm 2003, Trường Giáo dục Pháp luật Tỉnh Quảng Đông được mở rộng và trở thành Trung tâm Giáo dục Pháp luật Tỉnh Quảng Đông, trực thuộc Cơ quan Quản lý cải tạo thông qua Lao động của tỉnh. Hệ thống trại lao động đã ngừng hoạt động vào năm 2013 và Trung tâm Giáo dục Pháp luật Tỉnh Quảng Đông kể từ đó đã hoạt động trực thuộc Sở Tư pháp Tỉnh Quảng Đông và liên kết với Trung tâm Quản lý Dược phẩm Tỉnh Quảng Đông. Tất cả các nhân viên của Trung tâm đều là cảnh sát của Sở Tư pháp Quảng Châu và giám đốc của trung tâm do văn phòng tư pháp bổ nhiệm.

Trung tâm được xây dựng trên một hồ nước nhân tạo và chỉ có thể vào thông qua một cây cầu.

2021-2-5-205643-0.jpg

Quang cảnh Trung tâm Tẩy não Tam Thủy

2021-2-5-205643-1.jpg

Cận cảnh Trung tâm Tẩy não Tam Thủy

Vận hành theo kiểu xã hội đen

Các học viên thường bị bộ phận an ninh nơi họ làm việc bắt giữ và đồng nghiệp được chỉ định giám sát họ. Các học viên đã đến Bắc Kinh trước đây để thỉnh nguyện cho quyền được tu luyện Pháp Luân Công, trước đó đã bị giam giữ, hoặc được cho là kiên định với môn tu luyện đều sẽ bị đưa đến Trung tâm Tẩy não Tam Thủy để chịu bức hại. Thời hạn giam giữ ngắn nhất là ba tháng.

Khi trung tâm mở rộng, các nhân viên được thuê thêm để giám sát các học viên. Nếu nhà chức trách không thể kết tội các học viên do thiếu bằng chứng hoặc nếu các học viên từ chối “chuyển hóa” sau khi kết thúc thời hạn tạm giam hoặc án tù, các học viên sẽ tiếp tục bị đưa đến trung tâm tẩy não để chịu bức hại.

Theo thống kê, ít nhất 1.240 học viên đã bị bức hại trong Trung tâm Tẩy não Tam Thủy tính đến tháng 8 năm 2012. Số học viên bị đưa đến trung tâm tăng lên sau khi hệ thống trại lao động ngừng hoạt động vào năm 2013. Người ta ước tính rằng hơn 3.000 học viên đã bị bị bức hại tại trung tâm tẩy não trong suốt 20 năm qua.

Không có thủ tục pháp lý hoặc bằng chứng nào được yêu cầu để đưa các học viên vào trung tâm tẩy não, và các điều khoản giam giữ cũng không được ấn định.

Tẩy não bạo lực

Dưới đây là quá trình tẩy não:

Giai đoạn “Giáo dục sửa đổi”

Đầu tiên trung tâm tạo hồ sơ cho từng học viên. Hồ sơ có phân tích chi tiết về lý do tu luyện Pháp Luân Công của học viên và tính cách của họ. Nó cũng trình bày chi tiết lịch sử bị bức hại của học viên. Những học viên vẫn kiên định trong việc thực hành của họ và những người từ chối “chuyển hóa” sau khi mãn hạn tù được liệt vào danh sách “Khó ‘chuyển hóa’” và được coi là mục tiêu đặc biệt.

Các trợ lý được giao nhiệm vụ giám sát các học viên suốt ngày đêm sử dụng kết hợp giữa lừa dối và bạo lực để cố gắng buộc các học viên từ bỏ đức tin của họ. Mỗi học viên bị biệt giam với hai trợ lý được chỉ định để giám sát họ. Không có sự riêng tư vì mọi phòng đều được trang bị camera giám sát. Các học viên không được rời khỏi phòng của họ. Thức ăn sẽ do trợ lý mang tới.

Thời gian của giai đoạn giáo dục sửa đổi là khác nhau. Giai đoạn sẽ kết thúc sau khi các học viên viết kinh nghiệm học tập của họ và “Năm tuyên bố”, cụ thể là một tuyên bố cam kết hứa sẽ ngừng tu luyện Pháp Luân Công, một tuyên bố ăn năn để thể hiện sự hối hận vì đã tu luyện Pháp Luân Công, một tuyên bố để cắt đứt quan hệ với Pháp Luân Công, một tuyên bố lên án chỉ trích Pháp Luân Công, và tuyên bố thú nhận.

Giai đoạn “Tăng cường”

Sau khi học viên viết “Năm tuyên bố”, các trợ lý sẽ gửi yêu cầu chuyển học viên sang “Giai đoạn tăng cường”. Học viên bước vào giai đoạn tăng cường sau khi nhóm sửa đổi và các nhà chức trách tại trung tâm tẩy não đưa ra sự chấp thuận của họ.

Ở giai đoạn này, học viên có một số quyền tự do và được phép tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao, nhưng họ vẫn phải chịu tẩy não. Người học viên bị buộc phải đưa ra những lời chỉ trích sâu sắc về Pháp Luân Công, làm bài kiểm tra, viết kinh nghiệm hàng tuần về những gì họ đã học và quá trình “chuyển hóa”. Học viên cũng bị buộc phải phản bội các học viên mà họ thân thiết. Các nhà chức trách sau đó sử dụng thông tin này để bức hại nhiều học viên hơn nữa.

Giai đoạn này kết thúc khi trung tâm tẩy não cho rằng học viên đủ tiêu chuẩn để sang giai đoạn tiếp theo.

Giai đoạn “Đánh giá”

Nhóm phải đưa ra đề nghị để học viên được chuyển sang “Giai đoạn Đánh giá”.

Ở giai đoạn này, phòng giáo dục đệ trình yêu cầu “chứng nhận” để giám đốc phê duyệt. Sau đó, trung tâm tẩy não sẽ thông báo cho Phòng 610 địa phương nơi học viên sinh sống để đón học viên, người sẽ được phép rời đi sau khi vượt qua việc kiểm tra chứng nhận.

Chiến lược tàn bạo

Khi các học viên lần đầu tiên đến trung tâm tẩy não, các nhân viên cảnh sát tỏ ra tử tế và thấu hiểu khi họ trò chuyện với các học viên. Mục đích là làm mê mờ tâm trí của các học viên và khiến họ không thể kháng cự. Sau đó, một nhân viên tương tác với họ trong khi một trợ lý phát video phỉ báng Pháp Luân Công.

Các nhà chức trách sau đó thể hiện rõ bản chất và bắt đầu sử dụng bạo lực đối với các học viên khi họ chống lại việc tẩy não.

Đối xử thô bạo

Vào ngày 16 tháng 1 năm 2017, anh Ngô Triều Kỳ ở thành phố Mậu Danh đã bị các sỹ quan từ Đồn Công an Thiên Viên bắt giữ vì dán các thông tin về cuộc bức hại Pháp Luân Công. Anh bị giam giữ tại Trại tạm giam Quận Thiên Hà trong một tháng trước khi bị đưa thẳng đến Trung tâm Tẩy não Tam Thủy. Anh bị giam trong Phòng B104, nơi có hai trợ lý theo dõi anh suốt ngày đêm.

Một trợ lý đã phát một video phỉ báng Nhà sáng lập Pháp Luân Công và tăng âm lượng. Khi anh Ngô từ chối xem, hai trợ lý đã kéo anh đến ghế và bắt anh ngồi xuống. Một lần, họ lôi anh ra khỏi giường khi anh cố gắng thiền định.

2021-2-5-205643-2.jpg

Tái hiện cảnh tra tấn: Bị bắt xem video phỉ báng Pháp Luân Công

Vào ngày 13 tháng 4 năm 2018, cô Tào Lệ Bình ở thành phố Lạc Xương đã bị bắt vì tìm cách trả tự do cho chồng cô, anh Lương Kiếm Quân, người đã bị bắt vì tu luyện Pháp Luân Công. Sau khi cô được đưa đến Trung tâm Tẩy não Tam Thủy, các nhà chức trách nói với cô rằng không có ai trong trung tâm tẩy não mà không bị “chuyển hóa” và ai đó đã bị “chuyển hóa” sau khi bị giam giữ trong trung tâm một năm rưỡi. Họ đe dọa sẽ gửi cô đến trại tạm giam, nhà tù, tòa án hoặc đến bệnh viện tâm thần nếu cô từ chối “chuyển hóa” vào tháng Sáu.

Cảnh sát thường xuyên chửi bới cô Tào và xô đẩy cô khiến cô sợ hãi. Sau khi trở về nhà, cô Tào trong tình trạng tinh thần và thể chất rất tệ. Trí nhớ của cô giảm sút và cô phải mất một thời gian dài để nhớ lại một số sự kiện trong quá khứ.

Bức thực Người học viên sẽ bị bức thực ngay sau khi họ tuyệt thực. Một đầu của ống dẫn được cố định để chọc vào cổ họng hoặc dạ dày. Đôi khi, một miếng thịt được kéo ra qua lỗ mũi bằng ống dẫn.

Vào tháng 2 năm 2004, bà Trâu Tuyết Mai ở thành phố Trạm Giang đã bị bắt và bị đưa đến Trung tâm Tẩy não Thất Trung. Bà bị chuyển đến Trung Tâm tẩy não Tam Thủy khi bà phản kháng lại cuộc bức hại. Khi bà Trâu tuyệt thực, ống dẫn thức ăn đã được đưa vào mũi bà, và bà bắt đầu chảy máu. Bà Trâu kêu lên đau đớn khi chiếc ống được đưa vào bên trong bụng bà. Phó giám đốc đe dọa sẽ bức thực bà một lần mỗi ngày. Nếu bà không chịu ăn hoặc chịu “chuyển hóa”, họ nói rằng họ sẽ bức thực bà hai hoặc ba lần một ngày.

Ông La Đông Thăng ở thành phố Mai Châu được chuyển từ trại tạm giam Mai Châu đến Trung tâm Tẩy não Tam Thủy vào ngày 18 tháng 2 năm 2011. Trong năm tháng tiếp theo, ông đã tuyệt thực ba lần tổng cộng 70 ngày để phản đối việc tra tấn. Các lính canh bức thực ông ba đến bốn ngày một lần. Họ dùng bức thực như một cách tra tấn ông, thô bạo kéo ống lên xuống qua mũi làm ông bị chảy máu. Mỗi lần như vậy ông lại bị nôn mửa. Khi đó ông mới 40 tuổi và đã bị sụt cân đáng kể.

2021-2-5-205643-3.jpg

Tái hiện tra tấn: Bức thực

Điểm huyệt

Được biết đến là một kỹ thuật trong môn võ thuật, “điểm huyệt” tác động đến các huyệt đạo trên cơ thể và có thể làm tê liệt một người hoặc thậm chí gây ra tử vong. Trung tâm tẩy não sử dụng điểm huyệt để tra tấn những học viên kiên định trong việc tu luyện của họ.

Vào tháng 9 năm 2003, bà Dương Tái ở thành phố Trạm Giang bị bắt và bị đưa đến Trung tâm tẩy não Toại Khuê. Khi bà từ chối từ bỏ đức tin của mình, bà đã bị chuyển đến Trung tâm Tẩy não Tam Thủy vào cuối năm 2003 và bị giam trong ba tháng.

Bà Dương kể lại rằng bà thường bị ba trợ lý giám sát đánh đập. Trong khi đánh bà, các trợ lý còn ấn vào các huyệt đạo tại đầu, tim và tay khiến bà bất tỉnh. Bà cũng cảm thấy chóng mặt. Khi đó, tay, chân, đầu và nhiều nơi trên cơ thể bà có vết đen, toàn thân sưng tấy. Mặt bà trở nên vàng đen. Bà cũng bị mất cảm giác thèm ăn.

Đầu độc

Các nhà chức trách đầu độc bữa ăn của các học viên hoặc tiêm cho họ những loại thuốc không rõ nguồn gốc để cố gắng khiến họ “chuyển hóa” trong khi họ đang mê sảng. Một số học viên đã qua đời vì ngộ độc mãn tính sau khi họ được thả.

Cảnh sát đã trộn thuốc độc vào bữa ăn của cô Lương Tiểu Hà ở thành phố Mậu Danh khi cô ở Trung tâm Tẩy não Tam Thủy. Lúc đó cô không hề biết điều đó. Sau khi trở về nhà, tinh thần cô rối bời, hoang mang. Cô đã phá hủy tất cả các đồ dùng cần thiết trong gia đình, nồi niêu, bếp ga, nồi cơm điện, quạt điện ở nhà và vứt bỏ thức ăn. Cuối cùng, gia đình đã vay mượn tiền để đưa cô đi chữa trị.

Cô Trịnh Thiếu Khanh, một giáo viên ở thành phố Yết Dương, đã bị bắt và đưa đến Trung tâm Tẩy não Tam Thủy vào tháng 3 năm 2003. Để phản đối việc tra tấn, cô Trịnh đã tuyệt thực. Nhà chức trách đã bức thực cô, bắt cô xem các video tuyên truyền cả ngày, cấm ngủ và bỏ thuốc không rõ nguồn gốc vào thức ăn của cô. Cô bắt đầu lên cơn đau bụng không chịu nổi và mồ hôi nhễ nhại. Cô được trả tự do sáu tháng sau đó.

Vào ngày 28 tháng 5 năm 2007, các nhân viên Phòng 610 Huyện Mai và các nhân viên cảnh sát đã đột nhập vào nhà của cô Lưu Đông Nga ở thành phố Mai Châu và bắt giữ cô. Họ đè cô Lưu xuống đất, còng tay và đưa cô đến Trung tâm Tẩy não Tam Thủy.

Tại trung tâm, cô Lưu đã tuyệt thực và bị gần mười cán bộ đè người xuống và bức thực. Một người đào tạo đã đánh cô Lưu liên tục vào đầu, mặt và cơ thể bằng gót giày. Sau đó, cô Lưu bị đưa đến bệnh viện tâm thần và tiêm loại thuốc không rõ nguồn gốc. Đầu cô bị sưng lên, cơ thể cô chuyển thành màu đen, và cô không thể nhìn thấy được. Các nhà chức trách đã thả cô ba tháng sau đó, sau khi cô bị tra tấn đến bên bờ vực của cái chết.

Tử vong và Thương tật nặng

Bà Ngô Bạch Mai, một doanh nhân 48 tuổi ở thành phố Phật Sơn, người sở hữu một số công ty, đã bị đưa vào Trung tâm Tẩy não Tam Thủy vào ngày 9 tháng 11 năm 2011. Chồng bà đã yêu cầu thả bà ra nhưng được cho biết rằng bà có quan hệ với các học viên ở một số tỉnh. Do đó, trường hợp của bà thuộc thẩm quyền của Trung ương, chính quyền địa phương không thể ra quyết định trả tự do cho bà.

Vào ngày 27 tháng 3 năm 2012, bà được thả và qua đời một cách bí ẩn hai ngày sau đó. Cả môi và móng tay của bà đều tím tái. Bà cũng bị một phần bụng sưng tấy nghiêm trọng.

Khi được thả, bà trông rất nhợt nhạt. Ngày hôm sau, bà bị đau ở ngực nhưng không quá nghiêm trọng. Ngày 29 tháng 3, bà cùng chồng đi siêu thị. Đột nhiên, bà cảm thấy yếu ở chân và không thể nhấc chúng lên. Bà nói với chồng mình: “Tôi không thể làm được.” Sau đó bà bất tỉnh. Chồng bà đã đưa bà đến bệnh viện ngay lập tức, nhưng bà đã không bao giờ có thể tỉnh lại.

Bà Ngô qua đời lúc 9 giờ tối trong cùng đêm đó. Mẹ của bà Ngô đã ngoài 80 tuổi và khỏe mạnh. Đó là một đòn giáng mạnh khi nhìn thấy con gái qua đời trước cả mình và bà đã rất đau buồn.

Bà Ngô Túc Uẩn, ở tuổi 60, là một giáo viên đã nghỉ hưu của trường cấp 2 thành phố Giang Môn 1, tỉnh Quảng Đông. Vào ngày 14 tháng 8 năm 2003, bà bị bắt và đưa đến Trung tâm Tẩy não Tam Thủy. Khi tất cả các chiến lược tẩy não không thể “chuyển hóa” bà, nhà chức trách đã thêm thuốc độc vào bữa ăn của bà. Khi bà bị ốm vì chất độc, cảnh sát đã không sắp xếp để bà được chăm sóc y tế. Thay vào đó, họ đã đưa các học viên khác đến phòng của bà Ngô để họ có thể chứng kiến ​​sự đau khổ của bà. Sau đó, bà bị ốm nặng và được cho về nhà. Bà đã qua đời vào tháng 9 năm 2004.

Bà Dương Tuyết Cầm, một cán bộ 65 tuổi đã nghỉ hưu từ Sở Giao thông Vận tải Tỉnh Quảng Đông, bị bắt tại nơi làm việc vào tháng 8 năm 2002. Bà thường bị vây quanh bởi hàng chục sỹ quan đang cố gắng tẩy não bà. Bà cũng bị cấm ngủ và bị phạt đứng. Bà đã qua đời vào tháng 9 hoặc tháng 10 năm đó.

Sau khi bà Dương qua đời, một phóng viên của Minh Huệ đã liên hệ với các cơ quan chức năng thuộc Sở giao thông vận tải và Phòng 610. Các nhà chức trách tại Sở giao thông vận tải cho rằng bà Dương qua đời vì xuất huyết não trong khi Phòng 610 cho rằng bà Dương qua đời vì tuyệt thực khi đang tham gia một lớp học luật. Viên chức không giải thích lý do tại sao bà Dương tuyệt thực hoặc tại sao bà không được điều trị kịp thời.

Vào ngày 24 tháng 6 năm 2004, cô Ôn Phấn Hoa ở huyện Yết Tây bị bắt và bị đưa đến Trung tâm Tẩy não Tam Thủy. Cô ấy vừa mới sinh con và cần phải cho em bé bú sữa. Sau khi chồng và mẹ chồng cô liên tục đưa ra các yêu cầu trả tự do thay mặt cô [luật pháp Trung Quốc quy định rằng việc giam giữ các bà mẹ cho con bú là bất hợp pháp], cô đã được thả vào ngày hôm sau.

Vào ngày 30 tháng 5 năm 2005, cô Ôn bị bắt giữ bởi Phó bí thư Ủy ban Chính trị Yết Tây Trần Kỉ Hoa, người đứng đầu chi nhánh thứ nhất của Đồn Công an Lâm Thiếu Hâm, nhân viên Văn phòng Chính quyền Miên Hồ Quách Nhạc Vĩ, và gần chục cảnh sát khác. Lý do được đưa ra là con của cô Ôn đã được một tuổi. Cô một lần nữa bị đưa đến Trung Tâm Tẩy não Tam Thủy.

Vào khoảng 10 giờ tối ngày 17 tháng 6, Trưởng Công an Hoàng đã đến nhà cô Ôn và bảo chồng cô ra mở cửa, nói rằng cô Ôn đã được về. Chồng cô ra mở cửa nhưng không thấy cô đâu. Hoàng cho biết cô Ôn đang ở trong một chiếc xe tải. Chồng cô đi tới xe tải và nhìn thấy một người phụ nữ đang đỡ cô Ôn ngồi dậy. Cô Ôn dựa vào thành xe và không thể nhúc nhích. Chồng cô gọi tên cô nhiều lần và cô chỉ có thể trả lời một cách yếu ớt. Chồng cô cùng hai người đàn ông khác và một người phụ nữ đã khiêng cô vào nhà.

Chồng cô hỏi cô bị làm sao và Hoàng nói rằng đó là vì cô tuyệt thực. Cô Ôn sau đó đã cố gắng nói: “Tôi đã ăn.” Họ đặt cô Ôn xuống, nhưng cô ấy quá yếu để có thể tự lo cho bản thân.

Trong hai ngày sau đó, cô Ôn cần phải trợ giúp trong việc ăn uống và đi vệ sinh. Cô cần giúp đỡ để lật mình, và đôi mắt của cô đã nhắm lại lúc nào không hay. Khi người khác gọi tên cô, cô chỉ có thể đáp lại bằng một giọng nói yếu ớt. Ngoài ra, trên chân cô Ôn có nhiều vết bầm tím, một số vết thương vẫn đang chảy nước. Cổ tay và mu bàn tay của cô ấy chi chít những vết khâu và những vết sẹo màu xanh đen. Rất có thể cô đã bị tiêm thuốc không rõ nguồn gốc.

Cô Ôn có bốn người con (đứa nhỏ nhất mới một tuổi) và cha mẹ già hơn 70 tuổi, tuy nhiên bây giờ cô không còn khả năng chăm sóc cho bất kỳ ai.

2021-2-5-205643-5.jpg

Những vết bầm tím trên người cô Ôn Phấn Hoa khi cô được thả

Vào ngày 9 tháng 3 năm 2007, cô Trần Thiếu Thanh, một giáo viên tiểu học, đã bị bắt và bị biệt giam trong “Trường Giáo dục Pháp luật” (trung tâm tẩy não) ở thành phố Trạm Giang. Cô Trần đã không thể đi lại sau khi bị tra tấn, nhưng cô từ chối từ bỏ đức tin của mình. Cô bị chuyển đến Trung tâm Tẩy não Tam Thủy vào ngày 22 tháng 4. Các lính canh thấy tình trạng của cô xấu đi mỗi ngày và đưa cô đến bệnh viện. Cô được chẩn đoán mắc bệnh ung thư gan. Trung tâm không muốn chịu trách nhiệm về tình trạng sức khỏe của cô và đã trả tự do cho cô vào ngày 30 tháng 4 năm 2007.

Đối tượng tham gia bức hại

Có hơn 100 nhân viên, bao gồm cả trợ lý giám sát và nhân viên an ninh tại Trung tâm Tẩy não Tam Thủy. Khoảng 60 đến 70 người trong số họ là cảnh sát từ văn phòng tư pháp. Đội ngũ quản lý bao gồm chính ủy, giám đốc và các phó giám đốc, trưởng phòng và phó trưởng phòng giáo dục, trưởng trung tâm tư vấn… Họ thường làm việc trong trung tâm tẩy não cho đến khi nghỉ hưu. Có một số thay đổi nhỏ về nhân sự đối với Trung tâm Quản lý Dược.

Vương Thiên Linh, cựu chính ủy, được Sở Tư pháp Tỉnh Quảng Đông bổ nhiệm làm chính ủy Viện Quản lý Cai nghiện Ma túy Tam Thủy vào năm 2016. Trần Ái Trung, cựu giám đốc trung tâm tẩy não, sau đó được chuyển đến Trung tâm Cai nghiện Bắt buộc Số 1 Quảng Đông (không rõ chính xác khi nào, nhưng Trần vẫn là giám đốc vào năm 2012). Bà Ngô Bạch Mai đã bị bức hại đến chết vào tháng 3 năm 2012 khi Trần vẫn đang làm việc.

Cổ Anh Quế, cựu phó giám đốc, đã đưa ra hơn 300 bản báo cáo phỉ báng Pháp Luân Công tại 100 trường học trong tỉnh vào thời gian rảnh rỗi trong những ngày nghỉ. Ông ta nghỉ hưu vào năm 2017. Sau đó, ông được thuê làm cố vấn pháp lý cho 63 trường học trên địa bàn tỉnh.

Lý Mĩ Anh, cựu phó giám đốc, được điều động đến Trung tâm Cai nghiện Ma túy bắt buộc dành cho nữ tỉnh Quảng Đông với tư cách thư ký Ủy ban kỷ luật. Cựu trưởng bộ phận giáo dục và cảnh sát Lưu Quốc Huy đã được chuyển đến Trung tâm cai nghiện ma túy bắt buộc số 4 tỉnh Quảng Đông.

Đường Quảng Lị, chính ủy, nguyên là phó giám đốc Trại Lao động Cưỡng bức Nữ Tỉnh Quảng Đông và chính ủy của Viện quản lý cai nghiện ma túy Tam Thủy. Bà ta được bổ nhiệm làm chính ủy của Trung tâm Tẩy não Tam Thủy vào năm 2016 bởi Sở Tư pháp tỉnh Quảng Đông.

Trần Thụy Hồng, cảnh sát phụ trách đội số 2, nguyên là lính canh tại Trại Lao động Cưỡng bức Tam Thủy. Anh ta đã trực tiếp tham gia vào việc bức hại học viên ông Vương Thụ Bân đến chết khi ông Vương bị giam giữ tại Trại Lao động Cưỡng bức Tam Thủy. Ông Vương qua đời năm 2005 ở tuổi 28. Sau khi Trần được chuyển đến Trung tâm Tẩy não Tam Thủy, anh ta giữ chức vụ đội trưởng đội số 2 và trưởng bộ phận.

Liệu Dục Bình, cựu giám đốc, trước đây là trưởng phòng chính trị tại Trại Lao động Cưỡng bức Nữ Tỉnh Quảng Đông. Liệu thường phát video cho thấy cảnh sát bắt giữ các học viên một cách thô bạo và nói với các học viên rằng họ sẽ “chuyển hóa” sau khi xem video.

Trịnh Vĩ Khoa là đội trưởng của đội số 2. Bề ngoài, anh ta trà trộn với các học viên nhưng chịu trách nhiệm bảo trợ lý giám sát “chuyển hóa” các học viên. Những trợ lý đã làm việc trong trung tâm tẩy não trong một thời gian dài là Lương Cương, và vợ chồng Lưu Vũ.

Kha Tuấn Phi, đội phó của đội số 2, sử dụng trò lừa bịp ở Quảng trường Thiên An Môn để vu khống Pháp Luân Công.

Vào ngày 22 tháng 6 năm 2016, Từ Văn Kì, Hình Huệ và Lương Xuân Quỳnh đã tham dự lớp đào tạo ba ngày do Trường Đảng Huệ Châu và Ủy ban Chính trị và Pháp luật Huyện Huệ Đông tổ chức. Với tư cách là những người phát biểu chính, họ đã phỉ báng Pháp Luân Công trong lớp huấn luyện.

Trương Mẫn Thanh của đội số 1 đã sử dụng trò lừa bịp ở Quảng trường Thiên An Môn để vu khống Pháp Luân Công trong một sự kiện của trường học vào ngày 21 tháng 6 năm 2018, do Học viện Công nghệ Quảng Châu và Ủy ban Chính trị và Pháp luật quận Tam Thủy tổ chức.

Một sự kiện tẩy não đã được tổ chức tại một trường học ở thành phố Đông Hoản vào ngày 1 tháng 11 năm 2018. Phó giám đốc Tiếu Vĩnh Cường, đội trưởng đội số 1 Trịnh Khoa Vĩ, đội trưởng đội số 2 Lý Bố Quân và phó giám đốc trung tâm kỷ luật Hoàng Tuyết Liên đã đến chỉ đạo sự kiện có sự tham gia của hơn 3.700 giáo viên và học sinh.

Bành Phúc Minh, một cảnh sát, hiện là đội trưởng đội số 1 và là giám đốc của Hiệp hội Nhà văn Quận Tam Thủy. Bành thường thực hiện các video ngắn phỉ báng Pháp Luân Công cho các học sinh mẫu giáo và tiểu học.

Chu Sùng Cao là một cảnh sát gọi các học viên là “anh em” của mình. Anh ta sử dụng đạo đức giả để cố gắng “chuyển hóa” các học viên.

Các đối tượng tham gia vào cuộc bức hại tại Trung tâm Giáo dục Pháp luật Tỉnh Quảng Đông:

Đường Quảng Lị (唐广莉), chính ủy: + 86-13928596823

Liệu Dục Bình (廖毓平), phó giám đốc: + 86-13809256097

Vương Thiên Linh (王 天 灵), cựu chính ủy: + 86-13809252391

Cổ Anh Quế (古 英 桂), cựu phó giám đốc: + 86-13925407218, + 86-13925402286, + 86-13902857854

(Thông tin liên hệ các đối tượng khác tham gia cuộc bức hại có trong bản tiếng Hán.)

Bài liên quan:

Các chiến lược tẩy não được sử dụng tại Trung tâm Giáo dục Pháp luật Quảng Đông

Bên trong trại tạm giam tà ác mang tên Trung tâm Giáo dục Pháp luật Quảng Châu: Các học viên Pháp Luân Công bị bức hại vì kiên định đức tin

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/2/6/419593.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/3/1/191182.html

Đăng ngày 24-03-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share