Bài viết của một tiểu đệ tử Pháp Luân Đại Pháp ở Trung Quốc Đại Lục

(Tiểu đệ tử thuật lại, đồng tu mẹ chỉnh lý)

[MINH HUỆ 22-11-2020]

Kính chào Sư phụ từ bi vĩ đại! Chào các đồng tu!

Con là tiểu đệ tử Đại Pháp, năm nay 10 tuổi. Con muốn tham gia chia sẻ trong Pháp hội Đại Lục năm nay.

1. Học Pháp luyện công

Khi con vừa chào đời đã bắt đầu tu luyện rồi. Đầu tiên con nghe băng thâu âm bài giảng Pháp của Sư phụ; con nhận biết được rất nhiều mặt chữ lúc hai tuổi rưỡi; đến bốn tuổi thì con có thể thông đọc quyển sách “Chuyển Pháp Luân”. Con học Pháp không gián đoạn mỗi ngày, chỉ có vào năm 2017, khi mẹ đi Bắc Kinh làm việc, thì con mới không học Pháp nữa, lúc đó con cảm thấy mình bị thụt lùi nhiều lắm. Trong mộng con thấy mình bị rớt từ trên cầu vồng xuống, điều này làm con rất sợ.

Vào tháng 4 hoặc tháng 5 năm 2018, mẹ con từ Bắc Kinh trở về, khi này con mới bắt đầu quay lại học Pháp mỗi ngày. Học Pháp giúp con nhận thức ra rằng, phải làm một người tốt hơn cả người tốt, theo Sư phụ trở về thế giới thiên quốc, vì vậy mà con cảm thấy rất vui mỗi khi học Pháp.

Lúc con bốn, năm tuổi, con giục mẹ dạy con năm bài công pháp. Nhưng khi con 6 tuổi, thì mẹ mới bắt đầu dạy con luyện công. Khi con luyện động tác Đầu đỉnh bão luân, cánh tay con rất đau, và con đã khóc, nhưng con vẫn kiên trì luyện hết. Lúc luyện tĩnh công, ban đầu con chỉ ngồi song bàn trong năm phút, mỗi lần luyện công thì tăng thêm năm phút nữa. Lần nọ, đến 30 phút rồi mà mẹ không bảo cho con biết, kết quả là con luyện đến 45 phút. Sau đó mấy hôm, con có thể ngồi song bàn trong một giờ đồng hồ.

Con cũng vượt quan nghiệp bệnh. Nhớ lại khi con được vài tháng tuổi, con bị sốt cao đến mấy ngày mấy đêm, toàn thân rất nóng. Lúc vượt qua được thì toàn thân phát sáng. Năm 3 tuổi, con đi bơi trong hồ và suýt chết đuối, con nhìn thấy Sư phụ ẵm con ra ngoài.

2. Đề cao tâm tính

Khi con học lớp hai, trong giờ ăn trưa ở trường, có bảy hoặc tám bạn trong lớp đã bắt nạt con, nhưng con cũng không tức giận. Về nhà, con nói với mẹ: “Nhất cử tứ đắc. Bảy bạn đánh con, bảy lần bốn là 28, vậy là con được 28 thứ tốt rồi.” Con vui mừng nhảy lên nhảy xuống. Mẹ cũng mỉm cười và cảm thấy con rất dễ thương.

Khi con đi xuống lầu thì nhìn thấy một tờ tiền, con đã nhặt nó mang về nhà và để nó lên ghế, rồi con nhìn nó, càng nhìn càng thấy giống như bùn đất, rất dơ bẩn. Con nói điều này với mẹ, mẹ bảo: “Con hãy mang tiền để lại chỗ cũ nhé!”

Sau khi để lại chỗ cũ, trong tâm con cảm thấy rất nhẹ nhõm. Con nói với mẹ rằng: “Thật lạ! Khi con cầm tờ tiền lên thì nó giống bùn đất, nhưng khi con trả về chỗ cũ thì nó lại biến thành tiền.”

Lần vượt quan này con làm không tốt, Sư phụ lại ban cho con một cơ hội nữa. Khi con đang ở bên ngoài lại thấy một tờ tiền, con đã nhặt nó lên bỏ vào túi, rồi chạy đi rất xa, cuối cùng con dùng hết sức ném nó đi, ý con là để bản thân không thể chạm tay nhặt được, nghĩ vậy nên con mới ném nó đi xa tít như vậy. Tuy nhiên, con vẫn thấy mình chưa vượt tốt quan này.

Sư phụ lại cấp cho con thêm một lần cơ hội nữa, con lại nhìn thấy một tờ tiền, khi đó con chỉ nhìn một cái, không có nhặt mà bỏ đi nơi khác. Con tự nói trong tâm rằng: “Cuối cùng mình cũng vượt qua được quan này rồi.”

3. Giảng chân tướng

Khi con ba tuổi, con đã giảng chân tướng cho bạn học mẫu giáo trong nhà trẻ. Con nói: “Pháp Luân Đại Pháp hảo, Chân-Thiện-Nhẫn hảo. Mình là tiểu đệ tử Đại Pháp.” Con cũng nói điều này với cô giáo, và cô giáo đã nói: “Cảm ơn con!”

Lúc ba tuổi, con còn đi theo mẹ ra ngoài dán tờ chân tướng vào buổi tối, mẹ bế con lên để con có thể dán tấm chân tướng trên cao. Sau đó, hai mẹ con lại đi phát cuốn chân tướng nhỏ ở cửa sổ nhà mọi người, mẹ phát chính niệm, còn con chạy đi phát.

Khi con được bốn hoặc năm tuổi, con có thể giảng chân tướng trực diện. Đầu tiên, con nói với ông bà nội rằng: “Cháu chào ông nội!” hoặc “Cháu chào bà nội!” Sau đó con đưa tặng ông bà cuốn chân tướng nhỏ, con thấy ông bà rất vui, và cứ nhìn con mỉm cười suốt.

Về sau, khi con nghe phát thanh chuyên mục “Vườn tiểu đệ tử” trên Minh Huệ Net, con mới biết các tiểu đồng tu khác còn giảng tốt hơn con nhiều lắm, vậy là con thay đổi từ “Cháu chào ông nội!” thành “Cháu chào ông nội! Cháu tặng ông một quyển sách ạ.”

Thời gian sau, con lại thay đổi thành “Cháu chào ông nội! Cháu tặng ông một quyển sách ạ, quyển sách này rất tốt, mong ông ghi nhớ ‘Pháp Luân Đại Pháp hảo, Chân-Thiện-Nhẫn hảo’, khi nguy hiểm đến có thể bảo mệnh ạ.” Ông nội vừa cười vừa nói: “Tốt! Tốt!”

Khi con học lớp ba, con dẫn bạn cùng lớp về nhà xem phim chân tướng, các bạn ấy xem rất nhiệt tình, xem hết một bộ phim rồi còn nói: “Mình vẫn muốn xem lại một lần nữa. Bạn có thể mở lại được không?”

Ngô Mộng Dao (hóa danh) là bạn thân của con, đầu tiên con hỏi bạn ấy rằng: “Bạn đoán xem mẹ của mình đọc sách gì?”

Bạn ấy hỏi con: “Là sách gì vậy?”

Con bèn giảng cho bạn ấy nghe Pháp Luân Công tốt như thế nào, còn tà đảng thì xấu ra sao. Sau đó con nói: “Mình giảng không rõ ràng lắm, hay để mẹ mình giảng cho bạn nghe nhé.”

Bạn ấy nói: “Được chứ.”

Thế là con dẫn cô bạn về nhà, để mẹ bắt đầu giảng chân tướng cho bạn ấy. Sau khi bạn ấy nghe và hiểu rồi, con hỏi bạn muốn thoái xuất đội thiếu niên hay không. Con chọn cho bạn một hóa danh, mất rất nhiều thời gian, cuối cùng bạn ấy chọn được hóa danh “Ngô Mộng Dao” này. Bạn ấy cảm thấy hóa danh này rất hay, và hôm ấy con cũng rất vui.

Cũng trong năm học lớp ba, cô giáo chủ nhiệm thường bị bệnh và cứ nhập viện suốt. Đến ngày sinh nhật của cô, con vẽ một tấm thiệp tặng cô, trên thiệp viết rằng: “Cô ơi, chúc cô sức khỏe dồi dào, vạn sự như ý.” Con bỏ tấm thiệp vào phong bì, bên trong cũng để kèm một tấm chân tướng bùa hộ mệnh, còn có câu chuyện nhỏ về bùa hộ mệnh, bên ngoài phong bì con vẽ một chiếc cầu vồng to to. Cô giáo đã rất cảm động khi nhận món quà này.

4. Giúp mẹ vượt quan

Vào tối ngày 31 tháng 12 năm 2019, mẹ con chạy xe đạp điện và bị té ngã, mẹ điện thoại gọi bố đến đón, hai bố con vội vàng đến đó. Con nhìn thấy mẹ nằm trên bãi cỏ bên đường, và con đã khóc, đó là một cảm giác đan xen giữa từ bi và tình thân quyến. Sau đó bố gọi 120, xe cấp cứu đưa mẹ đến bệnh viện. Sau khi chụp X-quang, bác sĩ nói xương đầu gối bị gãy nát, lúc đó con giật mình. Sau đó bệnh viện bó bột cho mẹ, còn treo hai cái chai lên (để truyền dịch cho mẹ), là chai nước muối sinh lý và đường glucose. Lúc đó có ba vị đồng tu đến chia sẻ với mẹ. Trải qua một đêm, chính niệm của mẹ càng mạnh hơn, nên mẹ không muốn làm phẫu thuật, cũng không dùng thuốc, kiên quyết xuất viện.

Sau khi về nhà, con cùng học Pháp với mẹ, con và mẹ còn học thuộc “Hồng Ngâm”, “Hồng Ngâm II”, con cũng thấy mẹ học thuộc “Hồng Ngâm III”. Trong thời gian đó, hầu như ngày nào con cũng đi ngủ sau 12 giờ khuya, con nghĩ Sư phụ đã gia trì cho con, nên con mới có được tinh thần như vậy.

Khi đó con đọc đến các câu Pháp này của Sư phụ:

“Cự nạn chi trung yếu kiên định” (Kiên Định, Hồng Ngâm II)

Tạm diễn nghĩa:

“Trong nạn lớn cần kiên định” (Kiên Định)

“Khảo nghiệm diện tiền kiến chân tính” (Kiến Chân Tính, Hồng Ngâm II)

Tạm diễn nghĩa:

“Đối diện với khảo nghiệm chân tính được lộ rõ, thấy chân tính” (Kiến Chân Tính)

“Học Pháp bất đãi biến tại kỳ trung
Kiên tín bất động quả chính liên thành” (Tinh Tấn Chính Ngộ, Hồng Ngâm II)

Tạm diễn nghĩa:

“Học Pháp không chểnh mảng, biến hoá đều trong đó cả
Lòng tin kiên định không lung lay; chính quả, hoa sen kết thành” (Tinh Tấn Chính Ngộ)

“Trọng chùy chi hạ tri tinh tấn” (Cổ Lâu, Hồng Ngâm II)

Tạm diễn nghĩa:

“Dùi trống đập mạnh mà biết tinh tấn” (Lầu Trống)

“Thiểu tức tự tỉnh thiêm chính niệm Minh tích bất túc tái tinh tấn” (Lý Trí Tỉnh Giác, Hồng Ngâm II)

Tạm diễn nghĩa:

“Nghỉ ngơi một hồi tự xét mình sẽ thêm chính niệm Phân tích rõ rệt những thiếu sót rồi tinh tấn lên” (Lý Trí Tỉnh Giác)

Con nói với mẹ rằng: “Mẹ ơi xem này, các câu Pháp này giống như đang nói mẹ vậy.” Mẹ rất cảm động, chính niệm càng mạnh mẽ hơn. Năm ngày sau, mẹ đã tự tay tháo bỏ lớp thạch cao. Thời điểm đó, con và mẹ học 60 trang Pháp mỗi ngày, ngoài ra mẹ còn học thuộc Pháp rất nhiều. Hàng ngày, con cũng học thuộc một hoặc hai đoạn Pháp, bởi vì con còn phải làm bài tập nghỉ đông.

Khi mẹ nản chí ngã lòng, con khích lệ mẹ: “Chân của mẹ, từ phân tử đến nguyên tử, cho đến lạp tử vi quan nhất đều ổn cả.” Mẹ cảm thấy con nói dựa trên Pháp nên chính niệm lại khởi lên. Mỗi ngày con chăm sóc mẹ, hấp bánh bao, nấu cháo, rồi lại bưng cháo đến cho mẹ, hầu như bố không cần quản những việc này. Con còn giúp mẹ vệ sinh cá nhân (vì mẹ không thể đi lại được); những khi mẹ vô vọng rơi nước mắt, con chạy đến ôm mẹ. Mẹ nói con giống một người mẹ, còn mẹ thì giống một em bé.

Khi mẹ vừa té ngã mấy hôm, thì dịch bệnh virus Trung Cộng (viêm phổi Vũ Hán) bùng phát, tiểu khu con bị phong tỏa. Con cảm thấy những người đó vẫn còn cơ hội được cứu, nên con muốn đi phát tài liệu chân tướng. Lúc này mẹ vẫn không thể di chuyển, nên con tự đi ra ngoài vào buổi tối để phát những cuốn chân tướng còn lại trong nhà, trong khi đó mẹ ở nhà phát chính niệm hỗ trợ cho con. Con phát mỗi nhà một quyển, và phát một lượt hết toàn tiểu khu. Sau khi phát xong, mẹ nói: “Để qua một, hai tuần rồi phát lại nhé.”

Con nói: “Không được đâu mẹ, ôn dịch đến rồi, nếu người trong tiểu khu không được cứu thì có thể sẽ mắc bệnh.”

Nghe vậy mẹ nói: “Được rồi.”

Con lấy một tấm giấy màu sáng, cắt thành những tấm nhỏ, viết lên giấy dòng chữ “Thành tâm niệm Pháp Luân Đại Pháp hảo, Chân-Thiện-Nhẫn hảo, khi ôn dịch đến có thể bảo mệnh.” Con còn vẽ lên đó một hoa sen lớn màu hồng rất đẹp.

Con hỏi mẹ: “Mẹ ơi, dùng keo gì ạ, vì trong nhà không có keo nước.”

Mẹ nói: “Con luộc khoai tây, cắt ra, trét một chút lên tường rồi dán giấy lên, có thể dính chắc rất lâu mà không bị bung.”

Con liền làm theo lời mẹ, quả thật rất hữu dụng. Con đi ra ngoài dán vào mỗi sáng sớm, còn mẹ vẫn ở nhà phát chính niệm. Con dán liên tục như vậy trong một, hai tuần.

Con và mẹ đọc trên Minh Huệ Net thấy có các câu chuyện nhỏ về những người bị nhiễm virus Trung Cộng ở Vũ Hán, nhưng nhờ niệm chân ngôn chín chữ “Pháp Luân Đại Pháp hảo, Chân-Thiện-Nhẫn hảo” mà khỏi bệnh. Vậy là hai mẹ con viết ra giấy những câu chuyện nhỏ này, con cũng vẽ lên giấy một hoa sen lớn. Buổi tối đi ra ngoài dán, con mang theo một cái xô nhỏ đựng keo trắng, và dán rất chắc. Mẹ vẫn ở nhà phát chính niệm hỗ trợ cho con.

Một tối nọ, khoảng hơn tám giờ, khi tiểu khu vừa mở phong tỏa, con liền xách xô keo trắng nhỏ ra công viên để dán tấm chân tướng. Hôm ấy trên trời sấm vang chớp giật sắp đổ mưa. Một mình con bước đi trên con đường tối đen như mực, con cảm giác như Sư phụ đang nhắc nhở con rằng: “Con dán nhanh hơn nhé.” Vậy là con liền dán thật nhanh. Hơn 30 phút thì con về đến nhà, vừa vô cửa thì trời mưa như trút nước. Con cảm thấy điều này thật kỳ diệu.

Trong thời gian dịch bệnh diễn ra vào tháng Ba, con có một giấc mơ: Mơ thấy con và mẹ ở trong một căn nhà lớn rất đẹp, có một bức tranh treo ở hành lang trên tầng hai, trong tranh là ảnh Sư phụ ở giữa, có hai con rồng vàng ở hai bên Sư phụ, phía sau Sư phụ là cung điện thiên thượng vô cùng nguy nga lộng lẫy, cảnh tượng xuất hiện giống như trong khai màn biểu diễn Shen Yun vậy đó. Trên thân Sư phụ không ngừng phát phóng ra Phật quang chói lóa đủ màu sắc, cảnh tượng tráng lệ thù thắng. Có những cánh hoa rơi từ trên trời xuống, điều mỹ diệu là những cánh hoa đó cứ mãi rơi xuống. Hai con rồng vàng đang bay, bên dưới là những đám mây ngũ sắc bồng bềnh nhẹ trôi. Khi ấy, mẹ và một đồng tu lâu năm đang luyện bão luân ở trước bức tranh đó. Con cảm thấy giấc mộng này là Sư phụ khích lệ con và mẹ.

Một buổi trưa nọ, khi con và mẹ đang phát chính niệm, con nhìn thấy Pháp thân của Sư phụ đang ở phía sau mẹ, Pháp thân rất to lớn, rất to lớn, và Sư phụ đơn thủ lập chưởng.

Còn có một buổi tối khác, khi con và mẹ đang luyện bài công pháp thứ năm, con nhìn thấy hai vị Thần hộ Pháp, một vị mặc y phục màu xanh lá cây, còn vị kia mặc y phục màu xanh dương, ở trước ngực áo có một hình tròn, trong hình tròn vẽ hình một con rồng vàng. Cả hai vị ấy, một tay cầm khiên, một tay cầm kiếm, cùng đứng trước cửa sổ, rất thần thánh. Con nghĩ rằng hai vị Thần này là do Sư phụ phái đến để bảo hộ con và mẹ. Con nhìn thấy những điều này trong thời gian dịch bệnh, con nghĩ Sư phụ khích lệ con và mẹ đừng sợ, phải tinh tấn lên.

5. Là một đứa trẻ hiểu chuyện

Khi con còn ở trong bụng mẹ, bố (cũng là đồng tu) đã bị bắt cóc, bị cải tạo lao động phi pháp trong một năm. Từ lúc sinh ra cho đến trước một tuổi, con chẳng bao giờ nhìn thấy bố. Lúc con đi nhà trẻ thì mẹ bị bắt cóc hai lần, điều này khiến con trở thành một đứa trẻ rất tự lập. Mỗi ngày bố cài đồng hồ báo thức cho con, sáng sớm thức dậy, con tự mặc quần áo, tự đánh răng rửa mặt, sau đó mới gọi bố dậy. Con nói: “Bố ơi mau dậy đưa con đi nhà trẻ.” Nếu bố không nhúc nhích hay phản ứng thì con sẽ dùng hết sức để đẩy bố tỉnh. Khi mẹ đang ở Bắc Kinh, bố lại bị bắt cóc nửa tháng. Trong nửa tháng đó, con đã ở nhờ nhà của chú.

Khi tiểu khu mở phong tỏa, con lấy tiền lì xì của mình đi mua hai thùng dầu và một túi gạo 15 kg. Hai thùng dầu thì con xách trực tiếp, còn túi gạo thì con dùng một chiếc xe kéo nhỏ để kéo về, lúc đó con không hề cảm thấy mệt mỏi chút nào, đổi lại cảm thấy rất nhẹ nhàng.

Con thường đi siêu thị mua thức ăn, các cô chú, các bác trong siêu thị đều quen biết con, họ còn khen con rất đảm đang. Con cũng học cách làm đủ các loại bánh như bánh bao hấp, bánh bao các loại, bánh chưng, sủi cảo, bánh mì nướng, bánh kem, v.v.. Lúc con không đi học, mẹ đi làm, thì con sẽ chuẩn bị bữa sáng cho mẹ vào hôm sau.

6. Thiếu sót của bản thân

Con rất ham chơi, đôi khi không kiểm soát vững bản thân, nên đã đi chơi bên ngoài, lãng phí biết bao nhiêu thời gian. Khá nhiều lần, khi con mang theo tâm ham chơi đi phát tài liệu, nên đã bị người giám sát chụp hình bốn lần, khiến cho cảnh sát đến nhà quấy nhiễu hai mẹ con. Mẹ hướng nội tìm, và nhận ra mình có tâm ỷ lại vào con nên mới chiêu mời rắc rối. Còn con tự nói với bản thân rằng: “tâm ham chơi” và “tâm ham việc” đã gây nên phiền phức này.

Mẹ luôn đốc thúc con tu luyện. Con nói với mẹ: “Trong thời gian dịch bệnh, con dẫn dắt mẹ tu luyện, bây giờ chân mẹ khỏi rồi, mẹ lại dẫn dắt con tu luyện nhé.”

Con thuật lại hơn 3.000 từ, rất mệt nên sẽ ngừng viết ở đây. Trong bài chia sẻ, nếu có chỗ nào không đúng, mong các đồng tu từ bi chỉ rõ.

(Bài được chọn đăng trong Pháp hội giao lưu tâm đắc thể hội dành cho các đệ tử Đại Pháp tại Trung Quốc Đại Lục lần thứ 17 do Ban biên tập Minh Huệ tổ chức)


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2020/11/22/明慧法会-我是师父的小弟子-415007.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2020/11/28/188472.html

Đăng ngày 12-12-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share