Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp tại Giang Tô, Trung Quốc

[MINH HUỆ 19-11-2020]

Kính chào Sư phụ tôn kính! Chào các bạn đồng tu!

Năm 2008, một lần nữa tôi lại bước ra khỏi nhà tù sau khi bị bắt giam phi pháp. Tôi trở về nhà và tìm những thiếu sót ở bản thân một cách sâu sắc. Trên bề mặt, vì bức hại của tà đảng mà tôi mất đi tự do, vậy vì sao những đồng tu khác vẫn có thể ổn định bước đi trên con đường tu luyện trợ Sư chính Pháp và cứu người? Tôi tự hỏi, vì sao mình mãi làm không tốt, mình sai kém ở chỗ nào rồi?

1. Buông bỏ tâm nóng nảy vội vàng, tĩnh tâm học Pháp

Nhớ lại việc tu luyện của bản thân trước khi bị bức hại, tôi phát hiện mình không thật sự coi trọng học Pháp. Mỗi ngày đọc một, hai bài giảng trong quyển “Chuyển Pháp Luân” là xem như hoàn thành nhiệm vụ. Nhiều khi trong lúc học Pháp, tâm cứ trôi nổi đâu đâu, nhiều tạp niệm; học Pháp tập thể thì tâm thái cũng không thuần tịnh, vì có tâm hiển thị muốn đọc tốt hơn; dùng tâm thái lý luận học tập của người thường để học Pháp, trong tiềm ý thức cho rằng học Pháp có thể ngộ được điều gì đó mà bản thân đang tìm kiếm; nhưng khi không ngộ được Pháp lý, thì cảm thấy thời gian học Pháp nhiều rồi, hơi lãng phí thời gian cứu người. Cảm thấy phát được một số tài liệu chân tướng, khuyên tam thoái được mấy người, vậy là có chút hài lòng rồi.

Vì học Pháp không thật sự nhập tâm nên khi làm việc cứu người, biểu hiện ra là không đủ điềm tĩnh, thường liều lĩnh hấp tấp, không chủ động chú ý an toàn. Khi giảng chân tướng cho người thân bạn bè, cũng mang theo thói quen xấu trong văn hóa tà đảng, nóng nảy biện bạch và thiếu kiên nhẫn, hễ nghe lời nào không vừa lòng thì liền tranh biện với người ta. Đối với người chống đối chân tướng Đại Pháp thì trong tâm không muốn tiếp cận. Trong cuộc sống vợ chồng cũng vậy, hở chút là tôi chỉ trích lỗi của anh ấy, cứ mở miệng ra là làm tổn thương người khác, lâu dần thành thói quen, lại còn cảm thấy rất thiệt thòi vì bản thân luôn bận rộn với công việc nhà từ sáng đến tối.

Trong một khoảng thời gian dài như thế, tôi cảm thấy thân tâm rất mệt mỏi, trong lòng vui không nổi, trên khuôn mặt cũng khó thể hiện được vẻ tường hòa vốn có của một người tu luyện. Thực tế đây chính là trạng thái học Pháp không đắc Pháp. Bề ngoài cũng đang học Pháp, luyện công, phát chính niệm, và giảng chân tướng, nhưng thường xuyên dùng tâm người thường để làm các việc Đại Pháp.

Từ lúc mới học các bài giảng Pháp tại các nơi của Sư phụ, tôi thấy hầu như mỗi lần Sư phụ giảng Pháp đều nhấn mạnh phải học Pháp cho tốt.

Sư phụ minh thị:

“Pháp có thể phá hết thảy chấp trước, Pháp có thể phá hết thảy tà ác, Pháp có thể phá trừ hết thảy lời dối trá, Pháp có thể kiên định chính niệm.” (Bài trừ can nhiễu, Tinh Tấn Yếu Chỉ II)

Tôi biết Pháp là vạn năng, nhất định có thể phá trừ những nhân tố văn hóa tà đảng thâm căn cố đế trong đầu não của bản thân tôi, nhất định có thể khiến tôi cải biến những thói quen tư duy không lý trí, nhất định có thể khiến bản thân tôi bước đi ngay chính trên con đường tu luyện, cũng nhất định có thể khiến bản thân tôi trở nên lý trí hơn, thành thục hơn. Tôi hạ quyết tâm phải thay đổi phương thức học Pháp, nhất định phải vâng lời Sư phụ, học Pháp nhiều hơn và học Pháp tốt hơn.

Vào tháng 8 năm 2008, tôi bắt đầu chép Pháp. Nhiều năm qua, tôi luôn cảm thấy việc chép Pháp quá chậm, không nhanh như đọc sách. Tôi tu luyện Đại Pháp hơn 10 năm nhưng chưa từng chép Pháp. Khi thật sự bắt đầu cầm bút chép Pháp, tôi mới phát hiện ra rằng, khi chép Pháp, kỳ thực mỗi chữ không phải là tay viết ra, mà là tu xuất ra. Mỗi ngày trước khi chép Pháp, nếu tôi không phát chính niệm tốt, thì khi chép Pháp sẽ dễ sai; trong quá trình chép Pháp, chỉ cần tư tưởng suy nghĩ chút gì đó, thì cũng chép sai; nếu hôm nào trong cuộc sống có lời nói và hành vi không ở trong Pháp, cũng dễ dàng chép sai. Đôi khi, nhìn thấy một trang giấy đầy chữ rồi, sắp xong rồi, nhưng đột nhiên chép sai một chữ, vậy là phải chép lại từ đầu. Thường thì nửa ngày trôi qua mà chẳng chép xong được một trang Pháp, chứ chưa nói đến trang tiếp theo.

Thỉnh thoảng cứ viết sai hoài, tôi bèn buông bút xuống, phát chính niệm, điều chỉnh lại trạng thái của bản thân, thanh lý can nhiễu của nhân tố tà ác bên ngoài. Vậy đó, mặc dù chép Pháp rất mệt, nhưng tôi luôn giữ vững một niệm đã xuất ra khi mới bắt đầu chép Pháp: Nhất định phải chép Pháp thật tốt, dẫu một ngày chỉ chép được vài hàng, nhưng vẫn duy trì tiếp tục chép mỗi ngày không gián đoạn. Đồng tu mang tặng tôi giấy viết tay, điều này rất thuận tiện cho tôi đối chiếu trong khi chép Pháp. Trải qua thời gian năm tháng, cuối cùng tôi cũng đạt được ý nguyện: Đã chép xong một lượt quyển thiên thư “Chuyển Pháp Luân”.

Lúc này tôi mới nhận ra, trong khi chép Pháp thì bản thân và việc học Pháp đã có sự thay đổi: Tâm trạng trở nên bình hòa hơn nhiều, có thể dễ dàng phù hợp với trạng thái người thường, sinh hoạt và làm việc nhà bình thường, không làm kiểu ứng phó như trước. Việc gì cần làm thì chuyên tâm làm tốt, không giống như trước đây chỉ muốn làm tốt ba việc của đệ tử Đại Pháp, mà cảm thấy nhàm chán việc nhà và những công việc khác. Từ trong những chuyện vụn vặt hàng ngày, tôi cố gắng tu bản thân, loại bỏ thói quen làm việc lề mề qua loa đã hình thành bấy lâu, bản thân từ từ dưỡng thành thói quen làm việc chu đáo tỉ mỉ và chuyên tâm. Đồng thời chú ý học cách nấu nướng, để khi chồng về nhà có thể cảm nhận được sự vui vẻ trong cuộc sống gia đình.

Khi tôi tham gia học Pháp nhóm, bản thân đọc Pháp căn bản không bị sai nữa, những hình ảnh sợ bị tà đảng bức hại cũng tan biến mất. Dần dần, chỉ cần tiếp xúc với người nào, thì tôi liền có thể chính niệm nắm bắt lấy cơ duyên để giảng chân tướng và khuyên tam thoái. Tĩnh tâm học Pháp tốt, tôi thật sự thể hội được sự mỹ diệu của Pháp lý “Pháp luyện người”. Chỉ cần thật sự học Pháp tốt, người tu luyện sẽ có thể cải biến thân tâm, cử chỉ ngôn hành sẽ phù hợp với một người tu luyện, điều này có được là nhờ uy đức của Đại Pháp!

Sau Tết Nguyên đán năm nay, tôi bắt đầu học thuộc Pháp lần thứ ba. Lần này học thuộc, tôi định ra mục tiêu cho bản thân: Mỗi đoạn nhất định học thuộc không sai một chữ, và có thể ghi nhớ đại ý của mỗi chương. Đồng thời, sắp xếp hai đến ba ngày rưỡi một tuần để học Pháp tập thể với các đồng tu. Khi cá nhân học thuộc Pháp ở nhà, học mệt rồi thì thông đọc “Chuyển Pháp Luân”. Trong lúc học thuộc, nếu thời gian gấp gáp, học vội mấy đoạn nhưng không nhớ rõ thì hôm sau học thuộc lại từ đầu một lần nữa, để mỗi câu Pháp thật sự thấm vào trong não của bản thân.

Học thuộc Pháp chất lượng như vậy, tuy học thuộc không nhanh nhưng thu hoạch rất nhiều. Ví như với một câu Pháp từng đọc qua trong khi thông đọc, thì khi học thuộc sẽ lập tức minh bạch được nội hàm trong đó, thật sự thể hội được sự mỹ diệu của học Pháp đắc Pháp.

Khi tôi học Pháp đắc Pháp, quả thật rất cảm động, cảm tạ ân Sư phụ đã ban cho tôi Đại Pháp tốt như vậy. Khi học thuộc Pháp và thông đọc, tôi cố gắng hết sức gác mọi chuyện sang một bên, thực sự tĩnh tâm lại, không nghĩ tới bất cứ điều gì, để mỗi chữ Đại Pháp có thể tiến nhập vào mắt, vào đầu, vào tâm. Lần này tôi trải qua tám tháng mới hoàn thành xong việc học thuộc Pháp lần thứ ba.

Tĩnh tâm học Pháp lượng lớn, không ngừng tịnh hóa tư tưởng của bản thân, tạp niệm trong não cũng ít đi, khi khuyên tam thoái và giảng chân tướng thì trí huệ cũng tự nhiên tuôn trào, thông thường chỉ nói vài câu liền có thể cứu được một người. Bản thân cũng trở nên lý trí hơn, bình tĩnh hơn, trong nhiều trường hợp có thể bình tĩnh phân tích nên làm thế nào mới có hiệu quả, không phải sa vào hình thức hay bề mặt, hay cưỡng ép người nhà nghe chân tướng. Khi đi ra bên ngoài phát tài liệu chân tướng, không còn chú ý số lượng nữa, mà thay vào đó là cân nhắc nhiều hơn đến hiệu quả, không có kiểu hình thức hoàn thành nhiệm vụ phát cho thật nhiều. Bên cạnh đó tôi cũng cẩn thận chọn khu vực sạch sẽ và an toàn để thuận tiện cho người hữu duyên tiếp nhận chân tướng.

Tôi thật sự thể hội được Pháp mà Sư phụ giảng:

“Nhất định học Pháp thật tốt. Trong quá trình học Pháp, chư vị [mới] có thể không ngừng thanh trừ những nhân tố bất hảo của mình, cải biến những điểm cuối cùng mà chưa cải biến.” (Giảng Pháp tại Pháp hội vùng đô thị New York [2003], Giảng Pháp tại các nơi III)

“Miễn là đọc Đại Pháp thì chư vị đang thay đổi, miễn là đọc Đại Pháp thì chư vị đang đề cao” (Hoà tan trong Pháp, Tinh Tấn Yếu Chỉ)

2. Thực tu bản thân, dưỡng thành thói quen hướng nội tìm

Trong một thời gian dài, tôi cảm thấy bản thân cũng đang làm ba việc, danh, lợi, tình cũng buông bỏ khá nhiều. Nhưng trong cuộc sống hàng ngày, đặc biệt là đối diện với người nhà không tu luyện, tôi vẫn có thói quen dùng lý lẽ của con người để phân biệt đúng sai. Ngoài ra, vì làm việc trong môi trường văn hóa tà đảng suốt thời gian dài nên bản thân đã dưỡng thành nhiều quan niệm bất hảo không dễ phát giác ra được, ví như: Không nhận ra tư tưởng “lấy ác trị ác”, anh đối xử ác với tôi, tôi còn ác hơn anh; không nhẫn nại, thường buột miệng nói: “Chẳng phải đã nói với anh rồi sao?!” “Chẳng phải đã nói với anh mấy lần rồi sao?!”

Trước mặt chồng thì không cam chịu yếu kém thua thiệt, một khi nhìn thấy điểm thiếu sót của đối phương thì nắm cứng không bỏ qua, hễ có cơ hội liền lập tức mỉa mai anh ấy. Biểu hiện của bản thân trong gia đình kém quá xa với tiêu chuẩn Chân-Thiện-Nhẫn.

Vì tôi không thể thực tu bản thân trong thời gian dài nên mới luôn vấp ngã. Lần nọ, tôi lên kế hoạch sáng sớm hôm sau sẽ đi thăm đồng tu, đồng thời bàn bạc với cô ấy về việc giúp đỡ đồng tu đang bị bắt giam phi pháp. Tối hôm ấy, vì trong nhà có chút chuyện nên chồng quở trách tôi mấy câu, tôi bèn trả đũa lại, mượn đề tài này để nói lấn lướt tới, quay sang chỉ trích tất cả những chỗ không đúng của anh ấy, cách hành xử của tôi hoàn toàn không giống người tu luyện chút nào. Kết quả là, sáng sớm thức dậy luyện công, tôi cảm thấy chân trái đau nhức, rất vất vả khi ngồi bắt chéo chân, khó khăn lắm mới có thể kiên trì luyện xong năm bài công pháp. Sau bữa sáng, tôi vẫn theo kế hoạch đi gặp đồng tu, vừa nhấc chân bước xuống cầu thang, thì chân trái bỗng đau nhói, đau đớn đến mức không thể nhúc nhích nửa bước.

Ma nạn bất ngờ ập đến khiến tâm tôi lo lắng: Khẳng định bản thân đã làm sai chỗ nào đó rồi! Và tôi lập tức hiểu ra: Biểu hiện của bản thân vào tối hôm qua không phù hợp với người tu luyện, nên bị cựu thế lực nắm lấy sơ hở và ngăn trở mình đi làm việc chính đáng. Trong tâm tôi nhanh chóng nhận lỗi với Sư phụ: “Sư tôn ơi, đệ tử sai rồi, con sẽ xin lỗi người nhà và sửa đổi. Thỉnh Sư tôn gia trì cho đệ tử, để con có thể đi gặp đồng tu.”

Khi tôi đến chỗ của đồng tu, xe dừng lại, tôi cầu xin Sư phụ gia trì, nhất định phải bước đi bình thường đến chỗ của đồng tu, không thể để người nhà không tu luyện của đồng tu hiểu lầm Đại Pháp. Tôi bước từng bước chậm rãi về phía trước, trong phút chốc chân tôi không còn đau nữa, sau đó tôi có thể bước đi bình thường đến bên cạnh đồng tu. Tôi kể với đồng tu về trải nghiệm vừa rồi, và nói: “Hôm nay có thể bước đi cùng chị thế này, thật không dễ dàng gì!” Đồng tu cũng cảm động, dặn dò tôi khi trở về thì nhất định phải xin lỗi người nhà.

Từ chỗ đồng tu về, tôi lên cầu thang và cảm thấy chân trái không còn đau nữa. Khi tôi vừa cầm chìa khóa mở cửa, thì chồng tan ca về nhà và đứng ngay phía sau tôi. Tôi quay đầu lại mỉm cười với anh ấy và nói: “Tối hôm qua em cãi vã với anh và cư xử không giống người tu luyện, em sai rồi!” Chồng nghe xong mỉm cười và không nói gì cả.

Tôi đã kết hôn hơn 30 năm, nhưng đây là lần đầu tiên tôi nhận sai và xin lỗi anh ấy. Tôi thể hội rằng, trong người thường thì hơn thua kẻ đúng, người sai, nhưng với người tu luyện thì điều này thật không có chút ý nghĩa nào, chỉ khi buông bỏ tâm tranh cao thấp giữa người với người thì mới có thể cảm nhận được niềm vui sau khi cảnh giới tư tưởng thăng hoa. Chỉ có chiểu theo tiêu chuẩn của Đại Pháp để làm cho tốt, thì mới có thể thật sự vui vẻ!

Gần đây, nhà em trai chồng xảy ra chuyện tranh chấp ly hôn, giữa anh chị em và em dâu có nhiều lời qua tiếng lại. Tôi coi bản thân là người luyện công, không nói cũng không đem chuyện kể với người khác, nghe được gì thì xét lại tâm của bản thân, bỏ đi những tâm như tâm hiếu sự, tâm hiếu kỳ, tâm tật đố hay nhìn vào người khác và giễu cợt, bỏ đi tâm người thường thích nghị luận sau lưng người khác. Lần này, tôi không nói điều gì xấu, bảo trì tâm thái vô vi của một người tu luyện.

Em trai chồng nhìn thấy tôi thực sự không nói nhiều, nên cũng muốn bộc bạch với tôi những suy nghĩ trong lòng. Trước đây, em dâu mỉa mai sau lưng tôi vì tôi giảng chân tướng và khuyên tam thoái cho các con của cô ấy, trong nhà chẳng ai tin cả. Lần này trong nhà có chuyện, em dâu thấy tôi thành tâm hy vọng cô ấy tốt, và trong lúc dịch bệnh, tôi lại khuyên tam thoái, và nói về lợi ích của việc niệm chân ngôn chín chữ “Pháp Luân Đại Pháp hảo, Chân-Thiện-Nhẫn hảo” cho con gái và con rể của cô ấy, cô ấy mỉm cười ngồi bên cạnh lắng nghe và gật đầu đồng ý trước mặt mọi người.

3. Đột phá tự ngã, dung nhập chỉnh thể, cộng đồng tinh tấn

Gần nhà tôi có đồng tu A lớn tuổi, bà rất muốn học Pháp cùng tôi. Trước đây, tôi luôn nhìn bà ấy với ánh mắt có chút coi thường, vì tôi thấy bà bôi thuốc mỡ lên vết thương trên mặt sau khi bị ngã, bà có tâm sợ hãi nghiêm trọng và không dám khuyên tam thoái. Tôi cho rằng vào thời khắc then chốt, bà ấy có thể không đáng tin cậy nên cũng không muốn học Pháp chung với bà. Nhưng sau đó tôi nghĩ, bà kiên trì học Pháp luyện công, cũng giảng chân tướng cho người thân bạn bè, bà cũng là đệ tử của Sư phụ, mình có tư cách gì mà coi thường bà ấy nhỉ? Đồng tu có Sư phụ quản, vì sao mình lại dùng tiêu chuẩn của bản thân để đo lường đồng tu chứ? Mình nên quý trọng đồng tu mới phải!

Một khi thay đổi quan niệm, tôi không còn tâm ghét bỏ đồng tu nữa, mà cố gắng hết sức giúp đỡ đồng tu. Mỗi tuần đều chủ động đến nhà bà một hoặc hai lần để học Pháp, chia sẻ và giúp bà đọc “Tuần báo Minh Huệ”. Đồng tu A rất nhanh tinh tấn trở lại, sáng sớm luyện công, chiều học Pháp, kiên định không dao động. Lại còn chủ động tham gia “kiện Giang”, đích thân bà đi đến bưu điện để gửi đơn cáo trạng tới “Tòa án Nhân dân Tối cao và Viện kiếm sát Nhân dân Tối cao”. Gần đây, bà bị đau đầu dữ dội, nhưng bà không nói gì với gia đình, chỉ âm thầm tự mình phát chính niệm, hướng nội tìm, và rất nhanh đã trừ bỏ được giả tướng nghiệp bệnh này, hồi phục lại trạng thái khỏe mạnh.

Cũng có đồng tu B lớn tuổi, bà ở nhà học Pháp một mình nên hay buồn ngủ, tôi và bà bàn bạc rằng hai chúng tôi sẽ học Pháp cùng nhau ba ngày rưỡi một tuần. Trước đây tôi cảm thấy học Pháp vào ban ngày có chút lãng phí thời gian đi giảng chân tướng. Tuy nhiên buổi tối làm xong việc nhà thì cũng không thể học được nhiều. Học Pháp không tốt, hiệu quả cứu người cũng không tốt. Sau khi hai chúng tôi học Pháp chung, chúng tôi đều cảm thấy được lợi ích của việc học Pháp tập thể này: Học Pháp có thể tiếp thu, chính niệm đủ. Ngoài ra, đồng tu B kiên trì sử dụng tiền chân tướng, bà cũng thẳng thắn khuyến khích con trai và con dâu cùng dùng tiền chân tướng. Còn tôi khi giảng chân tướng cho mọi người, cũng không cảm thấy tốn nhiều sức lực, lắm lúc chỉ nói mấy câu thì người ta đã minh bạch chân tướng, đồng ý niệm chân ngôn chín chữ “Pháp Luân Đại Pháp hảo, Chân-Thiện-Nhẫn hảo”, và đồng ý “tam thoái” bảo bình an. Trên thực tế, mài dao không chậm trễ việc đốn củi, chúng ta học Pháp tốt để không trì hoãn việc cứu người.

Đồng tu D, tính tình chậm chạp, làm việc tỉ mỉ. Một lần nọ, đồng tu D dạy tôi cách lên mạng, vì anh ấy cứ chậm rãi giảng nói rất nhiều kiến thức về máy tính, trong khi tôi lo lắng người nhà tìm mình, nên rất sốt ruột, bèn lớn tiếng chỉ trích sao anh không trực tiếp dạy tôi cách lên mạng mà cứ nói những điều uyên thâm khác làm gì. Sau khi về nhà, tôi cảm thấy khó chịu trong tâm suốt một thời gian dài. Tôi tĩnh tâm lại, suy xét và tìm ở bản thân, mới phát hiện mình có tâm nóng nảy vội vàng, lại thêm tâm coi thường người khác rất mạnh mẽ, tôi cảm ơn đồng tu từ tận đáy lòng đã giúp tôi bộc lộ ra thiếu sót trong tâm tính.

Về sau, vì có việc nên tôi lại tìm đồng tu D ấy, trong tâm tôi cầu xin Sư phụ gia trì cho mình, nhất định phải khiêm tốn và nhẫn nại lắng nghe đồng tu nói. Đồng tu cũng không hiềm khích chuyện trước đây, không nhắc đến chuyện tranh cãi trước đây dẫu chỉ một lời. Kết quả là, nhờ sự giúp đỡ của đồng tu mà nhóm học Pháp chúng tôi cũng khai nở được một “bông hoa” (điểm tài liệu).

Tôi thể hội sâu sắc rằng, khi các đồng tu phối hợp cùng nhau, chỉ cần buông bỏ tự ngã, gặp mâu thuẫn thì tìm thiếu sót ở bản thân, đứng trên góc độ duy hộ Đại Pháp mà suy xét vấn đề, nhìn vào điểm mạnh của đối phương nhiều hơn, có thể tiêu trừ gián cách để cộng đồng tinh tấn và cùng làm tốt ba việc.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2020/11/19/明慧法会-静心学法-修炼状态改观-414810.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2020/11/22/188372.html

Đăng ngày 27-11-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share