Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp ở Trung Quốc
[MINH HUỆ 11-08-2020] Tôi là một nghiên cứu sinh. Trong kỳ thi cao học và khi đăng ký nhập học, tôi nhận ra rằng, chỉ khi chúng ta buông bỏ các chấp trước, Sư phụ mới có thể giúp chúng ta.
Là sinh viên đại học, tôi bắt đầu quan tâm đến nghiên cứu học thuật, việc này đòi hỏi bằng cấp cao học. Lúc đó, suy nghĩ của tôi rất đơn giản – Tôi chỉ muốn học ở trường đại học tốt nhất và với những giáo sư giỏi nhất trong chuyên ngành của mình.
Vì vậy, bắt đầu từ năm thứ ba đại học, tôi thức dậy lúc 5 giờ sáng và trở về ký túc xá lúc 10 giờ tối. Chấp trước này ngày càng mạnh mẽ. Tôi thấy ước mơ được vào học tại một ngôi trường nổi tiếng là một ước mơ trong sáng và hoàn mỹ. Tôi cũng gọi đó là cách chứng thực Pháp của mình.
Bố mẹ tôi nhiều lần khuyên tôi nên chuyển đến một ngôi trường phù hợp với khả năng của mình hơn, nhưng tôi không đồng ý và nói với họ rằng, dù cuối cùng có thất bại, tôi vẫn muốn thử sức. Cha mẹ tôi biết khả năng của tôi, nhưng họ không thể khuyên can tôi.
Kế hoạch tốt nhất của tôi thất bại
Vào ngày tôi thi cao học, trời đầy gió và tuyết. Hôm trước đó, tôi bị cảm lạnh vì học ngoài trời. Tôi có những triệu chứng sốt và sổ mũi, nhưng tôi phải đi thi. Tôi biết rằng mình sẽ không vượt qua một phần của kỳ thi vì một số chủ đề là mới đối với tôi. Và kết quả đúng như những gì tôi nghĩ.
Tôi bắt đầu suy ngẫm về sự kiên trì của mình trong việc chuẩn bị cho kỳ thi. Tôi biết rằng mình đã sai và lẽ ra không nên quá chấp trước vào việc phải theo học một trường danh tiếng. Sau đó, tôi bắt đầu thất vọng gửi đơn đến các trường có thể tuyển nghiên cứu sinh.
Tôi nghĩ trước đây mình đã sai khi theo đuổi một ngôi trường danh giá, bây giờ tôi không quan tâm đó là trường gì nữa – Tôi sẽ chấp nhận bất kỳ lời mời nào miễn là tôi được nhận. Tôi chỉ có một nguyện vọng duy nhất là học cao học. Tôi đã gọi cho các văn phòng tuyển sinh ở các trường khác nhau và phải nghe những câu trả lời đầy mỉa mai của họ. Tôi không nhớ mình đã cảm thấy chán nản bao nhiêu lần và đã khóc bao nhiêu lần. Mỗi lần muốn từ bỏ, tôi tự nhủ rằng đây là quá trình khảo nghiệm tâm tính của mình.
Cuối cùng, một trường học ở một khu vực xa xôi gửi cho tôi thông báo vào vòng thi thứ hai. Sau đó, tôi nghĩ mình đã thi tốt và chờ đợi được nhận. Dường như tôi đã quên rằng mình bị sa lầy trong một tình huống khó khăn như vậy là do chấp trước vào danh của bản thân.
Tối hôm đó khi đi ăn tối với bố mẹ mình, tôi cảm thấy hài lòng về bản thân. Khi chúng tôi đi mua sắm, tôi đã đưa ra một số yêu cầu vô lý, chẳng hạn như muốn mua quần áo đẹp, và hành động như thể tôi đã là một nghiên cứu sinh rồi. Nhưng, ngày hôm sau, tên tôi không có trong danh sách trúng tuyển. Tôi như vỡ ra từng mảnh.
Tôi hiểu rằng đó là một khảo nghiệm tâm tính khác của mình. Tôi buồn và khóc nhưng tự nhủ rằng mình phải hướng nội và hẳn phải có một số chấp trước mà tôi phải buông bỏ. Tôi thấy mình rất sợ mất thể diện. Tôi lo lắng rằng nếu ngay cả một trường học ở vùng xa xôi cũng không muốn nhận tôi, tôi sẽ bị mất mặt khi gặp giáo viên và các bạn cùng lớp khi tôi trở lại trường. Tôi nhận ra rằng tôi đã luôn kiêu ngạo và coi thường người khác.
Sư phụ giảng:
“Cần làm cho chư vị vứt bỏ những tâm nào mà chưa vứt bỏ được ở nơi người thường. Tất cả các tâm chấp trước, miễn là chư vị có, thì cần phải vứt bỏ tại các chủng hoàn cảnh [khác nhau]. [Sẽ] làm cho chư vị trượt ngã, từ đó mà ngộ Đạo; tu luyện là như thế.” (Bài giảng thứ tư, Chuyển Pháp Luân)
Sau khi mất hết hy vọng, tôi cũng hoàn toàn buông bỏ chấp trước vào thể diện và sự tự cao tự đại, bình tĩnh đối mặt với tình huống, nghĩ rằng nếu năm nay tôi không thể vào được cao học, tôi sẽ bỏ qua và thi lại vào năm sau.
Ngày hôm sau, trên đường trở lại trường, văn phòng tuyển sinh tốt nghiệp của trường tôi gọi cho tôi và thông báo rằng tôi đã trúng tuyển. Tôi nhận ra rằng chỉ khi chúng ta buông bỏ chấp trước Sư phụ mới có thể giúp chúng ta, chúng ta mới có được thứ mà chúng ta xứng đáng.
Gieo hạt giống tu luyện
Tôi đã được đắm mình trong ân sủng của Pháp Luân Đại Pháp kể từ khi còn là một đứa trẻ. Cha mẹ tôi bắt đầu thực hành môn tu luyện từ khi tôi được một tuổi. Lúc đó cuộc bức hại chưa bắt đầu. Tôi theo cha mẹ mình truyền rộng Đại Pháp, luyện công và nghe Pháp với người lớn. Mặc dù không hiểu ý nghĩa sâu xa hơn của các bài giảng, nhưng tôi hiểu tiêu chuẩn để đo lường thiện ác.
Khi còn học cấp một, chiều nào tôi cũng có mặt ở cổng trường, đợi bố đón sau khi tan sở. Ông đi làm về rất muộn nên tôi thường phải đợi hơn một giờ đồng hồ và là người duy nhất còn ở cổng. Nhưng tôi không bao giờ phàn nàn. Dường như tôi không biết phàn nàn là gì. Tôi chỉ biết rằng chờ đợi thực sự là khoảng thời gian dài, nhưng nó rất bình thường.
Có lần, trong khi đang đợi bố tôi ở trạm xe buýt, một cậu bạn trong lớp đột nhiên hét vào mặt tôi, gọi tôi là “đồ ngốc, “đồ đại ngốc”, v.v.. Tôi không biết mình đã xúc phạm cậu ta khi nào. Tôi thậm chí còn chưa từng nói chuyện với cậu ta trong lớp.
Nhiều học sinh đã chứng kiến cậu ta gọi tôi như vậy. Tôi sững sờ một lúc nhưng nhớ ra nguyên lý rằng khi bị ai đó đánh mắng thì vẫn phải mỉm cười. Nụ cười của tôi khiến cậu ta càng hung hăng và cậu ta đã nói với các học sinh khác rằng: “Mọi người thấy đấy, nó thật là kẻ đại ngốc. Mình gọi nó như vậy mà nó lại cười – thật ngu ngốc!”
Sau khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bắt đầu bức hại Pháp Luân Đại Pháp, bố tôi thường bị giam giữ bất hợp pháp và tẩy não tại nơi làm việc. Tôi thường xuyên không gặp ông trong một tháng và ngày càng phụ thuộc vào mẹ nhiều hơn. Năm 12 tuổi, nhà tôi bị lục soát và cả cha mẹ tôi đều bị bắt giữ. Tôi đã ở một mình trong một tháng rưỡi.
Đột phá việc học tập
Ngoài việc đề cao tâm tính, vấn đề lớn nhất đối với tôi là điểm số. Tôi có hiểu lầm về việc học khi còn nhỏ. Tôi luôn cảm thấy rằng “phấn đấu để đứng đầu” là suy nghĩ xấu và tôi chỉ nên “thuận theo tự nhiên” trong vấn đề điểm số. Đây trở thành lý do có vẻ cao thượng bao biện cho sự lười biếng của tôi.
Vì vậy, từ tiểu học đến trung học cơ sở, ngoại trừ các môn nghệ thuật tự do, mà tôi được điểm xuất sắc, còn điểm ở các môn khác của tôi đều ở mức trung bình. Và tôi đặc biệt không học toán. Trong kỳ thi vào cấp 3 môn Toán, tôi chỉ làm đúng được một nửa số bài toán.
Cho đến năm thứ ba trung học, tôi chợt nhận ra rằng điểm toán của tôi không được cải thiện, tôi thậm chí có thể không thể vào đại học – tôi thực sự lo lắng.
Vì vậy, tôi nghĩ rằng mình chỉ có thể cầu xin Sư phụ giúp đỡ. Tôi thường đọc những câu chuyện trên trang web Minh Huệ về những học viên Đại Pháp trẻ tuổi khác đạt thành tích xuất sắc trong học tập vì họ được đắm mình trong Phật ân, được Pháp khai mở trí huệ. Mặc dù tôi đã đọc nhiều câu chuyện như vậy nhưng nó chưa bao giờ xảy ra với tôi.
Lúc đó, tôi không hiểu tại sao lại như vậy. Tôi tự hỏi: “Tất cả chúng tôi đều là những đệ tử Đại Pháp trẻ. Tại sao những người khác lại đạt điểm xuất sắc còn tôi thì không?” Sau đó tôi nhận ra rằng mình không thể mãi trốn tránh tình trạng khó khăn của mình nữa, vì vậy tôi bắt đầu chăm chỉ học.
Ngay cả khi đã rất muộn sau khi học xong, tôi vẫn đọc một đoạn trong cuốn Chuyển Pháp Luân trước khi đi ngủ. Trên thực tế, tôi đã học Pháp với tâm “truy cầu”, và chính cái tâm này đã thôi thúc tôi học Pháp mỗi ngày.
Mặc dù học Pháp bằng tâm chấp trước, nhưng tôi dần bắt đầu hiểu rằng các học viên nên học tốt để chứng thực Pháp tốt hơn. Kết quả là, điểm toán của tôi được cải thiện đáng kể. Trong kỳ thi tuyển sinh đại học, tôi đã đạt 129 điểm trên tổng số 150 điểm. Cuối cùng tôi đã nhận ra những hiểu nhầm về việc học ở trường của mình là gì. Sư phụ giảng:
“chư vị phó xuất nhiều đến đâu, thì sẽ đắc được nhiều đến đó” (Bài giảng thứ chín, Chuyển Pháp Luân)
Tôi từng nghĩ rằng, chỉ cần tôi tu luyện, điểm số của tôi sẽ rất xuất sắc. Tôi nhận ra rằng đây là cách hiểu sai về Đại Pháp và là điều không thể xảy ra. Tu luyện phải phù hợp tối đa với trạng thái của người thường. Nếu tôi không làm việc chăm chỉ và mong đợi đạt được điểm cao một cách dễ dàng, thì đó chỉ là ảo tưởng và là cái cớ bao biện cho sự lười biếng của tôi.
Trên đây là chút thể ngộ của tôi trong quá trình tu luyện, nếu có điểm nào không đúng, xin các đồng tu từ bi chỉ rõ!
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2020/8/11/408766.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2020/11/1/188057.html
Đăng ngày 08-12-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.