Bài viết của Tân Mai
[MINH HUỆ 15-05-2020] Tôi bắt đầu tu luyện Đại Pháp từ năm 1997, trong suốt 23 năm qua tôi đã được đắm mình trong Phật ân hạo đãng của Pháp Luân Đại Pháp, cả thể xác và tinh thần tôi đều phát sinh biến hóa to lớn, như được thay da đổi thịt vậy. Dưới đây là một câu chuyện ngắn về việc tu bỏ tâm oán hận, thiện giải ác duyên của tôi. Tôi muốn viết ra để chia sẻ cùng với các bạn đồng tu.
Gặp biến cố gia đình, đau khổ đến không còn muốn sống
Tôi là một người có tính cách hướng nội, bảo thủ và rất háo thắng. Mỗi lần nhìn thấy trong xã hội có bi kịch gia đình đổ vỡ do người thứ ba chen vào là nội tâm tôi lại sinh ra một loại cảm giác căm thù đến tận xương tuỷ đối với loại người đồi phong bại tục, không tuân theo chính thường kia. Tôi đã từng có ý định nói không với hôn nhân, nguyện lùi 90 dặm để tránh xa nó và có suy nghĩ sẽ giữ tiết hạnh mà ở vậy cả đời. Nhưng ước nguyện ban đầu ấy lại bị một câu “Anh ấy là người đáng để em tin tưởng và có đảm bảo trong 40 năm” của người mai mối khiến tôi hoàn toàn thay đổi. Tôi không ngờ khi bước vào cuộc sống hôn nhân này, thậm chí còn chưa thể cùng nhau đi được bao xa thì đã gặp phải tấn bi kịch ngấm ngầm đã bày ra cho tôi.
Đó vào là mùa xuân năm 1997, một hôm chồng tôi nói: “Thứ bảy và chủ nhật này anh phải đi công tác hai ngày với trưởng khoa”. Thế nhưng vào ngày thứ bảy ấy, tôi phát hiện trưởng khoa ở cùng tiểu khu chúng tôi lại không hề đi công tác, tôi cảm thấy rất buồn bực. Kỳ lạ là, rạng sáng ngày chủ nhật trong trạng thái mơ mơ tỉnh tỉnh, tôi nhìn thấy một hình ảnh khổng lồ: trên bầu trời, tôi thấy bóng lưng chồng tôi cùng với một người phụ nữ mặc áo khoác tím đang cùng nhau tản bộ đi về hướng đông nam. Tôi mở mắt ra và cảm thấy đó không phải là một giấc mộng.
Đến khi chồng tôi trở về, tôi truy hỏi anh đồng thời đem những hình ảnh tôi nhìn thấy trong mơ nói ra. Nghe xong, anh trả lời: “Tôi không đi công tác”, “Những gì cô thấy là sự thật”, “Tình cảm của tôi không còn dành cho cô nữa”. Câu nói sau cùng như sấm nổ bên tai, đối với tôi mà nói thì nó như một đòn chí mạng. Kể từ đó trở đi, chồng tôi thường xuyên không về nhà ngủ. Năm đó, con trai của chúng tôi mới 10 tuổi.
Tôi đau khổ đến mức chỉ muốn chết nhưng lại thương con trai còn nhỏ, tôi muốn sống nhưng lại khó có thể tha thứ cho người đàn ông bội bạc phụ lòng kia. Khi đang trong lúc bị dày vò đến sống không được chết không xong này, tôi đã đi tìm người xem bói, người đó nói rằng: Năm nay bất kể cô có gặp phải chuyện gì thì cũng đều phải “Nhẫn”. Chị gái thứ hai của tôi cũng bí mật mang ngày sinh tháng đẻ của tôi đi xem bói rồi mang về một tờ giấy, trên đó thầy bói vẽ vòng vòng loạn xạ, căn bản là xem cũng không thể hiểu được. Chỉ có thể đọc được vài chữ không sai biệt lắm là nhẫn, nhẫn, nhẫn ….
Kết duyên Đại Pháp, may mắn được tái sinh
Không lâu sau đó, vì mẹ chồng bị té ngã nên tôi đã về quê thăm bà. Khi ở nhà mẹ chồng, tôi đã gặp được thầy giáo thời trung học của chồng tôi, ông ấy cứ đi theo tôi để giới thiệu với tôi về Pháp Luân Đại Pháp. Ban đầu, vì trạng thái tinh thần không tốt nên tôi nghe không vào nhưng đến khi ông ấy nhắc đến ba chữ “Chân-Thiện-Nhẫn” thì tôi chợt nhớ đến lời thầy bói nói về nhẫn, tâm tôi bỗng nhiên rung động: Tôi muốn học Pháp Luân Đại Pháp.
Vào lúc tôi mở cuốn “Chuyển Pháp Luân” ra thì dường như có một loại sức mạnh cực lớn thu hút tôi khiến cho tôi như một kẻ đói khát, một mạch liền đọc xong cuốn sách. Những Pháp lý trong cuốn sách, từng câu từng câu đều giống như hồ quán đỉnh, như cam lộ rót vào tâm tôi. Ngày trước, có rất nhiều vấn đề trong cuộc sống khiến cho tôi nghi hoặc, mờ mịt; tôi đã từng khổ sở đi kiếm tìm ý nghĩa chân chính của sinh mệnh. Vậy mà, thông qua cuốn sách “Chuyển Pháp Luân” này đã giúp tôi trả lời được tất cả những thắc mắc ấy.
Sư phụ giảng:
“Những sự việc nơi người thường, chiểu theo Phật gia giảng, đều có quan hệ nhân duyên; sinh lão bệnh tử, [chúng] tồn tại đúng như vậy ở [cõi] người thường. Bởi vì con người trước đây đã làm điều xấu [nên] nghiệp lực sinh ra mới tạo thành có bệnh hoặc ma nạn. Chịu tội [khổ] chính là hoàn trả nợ nghiệp; vậy nên, không ai có thể tuỳ tiện thay đổi nó; thay đổi [nó] cũng tương đương với mắc nợ không phải trả; cũng không được tuỳ ý mà làm thế, nếu không thì cũng tương đương với làm điều xấu“. (Chuyển Pháp Luân)
“Con người phải phản bổn quy chân, đó mới là mục đích chân chính để làm người”’ (Chuyển Pháp Luân)
Ồ! Hoá ra là như vậy, nếu mà tôi sớm đọc được cuốn sách này thì thật tốt biết bao!
Khi đọc xong hai lần, tôi đã phát hiện những oán hận tích tụ bấy lâu, oán trời trách người, hận đời bất công trong tôi nay đã không còn nữa, những ý nghĩ tiêu cực ngày trước cũng biến mất không còn chút gì. Tôi vui mừng vô cùng, tôi cuối cùng cũng đã tìm được Pháp bảo trân quý nhất cho sinh mệnh của mình rồi!
Tháng 7 năm 1997, tôi bắt đầu bước vào con đường tu luyện Đại Pháp, tiến bước trên con đường tu luyện phản bổn quy chân. Kể từ đó, tâm tôi không còn phiền muộn, không còn mờ mịt nữa! Tôi đã có động lực và phương hướng để sống. Sinh mệnh của tôi như được tái sinh trong Niết Bàn vậy, tràn ngập ánh sáng cùng với hy vọng.
Tu bỏ tâm oán hận, mây tan mù tán
Sau khi đắc Pháp, mỗi ngày tôi đều học Pháp, luyện công, chiểu theo Pháp lý “Chân-Thiện-Nhẫn” để làm người, không còn trừng mắt chiến tranh lạnh với chồng cũng không còn cau mày nhíu mặt với con trai nữa. Đi làm thì nỗ lực làm tốt công việc, trở về nhà lại lo toan việc nhà. Chỉ trong hơn mười ngày ngắn ngủi, thể xác và tinh thần tôi là có biến hóa rõ ràng nhất. Tôi không còn vì tình cảm mà thần hồn điên đảo, không cần uống thuốc ngủ nữa và lại có thể kèm cặp hướng dẫn con trai học bài. Khi đó tôi chỉ có một ý niệm, cho dù cuộc hôn nhân này không biết sẽ đi được bao xa nhưng riêng con đường phản bổn quy chân thì tôi nhất định sẽ đi đến cùng.
Vài tháng sau, đôi khi chồng tôi sẽ vô cớ nổi giận, cố tình gây sự, chỉ trích vô lý hai mẹ con tôi nhưng bất luận là anh ấy tức giận ra sao, tôi đều không tranh cãi với anh ấy. Giữa chúng tôi đã không còn cãi nhau nữa.
Bởi vì Sư phụ đã giảng:
“Đã làm người luyện công thì trước hết phải làm được ‘đả bất hoàn thủ, mạ bất hoàn khẩu’, phải Nhẫn“. (Chuyển Pháp Luân)
Kể từ năm 1999, sau khi cuộc bức hại Đại Pháp trước giờ chưa từng có này bắt đầu, vì tôi không chịu từ bỏ tu luyện nên đã bị bức hại đến mấy lần và phải trôi dạt khắp nơi. Trong thời gian này, chồng và con trai tôi cũng đã phải chịu rất nhiều sợ hãi và thống khổ. Tháng 8 năm 2018, chồng tôi gọi điện thoại đề nghị ly hôn, sau khi nhận một trận chửi bới, tôi trả anh ấy 3.000 Nhân dân tệ phí ra tòa và cùng anh ấy làm thủ tục ly hôn
Trên đường trở về, tôi đã khóc. Mây cuốn mây bay, duyên tụ duyên tán, hết thảy đều thuận theo tự nhiên, tôi có thể thông suốt, có thể buông bỏ được. Sư phụ đã giảng Pháp lý:
“Phật quang phổ chiếu, lễ nghĩa viên minh”. (Chuyển Pháp Luân)
Tôi cũng biết, có rất nhiều người tu luyện Đại Pháp có cùng cảnh ngộ như tôi nhưng họ đều dùng phong thái cao quý của người tu luyện Đại Pháp để cảm hóa người nhà, viên dung gia đình. Tôi đau khổ vì bản thân không thể làm được như vậy, thế nhưng tôi đã sai ở đâu?
Sư phụ giảng:
“Nếu chư vị muốn đề cao bản thân, thì chư vị phải hướng nội mà tìm, đặt công phu vào cái tâm ấy“. (Chuyển Pháp Luân)
Tôi bắt đầu một lần nữa hướng nội tìm lỗi sai của bản thân, ngoái lại nhìn quãng thời gian đã qua cứ như một cuộn phim, từng hình ảnh, từng sự việc, từng biến cố cứ lần lượt lướt qua trước mắt tôi và tôi không ngừng hướng nội, suy xét thật kỹ gốc rễ của từng vấn đề. Đúng vậy! Sau khi tôi tu luyện, đối với việc chồng tôi có những hành vi vượt qua giới hạn luân thường đạo lý, bề ngoài thì tôi không còn cùng với anh ấy nảy sinh xung đột nữa và thậm chí tôi cũng không hề đề cập đến nhưng mà nút thắt trong lòng tôi vẫn chưa được giải khai. Có nhiều khi, chỉ cần nghĩ đến chồng là tâm tôi liền lập tức tuôn ra những câu oán hận như: “Anh đã phản bội tôi”, “Anh đã làm tôi tổn thương sâu sắc”, “Anh hại tôi thân bại danh liệt”, v.v. còn khi tôi nghĩ đến người phụ nữ kia thì sẽ xếp chung vào với các dạng phụ nữ lẳng lơ, cặn bã, vô sỉ khác rồi tôi dè bỉu và khinh bỉ họ. Đây chẳng phải là oán và hận hay sao?
Tôi nhớ lại đoạn Pháp mà Sư phụ đã giảng:
“Khi chúng ta gặp phải những chuyện phiền phức như thế, thì [chúng ta] không được giống như người ta mà tranh mà đấu. Họ làm sao, chư vị cũng làm vậy, thì chư vị chẳng phải người thường là gì? Chư vị không những không giống hắn mà tranh mà đấu, mà trong tâm chư vị phải không hận hắn, thật sự không thể hận hắn. Một khi chư vị hận hắn, thì chẳng phải chư vị tức giận là gì? Chư vị chưa thực hiện được ‘Nhẫn’. Chúng tôi giảng Chân Thiện Nhẫn; ‘Thiện’ của chư vị cũng chẳng còn có nữa” (Chuyển Pháp Luân)
Nhưng trong tâm tôi chất chứa đầy oán hận, tôi đã kinh ngạc khi thấy điều ấy và tự hỏi bản thân mình đây là tu sao? Trạng thái tu luyện của tôi thật quá kém!
Lúc này tôi mới nhận thức sâu sắc được rằng, bản thân trong suốt những năm qua luôn nghĩ rằng mình đã hành được chữ “Nhẫn” nhưng nó chỉ là ở bề mặt mà thôi còn sâu trong tâm linh thì vẫn chưa bao giờ quên được chuyện đau lòng kia, vẫn cứ giữ chặt oán hận, mãi vẫn không buông được. Tôi cảm thấy quá xấu hổ trước chấp trước của bản thân!
Khi đã thấy được những tâm xấu xa kia của mình rồi thì tôi còn có thể đem hết tội lỗi đổ lên đầu họ và trách cứ họ được không? Câu trả lời là không thể! Làm một người tu luyện, tôi nhất định phải tu luyện chính mình một cách vô điều kiện. Đáng lý, khi đã học Pháp và biết đối chiếu với Pháp thì tôi sẽ sớm hiểu ra được rằng, hết thảy những điều xảy ra trên đời là đều có quan hệ nhân duyên, gặp khổ nạn, ân oán, tình thù đều là vì nghiệp lực đời đời kiếp kiếp luân hồi mà thành. Đời này kiếp này, chồng tôi và người kia làm ra việc trái với đạo đức; vậy còn đời trước kiếp trước tôi đã làm từng làm ra việc gì đây? Chẳng phải tôi muốn phản bổn quy chân hay sao? Vậy vì sao tôi còn tính toán tội lỗi của người khác chứ? Hơn nữa lại còn cố chấp đến mức độ như thế này?
Mỗi ngày, tôi đều không ngừng học Pháp, học Pháp, học Pháp, bởi vì:
“Pháp có thể phá hết thảy chấp trước“. (Bài trừ can nhiễu, Tinh Tấn Yếu Chỉ II)
Thời gian cứ dần trôi đi, trong vô tri vô giác tâm tôi đã không còn thái độ thù địch nữa, đôi khi tôi còn cảm thấy bọn họ cũng rất khổ, cũng rất đáng thương.
Đây chính là từ bi mà Sư phụ đã từng giảng:
“Khi tâm từ bi của chúng ta xuất hiện, có thể thấy rằng chúng sinh đều khổ, thấy ai cũng khổ; sẽ xuất hiện vấn đề này”. (Chuyển Pháp Luân)
Sau ba năm ly hôn, chồng cũ của tôi bị bệnh nằm viện, phải làm phẫu thuật đặt Stent vào động mạch vành, lại mắc thêm bệnh tiểu đường, mỗi tuần anh ấy đều phải vào viện để chạy thận. Tôi biết những năm qua, người phụ nữ được anh ấy bao dưỡng kia không có công việc, không đi làm, chồng cũ tôi lại còn phải nuôi con gái của cô ta học đại học, mua được ngôi nhà khang trang thì còn bị ép sang tên cho cô ta. Cuộc sống vốn rất túng thiếu mà lần này lại gặp bệnh nặng khiến họ càng áp lực kinh tế hơn.
Nghe được tin họ khắp nơi mượn tiền, thế là tôi chuẩn bị một vạn nhân dân tệ tiền mặt cùng thẻ tiết kiệm gần chín vạn nhân dân tệ mà chồng cũ để lại cho con trai chúng tôi trước đây đều lấy ra rồi bảo con trai đem đến giúp họ giải quyết việc cấp bách trước mắt. Con trai tôi không tình nguyện nói: “Mẹ, nhà ta còn nợ vay mua nhà mà, suốt nhiều năm qua ông ấy đã không quan tâm con, đều là kiếm tiền cho người khác tiêu xài, vì cái gì mà còn phải đưa tiền cho ông ta chứ?”. Tôi nói: “Con trai à, chúng ta chớ so đo những việc này nữa, nên lấy ơn báo oán đi thôi! Sư phụ dạy chúng ta khi gặp chuyện trước tiên phải nghĩ đến người khác trước, vậy nên chúng ta nên nghĩ cho ông ấy chút đi. Hiện giờ ông ấy gặp khó khăn, chúng ta giúp đỡ ông ấy chút nhé”. Con trai tôi mang theo tiền và thẻ tiết kiệm đến gặp cha mình, khi nhìn thấy con trai chồng cũ tôi đã khóc nức nở: “Thật sự xin lỗi hai mẹ con con, cha thực sự rất hối hận”.
Một hôm, con trai nói với tôi rằng ông ấy muốn học Pháp. Tôi lập tức lấy máy MP4 tôi đang dùng để học Pháp đưa cho con trai rồi nhờ cháu mang đến cho ông ấy. Sau đó, lại tiếp tục đưa sách “Chuyển Pháp Luân”, đĩa CD, DVD và máy DVD cho ông ấy, thỉnh thoảng lại đưa tập tài liệu chân tướng của báo Minh Huệ, kèm theo tờ giấy với lời dặn dò: “Nếu mắt ông không tốt thì hãy bảo người bên cạnh đọc cho ông nghe”. Sau này, tôi biết được rằng mỗi khi ông ấy muốn học Pháp thì người phụ nữ kia sẽ đọc cuốn “Chuyển Pháp Luân” cho ông ấy nghe. Một khoảng thời gian sau đó, cô ấy đã nói lời xin lỗi với con trai tôi: “Khi đọc sách Đại Pháp, chúng tôi mới biết được là chúng tôi sai rồi, thật sự xin lỗi!”
Ngày con trai tôi kết hôn, tôi cử người lái xe đi đón ông ấy, không nghĩ tới rằng cô ấy cũng cùng tới. Khi cô ấy đẩy xe lăn xuất hiện ở đại sảnh hôn lễ khiến cho người thân và bạn bè có mặt ở đó vô cùng kinh ngạc, đồng thời cũng thì thầm bàn tán: Cô ta sao lại đến đây chứ? Nhưng tôi không cảm thấy đường đột, cũng không thấy xấu hổ, càng không hề nghĩ là oan gia ngõ hẹp, mà xem cô ấy như một người bạn đến chúc mừng. Lúc ấy trong nội tâm tôi có một loại cảm giác bình thản, chính bản thân tôi đã cảm thấy được một loại cảm giác không tên vô cùng mỹ diệu. Thử nghĩ, nếu như tôi không tu luyện Pháp Luân Đại Pháp thì khi gặp tình huống này mà không tiến đến nắm tóc đối phương mới là lạ. Sau này, cháu gái tôi nói với tôi rằng: “Dì ba, ngày tổ chức hôn lễ hôm đó dì rất đẹp, rất có khí chất”. Bạn bè tôi cũng nói: “Ngày hôm đó bạn đẹp lắm!”
Kỳ thực tôi không xinh đẹp, có câu nói rằng: Dung mạo xinh đẹp là do từ tâm mà đến, chỉ có tâm địa thuần tịnh, thiện lành, thì tướng mạo mới có thể tỏa ra ánh sáng lung linh, mới có khí độ bất phàm. Tôi sâu sắc hiểu được rằng, qua bao nhiêu năm đặc biệt là khi gia đình gặp biến cố, là ân huệ của Đại Pháp đã không ngừng thanh lý hết những oán hận xấu xa bám rễ trong lòng tôi, chỉ có Đại Pháp mới có thể làm tiêu tan những hiềm khích ngày trước, là Đại Pháp từ bi đã hóa giải những ân ân oán oán đan xen rắc rối giữa chúng tôi, là Đại Pháp đã xua đi mây mù giúp chúng tôi thấy được bầu trời trong xanh phía trước.
Hồng ân Đại Pháp vô biên, không thể nào tả xiết!
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2020/5/15/406314.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2020/8/25/186494.html
Đăng ngày 14-10-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.