Bài viết của Kim Nham
[MINH HUỆ 21-06-2020] Mặc dù Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) vẫn tồn tại được sau vụ Thảm sát Thiên An Môn để tiếp tục chế độ cai trị độc tài của nó, nhưng nhiều chế độ cộng sản ở Đông Âu thì không, khi chế độ độc đảng các nước lần lượt sụp đổ. Chế độ của Saddam Hussein cũng phải chịu chung số phận. Trong những trường hợp này, không chỉ những kẻ cầm đầu là bị đưa ra xét xử và trừng phạt mà cả các quan chức và kẻ tòng phạm, thậm chí cả những tinh anh trong xã hội như thẩm phán, nhà khoa học cùng các học giả cũng phải gánh chịu hậu quả vì những việc làm đáng xấu hổ của họ.
Biến động này xuất hiện trước tiên ở Ba Lan, sau đó lan sang các nước thuộc khối Hiệp ước Warsaw trước đây như Đông Đức, Czechoslovakia (Séc-Slovakia), Hungary, Bulgaria và Romania, đỉnh điểm là sự tan ra của Đảng Cộng sản Liên Xô và sự sụp đổ của Liên bang Xô-viết. Dưới đây là một vài ví dụ.
Sự sụp đổ đột ngột của Ceausescu và Đảng Cộng sản Romania
Trong làn sóng bài cộng sản ở Đông Âu, tất cả các nước đều chọn cách chấm dứt sự hỗn loạn bằng một cuộc bầu cử tự do và chuyển giao quyền lực hòa bình từ Đảng Cộng sản.
Phần lớn các quan chức cấp cao của đảng cộng sản ở các nước này đã nguyện ý từ bỏ quyền lực, bởi vì họ thấy người dân thực sự phấn đấu là vì điều gì và bởi đảng cộng sản đã mất đi chỗ đứng. Họ biết rằng kết quả tốt nhất là thuận theo thời thế.
Tuy nhiên, Romania là một ngoại lệ đáng chú ý đối với hình mẫu hòa bình này.
Nicolae Ceausescu đã thiết lập một nền độc tài ngay sau khi lên nắm quyền và bắt đầu phái cảnh sát mật đi giám sát nhân dân, làm hạn chế rất nhiều quyền tự do ngôn luận của người dân cùng các nhân quyền cơ bản khác.
Vào những năm 1980, ông ta đi quá xa khi ban hành “Đạo luật Máy chữ Romania” khét tiếng, bởi theo đạo luật này bất kỳ người dân Romania, doanh nghiệp, trụ sở cơ quan hay trường học nào sở hữu một chiếc máy đánh chữ đều phải được sự cho phép của cảnh sát và phải có giấy phép sử dụng. Để trở thành một người đánh máy, người ta phải trải qua những thủ tục tương tự và phải báo cáo với cảnh sát những mẫu [đánh máy] mà họ sẽ thực hiện; nếu một máy đánh chữ cần sửa chữa thì cả người sử dụng và máy đều phải có giấy phép được gia hạn. Quy định này có mục đích đảm bảo bất kỳ tài liệu bị cấm nào từng được gõ ra đều có thể truy lại nguồn gốc của nó.
Ceausescu cũng có khuynh hướng gia đình trị cao độ khi bổ nhiệm nhân sự vào những vị trí quan trọng. Khi ở vị trí Tổng Bí thư của Đảng Cộng sản Romania, ông ta đã bổ nhiệm vợ mình vào vị trí Phó Thủ tướng; con cái, họ hàng và bạn bè của ông ta cũng nắm giữ những ban ngành quan trọng trong chính phủ. Lối sống xa hoa của họ vượt xa những gì mà thường dân Romania bấy giờ có thể tưởng tượng ra được.
Ngày 21 tháng 12 năm 1989, Ceausescu tổ chức một cuộc diễu hành lớn ở thủ đô Bucharest. Trong bài phát biểu của ông ta, một tiếng hô lớn “Đả đảo Ceausescu!” vang lên từ phía đám đông, sau đó là những tiếng hò hét “Xử tử tên tội phạm này!” Cảnh sát vũ trang đội mũ sắt được cử tới để lập hàng rào phong tỏa các con phố gần đó, và cảnh sát quát tháo để giải tán đám đông.
Có tin cho hay Bộ trưởng Quốc phòng Romania, khi đó là Vasile Mile, đã ra lệnh cho quân đội “chỉ được bắn vào những chỗ không người”. Nhưng thị trưởng của Bucharest đã chuyển đi một mệnh lệnh khác từ Ceausescu cho những quân lính ở tiền tuyến rằng: “Các anh được bắn. Đầu tiên bắn chỉ thiên để cảnh cáo; Nếu không được, hãy bắn vào chân họ!”
Milea sau đó được phát hiện là đã chết trong văn phòng, và được cho là do tự tử.
Sáng ngày 22 tháng 12, quân đội từng trung thành với Ceausescu giờ đã chuyển hướng theo phe đối lập và bắt đầu rút khỏi trung tâm thành phố. Một mình cảnh sát không thể ngăn chặn đám đông biểu tình. Sau đó, những người biểu tình đã đột nhập vào Ban Trung ương Đảng và quăng bỏ các tác phẩm, chân dung và sách tuyên truyền của Ceausescu.
Trong cơn sợ hãi tột cùng, Ceausescu và vợ lên trực thăng đợi sẵn trên nóc nhà và bay tới vùng ngoại ô phía Bắc của Bucharest, nhưng họ đã bị Mặt trận Cứu quốc Romania bắt vào chiều cùng ngày. Ba ngày sau, ngày 25 tháng 12, hai vợ chồng ông ta bị đưa ra xét xử tại tòa án quân sự vì tội diệt chủng 60.000 người Romania, biển thủ hơn 1 tỷ đô la Mỹ, hủy hoại chính quyền, đục khoét và phá hoại nền kinh tế quốc dân.
Hai vợ chồng Ceausescu bị kết tội và cuối cùng đã bị hành quyết ở bên ngoài phòng xử án, đánh dấu chấm hết đối với Đảng Cộng sản Romania.
Truy cứu trách nhiệm vì tội ác chống lại loài người
Sau sự sụp đổ của Bức tường Berlin vào tháng 11 năm 1989, chính phủ Đông Đức (GDR) đã quyết định chấp nhận khái niệm tự do hóa. Năm sau đó, chính phủ Đông Đức đã tiến hành cải tổ và trở một bang hoàn toàn độc lập của Cộng hòa Liên bang Đức.
Tuy vậy, những tội ác gây ra bởi chế độ cộng sản trước đó không tránh khỏi sự trừng phạt. Tám năm sau đó, người Đức bắt đầu truy cứu trách nhiệm với chế độ cộng sản Đông Đức vì những tội ác chống lại loài người của họ.
Egon Krenz, cựu lãnh đạo của tổ chức Thanh niên Đức Tự do và là tổng bí thư cuối cùng của Đảng Đoàn kết Xã hội Đức (SED), đã phải ra hầu tòa tại Berlin. Hai cựu ủy viên trong Bộ Chính trị của SED cũng xuất hiện tại tòa. Phiên tòa xét xử Krenz và hai kẻ theo chân ông ta là phiên tòa được quan tâm nhất ở Đông Đức bấy giờ.
Tòa tuyên án Krenx 6,5 năm tù giam vì đã sát hại những người cố gắng bỏ trốn khỏi Đông Đức. Năm 1997, Günther Kleiber, cựu ủy viên Bộ chính trị của SED và là nhà kinh tế học, cùng Günter Shabowski, nguyên Bí thư Thứ nhất của SED, đã bị kết án ba năm tù giam với tội danh tương tự.
Cựu Tổng thống Slobodan Milosevic của Nam Tư cũ cũng đã bị xét xử vì những việc làm độc tài của mình.
Năm 2001, ông Milosevic đã bị dẫn độ tới Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) có trụ sở tại The Hague, và bị cáo buộc 66 tội ác trong ba cuộc chiến tranh ở Croatia, Bosnia và Kosovo, bao gồm tội diệt chủng; đồng lõa diệt chủng; lưu đày; giết người; đàn áp vì động cơ chính trị, chủng tộc hoặc tôn giáo; các hành động vô nhân đạo và cưỡng bức chuyển hóa; hủy diệt; giam cầm; tra tấn; và sát hại có chủ ý.
Ông ta chết vào tháng 3 năm 2006 trong phòng giam tại trại giam của Toàn án Hình sự Quốc tế ở The Hague trước khi phiên tòa xét xử kết thúc.
Việc xử tử Saddam Hussein cũng là một trường hợp khác được kể đến.
Vào năm 2003, Saddam Hussein, lãnh đạo của chế độ đàn áp độc tài Iraq từ năm 1979 tới năm 2003, đã bị quân đội Mỹ bắt giữ trong cuộc chiến do một liên minh phát động nhằm hạ bệ ông ta. Sau đó, ông ta đã phải bàn giao chính quyền cho chính phủ lâm thời Iraq để ra hầu tòa cùng với 11 lãnh đạo cấp cao khác trong chính quyền vì các tội ác chống lại loài người và những tội danh khác.
Mặc dù, Saddam khăng khăng rằng mình vô tội và bác bỏ mọi cáo buộc chống lại ông ta nhưng Tòa án Đặc biệt Iraq đã tuyên bố ông ta phạm các tội ác chống lại loài người và kết án tử hình bằng hình thức treo cổ vào ngày 5 tháng 11 năm 2006. Bản án được thi hành vào ngày 30 tháng 12 cùng năm.
Những trường hợp trên đây cho thấy, ngay cả những người đứng đầu nhà nước, nếu phạm các tội ác chống lại loài người, đều sẽ bị đưa ra công lý.
Thanh trừng ở Ba Lan
Ngày 2 tháng 4 năm 1997, Ba Lan đã thông qua Hiến pháp mới tại Quốc hội, [cho phép] bãi bỏ tất cả các đảng phái và tổ chức chính trị có cương lĩnh hoạt động dựa trên các phương thức độc tài, ví dụ như chủ nghĩa quốc xã, chủ nghĩa phát-xít, và chủ nghĩa cộng sản.
Quốc hội Ba Lan cũng thông qua đạo luật thanh trừ, được nhìn nhận là một quá trình hồi tưởng lại quá khứ. Đạo luật này quy định cán bộ đương chức hoặc ứng viên cho các vị trí công trong chính quyền phải công bố về sự cộng tác của họ cảnh sát mật dưới chế độ cộng sản cũ. Vì đạo luật này nhắm vào những cá nhân trong cơ quan chính phủ và những người có địa vị xã hội cao nên nó chỉ liên quan đến không quá 30.000 người, do vậy những người cung cấp tình báo cho cảnh sát mật trước đây không được xác định.
Năm 2006, sau khi cặp anh em song sinh Jaroslaw và Lech Kaczynski của Đảng Pháp luật và Công lý giành được chức Tổng thống và Thủ tướng Ba Lan, hai ông đã kêu gọi một cuộc điều tra toàn diện và minh bạch hơn nữa về thời cộng sản Ba Lan.
Anh em nhà Kaczynski tin rằng những “mạng lưới hắc ám” được thành lập bởi các cựu đảng viên Đảng Cộng sản, các nhà kinh tế học tham nhũng, và những người cung cấp tình báo cho cảnh sát mật vẫn tiếp tục thao túng đất nước, gây ra bao hỗn loạn trong xã hội Ba Lan. Vì vậy, tiếp tục điều tra về quá khứ là điều cần thiết.
Một đạo luật thanh trừng mới với các điều luật bổ sung đã được ban hành ở Ba Lan vào ngày 15 tháng 3 năm 2007, nhằm phơi bày những quan chức chính phủ đã cấu kết với cảnh sát mật trong chế độ cộng sản trước năm 1989. Đạo luật này yêu cầu các chính trị gia, các quan chức chính phủ, luật sư, hiệu trưởng các trường học, học giả, nhà báo và những người điều hành công ty nhà nước phải khai báo bằng văn bản về việc họ có cộng tác với cảnh sát mật cộng sản hay không. Chính phủ Ba Lan đã ủy quyền cho Viện Tưởng niệm Quốc gia thu thập và lưu giữ những văn bản này cho việc điều tra.
Theo đạo luật này, khoảng 700.000 người Ba Lan phải thú nhận và giải thích về những hành vi ô nhục mà họ đã làm trong sự cộng tác với cảnh sát mật cũng như những gián điệp và người cung cấp tình báo. Bất kỳ ai không khai báo hoặc khai man sẽ bị quản thúc trong 10 năm.
Năm 2008, Nghị viện Ba Lan đã thông qua một điều luật cắt giảm đáng kể lương hưu của các cựu cảnh sát mật và các quan chức Đảng Cộng sản đã tham gia đàn áp những người bất đồng chính kiến và các đảng đối lập. Những người ủng hộ luật này tin rằng mức lương ưu đãi của cựu cảnh sát mật vi phạm nguyên tắc công bằng xã hội đã quy định trong Hiến pháp Ba Lan. Luật này bị phe cánh tả Ba Lan chỉ trích dữ dội, và họ đã kháng nghị lên Tòa án Hiến pháp để hủy bỏ điều luật này, song yêu cầu của họ đã bị bác bỏ.
Sau khi luật này được thực thi vào tháng 1 năm 2010, lương hưu của 40.000 cựu quan chức Đảng Cộng sản, cảnh sát mật, lính biên phòng và quản giáo được báo cáo là đã bị cắt giảm trung bình hơn 50% vì tội vi phạm nhân quyền.
Đạo luật hồ sơ Stasi ở Đức
Ở Đức, “Đạo luật liên quan tới hồ sơ của Cơ quan Mật vụ của Cộng hòa Dân chủ Đức cũ” (hay còn gọi là “Đạo luật hồ sơ Stasi”) đã được nghị viện liên bang Đức thông qua vào tháng 12 năm 1991. Theo đạo luật này, Đức đã cam kết dành những nguồn tài chính lớn để phục hồi lại những hồ sơ lưu trữ đã bị hủy và tiến hành điều tra cặn kẽ khoảng 3,1 triệu cá nhân đã phục vụ trong chính phủ Đông Đức cũ.
Kết quả thu được khá sốc: Ngoài 90.000 cảnh sát mật, Đông Đức đã thuê 180 người đưa tin; khoảng 6 triệu người (hơn 1/3 tổng số 17 triệu dân tại thời điểm đó) bị lưu tên trong hồ sơ mật lưu trữ; và 78.000 công dân đã bị chính quyền cộng sản kết án tù với tội danh “gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia”.
Kết quả của các cuộc điều tra là, 20.000 trong số 180.000 giáo viên đã bị đuổi việc, gần một nửa số thẩm phán và công tố viên của Đông Đức đã bị phạt, và một số quan chức hàng đầu của SED và cảnh sát mật cao cấp đã bị truy tố và kết án.
Việc thực thi những điều luật này không chỉ nhắc nhở người dân về những gì đã xảy ra trong lịch sử mà còn là một lời cảnh tỉnh cho tất cả các quan chức chính phủ, những người đứng về phía Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) ngày nay.
Bản chất tà ác của ĐCSTQ ngày nay
Kể từ khi ĐCSTQ lên nắm quyền ở Trung Quốc vào năm 1949, nó đã cai trị Trung Quốc và nhân dân bằng nắm đấm thép, và hàng chục triệu người Trung Quốc đã chết bất thường bởi các chính sách đàn áp và các cuộc thanh lọc chính trị. ĐCSTQ đã phá hủy triệt để nền văn minh 5.000 năm và các giá trị đạo đức của Trung Quốc thông qua sự cưỡng ép tẩy não toàn dân bằng thuyết vô thần và các giáo điều cộng sản chủ nghĩa; nó cũng đàn áp mọi tín ngưỡng nằm ngoài phạm trù lý luận cộng sản chủ nghĩa.
Bàn tay nó ngập trong máu của các cuộc bức hại mang tính hệ thống đối với các tín đồ Cơ đốc giáo tại gia, các tín đồ của Giáo hội Thiên Chúa giáo ngầm, các phật tử Phật giáo Tây Tạng, người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, và tàn bạo hơn cả là hàng chục triệu học viên Pháp Luân Công, nhưng người tin vào nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn.
ĐCSTQ tin tưởng rằng cách hiệu quả nhất để duy trì quyền lực của nó ở Trung Quốc đó là tẩy não người dân Trung Quốc và không cho họ biết sự thật. Để đạt được điều này, nó đã chi rất nhiều tiền dựng lên “Vạn Lý Tường Lửa” để kiểm duyệt internet và chặn các trang web nước ngoài “không thân thiện”, các công cụ internet và các ứng dụng di động.
Đồng thời, ĐCSTQ còn tổ chức một đội quân mạng đông đảo không ngừng đăng bài trên truyền thông xã hội nhằm thao túng dư luận theo hướng có lợi cho ĐCSTQ và tấn công “kẻ thù“ của đảng.
ĐCSTQ có vẻ như khá thành công trong việc kiểm soát tư tưởng của người Trung Quốc. Ví dụ, cho đến hôm nay, một tỷ lệ lớn người Trung Quốc vẫn không biết đến cuộc thảm sát đẫm máu hàng nghìn sinh viên trên Quảng trường Thiên An Môn vào ngày 4 tháng 6 năm 1989.
Tham vọng quyền lực của ĐCSTQ dường như không chỉ giới hạn ở Trung Quốc. Những xúc tu của nó giờ đây đã vươn ra khắp thế giới, thâm nhập trên diện rộng vào các lĩnh vực kinh tế xã hội thông qua nhiều dự án như sáng kiến “một vành đai, một con đường”, “Made-in-China 2025”, các Viện Khổng Tử, quân sự hóa các đảo nhỏ nhân tạo trên biển Đông và hơn thế nữa. Mục đích cuối cùng của ĐCSTQ, theo cách nói của nó, là giành quyền lực tối cao về kinh tế, quân sự và hệ tư tưởng trên toàn cầu.
Nhưng trước những đe dọa nghiêm trọng tới sự ổn định kinh tế xã hội và hòa bình thế giới, đáng tiếc là nhiều chính trị gia và lãnh đạo doanh nghiệp và các lĩnh vực khác đã không nhận ra được sự nguy hiểm của ĐCSTQ. Họ vẫn ôm giữ mong muốn ĐCSTQ tốt lên và là một đối tác kinh doanh đáng tin cậy.
Cộng đồng quốc tế thức tỉnh
Việc ĐCSTQ cố ý che đậy khi dịch virus corona mới bùng phát đã trực tiếp gây ra đại dịch hoành hành trên toàn thế giới. Những lời nói dối và đổ lỗi cho nước khác của ĐCSTQ đã khiến nhiều người trong cộng đồng quốc tế thức tỉnh, và bắt đầu hiểu ra đúng bản chất ĐCSTQ.
Những lời kêu gọi điều tra độc lập về nguồn gốc của virus corona và truy cứu trách nhiệm của ĐCSTQ về những thiệt hại phát sinh trong đại dịch đã được cộng đồng quốc tế hưởng ứng.
“Đảng Cộng sản Trung Quốc nói dối. Dân chúng chết” là một câu mà Cố vấn Nhà Trắng Peter Navarro đã nhắc đi nhắc lại khi nói tới đại dịch này. Điều này gửi một thông điệp đơn giản mà mạnh mẽ rằng ĐCSTQ phải chịu trách nhiệm cho tất cả những đau thương, thống khổ mà mọi người trên thế giới đã phải chịu đựng.
Luật An ninh Quốc gia Hồng Kông mà ĐCSTQ thông qua gần đây là một lời cảnh tỉnh nữa đối với những người tôn trọng tự do và nhân quyền trên toàn thế giới.
“Trung Quốc đã lựa chọn phá bỏ lời hứa của họ đối với người dân Hồng Kông và đi ngược lại những nghĩa vụ của họ đối với cộng đồng quốc tế. Vương quốc Anh sẽ không quay lưng lại với những cam kết đã đưa ra cho người dân Hồng Kông”, Ngoại trưởng Dominic Raab đã viết trên Twitter.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo gọi luật này là “hà khắc” và sẽ “đặt dấu chấm hết cho một Hồng Kông tự do” trên Twitter vào ngày 30 tháng 6 năm 2020.
“Mục đích của luật tàn bạo, bao quát này là nhằm đe dọa, uy hiếp và đàn áp những người Hồng Kông đang đòi quyền tự do một cách ôn hòa như được hứa hẹn”, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi nói.
“Luật này có nguy cơ làm suy yếu nghiêm trọng mức tự trị của Hồng Kông và làm tổn hại tới sự độc lập của nền tư pháp và pháp quyền của Hồng Kông. Chúng tôi lấy làm tiếc về quyết định này”, Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Charles Michel đã nói.
“Úc gặp rắc rối bởi ảnh hưởng của luật này đối với sự độc lập về tư pháp của Hồng Kông, các quyền và quyền tự do mà người dân Hồng Kông trân trọng, vốn đã làm nên sự thành công của thành phố này”, Bộ trưởng Ngoại giao Úc Marise Payne nói.
27 quốc gia đã ra một tuyên bố chung tại Hội đồng Nhân quyền của Liên Hợp Quốc và bày tỏ “sự quan ngại sâu sắc, ngày càng gia tăng” về luật an ninh mới này.
“Khi áp đặt luật này mà không có sự tham gia trực tiếp của người dân Hồng Kông, các cơ quan lập pháp hoặc tư pháp đã ‘làm suy yếu’ nguyên tắc ‘một quốc gia, hai chế độ’, đảm bảo cho Hồng Kông có mức độ tự trị, quyền lợi và tự do cao”, theo lời của các bên ký kết, gồm Anh, Nhật Bản, Úc, Canada, New Zealand, Thụy Sỹ và 15 quốc gia thuộc Liên minh Châu Âu gồm có Pháp, Đức, Hà Lan và Thụy Điển.
Người Trung Quốc có câu: “Không ngừng làm điều xấu thì sẽ không có kết cục tốt đẹp”. ĐCSTQ đúng là đang làm như vậy, và có thể không lâu nữa, nó sẽ tan rã như các đảng cộng sản ở Đông Âu. Khi điều đó xảy ra, những ai cộng tác với ĐCSTQ và tự nguyện trợ giúp nó hành ác cũng sẽ bị truy tố trách nhiệm. Vì vậy, tránh xa ĐCSTQ là lựa chọn tốt nhất để đảm bảo cho bản thân có một tương lai tươi sáng.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2020/6/21/407788.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2020/7/24/186005.html
Đăng ngày 29-07-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.