Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp tại Trung Quốc Đại Lục

[MINH HUỆ 12-5-2020] Tôi là giáo viên tại một trường trung học trọng điểm ở Trung Quốc. Tôi bắt đầu tu luyện Pháp Luân Đại Pháp từ tháng 4 năm 1999.

Thời điểm đó, người phụ trách khoa của tôi chuẩn bị nghỉ hưu. Khi ban giám hiệu bàn về việc lựa chọn người mới, một vị hiệu phó đã tiến cử tôi, nói rằng tôi còn trẻ, quan hệ tốt với đồng nghiệp, nghiệp vụ giỏi và có sức ảnh hưởng nhất định trong tỉnh; về lâu dài sẽ có lợi cho sự phát triển của khoa. Một lãnh đạo khác ngay lập tức chất vấn, nói rằng tôi là người tu luyện Pháp Luân Đại Pháp, sợ sẽ liên lụy tới nhà trường. Sau đó, họ tiếp tục cân nhắc những ứng viên khác, nhưng đều cảm thấy không lý tưởng. Cuối cùng, vị hiệu phó tiến cử tôi nói, sau khi tôi tu luyện Đại Pháp, mọi bệnh tật đều khỏi, trong nhiều năm đều đảm nhiệm những lớp xuất sắc, lại không tranh đấu vì danh lợi, là người thích hợp nhất.

Cuối cùng ban lãnh đạo đã quyết định để tôi làm người phụ trách khoa. Khi hiệu trưởng đến nói chuyện với tôi và thuật lại cả quá trình đề cử, tôi rất xúc động. Thời điểm đó Pháp Luân Đại Pháp đang bị bức hại nghiêm trọng, ban lãnh đạo đã có thể phân rõ đúng sai, đưa ra quyết định này quả là không hề dễ dàng. Tôi nói với hiệu trưởng: “Tôi thực sự chưa từng nghĩ tới việc làm trưởng khoa. Vì ban lãnh đạo đã tín nhiệm, tôi sẽ nhận vị trí đó trong thời gian chuyển tiếp này. Nếu có ứng viên thích hợp hơn, tôi sẽ nhường lại.”

Không coi trọng lợi ích, chính lại tác phong làm việc trong khoa

Thời kỳ đầu, trong khoa rất hoà hợp. Nhưng sau đó đã xảy ra mâu thuẫn giữa một số giáo viên lâu năm, oán giận tích lại đến mức rất sâu sắc, bầu không khí trở nên căng thẳng, khiến khoa chúng tôi trở thành điển hình của sự bất hòa. Nguyên nhân gây ra bất hòa thực ra chỉ là một chữ “tiền”: Một vài vị giáo viên lâu năm đã biên soạn bộ đề luyện tập cho học sinh. Ngoài việc bán trong trường, họ còn bán ở các nơi khác, ai biên soạn nhiều, bán được nhiều sẽ có nhiều tiền, người phụ trách còn được thưởng thêm tiền.

Thời gian đó việc dạy thêm ngoài giờ chưa phổ biến, bán tài liệu sẽ có được khoản thu nhập không nhỏ. Hầu hết giáo viên trong khoa đều tham gia việc biên soạn này, trong đó một số người kiếm được ít tiền hơn phàn nàn về sự phân chia không công bằng và chất vấn người phụ trách: Tôi biên soạn không kém những người khác, tại sao lại nhận được ít tiền hơn? Sau khi nghe xong, người phụ trách rất tức giận, cảm thấy từ việc tổ chức biên soạn đến việc bán ra ngoài, việc gì cũng đều do mình lo liệu, nhận được nhiều tiền hơn một chút có gì không hợp lý, liền làm rùm beng lên, sau đó mâu thuẫn nội bộ ngày càng trầm trọng.

Lãnh đạo trường đã cố gắng hoà giải nhưng không thành công. Tình trạng căng thẳng diễn ra trong nhiều năm. Lúc đó tôi chưa tu luyện Pháp Luân Đại Pháp. Tôi cảm thấy bản thân còn trẻ và còn nhiều cơ hội để kiếm tiền, không bị cuốn vào việc tranh giành lợi ích này, nhưng trong tâm cũng hy vọng có thể kiếm được một ít.

Khi trở thành người phụ trách khoa, lại là người tu luyện Pháp Luân Đại Pháp, tôi muốn dùng lòng chân thành, thiện lương, bao dung được tu xuất ra từ Đại Pháp để đối xử với các giáo viên, dẫn dắt họ thành một tập thể hòa thuận, phát triển và năng động.

Sau khi nhậm chức, việc khó khăn nhất chính là biên soạn bộ đề ôn tập cho học sinh lớp 12 của năm học đó. Để đảm bảo chất lượng tài liệu, tôi đã bàn bạc với vài giáo viên cốt cán, chọn ra những người tinh anh trong khoa để làm bộ đề ôn tập. Việc này chưa từng ai làm. Tại buổi họp của khoa, khi tôi đề xuất ý kiến này: “Bộ tài liệu này là kết tinh của trí tuệ và công sức của khoa chúng ta. Nó đại biểu cho tiêu chuẩn của ngôi trường danh tiếng của chúng ta, ít nhất cũng là tài liệu tốt nhất trong tỉnh, không thể dùng tiền đo lường được. Tài liệu này chỉ dành cho học sinh trường chúng ta. Học sinh lớp 12 khóa này sử dụng xong, tài liệu sẽ được hoàn thiện và chuyển cho khoá sau dùng. Chúng ta sẽ không lấy kiếm tiền từ học sinh, chỉ thu phần chi phí.” Mọi người đều đồng ý.

Sau đó, tôi xin chỉ thị của ban lãnh đạo, hy vọng nhà trường sẽ trả nhuận bút cho các giáo viên biên soạn tài liệu để thể hiện sự khích lệ. Lãnh đạo trường nhanh chóng chấp thuận và tán thưởng. Mọi người nhất trí cử tôi làm chủ khảo. Tôi dành nhiều thời gian thẩm duyệt, xem xét kỹ lưỡng từng câu hỏi. Năm đầu tiên, tiền nhuận bút chia đều cho mọi người, tôi cũng được một phần. Sau lần đó, tôi không lấy thêm một đồng nào. Tôi giải thích với mọi người rằng tôi đã có trợ cấp cố định của trưởng khoa, tất cả thù lao đều ở trong đó rồi.

Tôi muốn những người khác được thêm chút tiền. Tôi là một học viên Pháp Luân Đại Pháp, nên nghĩ cho người khác trước, để họ không lo lắng về vấn đề tiền bạc hay bị tổn thương. Một năm sau, lãnh đạo trường lấy phương pháp làm của khoa chúng tôi, phổ biến khắp toàn trường.

Chân thành và vô tư tạo điều kiện cho các giáo viên trẻ

Hầu như hằng năm trường chúng tôi đều mở các tiết học công khai ở cấp tỉnh và thành phố. Hai năm một lần lại có bình chọn tiết học chất lượng cao cấp toàn quốc. Đây là cơ hội tốt cho các giáo viên trẻ phát triển và thể hiện tài năng của họ. Yêu cầu của tiết học hiện nay rất cao, đòi hỏi phải có sáng tạo và ấn tượng, vì vậy rất khó để có một tiết học tốt. Các giáo viên trẻ ít thực hành, thiếu kinh nghiệm, về cơ bản đều chắp vá những thứ lấy từ trên mạng, không có hệ thống, nên giáo án của họ thường không được chấp thuận.

Để trợ giúp các giáo viên trẻ qua được bước khó khăn này, phương pháp của tôi là, đầu tiên đưa ra những gợi ý, các giáo viên trở về chuẩn bị. Đồng thời tôi cũng thiết kế chi tiết một chương trình dạy học, sau đó cùng các giáo viên nhiều lần trao đổi, cùng nhau thống nhất thành một bản sơ thảo. Sau khi thí giảng, lại nghiêm túc lắng nghe góp ý của các giáo viên khác để cải thiện thêm.

Trước đây chưa từng có ai coi tiết học của người khác như của bản thân mình mà đi chuẩn bị như vậy. Làm việc này không chỉ đòi hỏi phó xuất rất lớn, mà còn mang nhiều trách nhiệm và áp lực. Vì tôi là người tu luyện Đại Pháp, xuất phát từ tâm mà làm, không chỉ vì khoa của chúng tôi mà còn vì sự phát triển của các giáo viên trẻ. Tiết học công khai của chúng tôi được khen ngợi rộng rãi cả trong và ngoài tỉnh. Hiệu trưởng cũng tới dự thính và khen ngợi chúng tôi.

Mỗi khi trường chúng tôi có giáo viên dự thi tiết học chất lượng cao cấp tỉnh, cấp quốc gia, tôi đều đi theo cổ vũ. Tôi nói với các giáo viên rằng tuyệt đối không phải tìm gặp ban giám khảo tạo quan hệ, thông qua các thủ đoạn bất chính để giành giải. Chúng tôi muốn đường đường chính chính dự thi và dựa vào thực lực để có được sự công nhận của các giám khảo.

Bốn giáo viên trong khoa chúng tôi đã đạt được giải nhất và giải đặc biệt cho các tiết học chất lượng cao cấp quốc gia, danh hiệu xuất sắc cấp tỉnh. Khoa của chúng tôi trở thành tập thể vững mạnh, được bầu làm khoa tiên tiến cấp trường, cấp thành phố, cấp tỉnh. Khoa của chúng tôi trở thành kiểu mẫu của trường, các giáo viên trẻ của chúng tôi trở thành nòng cốt, nổi tiếng trong trường và trong tỉnh.

Những thay đổi tích cực trong khoa chúng tôi khiến lãnh đạo cùng các giáo viên nhà trường thấy được sự chân thành, vô tư và thiện tâm của người tu luyện Pháp Luân Đại Pháp, cảm nhận được vẻ đẹp của Pháp Luân Đại Pháp.

Có giáo viên tuổi tác ngang tầm tôi đã nói trước toàn khoa: “Cậu thật chính trực, chí công vô tư, cũng phó xuất rất nhiều. Khoa của chúng ta đã thay đổi hoàn toàn. Các giáo viên trẻ đều trưởng thành. Hiện giờ mọi người có thể cùng nhau vui vẻ ngồi tại đây. Cảm ơn cậu rất nhiều!”

Tu bỏ tâm phân biệt, thiện tâm đối xử với các học sinh

Học kỳ hai năm ngoái, tôi tiếp nhận một lớp mới, phát hiện có một học sinh vừa vào lớp đã ngủ gục. Tôi đi đến trước bàn đánh thức cô bé dậy, nhưng đến tiết học sau, tình trạng đó lại tiếp diễn. Tôi về văn phòng, tra lại điểm số bài kiểm tra cuối cùng của cô bé, cô bé xếp cuối lớp. Lập tức tôi đến tìm cô bé, hỏi xem vì sao không nghe giảng, cô bé nói nghe nhưng không hiểu, vậy nên bài tập cũng không làm. Tôi yêu cầu xem vở ghi chép, học sinh này nói không ghi, khiến tôi rất kinh ngạc. Điều này rất hiếm gặp trong một ngôi trường danh tiếng như của chúng tôi. Tôi yêu cầu cô bé viết lại những gì đã học trong bài học trước, cô bé không viết nổi một nửa. Cô bé đã rơi rụng quá nhiều kiến thức. Trong lòng tôi thấy rất buồn.

Nhưng lại nghĩ, tôi có dùng tâm thái này đối đãi với các học sinh khá giỏi không? Đây chẳng phải là tâm phân biệt sao? Chẳng phải là trái ngược với “Thiện” trong Đại Pháp? Tôi nhanh chóng nghĩ cách giúp cô bé. Tôi nói với cô bé: “Em vẫn còn thời gian để bắt kịp nhưng sẽ phải chịu nhiều khó khăn. Em hãy mua một cuốn vở, bắt đầu từ mai, trên lớp ghi chép lại những nội dung trên bảng. Mỗi tiết học thầy đều nhắc nhở mọi người, em hãy chú ý lắng nghe. Mỗi ngày trước khi làm bài tập, cần học thuộc hoặc chép lại những kiến thức chính của bài học trên lớp, sau đó làm bài. Những ngày này em có thể tới văn phòng của thầy để làm bài tập, điều gì không biết thì hỏi luôn.” Cô bé hỏi rằng có thể tới văn phòng tôi ngay sau giờ ăn trưa không. Tôi đã đồng ý.

Từ đó trở đi, cô bé như trở thành một người khác, trên lớp học hết sức chăm chú, bám sát bài giảng của thầy. Tôi bảo cô bé hãy tận lực làm tốt những bài cơ bản, bài khó tạm thời bỏ qua. Thành tích của cô bé cũng dần được cải thiện.

Một năm sau, do điều động công tác, tôi không còn dạy lớp này nữa. Trước khi chia tay, mỗi học sinh đều viết cho tôi một lá thư. Trong thư cô bé viết: “Mọi người đều nói với em phải cố gắng học tập, nhưng không ai chỉ cho em phải học thế nào. Người khác hàng ngày chế nhạo em vì thành tích kém, nhưng không ai nhìn xem vấn đề của em ở đâu. Mọi người đều nói đạo lý cao siêu, nhưng không ai nguyện ý giúp em. Thầy thì khác. Thầy đã thật sự giúp đỡ em, hướng dẫn em cách học, giúp em có được sự tự tin. Cảm ơn thầy! Thầy đã thay đổi cuộc đời em. Em sẽ tiếp tục kiên trì học tập!” Tôi vô cùng cảm động, cũng rất vui mừng. Tôi biết cô bé không chỉ có được sự tự tin và tiến bộ trong học tập, mà quan trọng hơn, hạt giống của sự chân thành và thiện lương đã được gieo vào trong tâm cô bé.

Tôi đã nhiều lần giành được danh hiệu “Giáo viên được yêu quý nhất” trong trường và hai lần nhận khen thưởng vì những đóng góp xuất sắc cho ngành giáo dục và giảng dạy.

Cuối năm 2017, bí thư đảng uỷ trường nói với tôi: “Thầy là công thần của trường chúng ta. Bao năm nay lại không tranh giành danh, lợi; đơn vị quyết định thưởng thầy hai mươi nghìn tệ để vợ chồng thầy đi Hải Nam nghỉ vài ngày.” Tôi nói không cần, nghỉ ngơi tại nhà là được rồi. Sau hai ngày, một trợ lý mang tiền đến văn phòng tôi và khăng khăng bắt tôi nhận lấy.

Sau khi anh ấy rời đi, tôi mang tiền tới văn phòng bí thư và nói: “Cảm ơn ban lãnh đạo đã quan tâm, nhưng tiền này tôi không thể nhận. Tôi là người tu luyện Pháp Luân Đại Pháp, làm tốt công việc dựa trên tiêu chuẩn Chân – Thiện – Nhẫn. Những thành tích trong công việc là kết quả nỗ lực của tất cả mọi người, tôi chỉ là một thành viên. Tôi không muốn nhận tiền, tâm ý của ban lãnh đạo thì tôi xin nhận.”

Trước đây tôi đã nói qua với ông ấy về chân tướng Đại Pháp và việc Đảng Cộng sản Trung Quốc bức hại Đại Pháp, ông ấy đã có ấn tượng tốt. Tôi đã dùng cơ hội lần này để nói thêm. Ông ấy nói: “Thầy thật không giống với những người khác. Tôi tôn trọng suy nghĩ của thầy.”

Sư phụ đã giảng:

Người Thiện thường trong tâm từ bi, không oán, không hận, lấy khổ làm vui. (Cảnh giới – Tinh tấn yếu chỉ)

Đại Pháp dạy con người hướng thiện, làm người tốt và tốt hơn nữa. Tôi sẽ giữ Đại Pháp trong tâm, tu luyện cá nhân tốt và tinh tấn tiến về phía trước.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2020/5/12/【庆祝513】校园里的一股清流-405076.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2020/5/19/185090.html

Đăng ngày 02-08-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share