Bài viết của Trí Chân

[MINH HUỆ 17-08-2009] Thời nhà Tống, Tào Châu có một tú tài tên là Chu Vinh Tổ. Tổ tiên nhà họ Chu có rất nhiều tài sản. Ông nội nhà họ Chu kính thờ Thần Phật, xây một Phật đường, ngày ngày đọc kinh niệm Phật, thi nhân hành đức, gia nghiệp hưng vượng. Đến đời cha nhà họ Chu thì chỉ kinh doanh sản nghiệp, không tín Thần Phật. Vì sửa sang nhà cửa, ông ta tiếc tiền mua gạch ngói gỗ đá, bèn tháo dỡ Phật đường ra dùng. Đến khi nhà cửa sửa xong thì ông ta đổ bệnh không dậy nổi, chữa trị thế nào đi nữa cũng không có hiệu quả. Mọi người đều cho là do tội không tín Phật. Sau khi phụ thân chết, Chu Vinh Tổ cai quản gia nghiệp. Do nghiệp học có thành tựu nên họ Chu muốn lên kinh thành ứng cử, liền dẫn vợ là Trương thị và đứa con trai còn bọc trong tã là Trường Thọ cùng đi. Anh ta đem vàng bạc mà tổ tiên để lại chôn ở một cái hố ở dưới bức tường của sân sau, chỉ mang theo một ít bạc vụn, và gọi một người trông nom nhà cửa, sau đó cả nhà lên kinh để anh dự thi.

Tào Châu có một người nghèo tên là Giả Nhân, thường ngày sống bằng nghề gánh đất xây tường, nghèo khổ bất đắc chí, sống trong một cái lò gốm cũ. Anh ta thường nghĩ: “Tại sao người khác giàu có thế này mà chỉ có mình lại nghèo khổ thế này,” trong lòng thường oán hận bất bình. Hàng ngày lúc nhàn rỗi, anh ta thường đến miếu Nhạc Phi để kêu khổ với Thần linh: “Tiểu nhân đến cầu khẩn. Tiểu nhân là Giả Nhân, là người thường, tại sao là nghèo khổ như thế này? Chỉ cần tiểu nhân có chút phú quý thì sẽ thương xót người cô quả, kính già thương nghèo. Cầu Thượng Thánh rủ lòng thương xót.”

Một hôm sau khi cầu nguyện xong, anh ta nằm ngủ dưới mái hiên, bỗng nhiên trông thấy Điện tiền Linh Phái Hầu đang sai Tăng Phúc Thần tra sổ y lục thực lực của anh ta. Tăng Phúc Thần tra xong báo cáo rằng: “Giả Nhân đời trước bất kính với Trời Đất, bất hiếu với cha mẹ, hủy tăng báng Phật, sát sinh hại mệnh, lãng phí nước sạch, coi thường ngũ cốc, thế nên đời này sẽ phải chịu đói rét mà chết.”

Giả Nhân cầu xin: “Thưa Thượng Thánh, xin Ngài ban cho con chút y lộc thực lộc, con cũng sẽ làm người tốt. Khi cha mẹ con còn sống, con cũng sẽ dốc sức phụng dưỡng, làm một người hiếu thảo.”

Linh Phái Hầu nói: “Ta thí điểm kiểm tra những hành vi anh ta thường ngày, tuy chưa thấy có việc thiện gì, nhưng phụng dưỡng cha mẹ là có. Ngày nay, anh ta đáng ra phải chịu đói rét, niệm tình anh ta có chút lòng hiếu, ta cũng để cho mọi người thấy Thượng Đế có đức hiếu sinh, tạm xem có phúc lực của nhà khác mà chưa dùng đến, mượn tạm chút cho anh ta, thưởng cho lòng hiếu này của anh ta.”

Tăng Phúc Thần nói: “Tiểu Thần tra thấy ở gia trang nhà họ Chu ở Tào Nam, Tào Châu, phúc lực gia đình ông ta tích được, âm công ba đời, vì ông ta bất kính với Thần Phật, tháo dỡ Phật đường, một niệm sai nên phải chịu phạt tội một thời gian. Nay đem phúc lực nhà đó cho họ Giả mượn tạm 20 năm, đợi hết kỳ hạn thì sai anh ta hai tay dâng lại cho chủ cũ, như thế chẳng phải vẹn toàn đó sao?”

Linh Phái Hầu nói: “Cũng được”.

Giả Nhân khấu đầu, tạ ân Thượng Thánh cứu giúp, tỉnh dậy thì thấy đó là giấc mộng Nam Kha, anh ta ngẫm nghĩ: “Vừa rồi nghe Thượng Thánh nói, lấy phúc lực của nhà nào đó cho mình mượn 20 năm, sự việc trong mộng không biết có đáng tin không. Hôm qua, nhà phú hộ muốn làm tường, bảo mình tìm bùn đất, mình đi tìm đất thôi.”

Vừa đúng dịp người trông nom cho nhà họ Chu ban đêm ngủ bị trộm lấy trộm sạch. Trong nhà không có gì có thể bán, chỉ còn một bức tường cũ ở sân sau, ông ta nghĩ: “Nó cũng chẳng dùng làm gì, chi bằng bán chỗ đất bùn này đi kiếm ít tiền sống qua ngày.” Ông ta lên phố gặp ngay Giả Nhân. Giả Nhân nói: “Nhà tôi đang cần đất bùn”. Mặc cả xong, giao dịch thành công. Giả Nhân khi cuốc đất bùn thì cạy lên một tấm đá, bên dưới có một cái máng đá, chứa đầy vàng bạc to bằng viên gạch, nhiều không đếm xuể. Giả Nhân kinh ngạc nói: “Thần linh linh nghiệm như thế này, đã ứng với giấc mộng đêm qua”. Sau khi chở đất bùn về nhà, anh ta lại chuyển bạc đi. Giả Nhân có nhiều bạc như thế này, mua nhà, làm ăn càng ngày càng to, đường bộ có ruộng, đường thủy có thuyền, mọi người cũng thay đổi xưng hô, gọi anh ta là viên ngoại. Tuy anh ta có gia nghiệp lớn thế này nhưng lại vô cùng bủn xỉn, một xu cũng không tiêu, của cải càng ngày càng nhiều, mọi người gọi anh ta là Giả Tường Nhi. Anh ta lấy vợ, nhưng lại không có con, thuê một người tên là Trần Đức Phủ trông coi sổ sách. Thường ngày anh ta nói với Trần Đức Phủ rằng: “Tôi có gia nghiệp thế này, không có con cái thừa kế, nếu gặp người đồng ý làm con nuôi thì hãy giúp tôi tìm một người.”

Cả nhà Chu Vinh Tổ sau khi lên kinh dự thi thì vận mệnh chưa thông, công danh không đạt. Nào ngờ khi trở về nhà, thì nhà cửa trống rỗng, chỉ còn ngôi nhà không. Anh đi tìm di vật tổ tiên mà anh đã chôn dưới chân tường, thì chỉ còn lại cái máng đá không. Từ đó việc ăn mặc trở nên rất khó khăn, bèn bán ngôi nhà đó đi, sau đó cả gia đình ba người đi Lạc Dương thăm người thân. Nào ngờ thân quyến đã đi vùng ngoài từ lâu rồi, chút tiền đem theo đã tiêu hết, đành phải đi khất thực, chịu đủ khổ cực. Đến Tào Nam, đúng dịp cuối đông, mấy ngày liền trời đổ tuyết lớn, cả nhà ba người vừa đói vừa rét, lại 10 lần tìm đến những nhà giàu có nhưng cửa không mở. Thế là họ đến một tiệm rượu tránh tuyết. Trần Đức Phủ đang ở trong tiệm, hiểu được tình hình này và nói: “Thấy ông khó khăn thế này, ông nên cho đứa bé cho người ta làm con nuôi. Ở đây có một đại phú hộ không có con cái, làm con nuôi thì sau này gia sản đều là của con ông thôi. Ông ấy đang muốn tôi tìm giúp”.

Chu Vinh Tổ và vợ bàn bạc: “Nếu như thế này, thì còn tốt hơn là chết đói chết rét. Chỉ cần người đó nuôi sống nó, đành như vậy thôi. Thế là Trần Đức Phủ nói rõ sự tình với Giả viên ngoại, Giả viên ngoại vô cùng vui mừng, hai bên lập giấy tờ. Lúc này Trường Thọ sáu tuổi, Chu Vinh Tổ dặn dò con trai rằng: “Cha mẹ thực sự không còn cách nào, con ở đó cũng tránh được nỗi khổ đói rét, chỉ cần hiểu được sự việc, cha mẹ sẽ đến chơi với con” – ba người đau khổ khóc lóc từ biệt.

Giả viên ngoại nhận con nuôi, gọi nó là Giả Trường Thọ. Việc này ông ta đề phòng rất cẩn mật, Trường Thọ lớn lên dần quên hết chuyện ngày bé, chỉ nhận Giả viên ngoại là cha. Cha cậu không tiêu một xu, nhưng cậu lại rất rộng rãi, trượng nghĩa khinh tài, nhìn thấy tiền bạc thì coi giống như hòn đất vậy. Người ta nói cậu có nhiều tiền, thuận miệng gọi là “tiền xả”. Hơn mười năm trôi qua, vợ chồng Giả Nhân lần lượt qua đời, Trường Thọ trở thành tiểu viên ngoại, cai quản gia nghiệp.

Lại nói, vợ chồng Chu Vinh Tổ đi khắp nơi tìm người cưu mang mà không được, lưu lạc tha hương mười mấy năm trời, nay đã khất thực trở về nhà, muốn đến nhà họ Giả xem tin tức con trai. Đến thôn Tào Nam, thấy một hiệu thuốc, trên tấm biển có ghi “Thí dược” (bố thí thuốc), hai người liền vào hỏi thăm, chủ nhân chính là Trần Đức Phủ. Trần Đức Phủ nói: “Giả viên ngoại đã qua đời rồi, con trai ông là Giả Trường Thọ, nay đã là tiểu viên ngoại rồi, cậu không keo kiệt như ông già, trượng nghĩa khinh tài, tiền vốn “thi dược” ở đây đều là cậu ấy cấp.”

Trần Đức Phủ lại tìm đến Giả Trường Thọ, đem chuyện xưa nói ra ngọn ngành. Giả Trường Thọ tuy nhiều năm không có ai nói đến chuyện đó, nay nghe nói, nghĩ lại chuyện tuổi ấu thơ, vẫn loáng thoáng nhớ được, liền vội vàng lấy một hòm vàng bạc chạy đến phố để nhận cha mẹ. Trần Đức Phủ dẫn cậu bái kiến. Vợ chồng Chu Vinh Tổ thấy con trai thì vô cùng vui sướng. Giả Trường Thọ dâng hòm vàng bạc, Chu Vinh Tổ đang muốn từ chối thì thấy trên những thỏi vàng thỏi bạc có khắc chữ “Chu Phụng ký”. Chu Vinh Tổ nói: “Đây chẳng phải của nhà ta đó sao?”. Trần Đức Phủ nói: “Sao lại của nhà ông được?”

Chu Vinh Tổ nói: “Ông nội tôi là Chu Phụng, đây là chữ ông khắc để ghi lại.”

Trần Đức Phổ xem xong rồi nói: “Vậy tại sao lại ở nhà họ Giả?”

Chu Vinh Tổ nói: “20 năm trước, học trò dẫn cả nhà lên kinh dự thi, đem của cải tổ tiên để lại chôn ở dưới đất, sau khi trở về thì không còn nữa”.

Trần Đức Phổ nói: “Giả viên ngoại vốn là người nghèo khổ, làm nghề đào đất làm tường cho người ta. Ngẫu nhiên phát tài giàu có, có lẽ là của cải của nhà ông bị ông ta đào rồi, thế nên mới như thế này. Ông ta không có con cái, lại nhận con ông làm con nuôi, thừa hưởng gia sản này. Vật trở lại với chính chủ, chẳng phải ý Trời đó sao. Thảo nào thường ngày ông ta không dám chi tiêu dẫu chỉ một xu, không nỡ lãng phí chút nào, thì ra đó không phải là của cải của ông ấy, chỉ là trông coi giúp cho gia đình ông mà thôi”.

Vợ chồng Chu Vinh Tổ không ngớt lời cảm thán, Chu Vinh Tổ nói: “Đây quả là nhân quả báo ứng”. Thế là ông kể lại chuyện ông nội tín Phật, còn cha thì không tín Phật. Giả Trường Thọ cũng rất kinh ngạc. Giả Trường Thọ đón cha mẹ về nhà, Chu Vinh Tổ đem vàng bạc trong hòm ra trao lại cho con trai, bảo con ngày mai đem phân phát cho những người nghèo khó không nơi nương tựa. Ông lại bảo con trai chiểu theo cụ tổ, xây Phật đường, cả hai vợ chồng tu luyện. Giả Trường Thọ đổi lại họ Chu, cả nhà đều kính Phật hướng thiện, gia nghiệp càng ngày càng thịnh vượng.

Ông nội Chu Vinh Tổ “Tích phúc lực, âm công ba đời”, ông nội sùng Phật mà gia sản giàu có. Còn phụ thân ông xây sửa nhà lại phá hủy Phật đường để lấy gạch ngói, gỗ, vì thế mất mạng, gia nghiệp sư bại, “một niệm sai, cả nhà chịu tội”. Còn Giả Nhân do đời trước bất kính Trời Đất, “vốn bị đói rét mà chết, Thần linh vì hiển thị đức hiếu sinh của Thượng Đế, nên đã đem phúc lực của nhà họ Chu cho ông ta mượn 20 năm. Chu Vinh Tổ chịu tội, bị nghèo khổ trong 20 năm. Sau 20 năm, quả nhiên vật về với chủ cũ, có thể thấy vật có chủ đã định như vậy rồi, người thế gian chỉ uổng phí tâm cơ. Kỳ thực bất kỳ sự tình nào xảy ra đều có quan hệ nhân quả, Thiên lý tuần hoàn, báo ứng chẳng sai lệch. Do đó con người sao có thể không cẩn thận đây? Tin vào chân lý thiện ác có báo, tự giác hành thiện tích đức, không chỉ tăng thêm phúc phận và tránh tai họa cho bản thân, hơn nữa còn tạo nền móng tích phúc cho con cháu đời sau. Kính Trời kính Thần, tất cả đều tuân theo lẽ Trời mà hành thiện, đó chính là việc quan trọng nhất quyết định vận mệnh và tương lai của con người.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2009/8/17/206672.html

Đăng ngày 13-07-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share