Bài viết của Tiêu Huy
[MINH HUỆ 30-05-2020] Nền văn hóa truyền thống Trung Hoa tín ngưỡng nhiều chủng loại Thần khác nhau như Thần sông, Thần núi, Thần sấm, Thần thổ địa v.v. Các vị Thần chưởng quản vạn sự vạn vật trong trời đất. Những câu chuyện kể về họ không chỉ lưu truyền đời đời kiếp kiếp ở chốn dân gian, mà còn có rất nhiều người hữu duyên đã từng chứng kiến sự tồn tại của Thần linh trong giấc mộng hoặc trong một số tình huống đặc thù nào đó.
Những ghi chép liên quan đến Ôn Thần trong dân gian Trung Quốc bắt đầu từ thời nhà Tùy. Trong “Tam giáo nguyên lưu sưu thần đại toàn” có ghi chép, vào tháng 6 năm Khai Hoàng thời Tùy Văn Đế, trên trời xuất hiện năm vị lực sĩ ở độ cao cách mặt đất khoảng 35 trượng, thân khoác áo bào lấp lánh ngũ sắc, trong tay mỗi vị cầm đủ loại pháp khí. Một người cầm chiếc thìa và chiếc bình, một người cầm túi da và thanh kiếm, một người cầm quạt, một người cầm chiếc búa, và một người cầm bầu lửa.
Tùy Văn Đế vội hỏi Thái sử công Trương Cư Nhân: “Khanh cho ta hỏi những vị đó là Thần nào vậy? Là điềm phúc hay điềm họa?”
Trương Cư Nhân đáp lời: “Thưa bệ hạ, năm vị đó là ngũ phương lực sĩ. Ở trên trời họ là ngũ quỷ, ở dưới đất họ là năm vị Ôn Thần. Ôn Thần mùa xuân Trương Nguyên Bá, Ôn Thần mùa hạ Lưu Nguyên Đạt, Ôn Thần mùa thu Triệu Công Minh, Ôn Thần mùa đông Chung Nhân Quý và Tổng lĩnh Ôn Thần Sử Văn Nghiệp. Hiện nay ông Trời đang giáng xuống tai họa dịch bệnh, không có cách nào tránh được.”
Quả nhiên, trong năm đó nhà Tùy xuất hiện trận đại ôn dịch, có rất nhiều người mắc bệnh mà chết. Tùy Văn Đế phải tu sửa những sai sót của bản thân mình và trùng tu từ đường cúng lễ năm vị Ôn Thần. Về sau, nhà Đường tiếp tục kế thừa tục lệ cúng lễ năm vị Ôn Thần của nhà Tùy. Vào thời Đường Tống, người ta tin rằng năm vị Ôn Thần vâng mệnh Thiên Đế đến nhân gian để phát tán ôn dịch.
Vào thời Tống, Quản Sư Nhân, người Tấn Vân tỉnh Chiết Giang, giữ chức Đồng tri Xu mật viện, trong lúc ông đang đọc sách đã gặp Thời dịch Sứ quân (còn gọi là Ôn Thần) bay ngang qua. Ôn Thần nói với Quản Sư Nhân là họ sẽ đến nhân gian phát tán dịch bệnh vào ngày đầu tiên của năm mới. Họ bảo người nhà của Quản Sư Nhân sẽ không bị nhiễm bệnh bởi vì ba đời nhà Quản Sư Nhân đều hành thiện tích đức, ngăn cản người ta làm việc ác và ca ngợi những người có hành vi lương thiện cho nên cả nhà ông ấy không bị dịch bệnh làm hại.
Nói tóm lại, Ôn Thần không còn xa lạ gì đối với người Trung Quốc. Trong tiểu thuyết thần thoại Trung Quốc “Phong thần diễn nghĩa” cũng từng nhắc đến Khương Tử Nha phụng mệnh Nguyên Thủy Thiên Tôn phong cho Lữ Nhạc làm Ôn Thần, lệnh cho ông ta thống lĩnh tám vị chính Thần thuộc Bộ Ôn Thần thi hành nhiệm vụ khi có mùa dịch. Mùa dịch (dịch bệnh theo mùa) chính là bệnh sinh ra do luồng khí bất chính từ bốn mùa trong năm. Những người tin Thần đều biết rõ ôn dịch ở nhân gian về bản chất là nhân quả báo ứng do Thần an bài căn cứ vào việc làm thiện ác của nhân loại.
Bởi vì người ta tin rằng Ôn Thần phát tán ôn dịch dựa trên việc làm thiện ác ở chốn nhân gian cho nên mới có cách nói là “ôn dịch có mắt”. Con người đều biết rằng khi đạo đức nhân loại tuột dốc đến một mức độ nhất định thì thượng thiên sẽ giáng xuống tai họa để cảnh báo con người nên biết dừng bước, không nên tiếp tục để đạo đức xuống dốc. Trong nhiều ghi chép, những người còn sống sót sau tai họa dịch bệnh đều là những người trong tâm vẫn còn thiện niệm và đạo đức cao thượng. Bên cạnh đó, những kẻ không còn lương tâm và đạo đức bại hoại đều sẽ nhận phải sự trừng phạt tương ứng. Đúng như cổ nhân từng nói: “Ông Trời đem đến phúc báo cho người thiện và đem đến tai họa cho kẻ phạm tội.”
Bản tiếng Hán: https://big5.minghui.org/mh/articles/2020/5/30/古籍中關於瘟神的傳說-406931.html
Đăng ngày 03-06-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.