Bài viết của học viên Đại Pháp Đại lục
[MINH HUỆ 20-07-2006] Mặc dù từng tham dự các lớp giảng Pháp của Sư phụ, nhưng tôi không dám nói rằng mình là một đệ tử lâu năm bởi tôi thuộc kiểu người mà Sư phụ giảng:
“Có người nghe xong bài giảng ra khỏi lễ đường, liền biến thành người thường; ai gây [sự] với họ, đụng phải họ, họ liền không chịu. Qua một giai đoạn thời gian, hoàn toàn không còn coi bản thân mình là người luyện công nữa.” (Chuyển Pháp Luân)
Tôi là một cán bộ nhà nước. Cuộc hôn nhân của tôi đã thất bại trước khi tôi học Pháp, tôi luôn là một người đồng sàng dị mộng với chồng mình. Sau khi học Pháp, tôi cảm thấy Đại Pháp quá tốt, nhưng sau vài ngày tôi không thể nhớ bất cứ điều gì về tu tâm tính. Tôi vẫn đi làm, tan ca, giao tiếp xã hội và nuôi con như trước. Tôi coi việc đọc “Chuyển Pháp Luân” như một thói quen đọc tiểu thuyết trước khi đi ngủ, chỉ đọc mà thôi, luyện công cũng thất thường, không hề nỗ lực thực tu. Mối quan hệ với chồng tôi đã không được cải thiện.
Vì tư tâm thâm căn cố đế, vì để bảo vệ tình cảm của mình khỏi bị tổn thương, giúp bản thân tôi có thể sống dễ chịu hơn, tôi căn bản không hề truy tìm nguyên nhân từ chính bản thân mình. Tôi cứ sống như vậy vài năm. Một đồng tu đã từng hỏi tôi: Nhiều người sau khi học Pháp, hôn nhân của họ đã trở nên hòa hợp. Chị đã bao giờ nỗ lực để hòa giải với chồng chưa? Tôi nói rằng duyên phận đã hết, tôi cũng không còn cách nào khác, cứ thuận theo tự nhiên thôi! Nhưng một cách vô thức, mối quan hệ của tôi với một đồng nghiệp nam rất tốt bụng đã kết hôn khác, lại từ đồng nghiệp trở thành bạn tốt, và cuối cùng phát triển thành mối quan hệ đáng xấu hổ giữa nam và nữ.
Vì có người nhà trong gia đình tu luyện và môi trường rất tốt, nên những cuốn kinh văn mới của Sư phụ luôn được đưa đến tận tay tôi. Trong bài “Giảng Pháp tại Pháp hội Châu Âu [1998]” Sư phụ đã giảng về vấn đề này:
“Mọi người biết rằng, người phương Tây không sao lý giải được [tại sao] giữa nam và nữ của người Trung Quốc vẫn còn câu nệ đến thế. Tôi nói với mọi người, đó mới là con người. Khai phóng {cởi mở} về giới tính, đã gây hỗn loạn về nhân chủng, hỗn loạn nhân luân, Thần là tuyệt đối không cho phép. Cho nên làm một người tu luyện, chư vị tuyệt đối không thể làm những sự việc như vậy. Chư vị có thể có vợ của chư vị, có chồng của chư vị, đây là cuộc sống chính thường của con người. Nếu như họ không phải chồng của chư vị, không phải vợ của chư vị, chư vị và anh ta (cô ta) phát sinh hành vi về giới tính, thì chính là phạm tội. Bất kể tôn giáo chính thống nào của phương Đông phương Tây, lời giảng của Thần về phương diện này đều vô cùng nặng.”
Tôi cảm thấy mình không xứng đáng học Đại Pháp. Đôi khi tôi thậm chí còn muốn từ bỏ Đại Pháp, nhưng rốt cuộc tôi đã từng nghe những lời dạy của Sư phụ, và tôi biết rõ trong sâu thẳm tâm hồn rằng tu luyện là con đường tôi cần đi trong cuộc đời này, nên dẫu thế nào tôi cũng không nỡ từ bỏ Đại Pháp.
Vì vậy, tôi đã nói với anh ấy rằng tôi không nên làm điều này khi tôi học Pháp Luân Công. Tôi hy vọng sẽ chia tay. Phản ứng của anh ấy là bất kể tôi học gì, anh ấy đều đồng ý và ủng hộ mọi thứ tôi làm, anh ấy thực sự không thể rời xa tôi. Tôi thấy rằng mình đã cố gắng thử mọi cách: Không quan tâm, nhẹ nhàng khuyên giải, cho anh ấy nghe các bài giảng của Pháp của Sư phụ v.v. nhưng tôi không thể thoát khỏi sự si tình của anh ấy. Tôi cũng cảm thấy rằng tôi không thể làm tổn thương anh ấy quá nhiều, kỳ thực là trong tâm tôi không thể buông bỏ. Tôi không muốn anh ấy thực sự rời đi. Dẫu không muốn, dẫu vẫn nói làm vậy không được, nhưng cuối cùng tôi vẫn dùng dằng chẳng dứt. Trong tâm tôi vô cùng đau đớn, tôi thầm nghĩ tôi đã nợ anh bao nhiêu món nợ tình, tại sao quan tình này lại khó qua như vậy, ma nạn của tôi quá lớn. Kỳ thực, là do tôi một tay nắm chặt Thần, tay kia lại nắm chặt phía con người không chịu buông.
Sư phụ giảng:
“Chư vị tu luyện cần phải có trách nhiệm với bản thân mình, chư vị cần thật sự cải biến bản thân, từ nơi sâu thẳm tâm linh của chư vị buông bỏ những thứ bất hảo mà chư vị chấp trước, đó mới là thật sự buông bỏ. Trên bề mặt chư vị làm rất đường hoàng, nhưng trong nơi sâu thẳm tâm linh của mình chư vị vẫn bảo thủ, vẫn cố thủ những thứ mình không buông bỏ, điều đó tuyệt đối không được.” (Giảng Pháp tại Pháp hội miền Tây Mỹ quốc [1999])
Do sâu thẳm trong tâm hồn mình tôi vẫn không buông cái tình này, vậy nên những ảo giác ma quái nảy sinh do cái tình này bao trùm lấy mọi hình thức biểu hiện mà tôi hy vọng, bám chặt lấy tôi, ngay cả việc làm một cách đường hoàng trên bề mặt tôi cũng không làm được. Từng có một đệ tử gửi tờ câu hỏi cho Sư phụ, Sư phụ giảng rằng:
“Chư vị đã coi ‘tình’ này như một quan, vì chư vị không buông nó xuống, nên chư vị cứ mãi phải vượt qua.” (Giảng Pháp vào Tết Nguyên Tiêu năm 2003)
Tôi chính là sinh mệnh mà tử quan là quan tình. Hành vi của tôi rất ô nhục đến nỗi tự nội tâm mình, tôi cảm thấy mình thấp kém, vì vậy tôi hiếm khi tham gia vào việc học Pháp và chia sẻ tập thể, việc hồng Pháp cũng rất kém.
Sau cuộc đàn áp 20 tháng 7 năm 1999, do trầm lặng nên tôi không bị đơn vị chú ý tới, tôi vẫn kiên trì học Pháp trong những lúc làm việc rảnh rỗi. Sau khi bài kinh văn “Tiến đến viên mãn, Tinh Tấn Yếu Chỉ II” của Sư phụ được công bố, tôi đọc được rằng:
“Một trong những cớ lớn nhất mà cựu thế lực [tà] ác hiện nay đang mượn để bức hại Đại Pháp chính là chấp trước căn bản của chư vị [vẫn] đang che đậy, từ đó mà gia [tăng] đại nạn này, muốn lấy những người đó tìm tách ra.”
Tuy nhiên vì học Pháp không vững chắc, ngộ tính thấp, tôi vẫn không biết cách tìm ra chấp trước căn bản của bản thân. Mặc dù cũng lo lắng về trạng thái bị cái tình dày vò, nhưng tôi lại không nhận ra rằng tất cả những điều này là an bài và sự bức hại của cựu thế lực. Tôi đã không loại bỏ các nhân tố bức hại của tà ác về phương diện này, tôi cũng không đào sâu xem rốt cuộc đâu là chấp trước căn bản của mình.
Tôi nhìn nhận vấn đề này từ cơ điểm của con người. Tôi thực sự không biết còn cách nào khác có thể giải thoát bản thân mình. Tôi mơ hồ nghĩ về nó. Dẫu phải ngồi tù tôi cũng không muốn làm điều mà ngay cả Thần cũng không thể tha thứ này. Sau đó tôi học các bài giảng của Sư phụ trong thời kỳ Chính Pháp, và biết rằng sứ mệnh của chúng ta là trợ Sư chính Pháp, cứu độ chúng sinh. Dần dần tôi cũng bước trên con đường chứng thực Pháp. Ban đầu chỉ là giảng chân tướng tại những nơi phù hợp, những hoàn cảnh phù hợp, tới sau này tôi tự mình lên mạng, tải tài liệu, làm truyền đơn đi phát.
Nhìn thấy nhiều đệ tử đến Quảng trường Thiên An Môn chứng thực Đại Pháp, tôi luôn cảm thấy rằng mình cũng có thệ nguyện như vậy. Tôi cũng nên thực hành tâm nguyện chứng thực Pháp của mình, nhưng luôn có những trở ngại khác nhau ngăn trở.
Trong thời gian này, người nhà tôi cũng bị giam giữ bất hợp pháp và phải chịu đựng một loạt bức hại. Tôi ngày càng nhận thức rõ hơn về tính nghiêm túc của việc tu luyện. Sau khi Sư phụ công bố bài “Giảng Pháp trong chuyến đi quanh Bắc Mỹ [2002]”, tôi lại càng nhận thức rõ hơn về sứ mệnh mình cần gánh vác. Cuối cùng, một ngày nọ, tôi thoát khỏi mọi sự trói buộc và đến Quảng trường Thiên An Môn căng biểu ngữ chứng thực Pháp.
Do bản thân hữu lậu, lại không đủ chính niệm mạnh mẽ phủ nhận an bài của cựu thế lực, tôi đã bị giam cầm bất hợp pháp tại một viện dưỡng lão trong ba năm. Không lâu sau khi bị bắt giam, tôi có một giấc mơ: Vào một đêm giông bão, tôi bước vào một căn phòng có cửa mở ở cả bốn phía. Tôi vội vã đóng các cánh cửa lại, nhưng vẫn còn một cánh cửa chưa đóng, mưa gió từ đó tràn vào. Tôi biết rằng Sư phụ đang điểm ngộ cho tôi, vấn đề nằm ở kẽ hở lớn này! Mặc dù tôi đã đến Bắc Kinh chứng thực rằng Đại Pháp không sai, nhiều người sẽ nghĩ rằng tôi đang chứng thực Đại Pháp bị bức hại, nhưng chỉ có tôi biết rằng tôi không nên gặp nạn này.
cựu thế lực đã nắm chặt lấy sơ hở của tôi và cách ly tôi khỏi thế gian dưới hình thức giam giữ, như thể để giúp tôi tu luyện. Tôi biết rõ rằng trạng thái bị giam giữ chắc chắn không phải là trạng thái mà đệ tử Đại Pháp nên có, nhưng tôi cũng cảm thấy rằng không bị can nhiễu bởi cái tình cũng không hẳn là một điều xấu. Tôi vô tình thừa nhận sự an bài của cựu thế lực. Tôi đã ở trong viện dưỡng lão, bị cô lập với sự can nhiễu của tình, và tâm trí tôi vẫn nhận thức rõ ràng, đặc biệt là nghề nghiệp của tôi ở nơi người thường là nghiên cứu những lời nói dối của con người, vì vậy tôi rất dễ dàng nhìn thấu logic gây lầm lẫn, đổi trắng thay đen của những người tà ngộ và phủ định sự tẩy não của tà ác một cách trí huệ. Suốt ba năm, tà ác đã thất bại trong việc nhồi nhét những tà thuyết của chúng vào đầu tôi. Tuy nhiên, do học Pháp không đủ và chính niệm không mạnh, tôi đã thụ động thừa nhận điều này trong hơn ba năm. Tôi biết rõ rằng mình còn sơ hở, nhưng tôi không dám đối mặt với nó. Tôi nghĩ sẽ có nhiều thay đổi trong ba năm, có thể trốn tránh và thoát khỏi ma nạn của cái tình. Nhưng trên thực tế, lại không hoàn toàn như vậy. Khi tôi ra tù, vấn đề này vẫn như cũ, vẫn là anh ấy đã sắp xếp xe đón tôi về nhà.
Phương pháp tu luyện mà Sư phụ truyền cấp cho chúng ta là không thoát ly khỏi hoàn cảnh người thường phức tạp này, còn về hình thức tu luyện lánh đời trong quá khứ, Sư phụ giảng:
“Con người trong quá khứ hễ vào chùa, vào tu Đạo viện, vào núi, tránh xa nhân thế để đi tu, thì bản thân thân thể cá nhân ấy không có chịu nhận quá nhiều khảo nghiệm tâm tính và xúc động trực tiếp đến chấp trước, cũng như trắc nghiệm về lợi ích trực tiếp nhất, do đó bản thân người đó cũng bằng như không tu. Đành rằng trong đời người đã vứt bỏ sinh hoạt bình thường của con người, đối với cá nhân đó mà nói thì chỉ bất quá là lựa chọn một phương thức sinh hoạt khác mà thôi.” “Vì một người nếu muốn được đắc độ, người ấy ắt phải tự thân từ trong hoàn cảnh gian khổ, trong khó nạn, trong lợi ích, trong tình dục mà vượt xuất ra.” (Giảng Pháp tại Pháp hội quốc tế New York 2004)
Vì tôi không thực sự thực tu bản thân như Sư phụ yêu cầu chúng ta khi đối mặt với ma nạn, nên ma nạn này không chỉ giảm đi mà còn ngày càng lớn hơn. Mối tình này, cộng thêm ba năm chờ đợi ròng rã, cùng sự săn sóc của anh ấy với gia đình tôi trong khoảng thời gian này, khiến tôi cảm thấy mình nợ anh ấy rất nhiều từ góc độ của con người. Tôi thực sự không thể đối mặt, không thể thoát khỏi nó. Tôi cảm thấy mình không thể làm tổn thương anh ấy, nhưng đôi khi tôi rất hận anh ấy, tôi cảm thấy rằng anh ấy đang kéo tôi xuống địa ngục! Tôi thầm nghĩ thôi không tu nữa, và một lần nọ tôi nghe thấy một cô bé khóc xé lòng xé dạ ngoài cửa sổ. Vì tôi không thể buông bỏ cái tình này, nên tôi cảm thấy đau khổ muôn phần, sống không bằng chết.
Ở nhà, hàng ngày tôi đều đọc các bài giảng của Sư phụ những năm gần đây. Về vấn đề này, Sư phụ đã nhiều lần trả lời câu hỏi này:
“Hỏi: Gần đây quanh chúng ta có một số quan hệ nam nữ…
Sư phụ: Tôi nghĩ rằng tôi vừa giảng rồi, tôi đã nói về vấn đề này rồi. Có một số vị, làm những việc không xứng với tư cách “học viên Đại Pháp”! Ngay cả “con người” cũng không xứng; chư vị còn nói mình là “đệ tử Đại Pháp” nữa?! Tôi vẫn đang đợi chư vị, chư vị có biết không?!” (Giảng Pháp tại Pháp hội vùng đô thị New York [2003])
Trong một bài chia sẻ của đồng tu cũng viết: “Tôi cũng muốn nhắc nhở một số đồng tu rằng mặc dù một số học viên không có quá nhiều chấp trước dục vọng, nhưng vì không thể buông bỏ tình, và thậm chí, biết rõ rằng yêu cầu của người khác là không tốt, họ vẫn lần lữa cho qua, dẫn đến những sai lầm nghiêm trọng. Điều này cũng không được, cũng là điều mà Thần không cho phép.”
Tôi biết rằng cái tình này là cách mà cựu thế lực an bài để tiêu hủy tôi. Có lẽ, trong quá trình chuyển sinh, tôi đã bị cựu thế lực ép buộc ký kết đồng ý “bị mê hoặc bởi tình”. Vì cái tình này thâm căn cố đế như vậy, đối với loại cảm xúc khó từ bỏ này, tôi luôn nghĩ đó chính là mình. Thông qua việc học Pháp liên tục, cuối cùng tôi cũng nhận ra rằng đây không phải là tôi, mà là cựu thế lực lợi dụng để bức hại chúng ta. Sự chăm sóc tỉ mỉ của anh ấy dành cho tôi đều là do cựu thế lực vẫn đang thèm khát những sơ hở của tôi, tìm trăm phương nghìn kế khiến tôi rớt xuống, từ đó tạo ra đủ mọi giả tướng. Vì vậy, tôi luôn tự nhủ rằng đó không phải là tôi.
Khi phát chính niệm, tôi liên tục loại bỏ những vật chất này và cố gắng kiểm soát bản thân khi những suy nghĩ đó xuất ra. Hễ không chú tâm, vẫn sẽ có những suy nghĩ mạnh mẽ như vậy xuất hiện trong đầu tôi, gợi lên nhiều cảm xúc tươi đẹp, và trong tâm tôi thường giống như cỏ dại mọc điên cuồng. Tuy nhiên, chính niệm nhờ học Pháp nhiều trong thời gian này đã nói với tôi: Không thể tiếp tục như vậy được nữa. Cho dù anh ấy tốt với tôi như thế nào, nếu khiến một sinh mệnh có thể tu thành viên mãn rớt xuống, thì tội lỗi này lớn biết chừng nào! Tôi bị mắc kẹt bởi cái tình, vừa có lỗi với bản thân và vô lượng chúng sinh đang chờ đợi tôi, vừa có lỗi với Sư phụ luôn từ bi khổ độ tôi. Sư phụ giảng:
“Tôi vẫn đang đợi chư vị, chư vị có biết không?!” (Giảng Pháp tại Pháp hội vùng đô thị New York [2003])
Những lời của Sư phụ đập vào tim tôi như búa bổ, và tôi không thể cô phụ sự từ bi của Sư phụ thêm một lần nữa. Điều mà một đệ tử Đại Pháp chân chính sẽ thành tựu là những vị Thần với ánh hào quang bất tận, thì sao có thể vẫn tồn chứa một góc tối dơ bẩn trong nội tâm. Tôi là đệ tử của Sư phụ, làm sao tôi có thể để những thứ này thao túng. Dẫu khi chuyển sinh tôi đã ký kết bất kỳ điều gì với cựu thế lực, tôi cũng sẽ phủ nhận hoàn toàn.
Để hoàn toàn thoát khỏi sự sắp xếp của cựu thế lực, bạn chỉ cần nghe lời Sư phụ và tự mình nói ra. Sư phụ giảng:
“[Những ai] tôi vừa nói ấy, tức là tất cả ai đã làm những việc không xứng với thân phận là đệ tử Đại Pháp ấy, chư vị tốt nhất là tự mình công khai nói những việc ấy ra; như thế sẽ tiêu bỏ rất nhiều thứ của chư vị, đồng thời cũng làm chư vị hạ quyết tâm mạnh mẽ…… Bởi vì [hễ] chưa kết thúc, đối với chúng sinh thì vẫn là cơ hội; Sư phụ vẫn đang đợi chư vị.” (Giảng Pháp tại Pháp hội vùng đô thị New York [2003])
Nhưng đây là một chuyện thật khó mở miệng?! Tâm hư vinh, tâm chấp trước sinh ra từ cái tình này đang bám riết ngăn trở tôi. Chính niệm và nhân tâm hết lần này tới lần khác giao tranh kịch liệt suốt một thời gian dài, chính niệm mới chiếm ưu thế: Tại sao tôi tới thế gian? Nếu tôi mất đi Đại Pháp vì điều này, thì một bộ mặt giả dối còn có ích gì? Cuối cùng, tôi đã nói về tình trạng của mình trong một nhóm học Pháp. Các đồng tu thi nhau khích lệ tôi, giúp tôi tẩy tịnh những thứ dơ bẩn của bản thân bằng các bài giảng của Sư phụ.
Kể từ đó, tôi tiếp xúc về phương diện tình cảm cũng rất ít, thi thoảng tôi mới liên hệ và luôn có một vài việc ngăn trở. Tôi biết rằng Sư tôn từ bi đang bảo hộ tôi, sau khi tôi đau đớn hạ quyết tâm, Sư phụ đã loại bỏ nhiều thứ cho tôi. Nhưng tôi vẫn thường cảm thấy tư tưởng của tôi vẫn bị can nhiễu. Tôi biết rằng cái gốc oan nghiệt về phương diện này quá sâu. Kể từ đầu năm nay, tôi thường thấy các đồng tu tìm kiếm chấp trước căn bản của mình trên mạng Internet, tôi cũng tìm chấp trước của bản thân trên mọi phương diện trong quá trình học Pháp.
Khi xem xét lại nguyên nhân bản thân mắc kẹt trong cái tình, lỗi là do tôi đã không xử lý tốt cuộc hôn nhân của mình và luôn đổ lỗi cho chồng về sự bất hòa giữa hai vợ chồng. Khi tôi hướng nội tìm một cách nghiêm túc, tôi phát hiện ra rằng tôi là người hẹp hòi, không chịu nghĩ cho người khác. Tư tâm ích kỷ muốn bảo vệ bản thân khỏi bị tổn thương cắm rễ quá sâu, kiên cố như đá hoa cương, đến nỗi mối quan hệ với chồng không thể được cải thiện suốt một thời gian dài. Cuối cùng, hôn nhân đổ vỡ, tôi bị cựu thế lực lợi dụng và xâm chiếm. Mặc dù tìm thấy chấp trước lớn duy ngã độc tôn này, nhưng dường như tôi vẫn bị ngăn cách bởi một lớp giấy và vấn đề căn bản nhất vẫn chưa được giải quyết.
Cho đến một lần tôi đọc được một bài chia sẻ của đồng tu nói rằng: Chấp trước vào cái tình giữa đàn ông và phụ nữ thường là chấp trước vào thứ gọi là “sự mỹ hảo” nơi thế gian. Nghĩa là, chưa từ bỏ truy cầu về cái gọi là “hạnh phúc” tại nhân gian, nói thẳng ra, là chưa làm được việc xả tận mọi thứ tại nhân gian. Những thứ “mỹ hảo” ấy, nếu dùng Pháp đo lường, nó có thực sự “mỹ hảo” không? Thật ra là không. Là một đệ tử Đại Pháp, mục tiêu của chúng ta là gì? Lẽ nào chúng ta không nên buông bỏ những thứ này?
Đột nhiên tâm tôi trở nên khoáng đạt.
“Vậy chấp trước căn bản ấy là gì? Tại thế gian người ta hình thành rất nhiều quan niệm, đến mức bị quan niệm chi phối, truy cầu những điều [mình] theo đuổi.” (Tiến đến viên mãn, Tinh tấn yếu chỉ II)
Phải chăng dưới sự thôi thúc hy vọng có được một cuộc sống hạnh phúc, tôi đã truy cầu những điều “mỹ hảo” này tại thế gian? Trên bề mặt, tôi thường tỏ ra rất bình thản, thường đối diện với tâm thái cự tuyệt, kiểu che đậy này đã đánh lừa ngay chính bản thân tôi. Tôi luôn nghĩ rằng mình không theo đuổi những thứ này, chỉ là tôi không biết có duyên phận gì với anh ấy mà chẳng thể rời xa, luôn kẹt trong ma nạn. Nhưng bây giờ cuối cùng tôi đã phát hiện ra, nơi sâu thẳm nhất trong trái tim mình, đó chẳng phải là sự khao khát và đắm chìm trong cảm giác của tình yêu, hạnh phúc và sự hòa hợp? Hóa ra chấp trước căn bản của tôi là ở đây!
Lúc này, câu thơ trong “Hồng Ngâm II” của Sư phụ “Cát xả phi tự kỷ, Đô thị mê trung si” xuất hiện trong tâm trí tôi. Tôi đã rơi nước mắt rất lâu, bởi vì tôi đã lần lữa trong cơn mê này quá lâu. Trong những năm qua, tôi bị dày vò bởi cảm xúc, vấp ngã loạng choạng, bở lỡ biết bao nhiêu thời gian học Pháp đề cao, bỏ lỡ biết bao nhiêu sinh mệnh nên được cứu độ! Thật đau lòng khi nghĩ về điều đó. Nhìn thấy đồng tu giảng chân tướng, làm tam thoái như thế chẻ tre, còn bản thân lại thua kém nhiều như vậy.
Sư phụ giảng một câu trong Bài giảng thứ Sáu, Chuyển Pháp Luân rằng:
“Chư vị không động niệm, chư vị cũng sẽ không động niệm ấy, thì họ cũng không nghĩ đến.”
Xưa nay tôi vẫn hy vọng khi anh ấy gặp tôi, chỉ cần tôi không động niệm thì mọi chuyện sẽ bình thản, có thể hòa hợp như những người bạn. Nhưng dẫu cố gắng thế nào, tôi cũng không thể làm được. Tôi rất khổ tâm khi nghĩ rằng: Tôi đã tu lâu như vậy rồi, sao tôi lại không thể làm được? Bây giờ thì tôi minh bạch rằng mặc dù tôi có vẻ bài xích trên bề mặt, nhưng sâu thẳm trong trái tim mình, chấp trước căn bản này đã thâm căn cố đế đến mức được bao bọc, che đậy ở bên trong!
Nhìn lại quá trình tu luyện của mình, do học Pháp không tinh tấn, nên tôi đã không phát giác ra gốc rễ của những chấp trước căn bản này, càng không nói gì tới việc loại bỏ chúng. Tà ác sao có thể không bám chặt lấy sơ hở này mà tạo ra ma nạn cho tôi? Khi tôi thực sự nhìn thẳng vào chấp trước căn bản này và loại bỏ nó, tôi cảm thấy tâm mình thanh tịnh hơn rất nhiều và có thể giải quyết vấn đề này một cách bình tĩnh hơn. Không bao lâu sau, anh ấy gọi điện thoại tới. Tôi nói: Em cảm thấy rất buồn, em không muốn khiến anh phải đau khổ như thế này nữa! Sau này em sẽ coi anh như anh trai của em nhé!
Trong bài “Giảng Pháp tại Pháp hội Canada [2006]”, Sư phụ giảng:
“Những gì chư vị tiếp xúc [trong] hoàn cảnh công tác và hoàn cảnh gia đình, chúng đều là hoàn cảnh tu luyện của chư vị, đều là con đường mà chư vị tất yếu phải đi, tất yếu phải đối diện, tất yếu phải đối diện một cách ngay chính; không có gì có thể hời hợt được. Cuối cùng [khi] đã vượt qua; Sư phụ an bài cho chư vị con đường như vậy, [và] chư vị đã đi qua như thế nào? Đến cuối cùng thì đều sẽ không thể không xét đến. Trong quá trình tu luyện, với những việc ấy, cũng không thể không xét đến; vậy nên dẫu là sự việc gì thì cũng không được coi nhẹ.”
Mặc dù cái tình này đã mang đến cho tôi vô số “ma nạn”, nhưng dù sao anh ấy cũng là một phần trong hoàn cảnh tu luyện của tôi, tôi phải xử lý những mối quan hệ này một cách đúng đắn, dùng thiện tâm để viên dung hết thảy, khiến người thường trải nghiệm được tâm đại thiện đại nhẫn của đệ tử Đại Pháp. Đây cũng là một phần trong việc chứng thực Pháp.
Sư phụ luôn yêu cầu chúng ta học Pháp cho nhiều, bởi vì Pháp có thể phá giải mọi chấp trước. Cái tình có thể can nhiễu tôi suốt thời gian dài như vậy, điều đó chứng tỏ tôi học Pháp quá kém. Mặt khác, Sư phụ cũng giảng trong “Giảng Pháp tại Pháp hội Canada [2006]” rằng:
“Nói thẳng ra, có thể đắc Pháp hay không, có thể tu đến rốt ráo hay không, [thì] can nhiễu của những người khác nhau là khác nhau, những phiền phức đều là do bản thân mình đã tạo trong quá khứ; ai cũng chớ có oán [trách].”
Dẫu sao những rắc rối cũng là do chính mình tạo ra trong quá khứ, vậy thì mọi chuyện đều nhắm vào cái tâm của tôi. Sự xuất hiện của “những phiền phức” chỉ là một cơ hội tuyệt vời để loại bỏ chấp trước của tôi vào cái tình, là chướng ngại được thiết lập nhằm giúp tôi đề cao. Do đó, tôi phải học Pháp nhiều hơn, dùng Đại Pháp tịnh hóa từng ý niệm của mình, loại bỏ chấp trước và tu luyện vững chắc nhất về vấn đề này.
Nếu có những đồng tu không tinh tấn như tôi, xin hãy nhớ lời Sư phụ: “Tôi vẫn đang đợi chư vị, chư vị có biết không?!” Đã bao lần tôi mất đi niềm tin với bản thân, nhưng Sư phụ từ bi vô lượng vẫn luôn cho tôi dũng khí để đứng dậy, tiếp tục tu, cảm tạ Sư tôn!
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2006/7/20/133436.html
Đăng ngày 11-06-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.