Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp ở Trung Quốc

[MINH HUỆ 18-12-2019] Công việc nơi người thường của tôi thuộc lĩnh vực kỹ thuật. Trong công việc cũng như việc đối đãi với đồng nghiệp, tôi luôn chiểu theo nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn, tôi có trình độ kỹ thuật tốt và được mọi người tôn trọng. Tôi cũng đảm đương một vài trách nhiệm về kỹ thuật trong một số hạng mục Đại Pháp.

Do tu luyện thiếu vững chắc và vì các đồng nghiệp cũng như các học viên khác khen ngợi tôi rất nhiều, nên tôi đã bất tri bất giác mà nuôi dưỡng chấp trước vào danh và thể diện. Tôi không muốn bị chỉ trích hay thừa nhận lỗi sai. Khi một số đồng tu đề cập điều này với tôi, tôi không muốn thừa nhận. Tôi đã bị các chấp trước của mình khống chế.

Một lần, Giáp đưa tôi đến giải quyết một số vấn đề kỹ thuật cho Ất. Đó là lần đầu tiên tôi gặp Ất. Sau đó Giáp nói với tôi rằng Ất đã hỏi cô ấy về tình trạng tu luyện của tôi, và cô ấy nói với Ất rằng cô không biết rõ về trạng thái tu luyện của tôi. Ất nghĩ điều đó thật lạ vì tôi và Giáp đã làm việc với nhau trong một thời gian dài. Giáp giải thích rằng là vì tôi không nói nhiều, nên không dễ liễu giải.

Sau khi Giáp kể cho tôi về cuộc trò chuyện của cô ấy với Ất, tôi đã trầm tư hồi lâu: Tôi đã cộng tác với Giáp trong một thời gian dài. Tại sao cô ấy lại nói cô ấy không biết rõ về mình? Nhưng nghĩ lại tôi nhận ra rằng mình thực sự đã không nói nhiều khi ở trước mặt Giáp. Là vì Giáp tu luyện tinh tấn, cô hướng nội tìm các nhân tâm và chấp trước của bản thân rất nhanh chóng và chuẩn xác, đối với đồng tu có thể lập tức chỉ ra vấn đề. Tôi sợ rằng những thiếu sót của mình sẽ dễ dàng bị phơi bày nếu tôi nói nhiều khi ở trước mặt cô ấy.

Khi nhận ra điều này, tôi cảm thấy gấp gáp trong tâm. Những chấp trước này đã kéo tôi thụt lùi, biết bao nhiêu cơ hội để phơi bày và tu bỏ các chấp trước mà tôi đã bỏ lỡ? Nếu tiếp tục như vậy, tôi sẽ giống như một người thường làm công tác Đại Pháp chứ không phải là một người tu luyện chân chính.

Giáp từng nói với tôi rằng, trong khi chia sẻ ở một nhóm học Pháp, cô ấy đã đề cập đến tất cả các khảo nghiệm mà cô ấy phải trải qua tại thời điểm đó. Các học viên khác đã đưa ra rất nhiều ý kiến với Giáp bằng nhiều tâm thái khác nhau. Có người thiếu kiên nhẫn, có người bực bội và có một số người thì xem thường. Nhưng dù họ nói gì, cô ấy không ngừng điều chỉnh tâm thái của bản thân, từ những nhận xét của mọi người mà hướng nội tìm những chấp trước của mình, nhất là khi họ trích dẫn Pháp. Trong toàn bộ quá trình đó, Giáp vẫn không bị nhân tâm của các đồng tu biểu hiện ra bề mặt dẫn động.

Tôi thực sự cảm động khi lắng nghe câu chuyện của đồng tu Giáp. Trạng thái tu luyện của tôi so với cô ấy còn chênh lệch rất nhiều! Sư phụ đã an bài cho tôi cộng tác với một học viên tốt như vậy, nhưng tôi lại che giấu các chấp trước của mình với cô ấy. Tôi cảm thấy mình thật có lỗi.

Khoảng một năm sau, tôi hỏi Giáp: “Nhóm học Pháp mà bạn từng đề cập đến là từ khi nào? Cô suy nghĩ một chút và nói: “Có lẽ vào năm 2002 hoặc 2003.”

Tức là gần 20 năm trước! Cô đã đạt đến một trạng thái tu luyện tốt như thế từ rất sớm! Tôi biết rằng mình không thể che đậy các chấp trước của mình thêm nữa.

Từ đó trở đi, khi cộng tác với các học viên, tôi luôn cố gắng buông bỏ những chấp trước của mình và giao tiếp với họ. Bằng cách đó tôi đã thu hoạch được rất nhiều.

Sau những thể hội đó, tôi bắt đầu xem xét lại tu luyện của bản thân. Trong một lần học Pháp, đọc đến bài Kinh văn “Thế nào là Nhẫn” trong cuốn Tinh tấn yếu chỉ, có đoạn Pháp:

“Nhẫn mà uất hận, uỷ khuất, hay đẫm lệ là cái nhẫn của người thường với chấp trước vào tâm lo nghĩ, hoàn toàn không hề nảy sinh uất hận, không cảm thấy uỷ khuất thì mới là cái Nhẫn của người tu luyện.”

Tôi tự hỏi bản thân: “Làm thế nào để mình có thể đạt đến trạng thái như Sư phụ yêu cầu? Và trong những tình huống nào mình đã nhẫn nhưng trong tâm vẫn tức giận hay bất bình?

Tôi nhận ra rằng khi truy cầu danh nhưng không đạt được, tôi liền tức giận, cảm thấy mình bị đối xử bất công và nhẫn chịu điều đó với sự uỷ khuất.

Sư phụ cũng giảng:

“…chư vị đang tiến đến [thành] các Giác Giả tương lai Phật Đạo Thần, không cầu những được mất nơi thế gian, nó là gì thì cũng nên vứt bỏ.” (Tống khứ chấp trước cuối cùng, Tinh tấn yếu chỉ II)

“Kỳ thực, những con mắt trong vũ trụ đang chăm chú nhìn chư vị, nhiều đến mức chư vị tưởng tượng không nổi có bao nhiêu, ngay cả trong lạp tử cũng chen đầy các con mắt, lạp tử bé nhất cũng chen đầy những con mắt. Hết thảy sinh mệnh trong vũ trụ đều chăm chú vào hết thảy những gì đệ tử Đại Pháp làm. Chư Thần đều đang nhìn. Chư vị từng ý từng niệm, hết thảy điều chư vị làm đều ghi chép lại hết, còn chân thật hơn cả quay phim, thu hình lập thể hết tất cả. (Sư phụ cười) Cho nên, để Thần nhìn, không phải để người nhìn.” (Giảng Pháp tại Washington DC năm 2018)

Tôi hiểu rằng khi tôi đang truy cầu danh, ngay cả khi tôi thực sự đạt được nó, thì trong mắt của Sư phụ và các vị thần, tâm truy cầu đó thật xấu xa! Là một học viên, tôi vẫn truy cầu danh trong người thường. Liệu tôi có đang thực sự tu luyện? Sau khi ngộ ra điều này, tôi cảm thấy chấp trước vào danh của mình đã được tiêu trừ đi phân nửa.

Bất cứ khi nào nghĩ về việc tất cả các con mắt trong vũ trụ đang nhìn chằm chằm vào mình, chấp trước vào danh của tôi lập tức biến mất. Cuối cùng tôi đã có thể nhẫn như một học viên. Khi buông bỏ chấp trước vào danh, tôi không cần phải nhẫn mà uỷ khuất nữa.

Trên đây là chút thể ngộ của tôi trong quá trình tu luyện, nếu có điểm nào không đúng, xin các đồng tu từ bi chỉ rõ!


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2019/12/18/397180.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2020/2/25/183386.html

Đăng ngày 26-03-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share