Bài viết của Trân Nghiên và Chương Minh, phóng viên báo Minh Huệ

[MINH HUỆ 17-03-2020] Khi hơn 160 quốc gia và vùng lãnh thổ đang phải chiến đấu với đại dịch virus corona, các quan chức của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) lại bận rộn với việc tuyên truyền lệch lạc và ca tụng bản thân.

Theo nguồn tin nội bộ, hiện nay, chiến lược tuyên truyền của ĐCSTQ đã chuyển hướng sang các vấn đề sau: 1) điều hướng chú ý của dư luận ở Trung Quốc vào sự lây lan của virus corona ở nước ngoài; 2) khoác lác về năng lực kiểm soát dịch bệnh của ĐCSTQ ; và, 3) chuyển sang đổ lỗi cho Hoa Kỳ bằng cách truyền bá các thuyết âm mưu nói rằng virus này thực chất bắt nguồn từ Hoa Kỳ.

Chứng kiến sự che giấu của ĐCSTQ trước sự bùng phát virus corona, ngày càng có nhiều người dân Trung Quốc đang đứng lên phản đối chính quyền toàn trị của ĐCSTQ và tìm cách nói lên ý kiến của mình.

Cho đến nay vẫn liên tục che giấu

Gần đây, một số nhà báo và chuyên gia y tế Trung Quốc đã tiết lộ thông tin về chủng virus corona đã bị quan chức các cấp che đậy như thế nào từ khi dịch mới bùng phát ở Vũ Hán. Sau khi xét nghiệm DNA cho thấy hai bệnh nhân dương tính với virus corona, bà Ngải Phân, chủ nhiệm Khoa Cấp cứu tại Bệnh viện Trung ương Vũ Hán đã tiết lộ thông tin này cho các đồng nghiệp. Bà và các đồng nghiệp khác, trong đó có anh Lý Văn Lượng (sau đó đã chết vì chủng virus này) gần như lập tức bị bịt miệng vì “lan truyền tin đồn”.

Tính đến ngày 6 tháng 3 năm 2020, việc ĐCSTQ bưng bít thông tin về virus corona một cách có hệ thống đã khiến hơn 3.000 nhân viên y tế ở tỉnh Hồ Bắc bị nhiễm bệnh. Trong đó, 40% nhiễm tại bệnh viện và 60% bị nhiễm tại cộng đồng dân cư của họ. Đa phần họ là những nhân viên y tế thông thường, chứ không phải là chuyên gia về dịch bệnh.

Một trong những yếu tố chính góp phần làm số ca nhiễm bệnh và tử vong cao là do ĐCSTQ liên tục che đậy về dịch bệnh. Trong khi các quan chức Trung Quốc đã xác nhận 830 trường hợp nhiễm virus corona tính đến ngày 24 tháng 1 năm 2020, thì cùng ngày, ông Hu Dianbo , một bác sỹ của Bệnh viện Hàng không Vũ trụ Hồ Bắc ở thành phố Hiếu Cảm, tỉnh Hồ Bắc, đã tiết lộ rằng ông và các đồng nghiệp ước tính riêng ở Vũ Hán đã có trên 100.000 người bị nhiễm virus.

Ông viết: “Để che giấu sự thật, tỉnh Hồ Bắc nói họ có đủ vật tư và từ chối viện trợ nước ngoài. Các bệnh viện chẳng khác nào địa ngục, mọi người đôn đáo khắp nơi, chỉ mong được sống sót. Tôi biết làm việc này [viết bài đăng này] có thể khiến tôi gặp rắc rối. Nhưng tôi không quan tâm — cứu mạng người quan trọng hơn.”

Theo thông tin từ Tổ chức Bảo vệ Nhân quyền Trung Quốc (Chinese Human Rights Defenders), một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Washington, DC, chỉ riêng từ ngày 22 đến 28 tháng 1, các quan chức Trung Quốc đã bắt giữ ít nhất 325 cư dân. Hầu hết họ bị buộc tội “phát tán tin đồn”, “gây hoang mang dư luận”, hoặc “cố ý gây rối trật tự xã hội.”

Đến nay, việc bưng bít này vẫn tiếp diễn. Một báo cáo mà trang web Minh Huệ nhận được thuật lại tình hình ở thành phố Cáp Nhĩ Tân, tỉnh Hắc Long Giang, nơi một bác sỹ xác định được một số trường hợp nhiễm virus corona dựa trên kết quả chụp X-quang, nhưng không có trường hợp nào nằm trong tổng số ca được báo cáo chính thức cả. Hóa ra, có những bệnh nhân bị điều trị như bệnh nhân viêm phổi thông thường để tiết kiệm ngân sách cho bệnh viện (bệnh viện phải chi trả chi phí điều trị virus corona chứ không chi trả chi phí điều trị bệnh khác) và cũng nhằm hạ thấp số ca đã được xác nhận là nhiễm bệnh để khớp với các con số được công bố chính thức.

Nhưng đây chưa phải là điều tồi tệ nhất. Một báo cáo khác gửi tới từ tỉnh Sơn Đông cung cấp lời khai của một phụ nữ có người thân ở Vũ Hán. Họ hàng của cô cho biết hầu như tất cả mọi người ở một ngôi làng lân cận đều bị nhiễm bệnh. Thay vì cứu chữa, các viên chức lại phong tỏa toàn bộ ngôi làng. Cứ vài ngày một lần, các cán bộ lại được cử đi thị sát từng hộ gia đình. Nếu có người mở cửa thì họ biết người trong nhà đó vẫn còn sống, rồi lại sang nhà tiếp theo. Còn nếu không ai mở cửa thì họ sẽ phá cửa xông vào rồi khiêng thi thể đem chôn vào cái hố lớn đã được đào từ trước để chôn cất. Được biết hố này có sức chứa hàng trăm người.

Sáng tạo để vượt qua kiểm duyệt

Gần đây, khi trả lời phỏng vấn của tạp chí Nhân vật (Renwu), bà Ngải Phân đã kể lại quá trình bà và các bác sỹ khác ở Bệnh viện Trung ương Vũ Hán bị bịt miệng khi báo với công chúng về đại dịch. Bài báo được đăng vào ngày 10 tháng 3, cùng ngày Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới thăm Vũ Hán kể từ khi dịch bệnh bùng phát. Vài giờ sau đó, bài báo này đã bị gỡ khỏi tạp chí này cũng như trên toàn mạng internet ở Trung Quốc.

“Để tránh bị kiểm duyệt, các phiên bản mới của bài báo này, từ phiên bản có một phần được viết bằng các biểu tượng cảm xúc cho tới bài được viết bằng mã morse, cũng như bính âm tiếng Trung hay hệ thống La Mã hóa tiếng Phổ thông, đã mọc lên như nấm”, tờ The Guardian đưa tin vào ngày 11 tháng 3 năm 2020 trong bài báo có tựa đề “Virus corona: Các bác sỹ Vũ Hán lên tiếng phản đối chính quyền”.

“Khi thấy những phiên bản khác nhau này, tôi không sao nhịn được cười, rồi lại bật khóc”, một người dùng trên WeChat đã viết.

Ông Liêu Tín Trung, một nhà văn ở Đài Loan, đã gọi sự sáng tạo này như một vở kịch đen tối. Ông mong đợi một kỷ nguyên mới khi mà mọi người “có thể tự do viết tiếng Trung”.

“Virus corona đã giáng một đòn nặng vào Trung Quốc vì nó đã ảnh hưởng đến hầu hết mọi người trên khắp cả nước dưới hình thức nào đó”, Phó Cảnh Hoa, một chuyên gia kiểm duyệt tại Đại học Hồng Kông nói trong bài báo có tựa đề “Người dùng Internet ở Trung Quốc phải chiến đấu với kiểm duyệt để đưa cuộc phỏng vấn của một bác sỹ Vũ Hán lên mạng” đăng trên tờ Wall Street Journal (tên gốc: China’s Internet Users Foil Censors to Keep a Wuhan Doctor’s Interview Online).

Chiêu “Giáo dục lòng biết ơn” bị phản tác dụng

Vương Trung Lâm, Bí thư Đảng ủy Tỉnh Vũ Hán mới đây đã kêu gọi cư dân địa phương cảm ơn nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình và ĐCSTQ vì đã chiến đấu với virus corona trong chiến dịch mang tên “giáo dục lòng biết ơn”. Lời kêu gọi của ông đã vấp phải sự phản đối kịch liệt.

Nhà báo Trung Quốc, Chu Zhaoxin viết trên WeChat đề nghị Bí thư Đảng Vũ Hán Vương Trung Lâm hãy “tự giáo dục bản thân”, “Ông là công chức, công việc của ông là phục vụ người dân. Hiện nay, những người mà ông cần phục vụ đang suy sụp, người chết còn lạnh lẽo lắm, người sống còn chưa ráo nước mắt“, theo một bài báo đăng trên The Guardian với tiêu đề “’Giáo dục lòng biết ơn’: Bí thư Đảng ủy Tỉnh Vũ Hán vấp phải phản ứng kịch liệt với lời kêu gọi cảm ơn lãnh đạo” (tên gốc: ‘Gratitude education’: Wuhan boss faces backlash over calls to thank leaders).

Đại Quốc Chiến Dịch (大国战疫, nghĩa là “Trận chiến chống dịch bệnh: Trung Quốc chống Covid-19 năm 2020), một cuốn sách do Ban Tuyên giáo và Văn phòng Thông tin của Quốc Vụ viện Trung Quốc biên soạn, xuất bản vào tháng 2 năm 2020, miêu tả các quan chức của ĐCSTQ như những anh hùng đã chặn đứng sự lây nhiễm của virus corona. Ngày 1 tháng 3 năm 2020, cuốn sách này bất ngờ bị dỡ khỏi các nhà sách trên khắp Trung Quốc.

Nhiều cư dân mạng đã chỉ trích cuốn sách này. Một bài đăng mỉa mai nói: “Có thể xem đây là một minh chứng cho thời đại lố bịch này trong lịch sử. Nó cho thấy ĐCSTQ ngược đãi người dân ra sao.”

Các nhà báo vào cuộc

Nhiều nhà báo ở Trung Quốc cũng bắt đầu lên tiếng, trong đó có ông Vương Nhã Các (Jacob Wang), một nhà báo của một tờ báo nhà nước ở Trung Quốc. Khi ĐCSTQ tuyên bố cuộc sống ở Vũ Hán đang trở lại bình thường, ông “biết Vũ Hán vẫn đang khủng hoảng — ông tới đó để tận tay ghi lại những thất bại của chính quyền. Ông đã dùng mạng truyền thông xã hội để phán ánh thực trạng; tháng trước, ông có bài đăng về những bệnh nhân bị nhiễm bệnh đang vật lộn để được chăm sóc y tế trong tình trạng chính quyền quan liêu, bất lực”, tờ New York Times đưa tin ngày 14 tháng 3 năm 2020 trong một bài báo có tiêu đề: “Các nhà báo phản kháng khi Trung Quốc đàn áp việc đưa tin về virus corona” (tên gốc: As China Cracks Down on Coronavirus Coverage, Journalists Fight Back).

Ông Vương trả lời trong một cuộc phỏng vấn: “Người dân bị bỏ mặc đến chết, tôi hết sức phẫn nộ về điều đó. Tôi là nhà báo, nhưng tôi cũng là một con người bình thường.” Ông và các nhà báo khác đã viết các bài báo phơi bày sự che đậy của chính quyền Trung Quốc và kêu gọi tự do báo chí qua phương tiện truyền thông xã hội.

Đối mặt với thách thức hiếm gặp thế này trước Đảng Cộng sản cầm quyền, những nhà báo này cũng có lúc bị choáng ngợp trước áp lực của sự kiểm duyệt cũng như sự chết chóc và tuyệt vọng do đại dịch gây ra. Ông Vương nói: “Đêm đến, bạn thực sự không thể ngủ được sau khi chứng kiến tất cả những câu chuyện kinh hoàng này.“ Nhắc tới bài báo của ông về việc phong tỏa Vũ Hán, ông nói: “Thực sự là đáng thất vọng.”

Anh Tenney Hoàng, một phóng viên làm việc cho một ấn phẩm nhà nước, cũng đã dành vài tuần ở Vũ Hán. Anh cho biết: “Mọi người ai ai cũng đang trong tình trạng cảm xúc bị kìm nén, oan khuất. Tự do biểu đạt là cách để chúng tôi phản kháng.”

Anh Hoàng cho biết, anh và các nhà báo khác đã chuyển sang các kênh truyền thông xã hội khi kiểm duyệt tăng cường. Anh nhận xét: “Sự thật cũng giống như củi đốt vậy. Chất càng nhiều thì ngọn lửa sẽ càng mạnh một khi nó bắt lửa.”

Một thanh niên thế hệ 9X: Nhiệm vụ của tôi là lên tiếng cho những người đã thiệt mạng

Lớp thanh niên cũng bị vỡ mộng trước thực tế này. Anh Đồ Long, 26 tuổi, lớn lên ở Vũ Hán và tốt nghiệp một trường báo chí hàng đầu ở Trung Quốc. Anh nhận ra giấc mơ của mình không thể thực hiện được ở Trung Quốc. Một bài báo trên tờ New York Times đăng ngày 14 tháng 3 năm 2020 với tiêu đề “Tôi có nghĩa vụ lên tiếng cho những người đã thiệt mạng” (tên gốc ‘I Have the Obligation to Speak for the Dead‘), anh Đồ Long cho biết: “Nhiệm vụ của trường tôi là đào tạo ra những người có thể giúp khống chế dư luận xã hội. Đã hơn một lần, tôi đã nghe giáo viên của mình khoác lác về họ có khả năng kiểm soát dư luận như thế nào.”

“Khi họ trục xuất ‘nhóm người có thu nhập thấp’ [người lao động nhập cư] ở Bắc Kinh, tôi tự nhủ, tôi đã làm việc rất siêng năng. Tôi không thuộc bộ phận ‘có thu nhập thấp’, tôi sẽ không bị trục xuất đâu.”

“Khi họ xây dựng các trại tập trung ở Tân Cương [dành cho người dân tộc thiểu số, người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ], tôi lại nghĩ mình không phải là người dân tộc thiểu số, vả lại mình cũng không có tín ngưỡng nào, tôi sẽ không gặp rắc rối gì.“

“Tôi cảm thông với cái khổ của người dân Hồng Kông, nhưng tôi nghĩ mình sẽ không xuống đường kháng nghị [đòi dân chủ], nên chuyện này chẳng liên quan gì tới tôi.”

Anh Đồ cho biết: “Lần này dịch bệnh ập vào quê tôi. Nhiều người quanh tôi đã nhiễm bệnh, có người đã chết, nên tôi không thể chịu đựng được nữa.”

Anh ngẫm nghĩ: “Đa số người Trung Quốc, bao gồm cả tôi trong đó, không phải là vô tội. Chúng ta đã dung túng cho [lãnh đạo ĐCSTQ] hành ác, có người thậm chí còn tiếp tay cho họ hành ác.“

Một người bạn đã từng nói với anh Đồ rằng, để sống được ở Trung Quốc, người ta phải làm một trong hai điều này, nếu không nói là cả hai: Một là vứt bỏ lý trí; hai là vứt bỏ lương tâm.

Anh Đồ nhận thấy mình không thể làm được điều nào trong hai điều đó. Anh nói: “Là người sống sót trong đại dịch Vũ Hán, trong quãng thời gian còn lại của cuộc đời tôi, tôi có nghĩa vụ phải lên tiếng cho những người đã thiệt mạng.”


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2020/3/17/402558.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2020/3/20/183713.html

Đăng ngày 25-03-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share