Bài viết của Đường Duật

[MINH HUỆ 16-03-2020] Ngày 11 tháng 3 năm 2020, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã tuyên bố virus corona là đại dịch. Ngày hôm sau, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nói trên Twitter: “Hoa Kỳ bắt đầu có bệnh nhân số 0 từ khi nào? Có bao nhiêu người bị nhiễm bệnh? Tên của những bệnh viện đó là gì? Có thể là quân đội Hoa Kỳ đã đem dịch bệnh đến Vũ Hán. Hãy minh bạch! Hãy công khai dữ liệu của các vị! Hoa Kỳ nợ chúng ta một lời giải thích!”

Ông đã đưa vào bài đăng của mình một đoạn video của Tiến sỹ Robert Redfield, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), nói rằng một số trường hợp tử vong do cúm ở Hoa Kỳ sau đó đã được xác nhận thực ra là tử vong do virus corona.

Ngày 13 tháng 3, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã triệu tập ông Thôi Thiên Khải, Đại sứ Trung Quốc tại Hoa Kỳ để phản đối thuyết âm mưu của Triệu buộc tội quân đội Hoa Kỳ có thể đã đem virus corona tới Vũ Hán.

Ông David Stilwell, Thứ trưởng Ngoại giao phụ trách Cục các Vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương, đã đưa ra một “phản đối cứng rắn” về sự liên quan của chính phủ Hoa Kỳ trong vấn đề này trước cáo buộc của ông Thôi. Một người phát ngôn Bộ Ngoại giao cho biết: “Trung Quốc đang tìm cách làm chệch hướng sự chỉ trích về việc nước này đã khiến đại dịch lan ra toàn cầu và che giấu thế giới” (tên gốc: China Spins Tale That the U.S. Army Started the Coronavirus Epidemic).

Julian Gewirtz, một học giả Harvard, nói về Triệu: “Mấy quan chức Trung Quốc cấp cao này xem ra không nhận ra rằng tuyên truyền thuyết âm mưu là tự đánh bại chính Trung Quốc, tại thời điểm nước này muốn được nhìn nhận là một quốc gia đóng góp tích cực trên toàn thế giới”, theo một bài báo ngày 13 tháng 3 của New York Times mang tiêu đề “Trung Quốc tráo trở nói Quân đội Hoa Kỳ đã gây ra đại dịch virus corona”.

Bài báo viết: “Lan truyền thông tin sai lệch chẳng phải là chiêu gì mới mẻ đối với chính quyền cộng sản này. Đặc biệt là Hoa Kỳ thường là trung tâm của các vụ tuyên truyền của Trung Quốc. Năm ngoái, Bắc Kinh đã trắng trợn cáo buộc chính phủ Hoa Kỳ hậu thuẫn các cuộc biểu tình công cộng ở Hồng Kông nhằm làm suy yếu sự cai trị của đảng.”

Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) cố ý giá họa cho Hoa Kỳ về đại dịch cũng chẳng có gì đáng ngạc nhiên, vì nó vốn có bản chất độc tài toàn trị để duy trì quyền lực bằng mọi giá.

Ảnh hưởng và xâm nhập trong thời gian dài

Tự do tín ngưỡng và dân chủ là hai trong những nguyên tắc sáng lập của Hoa Kỳ, khác biệt về căn bản với chế độ độc tài và chủ nghĩa vô thần của ĐCSTQ. Tuy nhiên, kể từ thời chính quyền Nixon, Hoa Kỳ đã buông lỏng cảnh giác về nguy cơ của chủ nghĩa cộng sản. Sau khi Liên Xô cũ giải thể vào tháng 12 năm 1991, nhiều quốc gia phương Tây hy vọng Trung Quốc sẽ trở thành một quốc gia dân chủ với sự hỗ trợ của các nước phương Tây và chính sách kinh tế mở cửa của Trung Quốc.

Nhưng điều đó hóa ra chỉ là ảo tưởng. Sự hợp tác và hỗ trợ từ các nước phương Tây được xem như một nỗ lực trong “tiến trình hòa bình”, mà ĐCSTQ lại coi đó là “mối đe dọa lớn nhất đối với việc duy trì sự cai trị của nó.” Ngày 26 tháng 10 năm 2010, các tác phẩm chọn lọc của Đặng Tiểu Bình đã được tái bản trên Nhật báo Trung Hoa (China Daily) với tựa đề “Chúng ta phải trung thành với chủ nghĩa xã hội và ngăn chặn tiến trình hòa bình tiến tới chủ nghĩa tư bản”. Đặng đã viết tác phẩm vào ngày 23 tháng 11 năm 1989, gần sáu tháng sau khi ông ta ra lệnh Thảm sát Thiên An Môn.

Những người kế nhiệm của Đặng Tiểu Bình, là Giang Trạch Dân và những người khác, đã kế tục chỉ thị của Đặng phải trung thành với chủ nghĩa xã hội và ngăn chặn chủ nghĩa tư bản. Một mặt, họ gọi Hoa Kỳ là “Lực lượng chống Trung Quốc” và đẩy mạnh hệ tư tưởng cộng sản; mặt khác, họ làm việc với các nước phương Tây vì lợi ích kinh tế bằng cách bán sức lao động và sản phẩm giá rẻ, tạo thành chuỗi cung ứng toàn cầu.

Bằng cách hạ thấp sự khác biệt về ý thức hệ, ĐCSTQ đã thúc đẩy mạnh thị trường toàn cầu và “cộng đồng có vận mệnh chung”. “Trung Quốc đang tham gia vào một chiến dịch kiềng ba chân nhằm chuyển hóa Hoa Kỳ, được biết đến với cái tên là “Blue-Gold-Yellow”, theo tờ The Wash Free Beacon trong bài viết ngày 9 tháng 10 năm 2017 với tiêu đề “Người bất đồng chính kiến tiết lộ kế hoạch tình báo mật của Trung Quốc nhắm vào Hoa Kỳ.” Blue (xanh) chỉ các hoạt động internet và mạng quy mô lớn của Trung Quốc, Gold (vàng kim) chỉ tiền bạc và quyền lực tài chính, còn Yellow (vàng) chỉ sự đồi trụy tình dục.

Cùng với chiến dịch tuyên truyền rầm rộ, ĐCSTQ gần như đã bịt miệng mọi sự chỉ trích từ xã hội phương Tây về vụ Thảm sát Thiên An Môn cũng như cuộc đàn áp Pháp Luân Công, người Duy Ngô Nhĩ, phong trào dân chủ Hồng Kông và những sự vụ khác.

Như Thomas Jefferson nói: “Những gì mà một chính thể chuyên chế cần có để có chỗ đứng là khiến những người có lương tâm phải im lặng!” Sự thờ ơ, mặc nhận như vậy sẽ phải trả giá. Ngoài Trung Quốc, Ý và Iran đều có số ca nhiễm cao nhất. Một cuộc kiểm tra sâu hơn cho thấy điều này không phải ngẫu nhiên.

Năm 2013, sau khi Trung Quốc đề xuất Sáng kiến V​ành đai Con đường (Belt and Road Initiative – BRI), nhiều người đã coi đây là sự mở rộng ảnh hưởng kinh tế chính trị của Trung Quốc từ Đông Á sang Châu Âu. Khi lờ đi những lo ngại về việc BRI có thể là con ngựa Thành Toa (Trojan horse) để Trung Quốc mở rộng lãnh thổ và quân đội, tháng 3 năm 2019, Ý đã trở thành quốc gia G7 đầu tiên (và duy nhất) tham gia vào sáng kiến này. Sau 29 thỏa thuận được ký kết giữa hai nước, Phó Thủ tướng Ý đã phát biểu với CNBC: “Chẳng có gì đáng lo ngại cả”, theo một bài báo ngày 27 tháng 3 năm 2019 trên trang cityam.com có tựa đề “Thỏa thuận thương mại của Ý với Trung Quốc là đang đùa với lửa” (tên gốc: Italy’s trade deal with China is playing with fire).

Iran cũng có quan hệ thân thiết với Trung Quốc.

“Lợi ích chiến lược của Trung Quốc ở Iran đang gia tăng. Các nhà sản xuất Trung Quốc đang tìm cách thiết lập các hoạt động mới ở Iran, còn Tehran được xem là một trung tâm vận chuyển và hậu cần thiết yếu”, theo oilprice.com đưa tin trong một bài báo có tựa đề “Iran trở thành trung tâm thiết yếu trong Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường của Trung Quốc” (bài gốc: Iran To Become Essential Hub In China’s Belt And Road Initiative).

“Lộ tuyến chính xác của chủng virus không rõ ràng. Nhưng quan hệ đối tác chiến lược của Iran với Bắc Kinh đã tạo ra một nhóm liên lạc tiềm năng làm lây lan chủng bệnh gọi là Covid-19 này”, theo Tạp chí Phố Wall đưa tin ngày 11 tháng 3 năm 2020 trong một bài báo có tựa đề “Quan hệ đối tác chiến lược với Trung Quốc là nguyên nhân căn bản của sự bùng phát virus corona” (bài gốc: Strategic Partnership With China Lies at Root of Iran’s Coronavirus Outbreak).

Hoa Kỳ là mục tiêu chính

ĐCSTQ luôn xem Hoa Kỳ là mối đe dọa lớn nhất, cả về kinh tế lẫn ý thức hệ.

Ngày 12 tháng 3 năm 2020, sau khi tuyên bố dịch bệnh virus corona là tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc, Tổng thống Hoa Kỳ, ông Donald Trump, tuyên bố ngày 15 tháng 3 là Ngày Cầu nguyện Quốc gia. Ông nói: “Tôi đề nghị các vị cùng tôi tham gia một ngày cầu nguyện cho tất cả những người bị nhiễm bệnh do đại dịch virus corona và cầu xin Chúa ra tay trị khỏi cho người dân của đất nước chúng ta.”

Kể từ khi trở thành tổng thống năm 2016, ông Trump đã nhấn mạnh nhiều lần rằng ở Hoa Kỳ: “Chúng tôi không tôn thờ chính phủ, chúng tôi tôn thờ Chúa.” Điều này thể hiện sự tương phản rõ rệt với chính quyền ĐCSTQ toàn trị. Hơn nữa, những nỗ lực của ông nhằm kiềm chế ĐCSTQ về thương mại, công nghệ, nhân quyền và quốc phòng cũng khiến ĐCSTQ tức giận.

Đại dịch virus corona đang diễn ra chỉ khiến ĐCSTQ thêm nhiệt huyết để dốc sức của bộ máy tuyên truyền mà chống Hoa Kỳ, đặc biệt vì những yếu tố sau.

Đầu tiên, mặc dù Trung Quốc tuyên bố đã vượt qua đỉnh điểm dịch virus corona, nhưng dữ liệu đã qua kiểm duyệt không phản ánh đúng thực tế. Những phản ứng chậm trễ của ĐCSTQ trong đợt bùng phát ban đầu và việc phong tỏa trên diện rộng đã dấy lên sự phẫn nộ dữ dội trong dân chúng, vậy nên ĐCSTQ mong tìm được con dê thế tội cho nó.

Thứ hai, qua nhiều thập kỷ tuyên truyền, một đội quân internet hùng hậu cùng nhiều cơ quan truyền thông thân ĐCSTQ ở nước ngoài, ĐCSTQ đã thao túng thành công dư luận chống Hoa Kỳ.

Chẳng hạn, người tiền nhiệm của Triệu, bà Hoa Xuân Oánh, đã công khai chỉ trích Hoa Kỳ vào ngày 3 tháng 2 năm 2020, vì đã rút một bộ phận nhân viên đại sứ quán và hạn chế nhập cảnh vào Hoa Kỳ, gọi việc đó “chỉ có thể tạo ra và gieo rắc nỗi sợ hãi”. Bà cũng hạ thấp tính nghiêm trọng đại dịch khi so sánh nhiễm virus corona của người Trung Quốc (17.205 trường hợp với 361 trường hợp tử vong) với cúm theo mùa ở Hoa Kỳ (19 triệu trường hợp với khoảng 10.000 ca tử vong), trong khi bỏ qua các ca tử vong do cúm ở Trung Quốc (trung bình 88.000 mỗi năm).

Ngày 27 tháng 2, một tháng sau khi tuyên bố virus corona có thể truyền từ người sang người, ông Chung Nam Sơn, người đứng đầu Lực lượng Đặc nhiệm chống Virus corona của Ủy ban Y tế Quốc gia, nói rằng chủng virus này có thể không phải khởi phát từ Trung Quốc. Các kênh truyền thông do chính quyền kiểm soát nhanh chóng đưa tin này và chỉ ra Hoa Kỳ mới là nguồn gốc của dịch bệnh. Sau khi CDC Hoa Kỳ ủy quyền báo cáo thống kê virus corona cho từng tiểu bang, truyền thông Trung Quốc lại tuyên bố rằng Hoa Kỳ đã ngừng báo cáo về các trường hợp nhiễm bệnh và tử vong.

Thứ ba, khi bệnh do virus corona lan rộng khắp thế giới, ông Ira Longini, cố vấn của WHO, cho biết sau cùng, 2/3 dân số thế giới có thể bị nhiễm virus corona. Vì công chúng biết rằng đại dịch bắt nguồn từ Vũ Hán, Trung Quốc, nên ĐCSTQ cảm thấy phải khẩn cấp tự mình thanh minh và đổ tội cho Hoa Kỳ.

Thứ tư, nếu ĐCSTQ có thể đổ cho Hoa Kỳ là nguồn gốc của virus corona, thì ĐCSTQ có thể biến thành nạn nhân chứ không phải kẻ gây tội. Khi các doanh nghiệp ở Trung Quốc bị ép phải hoạt động trở lại, nếu tình trạng lây nhiễm lại tăng lên thì ĐCSTQ có thể dễ dàng tuyên bố rằng các trường hợp mới được phát hiện là do người đến từ nước ngoài. Hơn nữa, nó có thể chuyển hướng mọi bức xúc dư luận về phía Hoa Kỳ và kiểm soát chặt chẽ tới một mức độ mới.

Vở kịch của ĐCSTQ – Kiểm duyệt, Đánh lạc hướng, Lừa dối

Trung Quốc có một đội quân internet hùng hậu hoạt động để kiểm duyệt thông tin do công dân đăng lên và đánh lạc hướng sự chú ý của dư luận bằng những thông điệp sai lệch do chính phủ phê duyệt. Ở các giai đoạn khác nhau của dịch bệnh, ĐCSTQ lại chuyển trọng tâm tuyên truyền của nó. Chẳng hạn, khi ngày càng nhiều người nghi ngờ dữ liệu về virus corona của ĐCSTQ, nó lại áp dụng một chiêu thuật mới.

Một bài báo có tiêu đề “Trung Quốc đang làm gì để bưng bít sự thật về chủng virus corona” trên trang defenseone.com đã viết: “Chiêu cuối cùng thường được dùng để định hướng các cuộc thảo luận trên mạng hòng khiến người ta thay đổi niềm tin và hành động trong thực tế chính là tung tin giả. Để đối phó với sự phẫn nộ về phản ứng chậm trễ ban đầu trước dịch bệnh, chính quyền này lại khẳng định điều ngược lại, rằng chính phủ đã phản ứng nhanh, rằng các cơ sở vật chất ở bệnh viện là thừa đủ. Vở kịch của kẻ độc tài chuyên chế, đó là kiểm duyệt, đánh lạc hướng, lừa dối, đã được phô bày đủ cả.”

Có một tài liệu hướng dẫn quân đội ĐCSTQ cách ứng phó với các tình huống khác nhau trong đại dịch virus corona để liên tiếp tấn công Hoa Kỳ mang tiêu đề “Những câu hỏi thường gặp về đường lối tuyên truyền về Mỹ trong đại dịch corona”. Dưới đây là một đoạn trích từ tài liệu này:

Hỏi: Nếu dịch bệnh không bùng phát ở Mỹ thì nên làm gì?
Đáp: Tập trung vào khía cạnh virus corona là vũ khí sinh học mà Mỹ sử dụng để chống lại người Trung Quốc. Cần biết rằng chỉ có truyền thông thân ĐCSTQ của chúng ta mới được phép tuyên truyền điều này.

Hỏi: Nếu dịch bệnh lây lan diện rộng tại Mỹ thì nên làm gì?
Đáp: Cần nhấn mạnh rằng thể chế chính trị của Mỹ không phù hợp để kiểm soát dịch bệnh. Đồng thời, cần phải mạnh mẽ tuyên dương những lợi thế của chế độ chính trị tại Trung Quốc.

Lời cảnh tỉnh

Chuyên gia Trung Quốc Bill Bishop nói với MarketWatch rằng chiến dịch của Trung Quốc là nhắm vào các đối tượng ở cả trong và ngoài nước. “Ở nước ngoài, nó muốn tránh bị chỉ trích vì thảm họa mà nó gây ra ở nhiều quốc gia đến vậy; trong nước, cũng lại nhằm đẩy cho một thế lực nước ngoài làm bia đỡ đạn. Mặc dù chiêu này khó mà thuyết phục được xã hội phương Tây, nhưng ông Bishop cho rằng nhiều người ở Trung Quốc vẫn tin vào những tin đồn do bị tuyên truyền quá rầm rộ.

Song, ông cũng lo ngại rằng đây không đơn giản là một thảm họa về sức khỏe cộng đồng. “Phải chăng đây là cuộc suy thoái toàn cầu đầu tiên do sự sai lầm trong quản lý của ĐCSTQ? Những thảm họa do ĐCSTQ gây ra trước đây ở Trung Quốc từ năm 1949 chưa bao giờ thực sự vượt ra khỏi biên giới nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa với mức độ ảnh hưởng lớn đến vậy. Nhưng lần này thì không.”

Albert Einstein từng nói: “Nếu tôi giữ im lặng, tôi sẽ phạm tội đồng lõa.” Chủng virus corona có thể là một lời cảnh tỉnh để mọi người nhận ra sự nguy hiểm của chủ nghĩa cộng sản.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2020/3/16/402504.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2020/3/19/183697.html

Đăng ngày 21-03-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share