[MINH HUỆ 15-03-2020] Trung Quốc có một lực lượng “cảnh sát mạng” hùng hậu. Một bài báo của CNN ngày 7 tháng 10 năm 2013 ước tính có khoảng hai triệu người được thuê để theo dõi dư luận trên mạng (bài báo có tiêu đề: “Trung Quốc thuê 2 triệu người làm cảnh sát mạng”). Một nghiên cứu tại Đại học Harvard vào năm 2016 ước tính “cảnh sát mạng” Trung Quốc đăng 488 triệu bình luận trên mạng xã hội mỗi năm, theo báo cáo của bài viết trên BBC ngày 20 tháng 5 năm 2016 với tiêu đề “Mạng xã hội Trung Quốc ngập tràn tin giả”.

Ở Trung Quốc và những nơi khác, có một lực lượng mang tên “Đội quân 5 xu” (ngụ ý số tiền được trả cho mỗi bài đăng) hay “Thủy quân trên Internet” (ngụ ý tính chất vô hình và nhiệm vụ ‘khuấy đục nước’ của họ). Ngoài việc tuyên truyền ca ngợi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), lực lượng này còn đàn áp ý kiến của những người bất đồng chính kiến, học viên Pháp Luân Công và các nhóm tôn giáo khác.

Một văn kiện chỉ đạo

Hoạt động của đội quân Internet này cực kỳ bí mật. Nhưng gần đây, có một tài liệu lưu truyền trên mạng Internet hé lộ về chiến dịch “tuyên truyền chống Mỹ” bằng dịch virus corona. Tiêu đề của tài liệu này là “Những câu hỏi thường gặp về đường lối tuyên truyền về Mỹ trong đại dịch corona”. Dưới đây là bản dịch của tài liệu dài hai trang giấy này:

Hỏi: Nếu dịch bệnh không bùng phát ở Mỹ thì nên làm gì?
Đáp: Tập trung vào khía cạnh virus corona là vũ khí sinh học mà Mỹ sử dụng để chống lại người Trung Quốc. Cần biết rằng chỉ có truyền thông thân ĐCSTQ của chúng ta mới được phép tuyên truyền điều này.

Hỏi: Nếu dịch bệnh lây lan diện rộng tại Mỹ thì nên làm gì?
Đáp: Cần nhấn mạnh rằng thể chế chính trị của Mỹ không phù hợp để kiểm soát dịch bệnh. Đồng thời, cần phải mạnh mẽ tuyên dương những lợi thế của chế độ chính trị tại Trung Quốc.

Hỏi: Nếu dịch bệnh bùng phát ở Mỹ trên quy mô nhỏ thì nên làm gì?
Đáp: Cần chỉ ra rằng người Mỹ không có khả năng chi trả chi phí xét nghiệm virus corona, dẫn tới số ca nhiễm được xác nhận thấp hơn thực tế.

Hỏi: Nếu số ca tử vong ở Mỹ thấp?
Đáp: Vậy tập trung vào tỷ lệ tử vong của các bệnh khác.

Hỏi: Nếu tỷ lệ tử vong ở Mỹ cũng giảm như tỷ lệ ở Trung Quốc?
Đáp: Có thể chỉ ra rằng chính phủ Mỹ đang thao túng số liệu và tính các ca nhiễm corona như cúm [để làm giảm tỷ lệ tử vong].

Hỏi: Nếu Mỹ bào chế được thuốc trị bệnh hiệu quả?
Đáp: Có thể nhấn mạnh vào chi phí y tế ở Mỹ là rất cao và gợi nhắc người đọc về mức chi phí y tế thấp ở Trung Quốc.

Hỏi: Làm gì nếu người Mỹ chỉ trích chính phủ của họ?
Đáp: Có thể chỉ ra rằng thể chế chính trị của Mỹ không phản ánh được ý kiến của người dân, vì thế mới xuất hiện sự bất bình với chính phủ.

Hỏi: Làm gì nếu người Mỹ không chỉ trích chính phủ?
Đáp: Có thể nói rằng chính phủ Mỹ che giấu thông tin về các ca nhiễm corona để đánh lạc hướng người dân.

Hỏi: Làm gì khi hai chính đảng [Dân chủ và Cộng hòa] căng thẳng vì virus corona?
Đáp: Có thể nói rằng thể chế chính trị Mỹ đánh nhau như chó với mèo, không thể tập trung vào những việc quan trọng.

Hỏi: Làm gì khi hai đảng của Mỹ cùng phối hợp chống lại virus corona?
Đáp: Có thể nói rằng thể chế hai đảng ở Mỹ là đạo đức giả và đang nói dối.

Hỏi: Nếu rốt cuộc Mỹ có tổng số ca nhiễm, số ca tử vong, tỷ lệ tử vong thấp hơn thì sao? Chúng ta cần làm gì?
Đáp: Cần nhấn mạnh vào sự hy sinh cao cả của Trung Quốc đã giúp thế giới thoát khỏi đại dịch.

“Một biển thông tin”

Tài liệu hỏi đáp này đã gây sốc với những người dân tại Trung Quốc. Có người nói: “Không biết phải nói gì nữa”, người thì nói: “Nó giúp tôi nhận ra bình luận nào là của Đội quân 5 xu”.

Nội dung của tài liệu này cũng phù hợp với chiến lược tổng thế ứng phó với virus corona của Trung Quốc: 1) điều hướng chú ý của dư luận trong nước sang tình hình lây lan của virus corona ở nước ngoài; 2) thổi phồng, ca tụng năng lực của ĐCSTQ trong việc kiểm soát dịch bệnh; 3) thoái thác trách nhiệm, giá họa cho Mỹ bằng cách lan truyền thuyết âm mưu rằng virus bắt nguồn từ Mỹ.

Tseng Chien-yuan, Chủ tịch New School For Democracy, nói rằng thật lố bịch khi Trung Quốc nói dối về nguồn gốc của đại dịch. Nhưng ông cũng bất ngờ khi thấy cách ĐCSTQ khôn khéo ra sao khi tạo tin giả một cách có hệ thống như vậy trên Internet để thao túng dư luận.

Ngoài việc tung tin giả đánh lạc hướng ở Trung Quốc, còn có bằng chứng cho thấy lực lượng “cảnh sát mạng” của Trung Quốc cũng lan tin giả ở nước ngoài. “Chính quyền Bắc Kinh đang cố gắng hết sức để tạo ra một biển thông tin”, theo một bài báo ngày 21 tháng 8 năm 2019 của Quartzmang tiêu đề “Bộ máy tuyên truyền của Trung Quốc đang chi hơn 1 triệu đô la để gây ảnh hưởng với mạng xã hội nước ngoài” (tên gốc: “China’s propaganda machine is spending over $1 million to buy influence on foreign social media).


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2020/3/15/402413.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2020/3/18/183687.html

Đăng ngày 20-03-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share