Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ tại Nội Mông Cổ, Trung Quốc
[MINH HUỆ 16-02-2020] Một cựu trung tá ở thành phố Hô Luân Bối Nhĩ, Nội Mông Cổ dự kiến sẽ được trả tự do vào ngày 1 tháng 4 năm 2020 sau khi thụ án sáu năm tù giam vì đức tin của ông vào Pháp Luân Công, môn tu luyện đã bị bức hại ở Trung Quốc trong 21 năm qua.
Năm 2009, ông Dương Vạn Minh bị kết án bảy năm tù giam vì tu luyện Pháp Luân Công. Mặc dù ông đã được thả trước thời hạn hai năm vào năm 2013, nhưng một năm sau đó ông lại bị bắt giữ và bị cầm tù sáu năm.
Bị bắt ngay sau lần phóng thích trước đó
Ngày 2 tháng 4 năm 2014, chưa đầy bốn tháng sau khi được thả trong lần giam giữ trước đó, ông Dương lại bị cảnh sát và các quan chức quận Hải Lạp bắt giữ. Chính quyền nhắm tới ông vì đã công bố trường hợp bức hại của ông trên trang web Minh Huệ.
Cảnh sát đã lục soát nơi ở, tịch thu nhiều vật dụng của ông và 10.000 Nhân dân tệ tiền mặt. Ông Dương đã bị Tòa án Quận Hải Lạp xét xử kín vào tháng 9 và bị kết án sáu năm tù giam.
Vợ ông Dương đã ly dị ông bởi bà không thể chịu đựng được áp lực khủng khiếp từ cuộc bức hại. Ông bị chuyển tới Nhà tù Bảo An Chiểu vào ngày 21 tháng 6 năm 2016.
Bị tra tấn trong tù
Ngày 26 tháng 3 năm 2019, ông Dương bị xịt hơi cay và sốc bằng dùi cui điện vì ông đã luyện bài công pháp thiền định của Pháp Luân Công. Ông quỵ xuống vì đau đớn. Ngày hôm sau, lính canh nhà tù tiếp tục tra tấn ông bằng dùi cui điện cho tới khi bất tỉnh. Ông được đưa tới phòng cấp cứu và được hồi sức.
Ngày 4 tháng 10, lính canh Lưu Sướng liên tục xịt hơi cay vào mặt ông Dương trong khi ông đang luyện công. Lưu đã cảnh báo các tù nhân khác rằng họ sẽ phải chịu liên lụy nếu không tố cáo việc ông Dương luyện công. Để được giảm án, hai tù nhân đã chủ động ngược đãi ông Dương và ngăn cản ông luyện công.
Hai tù nhân này đã nhiều lần lấy cắp các sách Pháp Luân Công của ông Dương và nói dối về việc ông luyện các bài công pháp của Pháp Luân Công. Một lần, họ tố cáo ông Dương không mặc đồ lót tù nhân. Lính canh Lưu đã lột quần áo của ông Dương và bắt ông đứng chân trần trên nền bê tông vào một ngày mùa đông tháng 11 lạnh buốt. Lưu đã còng tay ông Dương và xịt hơi cay vào ông trước khi tống ông vào phòng biệt giam trong 15 ngày.
Lần bức hại trước đó
Ông Dương là nguyên chỉ huy của Bộ phân Thông tin liên lạc Quân khu Bắc Kinh, và nhiều năm được trao tặng danh hiệu “Cán bộ Xuất sắc”. Khi cuộc bức hại bắt đầu, ông phải xuất ngũ vì tu luyện Pháp Luân Công. Sau đó, ông làm việc cho Tập đoàn Viễn thông Di động Trung Quốc ở Hô Luân Bối Nhĩ.
Bị bắt vì phơi bày cuộc bức hại
Vào tháng 2 năm 2009, bài phát biểu của Triệu Tỉ Thành, người đứng đầu Ủy ban Chính trị và Pháp luật ở thành phố Hô Luân Bối Nhĩ về cuộc bức hại Pháp Luân Công, được công bố trên một phương tiện truyền thông nước ngoài. Là một học viên chủ chốt trong danh sách theo dõi của Phòng 610 và cũng là người tham dự hội nghị, ông Dương đã bị chính quyền giám sát chặt chẽ. Ông bị bắt giữ vào ngày 15 tháng 3 năm 2009 và bị tạm giam ở Trại tạm giam Hải Lạp.
Ngăn cấm luật sư bào chữa
Ông Dương bị Tòa Trung cấp Thành phố Hô Luân Bối Nhĩ xét xử kín vào tháng 8 năm 2009. Ông bị kết án 10 năm tù giam và bị phạt 50.000 Nhân dân tệ vì tội danh “làm lộ bí mật quốc gia và phá hoại việc thi hành pháp luật.”
Tại phiên tòa phúc thẩm, Tòa án và Viện Kiểm sát đã không cho phép luật sư biện hộ cho ông Dương. Tòa Trung cấp Hô Luân Bối Nhĩ giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Gia đình ông Dương đã kháng cáo lên Tòa án tối cao Huyện Tự trị Nội Mông Cổ, và bản án đã được giảm xuống còn bảy năm tù giam.
Ngày 17 tháng 9 năm 2010, ông Dương bị chuyển tới Nhà tù Bảo An Chiểu, tại đó ông bị lính canh tra tấn dã man nhằm ép ông từ bỏ Pháp Luân Công. Ông được thả vào ngày 14 tháng 12 năm 2013.
Nơi làm việc và gia đình bị liên lụy
Trong khi ông Dương bị giam giữ, chính quyền cũng theo dõi lãnh đạo của ông. Họ đã bãi nhiệm chủ tịch và giáng chức một số giám đốc. Một số nhân viên cũng bị Cục An ninh giám sát.
Con trai ông Dương thường xuyên bị sách nhiễu trong khi học đại học tại Bắc Kinh, công việc sau khi tốt nghiệp của anh cũng bị ảnh hưởng. Gia đình và họ hàng của ông cũng bị đe dọa bằng cách khám xét thân thể và hạn chế quyền tự do cá nhân. Họ bị phỉ báng và vu khống.
Các bài viết liên quan:
Nội Mông Cổ: Hai học viên Pháp Luân Công bị tra tấn ở trong tù vì phản đối cuộc bức hại
Các bài viết liên quan bằng tiếng Anh:
https://en.minghui.org/html/articles/2011/7/20/126862.html
https://en.minghui.org/html/articles/2014/3/20/145989.html
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2014/2/15/287726.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2014/3/20/145989.html
Đăng ngày 23-03-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.