Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ tại tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc
[MINH HUỆ 13-02-2020] Nhà tù Hán Khẩu ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc là một nhà tù được tách ra từ Nhà tù Nữ Vũ Hán, và có cả khu nam và khu nữ. Nhà tù này đã thuê các lính canh từ Nhà tù Nữ Vũ Hán, vốn rất hung hãn trong việc tra tấn các học viên Pháp Luân Công, và còn thăng quan tiến chức cho các lính canh này để họ tiếp tục thực hiện nhiệm vụ. Được khích lệ từ việc được thăng quan tiến chức, các lính canh tại Nhà tù Hán Khẩu đã tăng cường bức hại những học viên Pháp Luân Công không chịu từ bỏ đức tin.
Pháp Luân Công là một môn tu luyện giúp cải thiện cả tâm lẫn thân. Chính quyền cộng sản Trung Quốc đã phát động cuộc bức hại nhắm vào môn tu luyện này vào năm 1999, và kể từ đó hàng trăm ngàn học viên đã bị cầm tù, bị tra tấn vì kiên định đức tin của mình. Hiện đã xác nhận được hơn 4.300 học viên đã bị thiệt mạng do cuộc bức hại này.
Dưới đây là một số trường hợp các học viên bị bức hại tại Nhà tù Hán Khẩu.
Những trường hợp tử vong
Một phụ nữ 69 tuổi qua đời sau ba tuần được thả
Bà Thôi Hải ở thành phố Vũ Hán đã từng hai lần bị cầm tù, bị đuổi việc và bị tước đoạt toàn bộ tiền lương cũng như các khoản phúc lợi khác sau khi cuộc bức hại bắt đầu chỉ vì bà không chịu từ bỏ Pháp Luân Công. Lần bắt giữ bà gần đây nhất xảy ra vào tháng 10 năm 2012. Sau đó, bà bị kết án năm năm tù vào tháng 1 năm 2014. Sau nhiều năm bị tra tấn trong tù, bà Thôi, 69 tuổi, đã qua đời vào ngày 1 tháng 1 năm 2018, sau 19 ngày kể từ khi bà được trả tự do.
Bà Thôi Hải, học viên Pháp Luân Công
Trước đó, bà Thôi đã từng bị bắt giữ vào ngày 13 tháng 5 năm 2000, sau khi bà tới Bắc Kinh để bảo vệ cho các quyền tự do tín ngưỡng đã được Hiến pháp thừa nhận. Bà bị kết án ba năm tù và bị đưa tới Nhà tù Hán Khẩu vào tháng 5 năm 2001.
Để ép buộc bà phải từ bỏ đức tin, một lính canh thường bắt bà đứng yên trong suốt hai ngày ròng. Ban ngày trời nóng như thiêu đốt, ban đêm lại đầy rẫy côn trùng. Bà không được phép tắm gội. Có lần, các lính canh đã dùng còng tay treo bà lên sau khi bà đã đứng suốt hai ngày trời, và sau khi thả bà xuống họ lại tiếp tục cấm bà ngủ trong tám ngày. Việc đó khiến hai cẳng chân bà bị sưng nghiêm trọng. Bà không thể leo cầu thang hay ngồi xổm để dùng nhà vệ sinh.
Bà Thôi bị bắt phải làm việc ở nông trại từ lúc 6 giờ sáng và không được nghỉ trưa. Bà thường là người duy nhất phải làm việc dưới trời nắng thiêu đốt ở nhiệt độ 400 C.
Lính canh cưỡng ép bà phải xem các video tẩy não vào những lúc bà nghỉ. Bà phải viết các báo cáo tư tưởng tới tận 3 giờ sáng. Quá trình tẩy não lại tiếp tục lặp lại như thế vào 5 giờ sáng. Sau cả mùa hè bị tra tấn, bà Thôi chỉ còn da bọc xương.
Các báo cáo liên quan:
Bà Thôi Hải, 66 tuổi, bị tra tấn trong Nhà tù nữ Vũ Hán
Bà Thôi Hải bị đánh đập và thương nặng trong khi bị giam giữ
Một người đàn ông trẻ qua đời sau khi bị đánh đập và bị bức thực trong thời gian dài
Anh Hứa Quang Lâm
Anh Hứa Quang Lâm, từng là nhân viên bệnh viện, đã bước vào tu luyện Pháp Luân Công vào năm 1995 khi anh đang học tại Đại học Trung Y Hồ Bắc. Cảnh sát đã bắt giữ anh vào tháng 3 năm 2000 và anh đã tuyệt thực để phản đối việc bắt giữ. Anh bị bức thực tại trại tạm giam địa phương, khiến lỗ mũi, thực quản và dạ dày của anh bị tổn thương nghiêm trọng.
Anh Hứa bị kết án ba năm tù vào tháng 9 năm 2000. Tại Nhà tù Hán Khẩu, các tù nhân bị cai tù xúi giục đã bắt anh phải ngồi trên sàn nhà và gập cong người lại. Sau đó, họ trói người và chân anh lại với nhau rồi đặt anh ở dưới giường. Sau đó, một số tù nhân sẽ giẫm lên giường, gây áp lực cực độ lên lưng và ngực anh. Anh bị cấm ngủ và liên tục bị đánh đập và bị treo lên bằng còng tay.
Sau ba tháng tuyệt thực và bị bức thực, sức khỏe của anh Hứa suy giảm. Anh không thể hồi phục được sau khi được trả tự do vào năm 2002. Anh đã qua đời vào ngày 1 tháng 5 năm 2005, ở tuổi 33.
Một người đàn ông cao tuổi qua đời sau nhiều lần bị tù giam
Ông Khang Hữu Nguyên ở thành phố Vũ Hán bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công vào năm 1997, và căn bệnh ung thư dạ dày giai đoạn cuối của ông đã sớm biến mất. Vì không chịu từ bỏ tu luyện sau khi cuộc bức hại bắt đầu, ông đã sáu lần bị bắt giữ, hai lần bị giam giữ ở một trung tâm tẩy não, hai lần bị giam giữ ở một trại lao động cưỡng bức và một lần bị kết án ba năm tù.
Ông đã bị Tòa án Quận Đông Tây Hồ kết án ba năm tù vào ngày 15 tháng 8 năm 2014. Ông bị đưa đến Nhà tù Hồng Sơn vào ngày 28 tháng 10 và sau đó bị chuyển tới Nhà tù Hán Khẩu.
Việc tra tấn đã hủy hoại sức khỏe của ông, và ông qua đời vào ngày 22 tháng 1 năm 2019, ở tuổi 70.
Các báo cáo liên quan bằng tiếng Anh:
Mr. Kang Youyuan Arrested for the Fifth Time
Mr. Kang Youyuan from Wuhan Detained for Over Three Months for His Belief
Bị kết án dài hạn
Hai học viên bị kết án bảy năm và tám năm
Giữa tháng 9 năm 2019, bà Hầu Ngải Lạp và bà Nhiêu Hiểu Bình ở thành phố Vũ Hán, đã bị kết án vì tu luyện Pháp Luân Công. Bà Hầu bị kết án tám năm cùng mức phạt 40.000 Nhân dân tệ trong khi bà Nhiêu bị kết án bảy năm cùng mức phạt 30.000 Nhân dân tệ.
Cả hai học viên đã kháng án lên Tòa Trung cấp Vũ Hán nhưng thẩm phán đã giữ nguyên phán quyết đối với bản án của tòa cấp dưới. Cả hai học viên hiện đang bị giam giữ tại Nhà tù Hán Khẩu.
Báo cáo liên quan:
Bốn cư dân tỉnh Hồ Bắc bị kết án từ 7 đến 10 năm tù vì từ chối từ bỏ đức tin của họ
Hai vợ chồng bị kết án sáu năm và tám năm
Ông Vương Hán Sinh và vợ là bà Từ Tường Lan đã bị xét xử tại Tòa Trung cấp Vũ Hán vào ngày 6 tháng 1 năm 2000. Ông Vương bị kết án sáu năm tù và bị đưa tới khu nam của Nhà tù Nữ Vũ Hán. Bà Từ bị kết án tám năm tù và thụ án tại Nhà tù Nữ Vũ Hán. Thời điểm đó, tòa án cũng tịch thu tất cả tài sản của công ty tư nhân của ông Vương.
Báo cáo liên quan:
Học viên Đại Pháp Từ Tường Lan ở thành phố Vũ Hán bị kết án 8 năm tù giam
Bị tước quyền thăm viếng
Nhiều học viên Pháp Luân Công đã bị đánh đập, bị cấm ngủ và bị bắt phải lao động không công trong nhà tù. Một số học viên còn bị cưỡng chế tẩy não và phải chịu những hình thức trừng phạt khác về thể xác.
Ngoài việc ngược đãi về cả tinh thần và thể xác, một thủ đoạn khác còn được nhà tù này sử dụng để gây áp lực lên các học viên hòng khiến họ từ bỏ đức tin là cấm luật sư và gia đình được vào thăm.
Một học viên cao tuổi đang gặp vấn đề về sức khỏe bị tước quyền thăm thân
Bà Ngô Bích Lâm bị kết án năm năm tù vào tháng 4 năm 2019. Thẩm phán tại tòa án cấp cao hơn đã bác bỏ đơn kháng án của bà và giữ nguyên bản án ban đầu. Bà bị giam giữ tại Nhà tù Hán Khẩu và bị tước quyền thăm thân kể từ đó.
Chức trách nhà tù không chịu tiết lộ bất kỳ chi tiết nào về tình hình của bà Ngô. Gia đình bà đã vô cùng lo lắng vì bà đã ngoài 70 tuổi và còn bị cao huyết áp. Bà không thể đi lại như bình thường sau một vụ tai nạn xe hơi từ nhiều năm trước.
Báo cáo liên quan bằng tiếng Anh:
Ms. Wu Bilin, 62, Arrested Again and Sent to Chenjiaji Brainwashing Center in Wuhan City (Photo)
Một phụ nữ trẻ bị tước quyền gặp luật sư và gia đình
Cô Tương Lập Vũ (bên trái) và chị của cô, cô Tương Luyện Kiều
Cô Tương Lập Vũ bị xét xử tại Tòa án Thạch Cảnh Sơn ở Bắc Kinh vào ngày 12 tháng 7 năm 2018, sau khi cô bị bắt giữ vì gửi các tờ chân tướng Pháp Luân Công. Cư dân 27 tuổi ở thành phố Thập Yển, tỉnh Hồ Bắc này đã bị kết án bốn năm tù. Cô đã kháng án và Tòa án Trung cấp Số 2 Bắc Kinh đã giữ nguyên bản án của cô.
Cô Tương bị chuyển tới Nhà tù Hán Khẩu vào tháng 3 năm 2019. Chức trách nhà tù đã từ chối cho gia đình gặp cô.
Luật sư của cô đã ba lần cố gắng để được vào gặp cô trong tháng 7 và tháng 12 năm 2019, nhưng chức trách nhà tù yêu cầu phải xuất trình các loại văn bản pháp lý và lệnh phê duyệt chính thức, tất cả là nhằm ngăn cản luật sư gặp cô. Luật sư của cô đã nộp đơn khiếu nại lên công tố viên và văn phòng quản lý nhà tù, nhưng vấn đề vẫn chưa hề được giải quyết.
Yêu cầu được gặp cô Tương của gia đình cô cũng bị từ chối. Sau đó, chức trách nhà tù còn yêu cầu gia đình phải nói chuyện với cô Tương để cô ký các bản tuyên bố từ bỏ Pháp Luân Công. Tuy nhiên, gia đình cô đã từ chối hợp tác.
Báo cáo liên quan:
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2020/2/13/401137.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2020/3/11/183591.html
Đăng ngày 21-03-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.