Bài viết của Ban biên tập Minh Huệ tại Úc

[MINH HUỆ 17-01-2020] Ông Eric Abetz, Thượng nghị sỹ và Chủ tịch Ủy ban Pháp luật Thương mại Quốc phòng và Ngoại giao, đã lên tiếng ủng hộ những nỗ lực của các học viên Pháp Luân Công nhằm chấm dứt cuộc bức hại ở Trung Quốc trong một cuộc phỏng vấn tại văn phòng của ông ở Hobart, Tasmania.

Thượng nghị sỹ Abetz đã được bầu làm chủ tịch ủy ban đối ngoại của thượng viện vào tháng 11 năm 2018. Ông đã có nhiều cuộc trò chuyện với các học viên Pháp Luân Công tại Úc về các vi phạm nhân quyền ở Trung Quốc. Trong cuộc phỏng vấn gần đây nhất, ông cho hay những nỗ lực của các học viên sẽ giúp khôi phục lại các nhân quyền cơ bản của tất cả các tù nhân lương tâm ở Trung Quốc.

Các học viên Pháp Luân Công tại Úc đã đệ trình một bản kiến ​​nghị gồm 257.312 chữ ký nhằm kêu gọi chấm dứt nạn giết hại các học viên Pháp Luân Công để lấy nội tạng ở Trung Quốc do chính nhà nước nước này hậu thuẫn. Bản kiến ​​nghị của các học viên bắt đầu vào tháng 11 năm 2009 và họ đã gửi loạt chữ ký gần đây nhất cho chính phủ Úc vào ngày 16 tháng 9 năm 2019.

a0fdbbbbf5433ed44683d46a29bfd85a.jpg

Thượng nghị sỹ Úc Eric Abetz và một học viên Pháp Luân Công trong văn phòng của ông ở trung tâm thành phố Hobart

Năm 2006, khi những nhân chứng đầu tiên bắt đầu bước ra, các học viên Pháp Luân Công đã nâng cao nhận thức về nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng từ các học viên Pháp Luân Công còn sống của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Nhiều người Úc đã bị sốc khi biết về những vụ giết hại tù nhân lương tâm này và ký tên vào bản kiến ​​nghị nhằm kêu gọi chấm dứt cuộc bức hại.

“Những người thu thập chữ ký đã rất nỗ lực”

Trò chuyện với các học viên trong văn phòng của mình ở Hobart, Tasmania, Thượng nghị sỹ Abetz nói 250.000 chữ ký là một tiếng nói lớn của khoảng 25 triệu người dân Úc.

“Phần lớn các bản kiến nghị ở Úc không đạt tới 250.000 chữ ký. Vậy nên, việc có được 250.000 chữ ký này cho thấy những người thu thập chữ ký đã làm việc rất nỗ lực. Đó cũng là một dấu hiệu cho thấy rất nhiều người quan tâm và sẵn sàng ký tên vào bản kiến nghị”, ông nhận xét.

“Những gì bản kiến nghị có thể giúp đỡ là thúc đẩy việc đảm bảo các quyền cơ bản của con người, không chỉ cho các học viên Pháp Luân Công mà còn cho cả những người khác đang phải chịu chung số phận ở quốc gia Trung Quốc cộng sản.“

“Dưới chính quyền độc tài này, các tù nhân lương tâm bị lợi dụng cho mục đích thu hoạch nội tạng. Điều này vi phạm tất cả các quyền cơ bản của con người. Tôi cho rằng đó là lý do tại sao các học viên hết sức quyết tâm thu thập chữ ký và vì sao mọi người lại sẵn sàng ký tên đến vậy.”

Phán quyết của Tòa án Trung Quốc đúng đắn và chính xác

Thượng nghị sỹ Abetz cho biết hoạt động thu thập chữ ký đã cho phép mọi người tìm hiểu nhiều hơn về sự tàn bạo của ĐCSTQ. “Bất kỳ ai, dù họ có tôn trọng quan điểm của bạn hay không, cũng đều hiểu rằng một người rất có lương tâm sẽ không đáng bị cầm tù.”

“Hơn nữa, họ không đáng bị thu hoạch nội tạng, đó là một bản án tử hình dã man. Về mọi phương diện, nó thực sự man rợ, và chống lại mọi nhân quyền.”

“Nhân quyền phổ quát bao gồm quyền sống, quyền theo đuổi tín ngưỡng, quyền không bị sử dụng cơ thể cho nạn thu hoạch nội tạng. Do vậy, dù ở mức độ nào đi nữa thì việc này chính là man rợ”, ông nói.

Thượng nghị sỹ Abetz đã yêu cầu Bộ Ngoại giao Úc đánh giá và có động thái trước báo cáo cuối cùng do Toà án Trung Quốc tại London đưa ra hồi năm ngoái.

Tháng 6 năm 2019, được chủ trì bởi Ngài Geoffrey Nice QC, một luật sư nổi tiếng người Anh, tòa án đã đưa ra phán quyết cuối cùng sau nhiều ngày lắng nghe lời kể của các nhân chứng và xem xét một loạt bằng chứng. Bồi thẩm đoàn đã kết luận rằng nạn thu hoạch nội tạng sống từ các tù nhân lương tâm ở Trung Quốc vẫn tiếp diễn trên quy mô lớn.

Thượng nghị sỹ Abetz cho biết ngay khi Bộ Ngoại giao trả lời câu hỏi của ông, câu trả lời sẽ được công bố, và nó sẽ nâng cao nhận thức cho cộng đồng về những gì đang xảy ra ở quốc gia Trung Quốc cộng sản.

Tháng 11 năm ngoái, Thượng nghị sỹ Abetz đã nói với truyền thông Úc rằng ông đã tìm hiểu lập trường của chính phủ Úc trước phán quyết của Tòa án Trung Quốc. Ông cho hay cá nhân ông tin bản án là đúng đắn và chính xác. Ông nói những tàn bạo này phải bị lên án và phải chấm dứt, và các thủ phạm phải bị đưa ra công lý.

Người Úc nên quan tâm đến việc thiếu nhân quyền ở Trung Quốc

Thượng nghị sỹ Abetz nói người Úc cần quan tâm sâu hơn đến tình hình nhân quyền ở Trung Quốc. Giao thương với Trung Quốc không có nghĩa là chấp nhận các vi phạm của chính quyền nước này chống lại dân chủ và tự do, ông lưu ý.

“Tôi nghĩ những người yêu tự do như người dân Úc cần lên tiếng về những vấn đề này. Và bản kiến ​​nghị cũng nhấn mạnh rằng mỗi người ký tên vào bản kiến nghị đều đã nhận thức rõ về vấn đề đó. Chính vì vậy mà bản kiến nghị đã được một phần tư của một triệu người ủng hộ”, ông nói. “Chúng tôi càng có điều kiện công khai vấn đề này, càng có thêm nhiều người dân Úc nhận thức về nó.”

Thượng nghị sỹ Abetz cho biết ông tin nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn của Pháp Luân Công chính là những giá trị phổ quát, và rằng cuộc bức hại của ĐCSTQ đối với Pháp Luân Công, người Duy Ngô Nhĩ, Phật tử Phật giáo Tây Tạng và tín đồ Cơ Đốc giáo đã vi phạm những giá trị phổ quát này.

Ngày 24 tháng 11 năm 2016, Thượng nghị sỹ Abetz và Thượng nghị sỹ Janet Rice đã khởi xướng một bản kiến nghị để hạn chế việc cấy ghép nội tạng trái phép. Bản kiến nghị đã được Thượng viện thông qua và kêu gọi chính phủ Úc xem xét kết tội hành vi nhận tạng hiến không tự nguyện ở nước ngoài và thiết lập một hệ thống đăng ký cho bệnh nhân ra nước ngoài cấy ghép nội tạng, trong đó có cả thông tin chi tiết về quốc gia nơi họ được cấy ghép.

Thượng nghị sỹ Abetz cho biết ông hy vọng cộng đồng quốc tế sẽ trực tiếp thông tin cho lãnh đạo ĐCSTQ rằng những nhân quyền cơ bản nhất của người dân Trung Quốc đã bị bức hại trong thời gian quá lâu. Ông nói người dân Trung Quốc không đáng bị bức hại nữa và rất rất nhiều người đã thiệt mạng dưới sự cai trị của cộng sản trong những thập kỷ vừa qua.

Ông tiếp tục bày tỏ rằng các quốc gia khác có trách nhiệm to lớn trong việc thể hiện lập trường mạnh mẽ hơn về các vấn đề nhân quyền khi đối thoại với ĐCSTQ, và để người dân Trung Quốc biết rằng những người bên ngoài Trung Quốc quan tâm đến họ và ủng hộ họ. “Tôi mong rằng điều đó cuối cùng sẽ mang lại tự do cho người dân Trung Quốc”, ông nói.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2020/1/17/399125.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2020/1/22/182378.html

Đăng ngày 26-01-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share