Bài viết của học viên Pháp Luân Đại Pháp ở Đức

[MINH HUỆ 22-12-2019] Từ ngày 1 đến ngày 30 tháng 12 năm 2019, các công dân Đức có thể ký một bản kiến ​​nghị trên mạng nhằm kêu gọi Quốc hội Đức thông qua Đạo luật Truy cứu Trách nhiệm Nhân quyền Magnitsky.

Đạo luật Magnitsky lần đầu được Quốc hội Hoa Kỳ thông qua vào năm 2012 nhằm mục đích trừng phạt các quan chức Nga đã vi phạm nhân quyền và tham nhũng. Năm 2016, đạo luật này của Hoa Kỳ đã được mở rộng ra quy mô toàn cầu. Vào ngày 14 tháng 3 năm 2019, Nghị viện Châu Âu đã thông qua một nghị quyết kêu gọi Liên minh Châu Âu và 28 quốc gia thành viên xây dựng một đạo luật mới tương tự như Đạo luật Magnitsky. Đạo luật đã được thông qua tại Canada, Vương quốc Anh, Estonia và Hà Lan. Tuy nhiên, Cộng hòa Liên Bang (CHLB) Đức vẫn chưa tham gia vào danh sách các nước ủng hộ đang ngày càng gia tăng này.

Ngày 1 tháng 10 năm 2019, công dân CHLB Đức đã nộp đơn (số 99914) lên Hội đồng Kháng cáo của Quốc hội Đức, kêu gọi chính phủ ban hành Đạo luật Truy cứu Trách nhiệm Nhân quyền Toàn cầu trước các vi phạm nhân quyền tàn bạo của Trung Quốc. Hội đồng đã công bố bản kháng cáo trên trang web của mình vào ngày 1 tháng 12, cho phép công chúng ký bản kiến nghị để thể hiện sự ủng hộ của họ.

Thành viên của Quốc hội kêu gọi công chúng trợ giúp

Bà Ulli Nissen, nghị sỹ của khu vực Frankfurt, đã viết trong bản tin đăng hôm 13 tháng 12 của mình: “Xin hãy ủng hộ bản kháng cáo này trình lên Quốc hội Đức để thông qua Đạo luật này. Nếu đạo luật được ban hành, tài sản của các tội phạm nhân quyền sẽ bị đóng băng và họ sẽ bị cấm nhập cảnh vào Đức. Điều này áp dụng đối với tội phạm trên phạm vi toàn cầu, bao gồm cả Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Bà còn viết: “Chúng tôi đã nhận được rất nhiều thông tin về việc chính quyền cộng sản Trung Quốc bức hại tàn bạo những người vô tội ra sao chỉ vì tín ngưỡng của họ. Có bằng chứng gây sốc cho thấy các học viên Pháp Luân Công bị sát hại để lấy nội tạng và nhiều người Duy Ngô Nhĩ đang bị giam cầm trong các trại lao động.”

fd7c4f54f346f3c31bb62aa4890fd990.jpg

Bà Nissen kêu gọi hỗ trợ trong bản tin của mình (một phần ảnh chụp màn hình).

“Điều này thật kinh hoàng. Chúng ta cần trợ giúp các nạn nhân và buộc các thủ phạm phải chịu trách nhiệm. Gần đây, chúng tôi mới kỷ niệm việc thông qua Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền. Năm nào chúng tôi cũng kỷ niệm sự kiện này, nhưng tội ác chống lại loài người đã ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn.” Bà Nissen cũng viết trong bản tin của mình: “Điều khiến tôi phẫn nộ chính là việc Trung Quốc đã là một thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc từ năm 2016 đến 2019. Trong quãng thời gian đó, ĐCSTQ lại thực hiện nhiều giao dịch bất hợp pháp hơn liên quan đến hành vi thu hoạch nội tạng.”

Cuộc bức hại các học viên Pháp Luân Công không được phép tiếp diễn

Hôm 11 tháng 5 năm 2019, bà Nissen đã phát biểu tại lễ kỷ niệm Ngày Pháp Luân Đại Pháp Thế giới diễn ra tại Frankfurt. Bà nói cuộc bức hại các học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc phải chấm dứt ngay lập tức.

76538b564fbb6a585624c1f318ad0d0c.jpg

Bà Nissen phát biểu tại lễ kỷ niệm Ngày Pháp Luân Đại Pháp Thế giới ở Frankfurt hôm 11 tháng 5 năm 2019.

Vào tháng 5 năm 2019, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã thông báo với các học viên Pháp Luân Công rằng họ có thể đệ trình danh sách các thủ phạm tham gia vào cuộc bức hại các học viên. Chính phủ Hoa Kỳ sẽ từ chối cấp visa đối với những người vi phạm nhân quyền và các thủ phạm đàn áp tôn giáo. Điều này áp dụng cho cả visa nhập cư và visa không nhập cư. Những người đã được cấp thị thực vẫn có thể bị từ chối nhập cảnh. Đồng thời, mọi tài sản của họ tại Mỹ sẽ bị đóng băng.

Bà Nissen đã ca ngợi hành động này và nói: “Điều quan trọng là ngày càng có nhiều nơi trên thế giới chú ý đến các tội ác chống lại các học viên Pháp Luân Công do chế độ cộng sản gây ra. Đó là một kết quả rất có ý nghĩa đối với những người đấu tranh cho quyền con người.“

Đến ngày 15 tháng 11 năm 2019, trang web Minh Huệ đã thu thập một danh sách gồm 105.580 thủ phạm tham gia vào cuộc bức hại các học viên. Một phần của danh sách này đã được trình lên chính phủ của các quốc gia Hoa Kỳ, Canada, Vương quốc Anh, Úc và New Zealand, còn được gọi là Liên minh Năm con mắt (Five Eyes).

Trong một cuộc phỏng vấn với Thời báo Đại Kỷ Nguyên hồi tháng 8 năm nay, bà Nissen đã bình luận: “Bây giờ tôi có thể tin rằng Đức sẽ có thể đóng băng tài sản của những người vi phạm nhân quyền giống như Hoa Kỳ đã làm. Và có điều hay hơn nữa là Châu Âu sẽ hành động như một chỉnh thể thống nhất. Cơ quan Đối ngoại Châu Âu đã thiết lập danh sách những kẻ độc tài. Chúng tôi có thể bổ sung danh tính của những người vi phạm nhân quyền ở Trung Quốc vào danh sách này.”


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2019/12/22/397344.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2019/12/25/181219.html

Đăng ngày 28-12-2019; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share