Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp ở Hàn Quốc

[MINH HUỆ 18-11-2019] Tôi năm nay 48 tuổi và bắt đầu tu luyện Pháp Luân Đại Pháp từ năm 2018. Mặc dù xuất phát điểm muộn và vào thời điểm gần cuối của giai đoạn Chính Pháp, nhưng tôi đang nỗ lực hết mình để chiểu theo an bài của Sư phụ và tu luyện tinh tấn.

Lúc đầu tôi có chút do dự khi có người đề nghị tôi viết bài tâm đắc thể hội, vì tôi đã đọc nhiều bài chia sẻ trên Minh Huệ và cảm thấy trạng thái tu luyện của mình còn kém xa so với các học viên tinh tấn. Nhưng tôi thực sự đã trải nghiệm những cải biến to lớn cả tâm lẫn thân kể từ khi bắt đầu tu luyện.

Cuộc đời trước khi tu luyện Pháp Luân Đại Pháp

Tôi là con út của một gia đình nông dân nghèo có bốn người con ở thành phố Seosan, tỉnh Nam Chungcheong. Lúc mới được sinh ra, tôi không thở được bình thường trong vài giờ và vẫn trong tình trạng sức khỏe kém. Cứ cách một ngày là tôi được đưa vào bệnh viện và cận kề cửa tử nhiều lần. Do tình trạng sức khỏe của tôi, nên khai sinh của tôi đã không được đăng ký ngay trong thời gian đầu.

Sức khỏe của tôi đỡ hơn khi tôi lớn dần lên. Nhưng gia đình tôi không hòa thuận và xảy ra nhiều cuộc cãi vã lớn tiếng và bầu không khí thường căng thẳng, nặng nề. Cha mẹ không quan tâm nhiều đến tôi và tôi thường xuyên phải tự chuẩn bị thức ăn cho mình. Trong hoàn cảnh như vậy, tôi trở nên ngày càng sống nội tâm, khép kín và không dành nhiều thời gian đi chơi cùng bạn bè trang lứa. Tôi thường chỉ nằm trên giường và nghĩ: “Mình là ai? Mình đến từ đâu?” Thậm chí thỉnh thoảng tôi còn ước giá mà tôi sẽ không tỉnh lại vào sáng hôm sau.

Lên cấp hai tôi học trường Cơ đốc giáo và sinh hoạt nhà thờ trong nhiều năm, nơi tôi đọc Kinh thánh và hát Thánh ca. Nhưng tôi chưa bao giờ thực sự muốn trở thành người theo Cơ đốc giáo. Những điều được giảng trong Kinh thánh cũng như điều các linh mục thuyết giảng khiến tôi càng nghi ngờ về các vị thần. Sau khi học cấp hai, tôi trở thành người theo chủ nghĩa vô thần.

Sau năm thứ nhất đại học, tôi phải đi hai năm nghĩa vụ quân sự bắt buộc và được phân bổ vào lực lượng vũ trang hạng nặng. Vì thể chất yếu nên tôi thường bị đau, thống khổ về thể xác lẫn tinh thần. Cuối cùng hai năm cũng trôi qua và trước khi trở lại trường, tôi đi làm bán thời gian để kiếm tiền đóng học phí. Tuy nhiên, tôi bị tai nạn giao thông nghiêm trọng và phải nằm viện trong bốn tháng. Tôi trở thành tàn tật vì bị rách dây chằng và gãy xương chân trái.

Sư phụ giảng:

“May mà các đệ tử Đại Pháp trong lịch sử đều được tôi không ngừng gột rửa, không ngừng tiêu nghiệp, đi cho đến hôm nay, [thì] vẫn là khác với người thường.” (Giảng Pháp tại Washington DC năm 2018)

Tôi từng tự hỏi bản thân: “Tại sao mình lại gặp nhiều việc bất hạnh đến vậy?” Giờ thì tôi lý giải được rằng Sư phụ đã an bài những khổ nạn đó để tiêu nghiệp cho tôi. Nếu không thì làm sao tôi có thể bước vào tu luyện?

Ly hôn, sự nghiệp thất bại và đắc Pháp

Sau khi tốt nghiệp đại học, tôi làm công việc thiết kế trong nhiều năm. Tôi đã lạc mất chính mình trước những lợi ích thiết thân và các mối quan hệ. Tôi hình thành nhiều thói xấu và ngày càng trở nên xem trọng bạc tiền, rượu chè, và phụ nữ. Tôi đổi việc liên tục.

Cuộc sống của tôi bình ổn một chút sau khi tôi kết hôn, nhưng không kéo dài được lâu. Tôi chỉ muốn kiếm được thật nhiều tiền, nhưng thường xuyên thất bại, nên tâm trí tôi ngày càng mệt mỏi. Mối quan hệ của tôi với vợ cũng trở nên tệ đi vì cô ấy không thích tính ích kỷ của tôi và không muốn nói chuyện với tôi. Trong một thời gian dài, mỗi người chúng tôi ở phòng riêng và đối xử với nhau như những người xa lạ.

Tôi và một người bạn bắt đầu mở công ty vào mùa hè năm 2017, và nhiều người đã gia nhập công ty sau này. Một trong số đồng nghiệp của tôi là một học viên Pháp Luân Đại Pháp đã tặng tôi một cuốn Chuyển Pháp Luân. Anh ấy là người rất chân thật và thiện lương, là một điều hiếm thấy trong xã hội hiện nay. Có lẽ vì thế mà tôi đã nhận cuốn sách mà không nghĩ ngợi gì, mặc dù trước đây tôi chưa hề nghe nói đến Pháp Luân Đại Pháp.

Tuy nhiên, tôi chỉ mở cuốn sách ra xem vài lần sau đó đặt nó lên kệ, bởi tôi đang gặp nhiều vấn đề. Chẳng hạn, dự án của tôi đang gặp khó khăn, tình trạng tài chính của tôi xấu đi, tôi và vợ ly hôn… Tệ hơn nữa, cô ấy đã chuyển toàn bộ tiền đặt cọc căn hộ chúng tôi sang tài khoản tên cô ấy. Tôi phải chuyển đến một căn hộ kinh doanh nhỏ hơn.

Kỳ lạ là tôi không hề nổi giận. Trái lại tôi cảm thấy cô ấy thật đáng thương. Mặc dù khi ấy tôi không hiểu tại sao mình lại có cảm giác đó, bây giờ ngẫm lại, tôi nghĩ lúc đó Sư phụ đang quản tôi, để phần Phật tính trong tôi được bảo trì.

Kỳ thực tôi có thể kiện và lấy được rất nhiều tiền của cô ấy thông qua các thủ tục pháp lý. Nhưng tôi lý giải rằng tôi sẽ không gặp vấn đề về tài chính miễn là tôi làm việc chăm chỉ. Nên tôi chỉ yêu cầu một số tiền nhỏ để trả tiền đặt cọc cho căn hộ kinh doanh của tôi. Vợ tôi rất hài lòng và bước ra khỏi tòa với một nụ cười. Điều này khiến tôi khá buồn và cảm thấy cuộc hôn nhân kéo dài mười năm của chúng tôi giờ chỉ còn là một cảm giác trống rỗng và thương tổn.

Sau đó, tôi đọc sách Chuyển Pháp Luân, và đã tìm thấy lời giải cho tất cả các câu hỏi của mình. Tâm tôi ngập tràn niềm vui, mọi oán hận và lo lắng thảy đều biến mất. Những lời giảng của Sư phụ đã khắc sâu vào tâm trí tôi.

Sư phụ giảng:

“có lúc chư vị thấy rằng thứ ấy là [của] chư vị, người ta cũng nói với chư vị rằng thứ ấy là [của] chư vị; kỳ thực nó không phải [của] chư vị. Chư vị có thể cho rằng đó là của mình, [nhưng] rốt cuộc nó lại không phải của chư vị; qua đó thấy được rằng đối với sự việc này chư vị có thể vứt bỏ được không; vứt bỏ không được thì chính là tâm chấp trước; chính là dùng cách này để chư vị vứt bỏ tâm [chấp trước] vào lợi ích ấy; chính là vấn đề này. Bởi vì người thường không ngộ được [Pháp] lý này, nên với lợi ích trước mắt mà tranh mà đấu.” (Bài giảng thứ bảy, Chuyển Pháp Luân)

Trở thành học viên Pháp Luân Đại Pháp

Như nhiều học viên khác, tâm tôi rất chấn động khi đọc cuốn Chuyển Pháp Luân. Tôi đọc cuốn sách ba lần, cũng như tất cả các sách Đại Pháp khác và các bài giảng Pháp của Sư phụ. Tôi quyết tâm sẽ trở thành một người tu luyện thực thụ. Sau đó tôi muốn tham dự lớp học Pháp chín ngày. Trên đường đến nhà sách Thiên Thê nơi lớp học được tổ chức, bất ngờ trời đổ mưa rào. Bãi đậu xe chật kín xe cộ, vì vậy tôi đã bỏ lỡ lớp học. Sau đó, tôi có nhiều việc phải giải quyết và không thể tham gia lớp học được. Tôi nhận ra đó là nghiệp lực đang cố gắng ngăn cản tôi bước vào tu luyện.

Sau một thời gian dài tự học Pháp và cố gắng tu luyện tâm tính, rất nhiều tà niệm và tư tưởng bất hảo trong tôi bắt đầu phản ánh ra. Thỉnh thoảng có những tư tưởng lăng mạ đối với Đại Pháp và Sư phụ, và một số là sắc dục và oán hận đối với người khác. Tâm tôi khá rối loạn bởi những tư tưởng đó và tôi phải kiệt sức để trấn áp chúng. Mặc dù tôi thực sự muốn loại bỏ chúng, nhưng chúng vẫn xuất hiện can nhiễu tôi.

Sư phụ giảng:

“Trong tư tưởng của mình kịch liệt phản ứng ra những niệm đầu dơ bẩn, hoặc lăng mạ Sư phụ, lăng mạ Đại Pháp, lăng mạ người, v.v. bài trừ không đi, trấn áp không chịu, thế thì mới là nghiệp lực tư tưởng. Nhưng cũng có một số là yếu, nhưng khác với niệm đầu tư tưởng bình thường, phải nhất định minh xác.” (Minh Trí, Tinh Tấn Yếu Chỉ)

Những lời giảng của Sư phụ đã động viên tôi, tôi cố gắng hết sức để tu luyện tinh tấn. Nhưng tôi vẫn hay vấp ngã rồi cảm thấy thất vọng, tức giận bản thân. Thỉnh thoảng thậm chí tôi còn nghĩ: “Mình có thực sự đủ tiêu chuẩn để tu luyện không? Hay là mình từ bỏ tu luyện?” Sau một vài khổ nạn, tôi minh bạch chúng chính là đặt nền tảng cho tôi để tôi trở thành một học viên chân chính.

Điểm hóa của Sư phụ khi thất vọng với bài công pháp thứ năm

Lúc đầu tôi chỉ học Pháp mà không luyện công. Lúc đó tôi nghĩ luyện công là không cần thiết vì tôi không có bệnh. Nhưng khi học Pháp nhiều hơn, tôi ngộ ra luyện công rất cần thiết.

Đệ tử: Chỉ tu tâm tính không luyện công? Sư phụ: Vậy chư vị chỉ là người tốt chứ không phải người tu luyện. Tương lai chư vị chỉ có thể làm người tốt, đời sau đắc phúc báo.” (Giải đáp thắc mắc tại giảng Pháp ở Quảng Châu, Chuyển Pháp Luân Pháp Giải)

Vì thế tôi bắt đầu học các bài công pháp bằng cách xem các video hướng dẫn trên mạng. Lúc đầu tôi nghĩ động tác khá dễ, nhưng khi tôi thực sự luyện cùng âm nhạc thì tôi nhận ra mình đã sai. Một trong những khó khăn nhất đối với tôi là giữ cho cánh tay giơ cao trong thời gian dài trong suốt bài hai, vì cánh tay của tôi liên tục run lên suốt thời gian luyện.

Tôi gặp khó khăn lớn hơn khi luyện bài công pháp số năm, bài tĩnh công thiền định. Trước đó khi tôi bị tai nạn giao thông, một dây chằng đầu gối bị rách và bác sĩ đã đặt một miếng kim loại vào giữa cơ đùi. Khi tôi đi nghĩa vụ quân sự, tôi cũng bị tổn thương vùng lưng. Tất cả điều này khiến tôi gặp khó khăn khi đả tọa thậm chí dù chỉ là thế đơn bàn.

Sau khi thiền định với thế đơn bàn một thời gian, tôi nỗ lực ngồi thế song bàn. Ngay lập tức tôi vô cùng đau đớn và lòng bàn chân của tôi trở nên tím bầm, khiến tôi cũng hơi sợ. Sau này, tôi ngộ ra đó là quá trình tiêu trừ nghiệp lực. Quả thực tôi đã cố gắng, nhưng thậm chí chỉ đả tọa 20 phút cũng khiến tôi chịu đau khôn thấu. Tôi đau đến chảy nước mắt trong suốt 20 phút và sau đó phải ngồi nghỉ 30 phút trước khi có thể đứng dậy.

Sau vài tuần tình trạng của tôi vẫn không biến chuyển tốt hơn. Tôi nghĩ: “Có lẽ mình có quá nhiều nghiệp lực và không thể tu luyện. Có lẽ mình chỉ tu được đến mức này thôi.”

Sau đó tôi mơ thấy Sư phụ, trong mơ Ngài trông rất trẻ. Tôi cúi đầu chào Sư phụ. Sư phụ giang tay hướng đến đầu tôi và kéo ra hàng chục tờ giấy từ phía sau đầu tôi. Chúng đều là những giao ước mà tôi đã ký kết với cựu thế lực. Sư phụ nói: “Có những thứ giống như những tờ giao ước này ẩn nấp rất sâu trong con, nơi con không thể tìm thấy chúng.” Sau đó Sư phụ đốt chúng đi. Tôi phấn khởi hợp thập và nói: “Cảm tạ Sư phụ! Cảm tạ Sư phụ!” Rồi tôi thức giấc.

Mặc dù tôi sắp sửa từ bỏ tu luyện, nhưng Sư phụ đã không bỏ rơi tôi. Trái lại Sư phụ còn tiêu hủy những cam kết mà tôi đã ký với cựu thế lực. Tôi không biết làm thế nào mới có thể báo đáp được ân điển của Sư phụ. Tôi cũng ngộ ra cuộc đời tôi có nhiều thứ liên quan đến những ký kết đó.

Sau giấc mơ đó, ngạc nhiên là bài công pháp thứ năm đã trở nên đỡ đau hơn rất nhiều. Mặc dù tôi vẫn không thể ngồi được 1 tiếng đồng hồ, nhưng tôi đã tăng được thời gian ngồi đả tọa một cách nhanh chóng.

Khác biệt giữa luyện công và tập thể dục

Vài năm trước khi tu luyện Đại Pháp, mỗi ngày tôi tập tạ từ một đến hai tiếng đồng hồ trong phòng tập thể hình để duy trì sức khỏe và thể lực. Dần dần thể lực của tôi khá hơn và tôi có nhiều cơ bắp hơn. Tuy nhiên, thỉnh thoảng tôi vẫn còn bị cảm lạnh và dị ứng da. Sau khi bắt đầu tu luyện Đại Pháp, mặc dù ý thức được sự khác biệt giữa các bài công pháp và việc tập thể dục, nhưng tôi vẫn không muốn từ bỏ cơ bắp mà tôi có được từ nhiều năm chăm chỉ luyện tập.

Lúc đầu tôi nghĩ các bài công pháp sẽ dễ dàng cho những ai khỏe như tôi. Nhưng nó khó hơn tôi tưởng tượng, và tôi không thể hoàn thành được bài công pháp thứ hai. Sau một thời gian, tôi cũng ngộ ra có vài chấp trước liên quan đến việc tập tạ chẳng hạn như tâm sắc dục và tâm hiển thị. Tôi quyết tâm loại bỏ những chấp trước này. Cho nên tôi đã ngừng tập tạ và chuyên tâm vào luyện các bài công pháp.

Bây giờ rất nhiều các cơ bắp của tôi đã lặn đi, và tôi trông phốp pháp hơn. Nhưng tôi không còn bị cảm lạnh hay dị ứng da nữa. Sức khỏe của tôi cũng dần trở nên tốt hơn. Cải biến lớn nhất là kể từ khi tôi ngừng tập tạ, các bài công pháp đã trở nên dễ dàng hơn đối với tôi.

Sư phụ giảng:

“Tịnh hoá thân thể trong khí công cũng có mục đích, còn phải dùng [Pháp] lý siêu thường để yêu cầu người luyện công, không thể dùng [đạo] lý của người thường để yêu cầu. Rèn luyện thể dục chỉ là việc của người thường.” (Bài giảng thứ chín, Chuyển Pháp Luân)

Con đường tu luyện đối với tôi vẫn còn gập ghềnh và khó khăn. Khi gặp mâu thuẫn, tôi cố gắng hướng nội và nghĩ xem liệu tôi có chiểu theo nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn hay chưa? Tuy nhiên tôi thường hay có những niệm đầu bất hảo, biến dị và thỉnh thoảng tôi có lẽ còn tệ hơn cả người thường. Mỗi khi điều này xảy ra, tôi sẽ nhớ đến bài thơ “Vô tồn” của Sư phụ:

“Sinh vô sở cầu Tử bất tích lưu Đãng tận vọng niệm
Phật bất nan tu”

Tạm dịch:

“Sống chẳng truy cầu
Chết không lưu luyến
Sạch bong vọng niệm
Tu Phật không khó” (Vô tồn, Hồng Ngâm I)

Tôi sẽ nỗ lực hết mình để tu bỏ đi những được, mất trong thế gian và trở thành một học viên Pháp Luân Đại Pháp chân chính.

Cảm tạ Sư tôn từ bi vĩ đại. Cảm tạ các đồng tu.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2019/11/18/395954.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2019/11/24/180832.html

Đăng ngày 08-01-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share