Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp ở Trung Quốc

[MINH HUỆ 29-08-2019] Tôi bắt đầu tu luyện Pháp Luân Đại Pháp, còn được gọi là Pháp Luân Công vào năm 1998. Trong 20 năm qua tôi đã trải nghiệm sự bảo hộ của Sư phụ, cơ thể tôi được tịnh hoá, và tôi đã đề cao tâm tính của mình. Bây giờ, khi làm bất cứ việc gì tôi đều nghĩ cho người khác trước và chiểu theo nguyên lý Chân–Thiện–Nhẫn để làm một người tốt.

Sư phụ dạy tôi đọc

Bố tôi là giáo viên. Khi “Cách mạng Văn hoá” bắt đầu, tôi đang học lớp một. Bố tôi là hiệu trưởng và bị chỉ trích hằng ngày, vì thế tôi đã bị mắng và bị đánh đập ở trường gần như mỗi ngày và bị gọi là “trí thức nhỏ hôi thối.” Tôi phải rời trường sau khi mới bắt đầu học lớp hai và không bao giờ quay trở lại.

Khi đắc Đại Pháp, tôi nhận được cuốn Chuyển Pháp Luân quý giá và muốn học nó. Tuy nhiên, do trình độ học vấn hạn chế nên tôi không biết được nhiều chữ và thường bị những từ mới làm trở ngại và không thể tiếp tục đọc. Tôi phải nhờ đến sự giúp đỡ của chồng hoặc con nếu như họ có mặt ở nhà, nhưng những khi không có ai ở nhà, tôi phải mất cả nửa ngày chỉ để đọc chưa đến một trang. Tuy nhiên, tôi biết mình phải học Pháp cho dù có khó khăn thế nào đi nữa, vì một người muốn tu luyện Đại Pháp thì phải học Pháp.

Sư phụ thấy tấm lòng chân thành của tôi, nên đã giúp tôi. Một ngày kia, khi tôi đọc đến những từ mà tôi không biết và bắt đầu cảm thấy lo lắng, tôi đột nhiên nghe thấy có tiếng ai đó dạy tôi cách đọc các chữ đó. Tôi đã rơi nước mắt vì vui mừng. Kể từ đó, bất cứ khi nào đọc Chuyển Pháp Luân, thì lại có ai đó dạy tôi đọc các chữ. Là người chỉ có hai năm được đi học, tôi đã có thể đọc được Chuyển Pháp Luân và những bài giảng khác của Sư phụ. Chẳng phải đó là phép màu sao?

Để tĩnh tâm học Pháp, tôi đã chép lại cuốn Chuyển Pháp Luân hai lần. Tôi đã nhớ và có thể nhẩm thuộc lòng Chuyển Pháp Luân. Học thuộc lòng và chép lại Chuyển Pháp Luân đã giúp tôi đề cao tâm tính và cũng như nhận thức Pháp, tạo cơ sở vững chắc cho việc kiên định tu luyện Đại Pháp.

Nghĩ cho người khác trước

Kể từ khi bắt đầu tu luyện, tôi dần ngộ ra rằng Pháp Luân Công không chỉ để chữa bệnh khoẻ người, mà nó chính là một môn tu luyện. Sư phụ giảng trong Chuyển Pháp Luân:

“Truyền công lên cao tầng, mọi người nghĩ xem, [đó] là vấn đề gì? Đó chẳng phải độ nhân sao? Độ nhân ấy, chư vị đúng là tu luyện chân chính, chứ không chỉ là chữa bệnh khoẻ người. Là tu luyện chân chính, đối với tâm tính của học viên thì yêu cầu cũng nhất định phải cao.” (Bài giảng thứ nhất, Chuyển Pháp Luân)

Lúc mới đắc Pháp, tôi đang làm việc trong ngành bán lẻ. Tôi ghi nhớ lời dạy của Sư phụ, và sẽ không làm tổn thương người khác vì lợi ích cá nhân. Tôi cố gắng hết sức để

“… [hãy] giao dịch công bằng, giữ tâm cho chính.” (Bài giảng thứ tư, Chuyển Pháp Luân)

Hiệu xuất công việc của tôi không những không bị ảnh hưởng mà thậm chí còn được nâng cao. Tôi biết Sư phụ đang khích lệ mình.

Có lần khi tôi đến ngân hàng để gửi tiền, tôi đã vô tình nhặt được một tờ phiếu trả tiền mặt trị giá 60.000 nhân dân tệ. Tôi đã trả lại nó cho ngân hàng. Khi tôi quay lại đơn vị làm việc của mình và kể cho mọi người nghe, phó giám đốc của tôi đã nói đùa thế này: “Tại sao chị không giữ lại? Chúng ta có thể chia nhau.” Tôi nói: “Nó không phải tiền của chúng ta. Chúng ta không nên lấy nó, nếu không thì người mất tiền sẽ gặp khó khăn.” Đồng nghiệp nghĩ rằng tôi khờ khạo. Tôi nói mình là một học viên Đại Pháp.

Có lần khi đang làm việc, tôi phát hiện thấy một cái túi lớn ở trên quầy. Tôi mở ra xem và thấy trong đó có khoảng 200.000-300.000 nhân dân tệ. Tôi đã ngồi chờ từ 9 giờ sáng đến 6 giờ chiều và cuối cùng chủ nhân của chiếc túi cũng xuất hiện. Người chủ sở hữu rất biết ơn và cho hay nếu anh ấy không gặp chuyện này thì anh ấy sẽ không bao giờ tin rằng trên đời vẫn còn có người tốt đến như vậy.

Gần đây, sau khi mua vài thứ cho cửa hàng văn phòng phẩm nhỏ của mình, tôi đã không chú ý trong khi thanh toán. Sau khi tiến hành kiểm tra hàng hoá và phân loại tiền, tôi phát hiện người bán hàng đã thối lại cho tôi quá nhiều tiền. Khi ấy là vào khoảng 8 đến 9 giờ tối. Tôi đã nhờ con gái mình lái xe chở tôi đến cửa hàng để trả lại số tiền thừa. Người chủ cửa hàng đã cảm ơn tôi và nói rằng thật là khó tin khi trên đời vẫn còn có người tốt như tôi. Tôi nói với họ tôi là một học viên Pháp Luân Đại Pháp và rằng Sư phụ của chúng tôi dạy chúng tôi cách trở thành một người tốt. Và kết quả là hơn 10 người đã đồng ý thoái xuất khỏi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và các tổ chức liên đới của nó.

Hơn 20 năm qua, tôi đã chiểu theo nguyên lý Chân–Thiện–Nhẫn và cố gắng để trở thành một người tốt. Tuy nhiên, vẫn còn xa để tôi có thể đạt được đến cảnh giới vô tư vô ngã mà Sư phụ yêu cầu.

Vứt bỏ tình, tâm oán hận và chấp trước vào lợi ích cá nhân

Con trai của tôi đã kết hôn được tám năm. Cách đây vài năm, bố vợ của cháu bị phá sản và cháu phải bán nhà để giúp ông trả nợ. Trong suốt tám năm qua, con dâu tôi phải đưa toàn bộ số tiền mà hai vợ chồng kiếm được cho bố mẹ của cháu. Tôi phàn nàn rằng con trai tôi không làm chủ được gia đình còn con dâu thì không biết quản lý tiền bạc.

Mâu thuẫn gia tăng vào mùa đông năm ngoái. Bố mẹ của con dâu đã mượn tiền của ngân hàng bằng cách sử dụng tín dụng của chồng tôi mà không được sự đồng ý của ông ấy. Chúng tôi chỉ biết được sự việc khi nhận được một cuộc gọi yêu cầu trả nợ từ phía ngân hàng. Chồng tôi, chưa phải là một học viên, đã rất tức giận và muốn đâm đơn kiện. Mặc dù tôi cũng rất giận, nhưng tôi chợt nghĩ đến những lời dạy của Sư phụ:

“Khi gặp mâu thuẫn kiểu này, chư vị đầu tiên nên phải bình tĩnh, không nên đối xử giống như hắn.” (Bài giảng thứ tư, Chuyển Pháp Luân)

Tôi đã bảo với chồng mình rằng Sư phụ đã giảng:

“Chúng ta nói rằng khi gặp mâu thuẫn trước mặt, lùi một bước biển rộng trời cao, đảm bảo sẽ là một cảnh tượng khác.” (Bài giảng thứ chín, Chuyển Pháp Luân)

Pháp của Sư phụ đã giúp ông ấy bình tĩnh lại.

Tuy nhiên, mặc dù trên bề mặt tôi đã kiềm chế bản thân, nhưng trong lòng vẫn còn oán ghét. Tôi biết nó không phải là lòng khoan dung thực sự và tâm tính của tôi cần đề cao dựa trên các Pháp lý; nếu không, mâu thuẫn sẽ không được giải quyết. Vì khi ấy trong nhà tôi là người duy nhất tu luyện Đại Pháp, nên mâu thuẫn chắc chắn đang nhắm vào tôi. Tôi học và niệm Pháp, tiếp tục hướng nội, tìm kiếm sâu hơn và sâu hơn bên trong. Tôi muốn tìm ra nguyên nhân căn bản và loại bỏ nó.

Tôi nhận ra rằng mâu thuẫn giữa tôi và con dâu là do tâm oán hận của tôi. Điều này là không đúng và tôi nên loại bỏ nó đi. Sư phụ giảng:

“muốn làm hay không, cao hứng hay không, yêu và ghét, hết thảy mọi thứ trong toàn bộ xã hội nhân loại đều từ cái ‘tình’ ấy mà ra.” (Bài giảng thứ tư, Chuyển Pháp Luân)

Tâm oán hận xuất phát từ tình. Tôi nghĩ: “Nếu con dâu của tôi không đưa tiền cho bố mẹ cháu, thì liệu tôi có ghét cháu không? Có vẻ như vấn đề tiền bạc là ngòi nổ và gốc rễ của lợi ích cá nhân của tôi. Trước kia tôi đã nhặt được một số tiền lớn và đã trả lại nó cho chủ nhận sở hữu mà không hề do dự. Vậy thì tại sao bây giờ tôi lại cảm thấy khó chịu khi con dâu đưa tiền cho bố mẹ cháu?“

Tôi đã hướng nội và phát hiện ra hai chấp trước. Đầu tiên là tình cảm, tôi đã có xu hướng can thiệp vào cuộc sống của con trai mình và kiểm soát cuộc sống của cháu, kể cả cháu của tôi. Thứ hai tôi vẫn coi trọng lợi ích cá nhân.

Sư phụ giảng:

“những người tu luyện chúng ta giảng ‘tuỳ kỳ tự nhiên’; cái gì của chư vị thì sẽ không mất, cái gì không của chư vị thì chư vị [dù có] tranh [giành] cũng không được.” (Bài giảng thứ bảy, Chuyển Pháp Luân)

Theo thể ngộ của tôi thì Sư phụ giảng rằng chúng ta nên tuỳ kỳ tự nhiên và không được xem trọng lợi ích cá nhân. Đối với tôi, nếu nó không phải là của tôi thì tôi sẽ không chú ý đến nó. Tuy nhiên nếu tôi nghĩ nó là của tôi, tôi sẽ không muốn mất nó. Đó là một chấp trước vào lợi ích cá nhân và đằng sau nó là sự ích kỷ.

Đồng thời tôi đã ngộ sâu hơn lời giảng của Sư phụ về nguyên lý nghiệp lực luân báo. Sư phụ giảng:

“Trong Phật giáo giảng rằng: Con người sống chính là [vì] nghiệp lực luân báo. Chư vị nợ họ [gì], họ sẽ tìm chư vị đòi nợ; nếu lấy quá đi thì sau này họ sẽ hoàn lại cho chư vị. Con không hiếu thuận với cha mẹ, [thì] sau sẽ đổi lại; nó luân chuyển qua lại như thế.” (Bài giảng thứ sáu, Chuyển Pháp Luân)

Khi tìm ra chấp trước căn bản của mình, tôi đã ngộ sâu hơn về Pháp lý này. Tôi cảm thấy vui mừng và có thể thư giãn cả về thể chất lẫn tinh thần.

Ngay trước Tết Nguyên đán, con dâu tôi đã hỏi liệu bố mẹ cháu có thể ở tại một trong những căn hộ của chúng tôi không. Tôi đã đồng ý không chút do dự. Trong Tết Nguyên đán, con dâu tôi, khi ấy cháu chưa phải là học viên, đã đưa cho tôi danh sách tên của tất cả những người trong nhà cháu mà đã đồng ý thoái xuất khỏi ĐCSTQ và các tổ chức liên đới của nó. Con dâu tôi cũng đã bắt đầu tu luyện Đại Pháp.

Khỏi bệnh ung thư

Mẹ tôi được chẩn đoán mắc bệnh ung thư vào tháng 9 năm 1998. Khi ấy tôi đã tu luyện Đại Pháp và biết rằng Sư phụ có thể cứu bà. Tôi đã đến bệnh viện để thăm bà mỗi ngày và mở các bài giảng của Sư phụ cho bà nghe. Tôi thường bảo bà rằng chỉ có Sư phụ và Đại Pháp mới có thể giúp bà hồi phục.

Sau đó bác sĩ đề nghị hoá trị và gia đình tôi đã đồng ý. Mẹ tôi nói: “Tôi chỉ nghe lời Sư phụ Lý.” Bà đã rời khỏi bệnh viện và từ chối uống thuốc. Vì bà không biết chữ, nên mỗi ngày bà chỉ có thể nghe bài giảng của Sư phụ, hoặc xem video bài giảng. Bà đã khỏi bệnh ung thư.

Mẹ tôi và một học viên khác sống cùng khu dân cư. Có lần cảnh sát từ Phòng 610 đến đó để sách nhiễu vị đồng tu này. Mẹ tôi đã hỏi người cảnh sát rằng: “Anh làm gì ở đây vậy? Anh không cho người ta làm người tốt đúng không?” Viên cảnh sát đã bỏ đi và không bao giờ quay trở lại.

Năm nay mẹ tôi đã được 85 tuổi. Bà ấy không chỉ khoẻ mạnh mà còn tràn đầy sức sống.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2019/8/29/392035.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2019/9/30/180131.html

Đăng ngày 31-10-2019; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share