Bài viết của một học viên Pháp Luân Công tại Trung Quốc

[MINH HUỆ 06-08-2019] Tôi dạy khoa học tại một trường cao đẳng. Tôi bắt đầu kiếm tìm ý nghĩa nhân sinh đã từ rất rất lâu rồi. Ngay cả những nghiên cứu của tôi trong khoa học cũng không thể giải đáp những khúc mắc của bản thân!

Năm 1997, tôi ghé thăm một người bạn và được giới thiệu cuốn Chuyn Pháp Luân. Cuốn sách đã giải đáp tất cả những khúc mắc của tôi về cuộc sống, vì vậy tôi đã quyết định bắt đầu hành trình tu luyện Pháp Luân Đại Pháp. Mặc dù gặp nhiều khó khăn, rồi bị bắt giữ và phải chịu các hình thức bức hại khác của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) nhưng tôi vẫn kiên định tu luyện và vững tin vào Đại Pháp.

Pháp Luân Đại Pháp cấp cho tôi trí huệ. Bây giờ tôi là người tốt bụng, cởi mở và quan tâm đến người khác.

Giúp con trai biết tha thứ

Chồng tôi và tôi đều kết hôn lần thứ hai. Không lâu sau khi chúng tôi kết hôn năm 1999, ĐCSTQ bắt đầu bức hại Pháp Luân Đại Pháp. Tôi đã bị giam giữ phi pháp bốn lần và lần cuối cùng là vào năm 2001.

Mỗi lần tôi bị giam giữ, cậu con trai trong cuộc hôn nhân đầu tiên của tôi đều ở cùng cha dượng. Cháu rất thân với cha dượng và ông bà bên đó. Vì chồng tôi không biết nấu ăn nên anh ấy và con trai tôi thường đến ăn cơm ở nhà bố mẹ anh. Trong thời gian bị giam giữ lần thứ tư, nhà chồng tôi trở nên lạnh nhạt với cháu, lúc đó cháu chỉ mới 11 tuổi, rồi bảo cháu hãy về ở với ông bà ruột của cháu.

Con trai tôi bị tổn thương rất lớn bởi những lời nói đó và đau lòng rời đi. Hai năm sau, khi tôi được thả ra, tôi đã phát hiện ra chuyện này và cảm thấy rất buồn về việc đó. Là một học viên, tôi biết rằng tôi không thể giống như những người bình thường mà đối đãi với những xung đột.

Sư phụ Lý Hồng Chí đã giảng:

“Tính lương thiện của con người không phải biểu hiện ở chỗ không tạo nghiệp khi đoạt đồ ăn để sinh tồn, mà là ở chỗ không kể gì đến chỗ ác của người khác, không ôm hận, không tật đố, không sát nhân, không lạm sát vô cớ, không cố ý làm hại sinh mệnh.” (Đại Pháp Viên Dung, Tinh Tấn Yếu Chỉ II)

Tôi dặn con trai phải luôn sống tử tế và ân cần với ông bà dượng bằng cách hành xử theo nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn của Đại Pháp, và nói với cháu rằng chắc hẳn ông bà đã phải chịu nhiều áp lực vì ngoài cháu ra, ông bà còn phải chăm sóc hai người cháu khác nữa. Tôi giải thích với cháu rằng chúng tôi nên cảm thông vì nhiều người trong những trường hợp như vậy cũng không thể bình tĩnh mà xử lý mọi chuyện.

Tôi không đổ lỗi hay nổi giận với nhà chồng mà vẫn tiếp tục đối xử tốt với họ. Cuối cùng, hành xử của tôi đã truyền sang con trai tôi. Mặc dù cháu đã chịu đựng rất nhiều trong thời gian tôi bị giam giữ nhưng cháu vẫn luôn tốt bụng, hòa đồng và tự tin. Sau đó, cháu tốt nghiệp một trường đại học danh tiếng với bằng tiến sỹ.

Giúp chồng bình tĩnh

Chồng tôi và tôi thường trò chuyện qua điện thoại trong thời gian anh ấy ra ngoài thành phố để đi học tiến sỹ. Một hôm, phòng thí nghiệm bị mất một cuốn sách, và trước mặt nhiều người, cố vấn của chồng tôi đã buộc tội anh đã lấy nó. Cho dù anh đã cố gắng giải thích như thế nào về việc anh không lấy cuốn sách đó nhưng cố vấn của anh vẫn tiếp tục đổ lỗi cho anh. Chồng tôi trở nên vô cùng tức giận và chạy ra khỏi phòng thí nghiệm. Anh nói anh cảm thấy mình gần như bị đau tim.

Sau khi bình tĩnh lại, anh kể lại sự việc cho tôi. Tôi kiên nhẫn lắng nghe và nói: “Chắc hẳn anh đã rất khó chịu khi người cố vấn la hét và buộc tội anh về những điều anh không làm. Nhưng anh cũng làm như vậy với người khác. Anh có bao giờ nghĩ về cảm xúc của những người đó không? Đây là nghiệp lực luân báo cho những hành xử như vậy của anh trước đây với người khác.”

“Anh nên biết ơn người cố vấn đã chấp nhận anh là sinh viên của ông. Nếu không, anh hẳn đã không được nhận vào học chương trình này. Các giáo viên khác đã từ chối nhận anh do tuổi tác của anh và lĩnh vực nghiên cứu của anh không thực sự liên quan. Cố vấn của anh cũng từng đề nghị một giáo viên dành một ngoại lệ cho anh để anh có thể vượt qua bài kiểm tra tiếng Anh, mặc dù anh còn thiếu một điểm. Anh nên biết ơn vì tất cả những gì ông ấy đã giúp đỡ anh. Làm sao anh có thể trách ông ấy khi anh có quá nhiều thứ cần trả ơn ông?“

Tôi chưa kịp nói hết thì chồng tôi cười và nói: “Cảm ơn em! Bây giờ anh thấy khá hơn rồi. Lời khuyên của em luôn có thể giúp anh bình tĩnh lại.”

Tôi đáp lại rằng tôi có được trí huệ là nhờ Đại Pháp. Nếu không, tôi đã không nhìn nhận vấn đề như vậy. Vì vậy, thay vào đó, chúng tôi cần cảm ơn Sư phụ Lý.

Mặc dù phải trải qua cuộc bức hại tàn khốc nhưng tôi đã sống hết mình và nội tâm tôi ngập tràn sự cảm kích và thiện lương. Chỉ có Pháp Luân Đại Pháp mới có thể mang lại một cuộc sống như vậy!


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2019/8/6/391105.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2019/9/14/179881.html

Đăng ngày 27-09-2019; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share