Bài viết của các học viên Pháp Luân Công tại Israel
[MINH HUỆ 02-08-2019] Hàng năm, các học viên Pháp Luân Công trên khắp thế giới đều tổ chức các sự kiện để tưởng nhớ những đồng tu đã thiệt mạng do cuộc bức hại. Năm nay là năm đặc biệt quan trọng, vì năm 2019 đánh dấu 20 năm cuộc bức hại Pháp Luân Công của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Các học viên tại Israel đã tham gia ba sự kiện lớn ở Tel Aviv.
Mít-tinh thầm lặng trước Đại sứ quán Trung Quốc
Hôm thứ Ba, ngày 16 tháng 7 vừa qua, hàng chục học viên trong trang phục trắng đã tập trung trước Đại sứ quán Trung Quốc tại Tel Aviv. Họ trình diễn bốn bài công pháp đứng và bài tọa thiền.
Một số học viên căng các biểu ngữ có nội dung: “Chấm dứt cuộc bức hại các học viên Pháp Luân Công tại Trung Quốc”, “Đừng làm ngơ trước tội ác này”, “Chính quyền cộng sản Trung Quốc đang giết hại các học viên Pháp Luân Công để lấy nội tạng, xin hãy trợ giúp chấm dứt sự tàn bạo này” và “Chấm dứt nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng từ các học viên Pháp Luân Công còn sống ở Trung Quốc.”
Các học viên cử hành lễ mít-tinh ôn hòa trước Đại sứ quán Trung Quốc tại Tel Aviv hôm 16 tháng 7 năm 2019
Một số học viên ôm di ảnh của các học viên đã bị bức hại đến chết và bản mô tả ngắn gọn về câu chuyện của họ.
Các tài xế đi ngang qua đã dừng lại để đọc các tấm áp phích và xem các bài công pháp. Một số người đã đặt vài câu hỏi.
Các học viên trước Đại sứ quán Trung Quốc tại Tel Aviv
Một số học viên phân phát tài liệu giảng chân tướng cho người qua đường. Vài cô gái trẻ bày tỏ sự quan tâm rất lớn đến Pháp Luân Công, và hỏi han về đức tin vào Chân – Thiện – Nhẫn.
Một người qua đường là kỹ sư, đồng thời cũng là giáo viên vật lý. Anh nói rằng anh đã biết đến Pháp Luân Công và cuộc bức hại từ cựu chính trị gia Bezalel Smotrich của [cơ quan lập pháp] Knesset. Anh đã bày tỏ sự phẫn nộ của mình đối với chủ nghĩa cộng sản và những tội ác của nó, và vài phút sau anh tham gia tọa thiền cùng các học viên.
Khoảng 50 học viên đến từ khắp Isreal đã tham gia sự kiện này.
Giới thiệu Pháp Luân Công cho công nhân nước ngoài người Trung Quốc tại Trạm xe buýt trung tâm cũ của Tel Aviv
Sáng thứ Bảy, ngày 20 tháng 7, hàng chục học viên đã có mặt trên phố Neve Sha’anan ở Tel Aviv, cạnh bến xe buýt trung tâm cũ vốn là khu vực đông người vào các buổi sáng thứ Bảy. Những con phố này là điểm tụ họp hàng tuần của hàng trăm công nhân nước ngoài người Trung Quốc, những người ghé qua để mua thực phẩm tươi và gặp gỡ đồng bào Trung Quốc. Thường có thể thấy họ đứng thành từng nhóm với các giỏ đầy hàng hóa, và vui cười trò chuyện.
Vào lúc 7 giờ sáng, ngay cả các cửa hàng tạp hóa còn chưa mở cửa, các công nhân Trung Quốc đã ngạc nhiên khi thấy các biểu ngữ treo trên mọi cây xanh và cột điện trong khu vực, [ngoài ra còn có] các tấm áp phích về cuộc bức hại, bản sao các bài báo viết bằng Trung Quốc về Pháp Luân Công và các bức ảnh luyện công tập thể quy mô lớn ở các thành phố trên khắp thế giới.
Công nhân nước ngoài người Trung Quốc ở Tel Aviv rất ngạc nhiên khi nhìn thấy các biểu ngữ có thông tin về cuộc bức hại Pháp Luân Công tại Trung Quốc
Một chiếc tivi màn hình rộng chiếu các video bằng tiếng Trung Quốc về việc Pháp Luân Công đang được thực hành trên khắp thế giới. Các video này đã thu hút nhiều công nhân Trung Quốc đứng xem từ đầu đến cuối.
Một số người Trung Quốc đã tập trung xung quanh một người thuyết minh, người này đọc các đoạn viết bằng tiếng Trung về Pháp Luân Công và cuộc bức hại. Những công nhân Trung Quốc này đã chụp ảnh nhóm đang luyện các bài công pháp.
Công nhân Trung Quốc chụp ảnh các học viên đang luyện các bài công pháp
Thắp nến tưởng niệm trước rạp Tel Aviv Cinematheque
Vào khoảng 7 giờ tối, hàng chục học viên Pháp Luân Công đã tập trung bên ngoài rạp chiếu phim Tel Aviv Cinematheque. Họ dựng một sân khấu với một biểu ngữ lớn có nội dung “20 năm quả cảm”.
Dưới chân sân khấu có mười học viên tọa thiền, mỗi người cầm một ngọn nến và di ảnh của một nạn nhân của cuộc bức hại, với đoạn mô tả ngắn về câu chuyện của họ.
Các học viên tổ chức thắp nến tưởng niệm trước Rạp Tel Aviv Cinematheque vào ngày 20 tháng7 năm 2019
Khi màn đêm buông xuống, người ta có thể nhìn thấy các ngọn nến được thắp sáng từ xa và [cảnh tượng đó] tạo cho họ một cảm giác tĩnh tại. Cách quảng trường không xa có một chiếc bàn, tại đó mọi người có thể ký đơn thỉnh nguyện kêu gọi truy tố Giang Trạch Dân, lãnh đạo ĐCSTQ năm 1999 và là người khởi xướng cuộc bức hại này.
Hai người dẫn chương trình trên sân khấu đã mời khán giả tìm hiểu về những tội ác chống lại loài người “nhưng lại được ít người bàn đến và đã diễn ra trong 20 năm.” Họ nói: “Chúng tôi ở đây để kêu gọi chấm dứt cuộc bức hại tàn bạo đối với hàng triệu người dân vô tội, những người quyết tâm giữ vững đức tin vào Chân – Thiện – Nhẫn …trước một chiến dịch tuyên truyền giả dối và phỉ báng dần dần và dài hơi đối với Pháp Luân Công nhằm mục đích tiêu diệt sự phổ biến của nó. Chính quyền cộng sản Trung Quốc đã phát động chiến dịch này nhằm xóa bỏ Pháp Luân Công. Vào ngày 20 tháng 7 năm 1999, cựu lãnh đạo ĐCSTQ, Giang Trạch Dân, đã ra lệnh ‘vắt kiệt tài chính, hủy hoại thân thể [các học viên]’.
“Thật khó có thể tin được một điều như thế lại có thể xảy ra ngày hôm nay phải không?” người dẫn chương trình hỏi. “Đối với chúng ta, những người Israel đang sống trong một thế giới tự do, thì điều đó thực sự không thể hình dung được. Tuy nhiên, để hiểu làm sao những điều như vậy lại có thể xảy ra ở Trung Quốc, các bạn cần biết bản chất thực sự của Đảng Cộng sản Trung Quốc.”
Lễ mít-tinh tiếp tục với phần đọc các câu chuyện của bốn học viên Pháp Luân Công người Trung Quốc. Chúng được trình bày như một vở kịch thu nhỏ có vài người dẫn chuyện đại diện cho mỗi nhân vật khác nhau trong từng câu chuyện.
Khán giả đã bị cuốn hút. Một số người đã ký đơn thỉnh nguyện kêu gọi chấm dứt cuộc bức hại này.
Đám đông tại lễ mít-tinh bên ngoài Rạp Tel Aviv Cinematheque vào ngày 20 tháng 7 năm 2019
Người dẫn chương trình tiếp tục nói: “Vào ngày 20 tháng 7 hàng năm, có nhiều lễ mít-tinh trên khắp thế giới phơi bày những tội ác kinh hoàng đối với Pháp Luân Công và về những học viên Pháp Luân Công đang phải chịu sự tàn nhẫn không thể tưởng tượng được, đồng thời bảy tỏ hy vọng của chúng tôi rằng tất cả sự tàn ác này sẽ chấm dứt. Năm nay, chúng tôi đánh dấu 20 năm cuộc bức hại Pháp Luân Công ở Trung Quốc và chúng tôi hy vọng cũng sẽ là năm cuối cùng của nỗi đau và sự thống khổ đã giáng xuống hàng triệu con người. Chúng tôi [muốn] mời quý vị tham dự lễ mít-tinh và thắp một ngọn nến để tưởng nhớ những nạn nhân đã thiệt mạng trong cuộc bức hại. Quý vị cũng có thể ký đơn thỉnh nguyện để lên án cuộc bức hại này. Nhưng điều quan trọng nhất là – quý vị nào biết đến điều này hôm nay – xin hãy nói cho những người quý vị biết để giúp chúng tôi nâng cao nhận thức về những gì đang xảy ra ở Trung Quốc. Cùng [chung tay], chúng ta có thể chấm dứt cuộc bức hại này!
Người qua đường thắp nến tưởng niệm các nạn nhân ở Trung Quốc
Cùng thời gian đó, bộ phim Thư từ Mã Tam Gia đã được chiếu tại Cinematheque. Rạp chiếu phim này đã chật cứng và một số người phải ngồi trên cầu thang vì không muốn bỏ lỡ bộ phim.
Rạp Tel Aviv Cinematheque đã chật cứng khi trình chiếu bộ phim Thư từ Mã Tam Gia vào ngày 20 tháng 7
Bộ phim kết thúc đã để lại khoảng lặng trong rạp. Tại phiên hỏi đáp, mọi người đặt các câu hỏi về bộ phim, về nhiếp ảnh, hoạt họa và cuộc bức hại. Sau đó, khán giả đổ ra quảng trường trước rạp chiếu phim và đứng hướng về sân khấu với những ngọn nến và các câu chuyện. Một số người rơi nước mắt, một số thắp lên một ngọn nến, và một số khác chia sẻ cảm nghĩ của họ:
“Đây là một trải nghiệm có tác động lớn.”
“Bộ phim thật xuất sắc. Trước đây, tôi đã từng nghe đến điều này nhưng không biết mọi chuyện đã diễn ra như thế nào, vì vậy xem bộ phim này thật thú vị nhưng cũng rất đau lòng.”
“Một bộ phim có sức mạnh, [một bộ phim] phải xem!”
“Thật đáng xem, rất hay.”
“Điều quan trọng là mọi người được biết đến những vi phạm, tra tấn, thiếu tự do và những kinh hoàng đã giáng xuống nhóm người vô tội này. Tôi muốn chia sẻ thông tin này và nâng cao nhận thức hơn nữa,” cô Glory Zhukovicki nói.
Một ngày sau sự kiện, nhà báo Gad Lior đã viết: “Mặc dù tôi định tham dự một sự kiện khác, nhưng khi thấy chủ đề quan trọng này tôi đã quyết định đi từ Jerusalem tới Tel Aviv, và tôi đã không hối hận phút giây nào hết. Đây là một trong những bộ phim có tác động lớn và cảm động nhất mà tôi từng xem trong những năm gần đây, và tôi đã giới thiệu nó cho bạn bè tôi rồi. Tôi cũng thấy lễ mít-tinh tĩnh lặng bên ngoài. Nó rất cảm động.”
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2019/8/2/178706.html
Đăng ngày 06-08-2019; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.