[MINH HUỆ 11-05-2019] Cụ bà Tôn Ái Hiệp, 82 tuổi, là một học viên Pháp Luân Công tại thành phố Tô Châu, tỉnh Giang Tô, bị kết án một năm rưỡi tù từ năm 2017 chỉ vì bà không chịu từ bỏ đức tin vào Pháp Luân Công. Bà được trả tự do vào ngày 4 tháng 4 năm 2019 sau khi mãn hạn lao dịch ở Nhà tù nữ Nam Thông. Tuy nhiên do bà bị tra tấn trong tù, nên mắt bà đã gần như bị mù, cột sống cong vẹo, và lưng thì bị gù.
Bắt giam bất hợp pháp mà không có phán quyết
Vào sáng ngày 16 tháng 11 năm 2017, bà Tôn đi đến Đồn Cảnh sát Tô Châu để yêu cầu cảnh sát trả lại bà chiếc máy tính cá nhân mà họ đã bị tịch thu vài tháng trước đó. Đây là lần thứ năm bà đưa ra yêu cầu này. Trưởng đồn cảnh sát đã từ chối gặp mặt nhưng vẫn yêu cầu bà đợi họ. Không lâu sau đó, hai viên cảnh sát mặc thường phục đến nhà bà và đưa bà lên xe cảnh sát. Họ đưa bà đến thẳng trại tạm giam thứ tư (dành cho nữ) ở Hoàng Đại, thành phố Tô Châu, nơi đó bà bị giữ hơn một tháng mà không có phán xử gì.
Phiên tòa bí mật
Vào sáng ngày 26 tháng 12 năm 2017, Phòng 610 và Phòng An ninh nội địa đã đưa bà Tôn đến Tòa án khu công nghiệp Tô Châu để tiến hành xét xử bí mật. Cả luật sư và người nhà đều không được thông báo về phiên tòa này.
Những người tham gia phiên tòa, chỉ bao gồm: Thẩm phán phiên tòa Trần Khiết, bồi thẩm viên là Tô Ngọc Lâm và Nhậm Tụng Hoa, và thư kí tòa là Cao Tuấn Kiệt. Ngoài ra, không có một ai khác chứng kiến. Thẩm phán Trần đọc bản án chỉ sau năm phút nghe tường trình.
Bà Tôn từ chối trả tiền phạt. Bà bị đưa đến Nhà tù Nữ Nam Thông. Vài tháng sau, bà Tôn nhận được biên lai phạt với số tiền 2.500 Nhân dân tệ và bà biết rằng đó là tòa án đã ép buộc con gái bà trả tiền phạt.
Bị tra tấn ở Nhà tù Nữ Nam Thông
Vào ngày 10 tháng 1 năm 2018, bà Tôn bị đưa đến Bệnh viện Nhà tù Nữ Nam Thông để kiểm tra thể chất. Cho dù bà được kết luận bị huyết áp cao, nhưng cảnh sát vẫn bắt bà đến phòng giam số 10, Khu 2, Nhà tù nữ Nam Thông.
Phòng giam số 10 có tổng cộng 16 giường và 17 tù nhân. Bà Tôn phải ngủ trên chiếc giường rộng có 80 cm với một tù nhân khác. Họ nằm nghiêng người để ngủ trong ba tháng để không bị rớt xuống đất.
Tất cả tù nhân trong buồng giam luân phiên giám sát bà Tôn cả ngày. Tù nhân Chu Nhân Hồng, tự gọi mình là “chuyên gia chuyển hóa”, đã cấm bà Tôn không được dùng tiền riêng để mua thức ăn trong tù. Khi một tù nhân khác, Na Phổ cho bà Tôn chút bánh vặt, Tôn Mộng Dương – kẻ đứng đầu phạm nhân đã chặn lại và mắng Na: “Ngươi chỉ được quăng đồ ăn đi, chứ không được cho bà ta!”
Khu 2 là một khu tàn bạo trong việc giám sát lao động khổ sai. Tù nhân phải thức dậy lúc 6 giờ sáng và làm việc không ngừng nghỉ đến 5 giờ 30 chiều. Họ bị rà soát người trước và sau khi làm việc. Vì từ chối lao động cưỡng bức, nên bà Tôn bị ép ngồi trên một chiếc “ghế nhỏ” đến tận 9 giờ 30 tối.
Nhà tù tăng cường chiến dịch “chuyển hóa” các học viên Pháp Luân Công vào tháng 11 năm 2018. Các tù nhân được chỉ định theo dõi bà Tôn không được phép ngủ trước 11 giờ đêm. Họ trở nên phẫn nộ với bà Tôn và sử dụng nhiều cách thức để bức hại bà. Tôn Mộng Dương mắng nhiếc bà Tôn rằng “Vì bà không chịu “chuyển hóa”, chúng tôi phải thức khuya để canh bà. Bà cũng không được ngủ!” Vào mùa đông lạnh giá, khi bà Tôn đã nhắm mắt, các tù nhân tước chăn đắp của bà. Mắt bà bị mờ dần từ đó.
Tra tấn tiếp diễn
Lưu Đức Lan là một tù nhân sát nhân. Khi đến phiên mình canh chừng bà Tôn, thì cô ta không ngừng nguyền rủa và lăng mạ bà, đe dọa bà, và phỉ báng Pháp Luân Công. Cô ta cũng tìm mọi cách ép bà Tôn ký giấy tuyên bố từ bỏ Pháp Luân Công, nhưng bà Tôn đã từ chối.
Vũ Xuyên Liên, tầm 30 tuổi, là giáo dưỡng Khu 2 luôn tìm cách chuyển hóa bà Tôn. Cô ta thường phỉ báng bà thông qua các phương tiện truyền thông công cộng của nhà tù.
Bà Tôn bị chuyển đến nhóm “khó cải tạo” vào tháng 5 năm 2018, nơi này còn được biết với tên gọi là “Trại Hắc Tâm”. Nhiệm vụ chính của nó là tra tấn các học viên nào không chịu “chuyển hóa”. Nơi đây, các tù nhân mại dâm và buôn người đã tăng cường tra tấn và giám sát bà Tôn và ép bà xem các phim tẩy não vu khống Pháp Luân Công.
Một sáng tháng 6 năm 2018, con gái bà Tôn đã đến thăm bà nhưng lại bị cảnh sát tạm giữ. Quản giáo yêu cầu cô cùng hợp tác với họ để “chuyển hóa” mẹ cô. Cô kinh hoàng và không còn cách nào khác là phải hợp tác. Khi nhìn thấy người mẹ 82 tuổi của mình, cô đã khóc: “Mẹ à, nếu mẹ không chịu “chuyển hóa”, con không biết trông mẹ sẽ thế nào khi được thả đây?” Bà đáp lại với thái độ kiên định: “Nếu mẹ bị chuyển hóa, thì làm sao mẹ có thể tuân theo Chân – Thiện – Nhẫn đây? Mẹ sẽ ổn khi mẹ ra tù”.
Một ngày trước khi bà được thả, cai ngục vẫn yêu cầu bà ký “đơn chuyển hóa”, nhưng bà cương quyết chối từ.
Bà Tôn được trả tự do vào sáng ngày 14 tháng 4 năm 2019. Trưởng thôn Đông Cảng là Hồng Mỗ và hai quan chức khác của Văn phòng Tư pháp Khu công nghiệp Tô Châu đã hộ tống con gái bà Tôn đến đón mẹ.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2019/5/11/386641.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2019/6/18/178120.html
Đăng ngày 02-07-2019; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.