Bài viết của một phóng viên Minh Huệ tại tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc

[MINH HUỆ 02-06-2019] Một kỹ sư phần mềm ở thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh đã bị xét xử bí mật vì không chịu từ bỏ đức tin của mình vào Pháp Luân Công vào hôm thứ Hai, ngày 20 tháng 5 năm 2019.

Thẩm phán Kim Hoa đã không đề cập đến phiên xét xử sắp tới cho gia đình anh Lưu Tiếu Hùng khi họ đến gặp bà vào thứ Sáu, ngày 17 tháng 5. Đây cũng là ngày đầu tiên bà tiếp nhận vụ án này từ một thẩm phán khác.

Sau khi biết bà Kim sẽ tổ chức phiên xét xử bí mật, gia đình anh Lưu không thể tin rằng bà Kim đã giấu họ và bà tiến hành phiên xử quá sớm, ngay vào ngày thứ hai bà tiếp nhận vụ việc này.

Pháp Luân Công, còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là môn tu luyện đã bị chính quyền cộng sản Trung Quốc bức hại từ năm 1999.

Bị bắt sau khi bị cảnh sát lừa dối

Anh Lưu, quê gốc ở thành phố Cẩm Châu, tỉnh Liêu Ninh, sinh ra trong một gia đình nghèo khó. Nhờ siêng năng, anh đã lấy được bằng cử nhân và tìm được một công việc kỹ sư phần mềm ở Đại Liên.

Trong khi làm việc, anh không bao giờ phàn nàn về các nhiệm vụ được quản lý giao. Đôi lúc anh còn làm việc ngoài giờ, thường là cho đến tận sáng hôm sau để hoàn thành các dự án đúng hẹn. Các quản lý và đồng nghiệp của anh đều đánh giá cao về anh.

Anh Lưu bất ngờ nhận được một cuộc gọi từ cảnh sát vào ngày 25 tháng 7 năm 2018. Họ yêu cầu anh đến Đồn Cảnh sát Thất Hiền Lĩnh ở địa phương để viết đơn tạm trú. Anh xin nghỉ làm nửa ngày để đi đến đồn cảnh sát, và sau đó bị bắt tại chỗ.

Mọi người nói rằng cảnh sát đã có ý định nhắm vào anh sau khi biết anh có đăng các thông tin về Pháp Luân Công trên một mạng xã hội phổ biến của Trung Quốc.

Công an đã lục soát nhà anh Lưu hai lần và tịch thu máy tính cùng các sách Pháp Luân Công của anh.

Trong lúc anh Lưu bị giam giữ ở Trại tạm giam Đại Liên, gia đình anh đã đến đồn cảnh sát vài lần để yêu cầu thả anh ra. Họ cũng đệ đơn khiếu nại cảnh sát vì đã tùy ý giam giữ người thân của họ, nhưng họ không nhận được bất kỳ phản hồi nào từ phía cảnh sát.

Sau khi cảnh sát trình vụ án của anh Lưu lên Viện Kiểm sát Khu Cao Tân Viên, công tố viên đã hai lần trả lại bản án cho cảnh sát vì không đủ bằng chứng để buộc tội anh. Gia đình anh và luật sư liên tục kiến nghị công tố viên bác bỏ đơn kiện anh, nhưng không được.

Sau khi cảnh sát đệ trình vụ án lần thứ ba, công tố viên đã truy tố anh Lưu và chuyển vụ án của anh đến Tòa án Quận Cam Tỉnh Tử vào ngày 15 tháng 4 năm 2019.

Bất ngờ thay đổi thẩm phán

Lúc đầu, vụ việc của anh Lưu được giao cho thẩm phán Cao Dương. Gia đình anh đã liên lạc với thẩm phán Cao và xin không cần luật sư biện hộ cho anh trong phiên xét xử tại tòa án. Thẩm phán Cao quyết không đồng ý yêu cầu gặp mặt từ phía gia đình và nói bà ấy sẽ thông báo cho gia đình anh Lưu khi đến gần ngày xét xử.

Giữa tháng Năm, gia đình anh Lưu gọi điện lại cho thẩm phán Cao và bảo bà ấy họ sẽ đến tòa vào ngày 17 tháng 5 để nộp hồ sơ biện hộ. Thẩm phán Cao nói rằng họ phải trình hồ sơ chứng minh chính họ không tu luyện Pháp Luân Công trước khi bà chấp thuận hồ sơ biện hộ.

Trên đường đi đến tòa án vào ngày 17 tháng 5 để nộp giấy tờ đại diện cho người thân của họ, gia đình anh Lưu nhận được một cuộc gọi bất ngờ từ thẩm phán Kim Hoa, người đã tiếp quản vụ án từ thẩm phán Cao.

Khi gặp gia đình anh Lưu, thẩm phán Kim đã yêu cầu họ cung cấp một bức thư từ cảnh sát địa phương chứng minh họ không có bất cứ tiền án nào hoặc bằng chứng chứng minh họ không tu luyện Pháp Luân Công, dù không có bất cứ yêu cầu nào trong những yêu cầu này là hợp pháp.

Ngoài việc tự chuẩn bị biện hộ cho anh Lưu, gia đình anh cũng thuê luật sư để đại diện cho anh. Khi họ nói với thẩm phán Kim rằng luật sư từ Bắc Kinh sẽ đến vào thứ Hai (ngày 20 tháng 5) để nộp hồ sơ đại diện cho anh Lưu, thẩm phán Kim tỏ ra rất ngạc nhiên. Bà cũng yêu cầu luật sư đó phải nộp các hồ sơ giống với các hồ sơ của Văn phòng Tư pháp địa phương của anh Lưu.

Bí mật xét xử

Khi luật sư đến trại tạm giam Thành phố Đại Liên đến gặp anh Lưu vào hôm thứ Hai, ông rất ngạc nhiên vì thân chủ của mình đã bị đưa đến tòa án để dự phiên xét xử.

Luật sư và gia đình anh Lưu đã vội vã bắt taxi đến tòa án. Trên đường đi họ gọi cho thẩm phán Kim nhưng không ai trả lời điện thoại. Họ gọi cho các thẩm phán khác và được báo rằng thẩm phán Kim đang trong phiên xét xử buổi sáng và bà ấy sẽ đi công tác vào buổi chiều.

Khi luật sư và gia đình anh Lưu đến tòa án thì đã 11 giờ 20 phút và phiên xử đã kết thúc, vì thế họ đã lập tức tìm chánh án tòa án, Lư Minh Lợi, để trách cứ việc thẩm phán Kim đã bí mật xét xử anh Lưu mà không thông báo cho họ biết.

Sau khi ông Lư nhận ra đây là vụ việc về Pháp Luân Công, ông cũng yêu cầu luật sư nộp hồ sơ cho Văn phòng Tư pháp địa phương trước khi ông có thể đại diện cho anh Lưu. Ông Lư không cho phép luật sư xem lại hồ sơ vụ án của anh Lưu, và cũng không chịu chấp nhận đơn đại diện cho thân chủ của luật sư.

Luật sư và gia đình anh Lưu trở tại tòa án sau giờ nghỉ trưa. Họ nói chuyện điện thoại với ông Lư và được báo rằng thẩm phán Kim sẽ đi công tác một tuần và hạn chế sử dụng điện thoại. Ông Lư nói họ chỉ có thể nói chuyện với bà ấy sau khi bà ấy trở về.

Sau đó, luật sư gặp anh Lưu tại trại tạm giam vào buổi chiều. Anh Lưu nói với luật sư rằng anh cũng bất ngờ khi bị xét xử bí mật. Theo luật định thì tòa án phải thông báo cho các bị cáo ba ngày trước khi các phiên xử diễn ra theo kế hoạch.

Anh Lưu nói thẩm phán Kim đã vội vã kết thúc phiên tòa và hỏi công tố viên có phải mức tù cho các học viên Pháp Luân Công “vẫn là ba năm” phải không. “Việc này là tùy vào bà.” Công tố viên trả lời.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2019/5/24/387776.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2019/6/2/177885.html

Đăng ngày 07-06-2019; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share