Bài viết của một phóng viên Minh Huệ

[MINH HUỆ 28-05-2019] Ngày 20 tháng 12 năm 2001, cô Vương Khả Phi qua đời sau vài giờ bị cai tù tại Trại Lao động Nữ Hắc Chủy Tử ở tỉnh Cát Lâm đưa đến Bệnh viện Trại Lao động Thiết Bắc. Người phụ nữ 35 tuổi này đã phải lao động khổ sai một thời gian tại trại lao động này vì từ chối từ bỏ Pháp Luân Công, một môn tu luyện cả thân lẫn tâm bị chính quyền cộng sản Trung Quốc bức hại từ tháng 7 năm 1999.

Trại lao động tuyên bố rằng cô Vương bị sốt do bị gai nhọn đâm vào ngón tay và cô vẫn còn tỉnh táo và tự đi lại khi được đưa đến bệnh viện nhưng hồ sơ nhập viện lại ghi cô bị hôn mê khi được đưa vào bệnh viện.

Gia đình cô Vương yêu cầu được biết vì sao có sự khác biệt lớn đến thế về tình trạng của cô và ai là người chịu trách nhiệm cho cái chết bất thường này, nhưng trại lao động liên tục thúc người nhà đồng ý để họ hỏa táng thi thể cô ngay. Gia đình từ chối ký bất kỳ giấy tờ nào và đã truyền tin này đến cho người dân địa phương. Khắp thị trấn xuất hiện các tờ rơi và áp phích về việc một phụ nữ trẻ bị chết trong trại lao động, nên chính quyền không dám hỏa táng thi thể của cô Vương mà không có sự đồng ý của gia đình.

Thi thể của cô Vương vẫn còn trong nhà xác. Gia đình cô yêu cầu xem hoặc đưa thi thể cô về suốt 18 năm qua, nhưng liên tục bị từ chối. Họ nhớ lại một cuộc gặp mặt với trưởng trại lao động vào năm 2015, trưởng trại lao động bảo họ phải đồng ý với tuyên bố rằng cô Vương không bị bức hại đến chết thì mới được xem thi thể của cô.

Một người phụ nữ tốt bụng và cao thượng

Cô Vương Khả Phi lúc còn trẻ

Cô Vương Khả Phi sinh ngày 22 tháng 8 năm 1967, trong một gia đình bình thường ở thành phố Trường Xuân, tỉnh Cát Lâm. Cha cô là một kế toán, mẹ cô là công nhân nhà máy. Cô có hai anh trai, một chị gái và một em gái. Cô là người dễ mến, có phong thái hòa nhã, lịch thiệp.

Vào năm 1994, cô bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công, còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp, và hành xử theo nguyên lý Chân – Thiện – Nhẫn. Trong mười năm làm việc tại Ngân hàng Nông nghiệp Tỉnh Cát Lâm của thành phố Trường Xuân, cô đã được đồng nghiệp và khách hàng đánh giá cao nhờ phẩm chất chính trực và trung thực của mình.

Bị bắt giữ nhiều lần vì thỉnh nguyện cho đức tin của mình tại Bắc Kinh

Vào ngày 22 tháng 7 năm 1999, cô Vương và nhiều học viên Pháp Luân Công đã đến chính quyền tỉnh Cát Lâm để thỉnh nguyện cho đức tin của mình, song chỉ thấy các phương tiện truyền thông do chính quyền kiểm soát phát tin tức về chiến dịch đàn áp toàn diện đối với Pháp Luân Công và các học viên khác. Cô Vương rất đau lòng trước tin tức này và quyết định cùng với các học viên khác thỉnh nguyện lên chính quyền trung ương ở Bắc Kinh.

Cảnh sát mặc cảnh phục và thường phục có ở khắp nơi tại nhà ga xe lửa địa phương cô; họ chặn lại và thẩm vấn bất cứ ai mà họ nghi ngờ là học viên Pháp Luân Công. Cô Vương tìm cách tránh mặt chồng mình vì anh là cảnh sát, và cô ngồi trong một chiếc xe hơi được người họ hàng thân thiết và đáng tin cậy lái và qua mặt các cảnh sát tại các rào chắn. Cô đến thành phố Tứ Bình (một thành phố ở tỉnh Cát Lâm, cách Trường Xuân khoảng 121 km), rồi từ đó đi tàu tới Bắc Kinh.

Từ tháng 7 năm 1999 đến tháng 8 năm 2001, cô Vương đã bốn lần đến được Bắc Kinh thỉnh nguyện cho đức tin của mình.

Ngày 27 tháng 9 năm 1999, cô bị bắt tại Bắc Kinh vào và bị cảnh sát của Sở Cảnh sát Thành phố Trường Xuân đưa về lại Trường Xuân. Cô bị giam tại Nhà tù Bát Lý Bảo. Ban lãnh đạo của ngân hàng nông nghiệp ở các cấp khác nhau dưới sự chỉ đạo của Phòng 610 đã yêu cầu cô từ bỏ tu luyện Pháp Luân Công và hứa không đến Bắc Kinh để phản đối cuộc đàn áp nữa. Khi cô từ chối, Phòng 610 đã yêu cầu mọi người theo dõi cô cả ngày, công nhiên vi phạm quyền tự do cá nhân của cô.

Cô Vương bị buộc thôi việc và phải làm việc vặt tại một cửa hàng bách hóa để kiếm sống. Nhiều năm sau, một nhân viên ngân hàng đã ca ngợi cô, “Vương Khả Phi là một nhân viên tốt và cô làm việc tốt nhất.” Một người khác nhớ đến cô: “Một người phụ nữ trẻ đẹp như vậy bị ép bỏ việc. Đảng Cộng sản thật vô nhân đạo!”

Năm 2000, chồng cô Vương nộp đơn xin gia nhập Đảng Cộng sản Trung Quốc vì đây là điều kiện tiên quyết ở Trung Quốc để thăng tiến trong sự nghiệp. Anh được bảo rằng cô Vương phải từ bỏ đức tin; nếu không, cô sẽ thành một trở ngại đối với con đường thăng tiến của anh lên các vị trí cao hơn. Sau khi cô Vương từ chối từ bỏ đức tin của mình, chồng cô đã ly dị cô và đuổi cô ra khỏi nhà.

Vì không có nơi ở nên cô thường phải lưu lạc và vật lộn mưu sinh để tự mình nuôi con trai nhỏ.

Tay chân đều bị trói

Vì không từ bỏ đức tin, cô Vương đã nhiều lần bị bắt và giam giữ. Trong thời gian bị giam giữ tại Nhà tù Thiết Bắc ở thành phố Trường Xuân vào tháng 10 năm 2000, cô đã bị tra tấn thảm khốc vì luyện các bài công pháp Pháp Luân Công.

Cai tù cùm chân cô bằng xiềng xích nặng, còng tay cô, rồi khóa xiềng và còng bằng một sợi xích sắt ngắn. Khi bị cùm bằng các dụng cụ tra tấn này, nạn nhân không ngồi, ngồi xổm, đứng hay nằm được. Lúc nào nạn nhân cũng phải cuộn tròn mình. Họ không thể thực hiện các hoạt động thông thường như ăn, uống, đi vệ sinh. Sau khi bị cùm như vậy trong thời gian dài, nạn nhân sẽ bị căng cơ, chân tay sưng phù và mất ngủ. Hầu hết mọi người chỉ có thể chịu đựng kiểu tra tấn này trong tối đa 48 giờ, nhưng cô Vương đã bị tra tấn thế này trong 11 ngày liên tục.

Tái hiện cảnh tra tấn: Tay chân bị xiềng xích vào nhau

Để khiến cô đau đớn hơn, cai tù đã ra lệnh cho cô đi lên và xuống cầu thang trong khi bị trói cả tay lẫn chân như thế mà đến các phiên thẩm vấn. Cô phải lê chân từng bước từng bước vô cùng đau đớn trên hành lang dài và tối. Từ xa, mọi người đã có thể nghe thấy tiếng xiềng xích trên người cô khi kéo lê trên sàn xi măng.

Sau đó, cô đã được đưa đến phòng thẩm vấn. Cô vô cùng yếu đuối, mái tóc rối bù, và khuôn mặt tái nhợt.

Bị bức hại đến chết vì tuyệt thực để phản đối lao động khổ sai

Vào ngày 1 tháng 8 năm 2001, cô Vương đã đến Bắc Kinh một lần nữa và giơ cao một biểu ngữ có dòng chữ “Pháp Luân Đại Pháp hảo” trên Quảng trường Thiên An Môn. Cô bị giam tại Nhà tù Thiết Bắc, rồi bị chuyển đến Trại Lao động Cưỡng bức Nữ Hắc Chủy Tử vào cuối tháng 8.

Cô bị nhốt vào đội 6 tại trại lao động này. Cai tù đã sử dụng nhiều biện pháp để ép cô từ bỏ tu luyện Pháp Luân Công. Có lần cô bị đánh cho đến khi bất tỉnh mới thôi. Cô đã không hợp tác hay nhượng bộ. Cô lặng lẽ và bình tĩnh chịu đựng những cách đối xử vô nhân đạo mà không căm thù những cai tù không biết chân tướng Pháp Luân Công.

Cô đã được chuyển sang nhóm 3 của đội 7 vào tháng 11 năm 2001. Để đạt được “tỷ lệ chuyển hóa” cao (tỷ lệ phần trăm học viên bị ép từ bỏ niềm tin), cai tù đã luân chuyển các học viên đến các đội khác nhau, mỗi đội lại chuyên sử dụng những hình thức bức hại nào đó. Hình thức tra tấn đặc biệt của đội 7 này là lao động khổ sai cường độ cao. Các tù nhân, gồm cả các học viên, phải làm việc từ bốn giờ sáng đến mười giờ tối, đôi khi đến nửa đêm hoặc hai giờ sáng. Một số tù nhân không thể chịu đựng được sự đối xử khắc nghiệt này, đã bị ngất đi.

Một đêm cuối tháng 11, tất cả các tù nhân đều đang làm việc đến 2 giờ sáng. Cô Vương đứng dậy nói: “Chúng tôi không phạm tội gì cả. Chúng tôi không nên bị đối xử như thế này.” Đội trưởng Loan Vân Quyên, người phụ trách khâu sản xuất của xưởng, đã lôi cô ra và đánh cô. Cô kiên quyết nói rằng mình vô tội và bắt đầu tuyệt thực phản kháng.

Cai tù Vương Lệ Hoa của đội 3 đã biệt giam cô ở cuối hành lang. Cô bị trói vào khung sắt của một chiếc giường tầng trong tư thế đứng thẳng. Chẳng mấy chốc, bàn chân và chân của cô đã sưng phù, các khớp xương không thể cử động nữa. Vì cô vẫn đang tuyệt thực, cô thấy choáng váng và suýt ngất.

Theo lời kể của một số học viên, họ nghe thấy cô Vương từ cuối hành lang hét lên: “Hãy thả tôi xuống. Các người đã nhốt tôi ở đây chín ngày rồi.”

Cứ vài ngày, cô Vương lại bị bức thực một lần tại bệnh xá trên tầng hai. Theo lời kể của một số học viên chứng kiến ​​quá trình bức thực đó, cô bị ghì xuống một cái ghế băng. Một tù nhân tên Kỷ Phượng Cần giữ chặt tay cô và một tù nhân khác tên Quách Lệ Dĩnh giữ chân cô. Bác sỹ bệnh xá Quách Húc để một chân lên băng ghế, luồn một cái ống vào lỗ mũi của cô và nói: “Cô đang nín thở à? Không sao đâu, tôi còn nhiều thời gian chờ cô mà.”

Cai tù Vương Lệ Hoa ngồi bên cạnh xem khi tất cả việc này diễn ra. Lúc đó, cô Vương đã tuyệt thực hơn 10 ngày và cô đã vô cùng yếu. Hình thức tra tấn bức thực này làm cô đau đớn và chảy máu dữ dội đến nỗi máu chảy khắp mặt cô. Khi các học viên khác cố gắng lau mặt cho cô, cai tù Vương Lệ Hoa không cho phép.

Đến ngày 20 tháng 12 năm 2001, cô đã tuyệt thực được 25 ngày và qua đời tại bệnh xá của trại lao động. Trong thời gian này, cai tù đã chỉ định một số tù nhân theo dõi cô. Các tù nhân thường chửi rủa và đánh đập cô. Có một ngày, tù nhân tên Kỷ Phượng Cần đã tát lia lịa vào mặt cô. Cai tù có mặt tại hiện trường cũng không ngăn cản việc đó.

Một hôm, cai tù ra lệnh cho tù nhân Kỷ Phượng Cần, Tôn Lệ Dĩnh và Lý Kiệt, mang bốn băng ghế vào phòng và đặt một tấm ván trên các băng ghế. Họ đặt cô Vương lên tấm ván rồi nhục mạ cô, xúc phạm cô bằng ngôn ngữ thô tục. Đội trưởng Lưu Hồ và Hầu Trí Hồng của đội 7 lúc đó cũng có mặt.

Sức khỏe cô Vương cực kỳ yếu sau mấy lần bị bức thực, nhưng cô bị bắt phải tự đi lại mà không được ai trợ giúp. Cai tù thậm chí còn ra lệnh cho cô đi xuống cầu thang lấy đồ rồi mang lên tầng trên. Trong vài ngày cuối đời, cô Vương đã không thể đứng dậy được nữa sau khi bị bức thực. Tù nhân tên Tề Tú Cần được sai đưa cô trở lại phòng giam. Một hôm, Tề đã quăng cô đập lưng xuống đất và đá cô hai lần.

Vào ngày 20 tháng 12, chính quyền đã vội vàng đưa cô đến bệnh viện. Cô đã qua đời cùng ngày, tại bệnh viện, ở tuổi 35.

Học viên tên Lý Xuân Hoàn, một doanh nhân tự chủ làm việc tại thành phố Thư Lan, tỉnh Cát Lâm, đã bị giam cùng đội với cô Vương. Cô Lý đã viết trong đơn kiện hình sự cựu lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc Giang Trạch Dân: “Vương Khả Phi bị tra tấn đến chết vì phản đối việc bị đối xử vô nhân đạo. Tôi nhìn thấy cô ấy lần cuối là ở hành lang. Hôm đó, khắp mặt cô đều bầm tím. Cô nhìn tôi và dường như muốn nói gì đó, nhưng các tù nhân đang giám sát và đẩy cô ấy đi qua hành lang.

Cô ấy đột nhiên hô lên với tôi: ‘Hãy mang cho tôi giấy vệ sinh mà tôi cất ở chỗ của chị.’ Tôi biết cô ấy có chuyện muốn nói với tôi nên tôi vội vã lấy giấy vệ sinh, hy vọng tôi có thể có cơ hội nói chuyện với cô ấy. Tuy nhiên, các tù nhân đã không cho tôi nói chuyện với cô ấy. Ngày hôm sau, cai tù nói dối chúng tôi rằng cô đã được thả ra và đưa về nhà. Sau khi tôi được thả ra, tôi mới biết cô ấy đã chết. Tôi đã chứng kiến ​​một sinh mệnh còn trẻ như thế bị bức hại đến chết. Tôi thật thương tâm khi thấy một người tốt bụng như vậy, đồng thời là một người mẹ, người vợ, người con rời bỏ chúng tôi. [Họ đã] đã làm tan vỡ một gia đình.”

Những mâu thuẫn trong các tuyên bố về tình trạng của cô Vương

Khi gia đình cô Vương đến nhà xác, họ thấy quần của cô vứt trên sàn nhà bên ngoài. Biểu cảm khuôn mặt của cô ấy cho thấy cô ấy đã vật lộn trong những khoảnh khắc cuối cùng của đời mình. Một cuộn giấy vệ sinh bị quấn quanh cổ cô. Cánh tay trên của cô là một cuộn băng cầm máu. Bàn tay trái của cô sưng lên như cái bánh bao. Cô ấy đang mặc một chiếc áo len đã sờn, tay áo xắn lên đến tận nách. Không có quần áo che thân dưới của cô.

Mặc dù nhà xác lạnh lẽo và buốt giá, nhưng khi chạm vào thì khuôn mặt và cơ thể của cô Vương vẫn còn ấm, điều này cho thấy rằng cô đã bị đưa vào đó trước khi chết. Khi chứng kiến việc này, mẹ cô khuỵu xuống sàn khóc lớn trong đau đớn. Những người thân khác trong gia đình cô đã hỏi trưởng bệnh viện cô chết như thế nào và tại sao họ không thông báo cho gia đình cô sớm hơn khi cô được đưa vào đây. Trưởng bệnh viện đã nhanh chóng rời đi.

Ngay sau đó, gia đình cô đã yêu cầu Công tố viên Úy, người phụ trách trại lao động, niêm phong hồ sơ y tế để giữ bằng chứng. Úy đã dùng mọi lý do để không cho gia đình cô xem hồ sơ bệnh án. Cuối cùng, hồ sơ mà gia đình cô cũng nhận được bị làm giả sau cuộc thảo luận giữa viện kiểm sát, ban quản lý trại lao động và bệnh viện của trại lao động.

Ban quản lý trại lao động tuyên bố rằng cô Vương bị gai nhọn đâm vào ngón tay nên bị sốt cao, rồi cô tự mình tới bệnh viện. Bác sỹ Bệnh viện Quách Húc từng bức thực cô Vương, thậm chí còn nói cô vẫn vui vẻ cười nói khi rời khỏi trại lao động và đi đến bệnh viện.

Tuy nhiên, theo hồ sơ kiểm tra tại thời điểm nhập viện cho thấy chân tay của cô đã mất cảm giác, lông mi không có phản ứng và cô bị hôn mê khi được đưa vào bệnh viện.

Gia đình cô Vương nghi ngờ ban quản lý trại lao động đang tìm cách che đậy những gì họ đã làm với cô dẫn đến cái chết bất thường này.

Gia đình cô Vương yêu cầu trại lao động tìm những người chịu trách nhiệm cho cái chết này và đưa họ ra công lý. Ban quản lý trại lao động yêu cầu gia đình ký vào tờ đơn đồng ý để họ hỏa táng thi thể của cô. Họ từ chối và nộp một số đơn khiếu nại viện kiểm sát và trại lao động. Nhưng họ chưa bao giờ nhận được bất kỳ một giải pháp công bằng nào.

Theo một học viên Pháp Luân Công tại thành phố Trường Xuân, họ đã đưa tin tức về cái chết của cô Vương trong hầu hết các tờ rơi Pháp Luân Công mà họ sản xuất ra vào thời điểm đó. Khi vụ án được phơi bày rộng rãi và thu hút sự chú ý của công chúng, ban quản lý trại lao động không dám bí mật hỏa táng thi thể cô.

Năm 2002, trại lao động đề nghị khám nghiệm tử thi. Gia đình cô đã từ chối vì sợ họ sẽ chơi xấu.

“Các vị phải thừa nhận là cô ấy không bị bức hại”

Gia đình cô Vương nhớ lại một buổi gặp mặt với giám đốc trại lao động năm 2015.

Một thành viên trong gia đình nói: “15 năm qua rồi mà chúng tôi không được nhìn mặt Vương Khả Phi. Chúng tôi chỉ muốn nhìn thấy thi thể của cô ấy để có thể tổ chức tang lễ đàng hoàng cho cô. Chúng tôi muốn biết thi thể cô ấy có còn ở đây không. Năm nào chúng tôi cũng viết thư yêu cầu xem thi thể cô ấy.”

Trưởng trại lao động cho biết: “Thi thể vẫn còn ở đây. Tôi có thể cho các vị xem, nhưng trước tiên các vị phải thừa nhận rằng cô ấy không bị bức hại đến chết.”

Một thành viên gia đình trả lời: “Ông không có bằng chứng chứng minh được cô ấy chết vì một nguyên nhân bình thường. Nói một cách đơn giản, đó không phải là một cái chết tự nhiên.” Ban quản lý trại lao động đã không nhượng bộ với yêu cầu này.

Cho đến hôm nay, thi thể của cô Vương vẫn đang bị giữ trong nhà xác. Trong nhiều năm qua, chính quyền trại lao động đã tìm cách hỏa táng thi thể cô. Họ thậm chí còn tìm cách bắt cóc một đứa trẻ mười tuổi của một người họ hàng của cô Vương để gây áp lực ép họ ký biên bản đồng ý hỏa táng thi thể.

Ban quản lý trại lao động còn ra lệnh cho cai tù và tù nhân cung cấp lời khai giả, giả mạo giấy tờ về việc lao động khổ sai của cô Vương, và lan truyền tin đồn rằng gia đình cô hài lòng về cái chết của cô.

Lao động khổ sai tại Trại Lao động Cưỡng bức Hắc Chủy Tử

Trại Lao động Cưỡng bức Hắc Chủy Tử ban đầu là một cơ sở nhỏ sắp giải thể với ít hơn 100 tù nhân hình sự. Sau cuộc đàn áp Pháp Luân Công nổ ra, nó đã được mở rộng thành một nhà tù lớn có sức giam giữ ít nhất 800 tù nhân và hơn 200 cai tù. Năm 2002, có thời điểm nó còn chứa được hơn 1.000 tù nhân.

Để bức hại các học viên Pháp Luân Công, chính quyền cộng sản không tiếc công sức đầu tư vào các trại lao động. Nó đã xây thêm một số tòa nhà mới vào Trại Lao động Hắc Chủy Tử , như ký túc xá, khu vực tiếp tân, phòng tập thể dục, trung tâm chăm sóc sức khỏe, hội trường, nhà ăn, phòng tắm và khu văn phòng. Nhưng hầu hết những cải tiến này chỉ được xây dựng mang tính biểu trưng cho khách tham quan xem, chứ không vì lợi ích của những người bị giam giữ ở đó.

Trong khi đó, trại lao động tăng gấp đôi lương của cai tù, khiến nó trở thành một nơi làm việc mà nhiều người ao ước. Thậm chí có nhiều người phải hối lộ ban lãnh đạo trại cưỡng bức để xin làm việc ở đó.

Trại Lao động Hắc Chủy Tử khét tiếng vì việc tù nhân phải làm việc quá sức mà không được trả lương. Theo luật, tù nhân được nghỉ bảy ngày trong bốn kỳ nghỉ lễ quốc gia, đó là Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán, ngày Lao động Quốc tế và ngày Quốc khánh. Nhưng tù nhân ở đây không được nghỉ ngơi ngày nào cả.

Mỗi ngày, các học viên phải thức dậy lúc 5:30 sáng và làm việc hơn 10 giờ liên tục mà không được nghỉ ngơi hay có thời gian rảnh. Khi không làm việc, họ bị ép xem các chương trình truyền hình lăng mạ Pháp Luân Công. Thời gian rảnh duy nhất mà họ có là thời gian ngủ.

Khi các học viên không hoàn thành được công việc vào ban ngày, cai tù sẽ buộc họ làm việc vào ban đêm, đôi khi đến 2 giờ sáng.

Vào ngày 8 tháng 3 năm 2000, cai tù đã ra lệnh cho các học viên nhặt khoảng 90 tấn đậu rồi đóng gói trong vòng ba ngày. Họ phải vác các túi đậu nặng khoảng 45 kg xuống tầng dưới và vác những túi đậu chưa nhặt nặng 63 kg lên tầng trên. Nhiều học viên đã bị thương ở lưng. Một số đã kiệt sức, đặc biệt là các học viên cao tuổi.

Cai tù thường giao những công việc bẩn nhất, như đào rễ cây, kéo than, vác bao đựng đậu và làm sạch cống rãnh, cho những học viên từ chối từ bỏ đức tin của họ.

Có lần, một viên bị bắt phải đào một cái cây, trong khi đó với người không phải là học viên thì ba, bốn người đào một cây. Bốn học viên bị bắt khiêng cái cây lớn nhất ra dưới ánh nắng thiêu đốt, trong đó có một phụ nữ đã ngoài 50 tuổi và một học viên nhỏ tuổi. Cái cây vừa to vừa nặng đến nỗi họ phải còng lưng mà từ từ di chuyển nó. Cai tù liên tục la mắng họ và thúc giục họ đi nhanh lên, vậy mà họ còn nói rằng họ đang “quá từ bi đối” với các học viên.

Tra tấn tại trại lao động

Sự khét tiếng của Trại Lao động Hắc Chủy Tử lan xa bằng máu của các học viên, không khác gì địa ngục trần gian.

Vào tháng 5 năm 2000, trại bắt đầu cái gọi là chiến dịch chuyển hóa. Để ép các học viên từ bỏ đức tin của mình, cai tù đã tra tấn họ cả ngày lẫn đêm. Tiếng la hét của các học viên, tiếng xả [điện] của dùi cui điện và âm thanh của các loại công cụ tra tấn được sử dụng để đánh đập các học viên đâu đâu cũng nghe thấy.

Chỉ trong hai ngày, trong giờ ăn đã xuất hiện nhiều học viên đã bị thương nặng. Một số bị sưng đầu. Một số bị bầm tím khắp mặt. Một số thì khập khiễng, phải đi bằng gậy. Một số người được cõng hoặc khiêng ra.

Cô Thượng Đông Hà bị còng tay rồi treo lên trong phòng biệt giam trong bảy ngày. Cô còn bị trói vào ‘giường chết’ trong năm ngày. Trong một lần khác, cô bị quẳng từ tầng hai xuống và bất tỉnh trong 15 phút. Cô bị chấn thương và nôn mửa không ngừng cả ngày.

Cuộc bức hại nặng nề hơn vào dịp Thế vận hội Olympic 2008 ở Bắc Kinh. Hàng trăm học viên đã bị giam giữ tại đây. Nhiều người đã bị liệt hoặc rối loạn tâm thần vì bị tra tấn.

Các học viên bị bức hại đến chết

Ngoài cô Vương Khả Phi, hàng chục học viên Pháp Luân Công cũng đã bị bức hại đến chết tại trại lao động này. Một số nạn nhân bao gồm: Yên Thục Vân và Hậu Lệ Quân (cùng đến từ thành phố Trường Xuân); Huyền Hồng Quế và Vương Ngọc Hoàn (đều ở thành phố Mai Hà Khẩu); Vương Tú Lan và Thôi Chính Thục (đều đến từ thành phố Cát Lâm); Trương Ngọc Lan (đến từ thành phố Bạch Sơn); và Hàn Thúy Viên (đến từ thành phố Tứ Bình).

Dưới đây là một số trường hợp bức hại:

Cô Yên Thục Vân

Cô Yên Thục Vân bị sốc điện toàn thân bằng dùi cui điện vì nhẩm niệm “Pháp Luân Đại Pháp hảo”. Cô còn bị đánh đập tàn nhẫn và đá vào người. Một cai tù đập đầu cô vào tường, gây chảy máu nghiêm trọng. Do bị tra tấn nhiều lần, cô đã chết vào ngày 28 tháng 5 năm 2000.

Cô Vu Lệ Tân

Cô Vu Lệ Tân bị giam giữ bất hợp pháp tại nhà tù này vào năm 2000. Cô bị tra tấn nặng nề đến nỗi nhà tù phải đưa cô đến Bệnh viện Công an. Một nhân chứng tiết lộ rằng cô Vu liên tục bị bức hại trong bệnh viện.

Các nhân chứng cho biết: “Cô Vu bị trói trên giường và phải lắp ống xông dạ dày và ống thông tiểu trong một thời gian dài. Cô đã bị ngâm trong nước tiểu do ống thông rò rỉ. Cô thậm chí còn bị một tù nhân đánh do bị cai tù xúi giục. Cô cũng bị lăng mạ thậm tệ. Cô trở nên tiều tụy vì bị tra tấn trong thời gian dài.

Cô qua đời sau khi được đưa trở lại trại lao động.

Cô Trương Ngọc Lan

Cô Trương Ngọc Lan bị đưa đến Trại Lao động Cưỡng bức Hắc Chủy Tử vào tháng 1 năm 2002 sau khi bị tra tấn dã man trong năm giờ liền tại Trại giam Cục Lâm nghiệp Bạch Hà. Cô còn bị tra tấn tàn bạo trong tám tháng tại nhà tù này trước khi được thả ra. Cô đã qua đời vào ngày 8 tháng 10 năm 2002.

Cô Hàn Thúy Viên

Cô Hàn Thúy Viên bị kết án bất hợp pháp bốn năm tù vào năm 1999. Cô liên tục bị tra tấn dã man bằng sốc điện từ khi cô bị đưa đến Trại Lao động Hắc Chủy Tử. Cô qua đời vào tháng 7 năm 2002.

Cô Lữ Tố Thu

Cô Lữ Tố Thu bị giam giữ bất hợp pháp tại Trại Lao động Hắc Chủy Tử trong tám tháng. Khi bị giam giữ, cô Lữ bị buộc phải đảm nhận một lượng lớn việc nặng.

Vào tháng 1 năm 2001, hai cai tù độc ác đã cố ép cô Lữ từ bỏ Pháp Luân Công và đe dọa cắt giờ nghỉ của toàn bộ thành viên trong đội. Vào tháng Tư, cô đã bị tăng cường bức hại sau khi nói với một lãnh đạo của Phòng Lao động cải tạo thuộc Ủy ban Tư pháp Quốc gia rằng cô có sức khỏe tốt là nhờ tu luyện Pháp Luân Công.

Cô Lữ đã tuyệt thực trong Ngày Lao động (ngày 1 tháng 5) để phản đối cuộc bức hại. Cô bị ép ăn súp rau cải muối với bột gạo nếp. Cô liên tục bị sốc điện vào ngực, gây tổn thương tim và chảy máu. Sức khỏe của cô xấu đi nhiều đến nỗi nhà tù phải thả cô dưới diện tại ngoại để điều trị y tế để tránh mọi trách nhiệm pháp lý nếu cô chết. Sau đó, cô đã qua đời vì bị ngược đãi trong khi bị giam giữ tại Sở Cảnh sát Cát Lâm.

Phần kết

Trại Lao động Hắc Chủy Tử hiện không còn là một trong nhiều cơ sở mà chính quyền cộng sản dùng để bức hại các học viên Pháp Luân Công nữa. Mặc dù nhiều trại lao động đã được đặt những cái tên kỳ khôi như “Trường Giáo dục Pháp luật” hay “Trung tâm Giáo dục Tư tưởng”, nhưng họ không thể che giấu tội ác tàn bạo chống lại loài người.

Cô Vương Khả Phi là một trong số 4.304 học viên Pháp Luân Công được xác nhận là bị chính quyền cộng sản bức hại đến chết. 18 năm đã trôi qua mà những đau khổ của gia đình cô vẫn chưa được giải quyết. Gia đình cô và các học viên Pháp Luân Công khác vẫn đang tiếp tục nỗ lực đưa thủ phạm ra công lý.


Bản tiếng Trung: https://www.minghui.org/mh/articles/2019/5/24/387777.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2019/5/28/177816.html

Đăng ngày 06-06-2019; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share