Bài của Chương Vận, phóng viên Minh Huệ

[MINH HUỆ 21-05-2019] Khoảng 10.000 học viên Pháp Luân Đại Pháp từ khắp nơi trên thế giới đã tập trung tại New York để tham dự hội nghị chia sẻ trải nghiệm tu luyện (Pháp hội) thường niên vào thứ Sáu, ngày 17 tháng 5 năm 2019.

Nhà sáng lập Pháp Luân Đại Pháp, Sư phụ Lý Hồng Chí, đã tham dự Pháp hội được tổ chức tại Trung tâm Barclays, Brooklyn và giảng Pháp trong gần hai giờ đồng hồ. Các học viên từ chỗ của mình ngồi đứng dậy vỗ tay nồng nhiệt hồi lâu để cảm ơn Sư phụ Lý. Vào buổi chiều, các học viên đã trao đổi thể ngộ của mình từ bài giảng của Sư phụ Lý và quá trình tu luyện cá nhân của họ.

Phối hợp với nhau

e25613501426a7f12fb1e09feeffdc83.jpg

Ông Lâm Thận Lập, một học viên từ Toronto, đã di cư từ Trung Quốc đến Canada vào năm 2002 nhờ nỗ lực giải cứu của các học viên

Ông Lâm Thận Lập, một học viên ở Toronto bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công ở Trung Quốc từ 23 năm trước và bị giam giữ nhiều lần vì đức tin của mình. Ông đã trải qua hai năm trong một trại lao động. Các học viên hải ngoại biết được tình hình của ông đã tìm kiếm sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế để giải cứu ông. Ông đến Canada vào tháng 2 năm 2002.

“Tôi nghĩ rằng các học viên bên ngoài và bên trong Trung Quốc đã phối hợp chặt chẽ với nhau”, ông Lâm nói. Trong thời gian mà nhiều học viên ở Trung Quốc bị bắt, bị giam giữ và bị tra tấn, các học viên ở hải ngoại đã làm việc cực lực trong hai thập kỷ qua để vạch trần sự tàn bạo ở Trung Quốc và đã nhận được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế. “Sư phụ Lý đã giảng về điều này trong bài giảng và tôi có thể cảm thấy làm tốt việc này thật là quan trọng bất kể chúng ta đang ở đâu”, ông Lâm nói.

Sự cộng tác và thông cảm cho nhau được thể hiện qua nhiều cách khác nhau, ông Lâm nói. Ví dụ, có một lần ông Lâm và các học viên khác đi ra ngoài để quảng bá Thần Vận bằng cách phân phát tài liệu trong khu dân cư. Do bản đồ mà họ được cung cấp không được in rõ ràng, vậy nên rất khó lái xe tìm đường. “Lúc đầu, tôi rất buồn và phàn nàn rất nhiều về những học viên đưa những tấm bản đồ đó”, ông Lâm nhớ lại.

Sau đó, ông nhớ lại rằng khi các học viên ở Trung Quốc đến các vùng nông thôn hẻo lánh để phân phát tài liệu nhằm xóa bỏ những tuyên truyền thù hận của Đảng Cộng sản, họ thường gặp phải thời tiết xấu và đôi khi lạc đường. “Trong những hoàn cảnh ấy, các học viên sẽ tin tưởng nhau và hỗ trợ cho nhau, và cầu xin Sư phụ giúp đỡ, thay vì tức giận”, ông nói. Do đó, ông nhắc nhở các học viên đi cùng ông đừng bỏ cuộc, đúng lúc đó, họ liền thấy con đường họ đang tìm kiếm ở ngay trước mặt họ.

Gia đình ba người: Coi bản thân là người tu luyện

620b8631cccef5b6afe17135e87a068a.jpg

Ông Ngô Thắng Dũng và Bà Phùng Linh, các học viên đến từ New York, đã tham dự Pháp hội ở Brooklyn với con gái của họ Emily.

Ông Ngô Thắng Dũng và bà Phùng Linh, hai vợ chồng đến từ New York, đã tham dự hội nghị với con gái của họ Emily.

Bà Phùng nói rằng Pháp Luân Đại Pháp đã dạy bà quan tâm đến người khác và tập trung vào điểm tốt của mọi người. Bà nhận ra cách hành xử ấy khiến những tình huống khó khăn trở nên dễ xử lý hơn rất nhiều. Bà cũng dạy con gái ứng xử như vậy nếu bị bạn cùng lớp bắt nạt.

“Cho dù họ là ai, có phải là học viên hay không, tôi đã học được cách cảm ơn người khác và luôn cố gắng cải thiện chính mình cho dù có chuyện gì xảy ra”, cô Phùng nói.

Ông Ngô là một nhà nghiên cứu y học, đã bắt đầu tu luyện Pháp Luân Đại Pháp vào tháng 12 năm 1997 tại Thiên Tân, Trung Quốc. “Gần đây, tôi tình cờ gặp một học viên, người đã giới thiệu Đại Pháp cho tôi khi tôi còn là người chụp X-quang ở Trung Quốc”, ông nói. “Đã 22 năm trôi qua và cuộc gặp gỡ lần gần đây này khiến tôi thấy trân trọng cơ hội tu luyện.”

Đồng hóa với nguyên lý Chân – Thiện – Nhẫn đòi hỏi sự tinh tấn và bền bỉ, ông nói.

“Sư phụ đã đề cập đến một số phương diện [tu luyện của chúng tôi] cần khắc phục và tôi thấy đúng vậy. Đặc biệt, Sư phụ đã đề cập đến một số vấn đề tồn tại giữa những học viên xuất ngoại khỏi Trung Quốc gần đây, và khi nghĩ sâu hơn, tôi nhận ra mình cũng có những vấn đề ấy. Tôi thực sự không tu luyện đầy đủ khi còn ở Trung Quốc, sau khi đến đây, đáng lẽ tôi phải bù đắp cho thời gian đó. Tôi cần phải làm tốt hơn để không làm bản thân cũng như Sư phụ thất vọng”, ông nói.

Lòng biết ơn từ Croatia

b4eaeda31eb25cf89f2ec56df70e45ac.jpg

Học viên người Croatia, ông Kristian Palacek lần đầu tiên tham dự Hội nghị Chia sẻ kinh nghiệm ở New York

Ông Kristian Palacek, một học viên đến từ Croatia, đã tu luyện Pháp Luân Đại Pháp được 16 năm. Đây là lần đầu tiên ông được trực tiếp nghe Sư phụ Lý giảng Pháp.

“Đến New York để tham dự hội nghị này là không hề dễ dàng, vì tôi đã phải giải quyết rất nhiều việc mới có thể đi được. Nhưng tôi đã đến được đây rồi và tôi rất biết ơn Sư phụ vì sự giúp đỡ của Ngài trong nhiều năm qua”, ông ấy nói.

Ông Palacek dự định tham gia một công ty truyền thông để giúp nhiều người hơn tìm hiểu về Pháp Luân Đại Pháp.

“Sư phụ đã nói về vai trò to lớn và sức mạnh cứu người của truyền thông”, ông cho biết. “Tôi muốn thực sự làm việc chăm chỉ, học tập Pháp tinh tấn và luyện công mỗi ngày, bởi vì chỉ khi tu luyện bản thân tốt, chúng ta mới có thể chứng thực Pháp tốt. Tôi phải tinh tấn, nếu không tôi sẽ không thể theo kịp.”


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2019/5/20/387534.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2019/5/21/177706.html

Đăng ngày 25-05-2019; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share