Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp tại Trung Quốc
[MINH HUỆ 15-05-2019] Mọi người nghĩ như thế nào về thế hệ Millennials (chỉ thế hệ đầu tiên lớn lên cùng các phương tiện truyền thông xã hội)? Các bạn có thấy họ là những người có trách nhiệm và đáng tin cậy không, hay họ chỉ coi bản thân là kẻ tôn thờ tiền bạc, ích kỷ, lãnh đạm? Tôi e rằng dưới con mắt của đa số người thuộc thế hệ cũ, thì thế hệ Millennials mang nhiều đặc điểm tiêu cực hơn là tích cực.
Tôi sinh ra sau thập niên 80 và thế hệ của chúng tôi sinh ra vào đúng thời kỳ thực hiện chương trình kế hoạch hóa gia đình của Trung Quốc. Nhiều người trong thế hệ của chúng tôi là con một. Mặc dù tôi không phải là con một nhưng tôi khá mạnh mẽ.
Tôi vẫn nhớ có một năm vào dịp Tết Nguyên đán của Trung Quốc: người lớn muốn chụp ảnh trẻ con. Tôi thấy em họ của tôi quàng chiếc khăn rất xinh xắn, vì vậy tôi cũng muốn có một cái. Tôi nằng nặc không chịu chụp ảnh cho đến khi tôi có được một chiếc khăn. Tôi mè nheo và khóc lóc đến khi có ai đó tìm được một chiếc khăn cho tôi.
Bức ảnh đen trắng ấy hiện vẫn đang treo trên tường ở nhà cũ của tôi. Trong ảnh, tôi đang quàng chiếc khăn với gương mặt phụng phịu.
Rồi tôi lớn lên, tìm được việc làm và kết hôn. Nói là kết hôn nhưng tôi cảm giác như mình đang hoàn thành nhiệm vụ thôi. Tôi không chấp nhận quan niệm truyền thống về hôn nhân. Tôi không coi nhà chồng như gia đình của mình và tôi cũng không coi bố mẹ chồng như bố mẹ đẻ của mình. Tôi thấy thật nực cười khi phải đối xử với bố mẹ chồng như bố mẹ đẻ.
Đối với chồng, tôi không thể đảm bảo rằng tôi sẽ ở cùng anh đến già. Tôi nghĩ rằng chúng tôi sống được cùng nhau ngày nào biết ngày đó, và nếu sự việc chẳng đi đến đâu thì chúng tôi sẽ đường ai nấy đi. Tôi có việc làm và một tài khoản ngân hàng riêng. Tôi cũng kiếm được nhiều tiền như chồng và tôi phải làm hầu hết việc nhà. Tôi không thể hình dung được việc lại phải trở thành một người vợ ngoan hiền với chồng.
Đó là quan điểm của tôi về hôn nhân khi còn trẻ. Tính tình tôi có vẻ khá dễ chịu nhưng lại có cái tôi mạnh mẽ và bướng bỉnh.
Chuyển đến sống chung với bố mẹ chồng
Chúng tôi sinh con và phải sống cùng bố mẹ chồng để họ có thể giúp chúng tôi chăm sóc con cái. Đến nay, chúng tôi đã sống với bố mẹ chồng được 5 năm.
Mẹ chồng tôi tính cách mạnh mẽ và bà luôn muốn là người định đoạt mọi việc.
Trước khi sinh con, tôi đã cố gắng tránh tiếp xúc với mẹ chồng nhiều nhất có thể. Sau đó, tôi bắt đầu tu luyện. Mặc dù Sư phụ Lý, nhà sáng lập Pháp Luân Đại Pháp, đã dạy tôi phải khoan dung, nhưng tôi sợ mình không thể hành xử tốt khi gặp mâu thuẫn với mẹ chồng. Vì vậy, tôi cố ý lảng tránh bà. Nhưng tôi không thể tiếp tục làm như vậy sau khi có con.
Hai người thuộc hai thế hệ với quan niệm và thói quen khác nhau cùng sống chung dưới một mái nhà, cộng thêm một đứa trẻ sơ sinh, do vậy mâu thuẫn là không thể tránh khỏi, giống như nước thoát ra từ một con đập cứ không ngừng chảy vậy.
Mẹ chồng tôi không thích lãng phí nước. Bà thường dùng một cái chậu để lấy nước vừa đủ để rửa mặt. Bà không tắm vòi hoa sen vì sợ lãng phí nước mà dùng chậu nước lớn để tắm. Bà cho rằng làm bắn nước lên tường sẽ rút ngắn tuổi thọ của gạch.
Khi tôi mới chuyển đến ở chung, cứ khi nào tôi vào phòng tắm, bà lại theo dõi tôi từ cửa phòng tắm. Tôi cảm thấy rất khó chịu và nghĩ bà thật hẹp hòi!
Là một học viên Pháp Luân Đại Pháp, tôi đã cố gắng hành xử theo nguyên lý Chân – Thiện – Nhẫn và tôi hướng nội để tìm thiếu sót ở bản thân khi đối mặt với mâu thuẫn. Tiết kiệm nước là điều tốt, vì vậy làm sao tôi có thể trách cứ cho bà vì tiết kiệm được? Thực tế, tôi là người vô tâm khi sử dụng nước. Khi nhận ra điều đó, tôi đã chú ý hơn trong việc sử dụng nước.
Mẹ chồng tôi thích mọi thứ phải sạch sẽ. Bà không thể chịu được khi thấy những vết bẩn trên quần áo, giường đệm.
Năm tôi chuyển đến ở chung, mẹ chồng tôi muốn giặt giũ giường chiếu trước khi Tết đến. Bà không muốn dùng máy giặt, bà nói máy giặt không làm giặt sạch được. Bà cứ giặt tay mọi thứ như vậy cả đời và giặt rất sạch. Mặc dù ga trải giường trông có vẻ sờn và bạc màu nhưng chúng rất sạch sẽ.
Tuy nhiên, bà không còn đủ sức để giặt ga trải giường bằng tay nữa, vậy nên tôi đã giặt cho bà.
Tôi phải mất nửa ngày để giặt tay tất cả ga giường. Sau đó, tôi thấy kiệt sức, bởi vì từ nhỏ đến giờ, tôi chưa bao giờ giặt tay như thế.
Sau đó, tôi nghe thấy tiếng chậu bị đập mạnh trong bếp. Tôi nghe tiếng mẹ chồng quở mắng tôi, nói rằng tôi lười biếng và rằng tôi giặt ga giường cẩu thả quá.
Tôi rất tức và muốn phân bua với bà. Sau đó, tôi nghĩ mình nên kiềm chế bản thân. Nếu không phải là người tu luyện, tôi đã cãi lại với bà rồi.
Chúng tôi thường xảy ra những mâu thuẫn như vậy nhưng dần dần tôi đã sửa đổi bản thân và cố gắng đáp ứng yêu cầu của mẹ chồng. Tuy nhiên, tôi không thể hiểu được ý muốn nuôi dạy con của bà. Hễ tôi làm việc gì, bà đều nói tôi làm không đúng.
Ví như, bà không vừa lòng về cách tôi cho con ăn và mặc. Bà nói tư thế ngủ của cháu không đúng. Bà cũng trách tôi để cháu ra ngoài khiến cháu bị ốm.
Thỉnh thoảng, khi tôi không thể chịu đựng được nữa, tôi sẽ đưa con đi và ở lại nhà mẹ đẻ. Mẹ chồng biết tôi tránh bà nên bà còn tức giận hơn.
Tôi nghĩ rằng sẽ có mâu thuẫn lớn với bà nên tốt hơn là đưa con về nhà mẹ đẻ.
Tôi muốn tranh luận với bà nhưng nó sẽ làm bà thấy khó chịu hơn. Tôi không làm gì sai cả, vậy sao mẹ chồng lại đối xử với tôi như vậy chứ? Mấy lần tôi đã bỏ về nhà mẹ đẻ và khóc nức nở.
Bất cứ khi nào tôi không thể chịu đựng được nữa và sắp nổ tung, những lời dạy của Sư phụ lại xuất hiện trong tâm trí tôi:
“Nhẫn mà uất hận, uỷ khuất, hay đẫm lệ là cái nhẫn của người thường với chấp trước vào tâm lo nghĩ, hoàn toàn không hề nảy sinh uất hận, không cảm thấy uỷ khuất thì mới là cái Nhẫn của người tu luyện.” (Thế nào là Nhẫn, Tinh Tấn Yếu Chỉ)
Sư phụ đã yêu cầu chúng ta phải hướng nội khi gặp mâu thuẫn để tìm thiếu sót ở bản thân và không đổ lỗi cho người khác.
Nhờ các nguyên lý của Đại Pháp liên tục tẩy tịnh cho tôi, tôi đã tiếp nhận chỉ trích của mẹ chồng một cách nhẹ nhàng. Mức độ nhẫn chịu của tôi cũng tăng lên và tôi có thể nhìn nhận mọi việc từ góc độ của bà. Mẹ chồng tôi đang già đi, sức khỏe không được tốt nữa và bà cũng nóng tính. Bà cũng phải chăm sóc con cho tôi và vẫn phải làm việc nhà. Tôi nên quan tâm đến bà nhiều hơn.
Tôi đã thay đổi, mẹ chồng tôi cũng vậy. Hiện giờ bà khá vui vẻ.
Chúng tôi đi tắm cùng nhau, và chúng tôi kỳ lưng cho nhau. Mọi người nghĩ rằng chúng tôi là mẹ đẻ và con gái.
Một lần, nhân viên nhà tắm hỏi: “Đây là con gái hay cháu gái của bác à? Cháu thấy bác đến đây thường xuyên.”
Mẹ chồng tôi trả lời: “Đây là con dâu tôi.” Nhân viên rất ngạc nhiên: “Bác thật may mắn khi có con dâu tốt như vậy!” Ngày nay, mẹ chồng nàng dâu ít khi nói chuyện cùng nhau huống hồ là còn đi tắm cùng nhau như thế này!“
Mẹ chồng tôi nói: “Chúng tôi sống cùng nhau. Tôi rất nóng tính và con dâu tôi rất biết thông cảm.”
Tôi thực sự thấy hổ thẹn khi nghe lời khen của nhân viên, vì tôi còn cách xa so với tiêu chuẩn của Đại Pháp. Có rất nhiều học viên đối xử tốt với mẹ chồng mặc dù họ bị ngược đãi và tôi còn ở cách họ rất xa.
Tôi biết rằng tôi đang trên con đường trở về văn hóa truyền thống và tôi sẽ cố gắng càng đi càng tốt hơn nữa.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2019/5/15/386079.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2019/5/20/177688.html
Đăng ngày 25-05-2019; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.