Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ tại tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc
[MINH HUỆ 01-5-2019] Một học viên Pháp Luân Công ở thành phố Tế Nam, tỉnh Sơn Đông bị kết án năm năm tù chỉ vì tín ngưỡng của ông vào năm 2008, khi ông 76 tuổi. Lãnh đạo nhà tù đã cho ông Vương Hồng Chương được bảo lãnh tại ngoại vào năm 2012, sau ông sinh chứng tim đập nhanh và rơi vào tình trạng nguy kịch. Viện cớ ông bị giam cầm, công ty của ông đã treo lương của ông từ năm 2014 đến năm 2016 và chỉ cung cấp cho ông trợ cấp thu nhập tối thiểu trong vòng hai năm qua.
Vì phải chăm sóc cô con gái trưởng thành bị bệnh tâm thần và tự vật lộn để kiếm sống, ông Vương phải sống trong khó khăn và tuyệt vọng sau khi ra tù. Ngày 21 tháng 1 năm 2019, khi một người bạn tới thăm ông, nhà ông tối lờ mờ và có mùi lạ trong nhà. Người bạn này đã để lại ít thức ăn cho ông và cố gắng giúp ông vui lên. Chiều cùng ngày, ông Vương bị phát hiện đã qua đời ở tuổi 87.
Cái chết của ông Vương đã khép lại nhiều năm đau khổ chỉ bởi ông giữ vững niềm tin vào Pháp Luân Công. Pháp Luân Công, hay còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một môn thiền định bao gồm các bài công pháp và nguyên lý “Chân – Thiện – Nhẫn”. Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bắt đầu đàn áp Pháp Luân Công vào tháng 7 năm 1999. Ông Vương đã bị giam nhiều lần ở trại lao động, nhà tù, hoặc các cơ sở giam giữ khác.
Ông Vương Hồng Chương, 87 tuổi, qua đời vào ngày 21 tháng 01 năm 2019
Chuyển biến cả tâm lẫn thân
Ông Vương là một kỹ sư về hưu thuộc Tập đoàn Thép Tế Nam. Ông làm việc tại đây từ khi công ty thành lập vào năm 1958. Do phải làm việc nặng nhọc lâu năm, sức khỏe của ông bị thương tổn nên ông chỉ có thể làm việc bán thời gian trong những năm 1980. Dù đã thử nhiều loại thuốc và tập hơn 10 loại khí công nhưng không có chuyển biến gì, người ông vẫn rất yếu.
Tháng 1 năm 1994, ông Vương đã tham dự khoá học chín ngày ở Tế Nam của Sư phụ Lý Hồng Chí, nhà sáng lập Pháp Luân Công. Chỉ trong vài tháng, ông đã trở nên khỏe mạnh, mái tóc bạc đã đen trở lại. Quá thuyết phục trước những thay đổi tích cực này, ông và bà nhà đã tham gia tổng cộng chín khóa học chín ngày.
Cùng với việc sức khỏe được cải thiện, ông Vương cũng làm việc chăm chỉ ở chỗ làm và không còn mâu thuẫn với đồng nghiệp nữa. Ông nghĩ đến người khác và sống rất ân cần. Ông cũng tự nguyện trở thành một phụ đạo viên ở điểm tập luyện Pháp Luân Công.
Nhiều lần bị giam vào Trại tạm giam và trại lao động cưỡng bức
Sau khi cuộc bức hại bắt đầu vào năm 1999, Tập đoàn Thép Tế Nam đã cử người ngồi trong xe đậu bên ngoài căn hộ của ông Vương để theo dõi ông hàng ngày. Điều này diễn ra mấy tháng. Sau đó, công ty ông còn thuê ba người thường xuyên giám sát ông, trong đó, một người về hưu theo dõi ông và hai người hàng xóm thì để mắt tới những người đến gặp ông.
Từ tháng 7 năm 1999 đến tháng 10 năm 2000. Ông Vương đã bị tạm giam nhiều lần. Vào tháng 10 năm 2000, ông bị giam tại Trại Lao động Lưu Trường Sơn với thời hạn ba năm.
Ông Vương bị tố giác với công an trong lúc đang phát tài liệu về Pháp Luân Công vào ngày 4 tháng 8 năm 2008. Ông bị bắt vào một trại tẩy não. Các viên chức dọa sẽ bỏ tù nếu ông không từ bỏ niềm tin của mình. Công ty ông đã trao phần thưởng trị giá 10.000 tệ cho người đã tố giác ông.
Sau khi tuyệt thực để phản đối, họ đưa ông Vương tới một bệnh viện công an, sau đó là trại tạm giam Lịch Thành một tháng sau đó. Lúc đó, phòng giam của ông rất lạnh và lính canh ra lệnh mở cửa ra vào và cửa sổ cả ngày. Ngoài ra, ông chỉ được cho ăn rất ít. Vì tù nhân ngủ chen chúc trên một giường, mà ông Vương lại bị kẹp giữa nên ông bị khó ngủ.
Tra tấn trong tù
Không cần thông báo cho gia đình hay công ty, tòa án địa phương đã bí mật mở phiên xử và kết án ông Vương năm năm tù vào tháng 12 năm 2008. Hai tháng sau, họ đưa ông Vương tới Nhà tù Tỉnh Sơn Đông, nơi lính canh xúi giục tù nhân tra tấn ông bằng việc hứa hẹn sẽ giảm án cho họ. Sau nhiều ngày bị ngược đãi, ông bị khó thở và bị ho nặng.
Ở khu 11 của nhà tù, ông Vương bị cấm nói chuyện hay tiếp xúc với bất cứ ai. Có hai tù nhân được cử để canh chừng và bắt ông ngồi trên ghế nhỏ cả ngày. Tháng 6 năm 2009, một lính canh đã đưa ông Vương sang một phòng khác để Trần Vũ Lỗi, một thành viên băng đảng tội phạm, tra tấn ông. Ngoài ra, trong phòng còn treo nhiều biểu ngữ bôi nhọ Pháp Luân Công. Khi ông Vương không nhượng bộ thì ông không được dùng nước hay đi vệ sinh và bị cấm ngủ.
Thấy ông Vương không từ bỏ tín ngưỡng của mình, tù nhân Trần đã ra lệnh cho một số tù nhân khét tiếng tra tấn ông. Ông Vương nhớ lại: “Vào lúc nửa đêm, họ kéo tôi ra khỏi giường rồi đánh tôi dữ dội. Sau đó, một người siết chặt tay tôi, trong khi một người khác vặn một cái bút giữa các ngón tay tôi, khiến da thịt rách ra. Hai chân tôi run lên vì đau đớn nhưng họ liên tục đè lên chân tôi. Sau đó, mấy người họ ghì tôi vào giường, rồi dùng một cây lau nhà đánh vào mông của tôi, trong khi những người khác dùng gậy nhỏ hơn đánh vào lòng bàn tay, lòng bàn chân và bắp chân của tôi. Kiểu tra tấn này đau đến mức tôi phải hét lên. Họ đánh tôi nhiều lần, rồi kéo lê tôi khắp sàn nhà. Sau đó, khi tôi đi vệ sinh, nước tiểu bị lẫn máu. Khi quay trở lại, tôi cũng không ngồi hay ngủ được.”
Ngày hôm sau, ông Vương tiếp tục bị đánh đập tàn bạo. Khi ông Vương cảm thấy nhịp tim đập không bình thường, ông đã yêu cầu gặp bác sỹ thì tù nhân Trần trả lời: “Chúng tôi không quan tâm dù ông có chết ở đây đi nữa. Báo cáo sẽ viết rằng ông chết vì đau tim, rồi chúng tôi sẽ đưa ông đi hỏa táng luôn.” Hai chân của ông bị sưng to như thể ông đang đi giầy cao cổ. Ông không thể ăn bằng thìa được.
Ông bị tra tấn liền năm ngày, khiến ông bị tức ngực, ngay cả thở cũng đau. Thêm nữa, ông còn bị chấn thương ở hai bên mông, quần lót của ông thấm đầy máu. Tù nhân Trần còn yêu cầu một tù nhân khác có tên Lưu Kiện tra tấn ông Vương đến chết vào đêm đó. Vì đã có một học viên bị chết, lính canh Trương Điện (Lv Zhen) không muốn xảy ra án mạng nữa nên đã ngăn tù nhân Lưu lại.
Sau đó, lính canh đã cho ông Vương đi kiểm tra sức khỏe. Tại đây, ông được phát hiện nhịp tim đập không bình thường, hai chân sưng phù và đang trong tình trạng nguy kịch. Bác sỹ yêu cầu cho ông nhập viện nhưng lãnh đạo nhà tù đã từ chối.
Ông Vương không được nhập viện cho đến ngày 4 tháng 8 năm 2009, khi ông đã rất yếu.
Sáu tháng sau, ông Vương quay lại nhà tù và tiếp tục bị các tù nhân ngược đãi. Không chỉ ông Vương, các tù nhân còn ngược đãi ông Thiệu Thừa Lạc, một học viên ở chung phòng với ông Vương. Ông Thiệu đã tuyệt thực trong bốn tháng và cân nặng chỉ còn khoảng 50kg. Bắt đầu từ tháng 6 năm 2011, một tù nhân đã cho quạt điện thổi vào người ông Vương và ông Thiệu rồi tuyên bố sẽ bật quạt đến khi họ chết. Do đó, bệnh tim của ông Vương lại tái phát và ông phải nhập viện trong bốn tháng.
Ông Vương phải nhập viện vào tháng 12 năm 2011. Nhịp tim của ông lại bất thường vào tháng 3 năm 2012 khiến ông không thể nằm hoặc ngủ.
Lãnh đạo nhà tù sợ ông Vương có thể qua đời trong lúc bị giam nên đã quyết định cho ông tại ngoại để chữa bệnh. Tuy vậy, họ vẫn ép ông ký các tuyên bố từ bỏ Pháp Luân Công. Ông Vương phản kháng bằng cách im lặng và trở về nhà vào ngày hôm sau.
Giữ lại lương hưu
Khi mới về nhà, ông Vương bị run người khiến nên không đứng vững được. Thông qua tu luyện Pháp Luân Công, ông đã dần hồi phục.
Tuy nhiên, công ty của ông liên tục sách nhiễu ông. Họ cử người tới sách nhiễu ông tại nhà và canh chừng ông 24 giờ một ngày trong một xe hơi bên ngoài khu căn hộ của ông. Việc này tiếp diễn đến khi ông mất.
Lấy cớ là vợ chồng ông Vương tu luyện Pháp Luân Công, Tập đoàn Thép Tế Nam đã cắt lương hưu của hai ông bà, vốn là hai nhân viên đã nghỉ hưu của công ty vào năm 2000. Trong khi ông Vương ở tù vào năm 2011, công ty này lại giam giữ vợ ông lần nữa.
Khi ra tù, ông Vương đến hỏi đến hỏi lương hưu thì phát hiện ra lương hưu của mình vẫn được trả thường xuyên nhưng bị ban quản lý công ty ông khấu trừ với lý do ông bị đi tù và tu luyện Pháp Luân Công.
Sau đó, ông Vương chỉ được trả 500 tệ mỗi tháng. Vào năm 2018, ông được tăng lên 1.900 tệ mỗi tháng. Vào thời điểm ông qua đời vào tháng 1 năm 2019, tổng số tiền lương bị công ty ông khấu trừ ước tính lên đến hơn 200.000 tệ.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2019/5/1/385755.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2019/5/3/176713.html
Đăng ngày 10-05-2019; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.