Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ tại tỉnh Quý Dương, Trung Quốc

[MINH HUỆ 18-02-2019] Hai công dân của thành phố Quý Dương, tỉnh Quý Châu bị kết án tù chỉ vì tu luyện Pháp Luân Công, một môn tu luyện bị chính quyền cộng sản Trung Quốc bức hại từ tháng 7 năm 1999.

Ông Chu Tiểu Triêu, một nhà đầu tư nổi tiếng trong cộng đồng cùng ông Thạch Đăng Linh, một cựu quân nhân và là tài xế của ông Chu, bị bắt đi vào ngày 7 tháng 7 năm 2017 trong lúc đang lái xe qua huyện Quý Định, cách Quý Dương khoảng 80 cây số. Họ trở thành mục tiêu bắt giữ vì công an nghi ngờ họ dùng các trạm cơ sở ảo để gửi hàng loạt tin nhắn về Pháp Luân Công.

Hai người bị thẩm vấn liên tục không ngủ trong hai ngày liên tiếp vì công an muốn họ nhận tội. Ông Chu đã tuyệt thực một tuần sau đó để phản đối vì bị ngược đãi.

Ông Chu bị kết án năm năm rưỡi và ông Thạch là năm năm tù vào ngày 18 tháng 5 năm 2018. Đơn kháng cáo của ông Chu bị từ chối vào ngày 30 tháng 9. Sau đó, cả ông và ông Thạch bị đưa tới Nhà tù Đô Quân vào ngày 11 tháng 10.

Đây không phải lần đầu ông Chu và ông Thạch bị bắt chỉ bởi tín ngưỡng của họ. Ông Thạch bị kết án năm năm tù vào năm 2001 chỉ vì nói chuyện với mọi người về Pháp Luân Công. Còn ông Chu, trước đây, cũng bị bắt nhiều lần chỉ vì tín ngưỡng của mình.

Bắt giữ

Khi công an kéo ông Chu và ông Thạch ra ngoài vào ngày 7 tháng 7 năm 2017, họ tìm thấy một số trạm phát ảo trong xe của họ, nhưng không có bằng chứng về việc hai người này sử dụng trạm cơ sở ảo để gửi tin nhắn về Pháp Luân Công.

Để có lời khai, công an đã thẩm vấn hai người trong hai ngày và không cho họ ngủ; điều này là phạm pháp. Ông Chu đã tuyệt thực một tuần để phản đối bị ngược đãi.

Đêm đó có hơn 30 công an ở Phòng Công an Huyện Quý Định, Phòng Công an Thành phố Quý Dương, Đồn Công an Bình Hải, Đội Đặc nhiệm của Cục Cảnh sát Tỉnh Quý Châu đã tới lục soát nhà bố mẹ của ông Chu và tịch thu một số túi sách về Pháp Luân Công.

Luật sư bác bỏ bằng chứng tại tòa

Ông Chu và ông Thạch xuất hiện tại tòa vào sáng ngày 25 tháng 4 năm 2018. Chỉ có ba người trong gia đình ông Chu và ông Thạch được phép tham dự phiên xử, trong khi công an đứng giả làm khán giả tại tòa.

Bản cáo trạng nêu ba công ty làm chứng cho việc ông Chu và ông Thạch đã gửi tin nhắn về Pháp Luân Công. Công ty Điện tử Trùng Khánh cáo buộc hai ông đã gửi hơn 290.000 tin nhắn đến hơn 240.000 thuê bao. Công ty Điện tử Kiềm Nam Châu cáo buộc hai ông gửi 190.000 tin nhắn được tới 190.000 thuê bao, đồng thời cho biết ba trạm cơ sở của họ có hơn 1.000 thuê bao nhận được các tin nhắn như thế này.

Luật sư đặt câu hỏi tại sao ba công ty lại đưa các số liệu khác nhau, và công tố viên họ Hứa trả lời là do cách thu thập số liệu khác nhau.

Bản cáo trạng cũng ghi rõ việc bị đơn bị bắt khi gửi tin nhắn tại ba địa điểm khác nhau vào lúc 2 giờ 45 sáng ngày 7 tháng 7 năm 2017. Luật sư hỏi làm sao hai bị cáo có thể xuất hiện cùng lúc ở ba địa điểm khác nhau. Luật sư còn chỉ ra thân chủ của họ bị bắt lúc 2 giờ 30 chiều hôm đó nên họ không thể nào gửi tin nhắn trong lúc bị công an giam cầm.

Công tố viên Hứa im lặng. Sau đó, bà ta cho gọi hai nhân chứng là Ngô Hân và La Chấn Sơn (cả hai đều là nhân viên kỹ thuật của Cục Vô tuyến Kiềm Nam Châu). Hai nhân chứng này xác nhận họ là người đã tố giác ông Chu và ông Thạch với công an sau khi phát hiện hai người gửi tin nhắn về Pháp Luân Công. Diêu Phong, đồn phó Đồn Công an Huyện Quý Định ngay sau đó đã ra lệnh bắt ông Chu và ông Thạch.

Tuy nhiên, cả hai nhân chứng Ngô Hân và La Chấn Sơn đều không giải thích được họ phát hiện ông Thạch và ông Chu gửi tin nhắn bằng cách nào.

Công tố viên cáo buộc tổng cộng có năm người nhận được tin nhắn về Pháp Luân Công đã chụp ảnh tin nhắn. Luật sư biện hộ cho rằng theo luật thì mỗi bằng chứng truy tố phải có hai nhân chứng. Tuy nhiên, cả năm bức ảnh lại đều của cùng một nhân chứng.

Vì thế, cả luật sư và thân chủ của ông đều yêu cầu bằng chứng truy tố phải được một bên thứ ba xác minh, nhưng thẩm phán La đã từ chối. Ông ta tuyên án tù cho cả ông Chu và ông Thạch vào ngày 18 tháng 5 năm 2018. Ông Chu đã kháng cáo và tuyệt thực để phản đối.

Giữ nguyên bản án

17 ngày sau khi ông Chu tuyệt thực, ông được tới bệnh viện để kiểm tra. Tại bệnh viện, bác sỹ rất ngạc nhiên khi thấy ông Chu vẫn khỏe mạnh và từ chối bức thực ông.

Sau đó, lính canh ở trại tạm giam đã chuyển ông Chu tới “trung tâm y tế bắt buộc” để xử lý chứng ‘chán ăn’ của ông Chu và dùng liệu pháp điện để ngược đãi ông, khiến ông bị ngất xỉu và biến chứng phức tạp mà đến nay vẫn chưa hồi phục được. Sau đó, ông được biết rằng có nhiều người đã mất mạng sau khi bị điều trị bằng liệu pháp điện lần thứ hai.

Tòa phúc thẩm địa phương ngày 30 tháng 9 năm 2018 vẫn giữ nguyên bản án ban đầu. Ông Chu và ông Thạch bị đưa tới Nhà tù Đô Quân vào ngày 11 tháng 10.

Cha mẹ ông Chu được vào thăm ông sau khi nhà tù xác định được họ không phải học viên Pháp Luân Công.

Một doanh nhân xuất chúng

Sau khi ông Chu tốt nghiệp Đại học Tài chính Kinh tế Thiên Tân, ông trở thành giảng viên Đại học Ngoại thương Thành phố Tuân Nghĩa Tỉnh Quý Châu, nơi ông được đề cử là cán bộ tiêu biểu trong ba năm liền.

Năm 2001, ông Chu bị bắt và kết án một năm rưỡi lao động cưỡng bức sau khi ông tới Bắc Kinh để thỉnh nguyện. Ông được trở lại làm việc vào năm 2003 khi được tự do nhưng buộc phải nghỉ việc vào năm 2004, sau khi công an liên tục sách nhiễu ông. Sau đó, ông Chu làm việc tại Công ty Phần mềm Yonyou vào năm 2005.

Ông Chu là giám đốc của hai công ty do ông thành lập vào năm 2006. Để quảng bá văn hóa Trung Hoa truyền thống, ông Chu đã xây dựng một website về văn hóa vào năm 2010. Ông cũng phát triển một phần mềm cho chính quyền thành phố Quý Dương vào năm 2011.

Tuy nhiên, từ năm 2008 đến năm 2013, công an đã cử hai điệp viên tới công ty của ông để ăn cắp các bí mật kinh doanh, khiến cho ông ty của ông bị tổn thất tài chính nặng nề trong một thời gian.

Vào tháng 11 năm 2016, ông Chu đại diện cho một nhóm các nhà đầu tư công nghệ xuất sắc tới Mỹ để đào tạo. Khi ông bị bắt vào tháng 7 năm 2017, nhiều dự án ông tham gia không thể tiến triển, gây ra tổn thất tài chính cho địa phương.

Báo cáo liên quan:

Hai cư dân Quý Châu vẫn bị giam giữ sau hơn năm tháng bắt giữ

诉方证据均被驳倒 贵州周小朝石登灵仍遭诬判 (bản tiếng Hán)


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2019/2/18/382900.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2019/3/8/176081.html

Đăng ngày 16-03-2019; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share