[MINH HUỆ 15-12-2018] Tiếp theo Phần 7
Sư phụ Lý Hồng Chí, Nhà sáng lập Pháp Luân Đại Pháp (cũng được gọi là Pháp Luân Công) giảng:
“Trong toàn bộ quá trình truyền Pháp, truyền công tôi có bổn ý là có trách nhiệm với xã hội, có trách nhiệm với học viên; hiệu quả thu được thật tốt, ảnh hưởng đến toàn xã hội cũng rất tốt.” (Chuyển Pháp Luân)
Mỗi học viên Pháp Luân Đại Pháp đều được thụ ích cả thân lẫn tâm từ môn tu luyện cổ xưa này. Những người tu luyện pháp môn này đều có một thân thể khỏe mạnh và lối suy nghĩ tích cực. Nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn được dạy trong pháp môn này khiến người tu luyện trở thành những người tốt hơn trong xã hội.
Những chia sẻ dưới đây nói về những người có cuộc sống thay đổi tốt hơn sau khi họ tu luyện Pháp Luân Đại Pháp. Chúng tôi hy vọng rằng những câu chuyện sau đây sẽ giúp ích cho các bạn đọc và giúp mọi người hiểu tốt hơn về môn tu luyện này.
Đại gia đình tìm lại được bình yên và hạnh phúc
Gia đình họ Vương sống ở huyện Nông An, tỉnh Cát Lâm, có ba con trai và ba con gái. Vào những năm 80 của thế kỷ trước, ba người con trai đã tranh chấp khi phân chia đất đai của gia đình, oán hận chất chứa. Các gia đình nhỏ tuyệt giao với nhau và con cái của họ cũng không dám chơi với nhau dù rằng họ sống ngay bên cạnh nhau.
Năm 1996, người con trai thứ, Vương Khải Ba, bị một khối xi măng nặng rơi vào chân. Anh bị gãy xương và nằm liệt giường hơn một tháng. Một người thân đến thăm và chia sẻ về việc sức khỏe của bà đã cải thiện ra sao khi tu luyện Pháp Luân Đại Pháp. Vương Khải Ba đã rất kinh ngạc khi nghe câu chuyện đó và nhanh chóng bắt đầu học luyện Pháp Luân Đại Pháp.
Chấn thương ở chân của anh nhanh chóng hồi phục, không có lưu lại bất kỳ di chứng gì, và quan trọng hơn cả, Pháp Luân Đại Pháp giúp anh hiểu về ý nghĩa của sinh mệnh. Bất tri bất giác, Pháp lý “Chân-Thiện-Nhẫn” của Đại Pháp đã bén rễ trong tâm anh. Tính nóng nảy của anh đã biến mất và anh trở thành một người tốt hơn. Anh không còn oán hận và gián cách với các anh em của mình nữa. Ba anh em họ trở nên thân mật và cười cười nói nói như xưa.
Vợ của anh Vương Khải Ba, cô Tôn Sỹ Anh, đã chứng kiến những cải biến của chồng, trong tâm vô cùng xúc động và cũng bắt đầu học Pháp Luân Đại Pháp. Những bệnh kinh niên của cô như loét tá tràng, viêm dạ dày và dị ứng đều đã biến mất. Cô trở nên hạnh phúc hơn. Cả con trai và gái của họ cũng bắt đầu học Pháp Luân Đại Pháp cùng cha mẹ.
Em dâu của anh Vương Khải Ba, cô Dương Thục Mai (vợ của người em trai Vương Khải Học), rất hiếu kỳ muốn biết điều gì đã khiến cho vợ chồng anh rể Vương Khải Ba thay đổi như vậy. Sự hiếu kỳ đã thúc đẩy cô học Pháp Luân Đại Pháp vào tháng 12 năm 1998. Bệnh đau bao tử, bệnh phụ khoa nặng, viêm vùng chậu và xói mòn cổ tử cung của cô đều khỏi. Trước kia, trong nhiều năm, cô Dương phải uống thuốc Trung y mỗi ngày và đôn đáo khắp nơi tìm kiếm các phương pháp trị bệnh nhưng đều không khỏi.
Chồng cô, anh Vương Khải Học, thì nghiện chơi mạt chượt và không thể kiềm chế bản thân. Anh chẳng thèm quan tâm đến gia đình và thường xuyên ra ngoài thâu đêm. Có lần anh ấy bị phạt và tạm giữ nhưng vẫn không bỏ được thói xấu đó.
Chứng kiến sự thay đổi của anh trai và vợ mình, Vương Khải Học cũng bắt đầu luyện Pháp Luân Đại Pháp vào tháng 2 năm 1999. Chứng loãng xương đầu gối vốn đã hành hạ anh nhiều năm đã được chữa lành chỉ trong vài ngày ngắn ngủi. Sau khi đọc sách Chuyển Pháp Luân, anh muốn trở thành một người tốt hơn và quyết tâm bỏ chơi mạt chượt. Thần kỳ thay, chỉ với một niệm đó, anh đã hoàn toàn không còn hứng thú với mạt chượt và không bao giờ chơi nó nữa.
Một trong những người chị của anh ấy là Vương Khải Văn cũng bước vào tu luyện. Chứng bệnh loạn thần kinh của cô hoàn toàn khỏi sau khi cô bắt đầu học luyện Đại Pháp.
Mẹ của họ, bà Hạ Đức Vân, luôn cảm thấy khổ tâm khi ba con trai của bà bất hòa với nhau. Bà luôn tự hỏi vì sao đại gia đình của bà không thể sống hòa thuận. Bởi việc nhà và đồng áng nặng nhọc trong nhiều năm nên bà bị bệnh tăng sản xương nghiêm trọng, viêm mạch máu cùng với những cơn đau đầu nặng khiến bà phải uống thuốc giảm đau mỗi ngày. Tuy nhiên, sau khi hai con trai và con dâu bắt đầu tu luyện Pháp Luân Đại Pháp, hạnh phúc đã quay trở lại với gia đình bà.
Vào tháng 3 năm 1999, khi bà sắp phải làm phẫu thuật, con dâu Dương Thục Mai đã thuyết phục bà học luyện Pháp Luân Đại Pháp. Kỳ diệu thay, tình trạng của bà thay đổi ngay sau khi bà vừa mới luyện công và bà không cần phẫu thuật nữa. Tất cả bệnh tật của bà đều nhanh chóng biến mất. Kể từ đó, bà không bao giờ cần dùng đến thuốc men nữa. Giờ đây bà đã gần 90 tuổi và vẫn rất khỏe mạnh.
Toàn thể gia đình vô cùng cảm tạ Pháp Luân Đại Pháp đã đem đến cho họ một gia đình hạnh phúc như vậy. Nhưng đáng buồn thay, họ đã không thể thoát khỏi cuộc đàn áp bắt đầu từ tháng 7 năm 1999. Vài thành viên của gia đình đã bị giam giữ nhiều lần và tra tấn vì kiên định đức tin của họ. Anh Vương Khải Ba đã bị tra tấn đến chết trong tù vào ngày 28 tháng 3 năm 2007, ở tuổi 47.
Tìm được hy vọng
Bà Hàn Trọng Thúy, 58 tuổi, là nhân viên văn thư của ủy ban khu phố nơi bà cư trú ở thành phố Lan Châu, tỉnh Cam Túc.
Con gái đầu lòng của bà sinh năm 1986 bị bệnh tắc ruột. Dù thu nhập hạn hẹp nhưng vợ chồng bà Hàn vẫn cố gắng cho con phẫu thuật ngay sau khi bé chào đời. Dù vậy, bé vẫn bất hạnh chết yểu vào năm 1988 lúc bà Hàn đang mang thai một bé trai.
Khi con trai của họ mới được tám tháng tuổi, chồng bà ngoại tình. Để có thể giữ được danh dự và công việc trong quân đội, chồng bà Hàn đã cầu xin bà tha thứ. Suy nghĩ cho con trai còn nhỏ, bà quyết định tha thứ cho chồng và tiếp tục cuộc hôn nhân đó.
Khi sinh đứa con thứ hai, chồng bà không những không chăm sóc cho bà mà còn không đưa tiền để bà trang trải sinh hoạt. Bà đã rất chật vật để chăm đứa con mới sinh và làm việc kiếm sống nên sức khỏe suy giảm nhanh chóng. Bà bắt đầu bị thoái hóa đốt sống cổ, thấp tim, và thấp khớp.
Đứa con trai nhỏ của bà bị sinh non và chậm phát triển. Cậu bé không thể nói hay tự ăn và đến bảy tám tuổi vẫn chưa đi vững. Khi con trai lớn hơn, bà Hàn càng phải để mắt nhiều hơn tới cậu, bởi nếu không thì có khi cậu ta sẽ nghịch phân của mình hoặc chạy loạn khắp nơi. Chồng bà thờ ơ lãnh đạm nên bà đành phải nhờ mẹ đẻ trông giùm con trai khi bà đi làm.
Bà Hàn luôn mơ ước có được thân thể khỏe mạnh và đứa con trai nhỏ của mình được bình thường. Bà lên miếu dâng hương cầu nguyện, bái thần, và cũng thử luyện qua đủ loại khí công,…. Nhưng không có tác dụng gì.
Sau đó bà vô tình có được một cuốn sách Chuyển Pháp Luân, giống như trước đây bà cũng nghĩ thử luyện xem sao. Tuy nhiên, sau một vài tháng học luyện Pháp Luân Đại Pháp, tất cả bệnh tật của bà đều khỏi. Tình trạng của con bà cũng được cải thiện. Cậu bé bắt đầu có thể nói những câu thoại ngắn với bà, thậm chí còn biết giật nước nhà vệ sinh sau khi sử dụng. Cậu bé bắt đầu biết đi đứng cẩn thận và biết cách tránh xe hơi và băng qua đường an toàn. Là một người mẹ, bà Hàn vô cùng hạnh phúc trước sự tiến triển của con.
Bà quyết tâm kiên định tu luyện Đại Pháp và bắt đầu sống một cuộc sống hạnh phúc. Tuy nhiên, bà Hàn đã bị tuyên án phi pháp ba năm tù vào năm 2012 vì từ chối từ bỏ đức tin của mình.
Từ một người nghiện rượu nặng trở nên tỉnh táo
Ông Bào Gia Mẫn, 61 tuổi, là một nông dân ở vùng Nhũ Sơn của tỉnh Sơn Đông. Ông bị viêm đại tràng từ khi còn trẻ. Ông phải uống thuốc mỗi ngày và chỉ nặng 58 kg mặc dù ông cao đến 1,8 m.
Một bác sỹ Trung y bảo ông nên uống một chút rượu trắng mỗi ngày để trợ giúp tiêu hóa. Tuy nhiên, bệnh viêm đại tràng thì chẳng hết mà ông lại trở nên nghiện rượu, dần dần ông uống tăng lên thành vài trăm ml rượu trắng mỗi bữa ăn. Càng ngày nghiện càng nặng và nhiều lần sau khi uống, ông còn đi đánh bạc. Ông cũng nghiện thuốc lá nặng, mỗi ngày hút đến hai hộp thuốc.
Chứng nghiện rượu cũng khiến ông vài lần bị tai nạn. Một lần xe đạp của ông tông vào một chiếc xe máy. Cú va chạm khiến ông bất tỉnh với mặt mày be bét máu và chấn thương đầu. Khi còn chưa hồi phục, ông đã uống rượu tiếp, rồi ông bị té ngã trong sân và gãy xương sườn. Một lần khác ông uống rượu say và trượt ngã khiến xương cổ tay bị gãy.
Từ đó, ông hạ quyết tâm bỏ rượu, nhưng nói lúc nào cũng dễ hơn làm, căn bản là ông vẫn không bỏ được. Vợ ông đã cầu xin ông bỏ rượu, và dù ông thật sự muốn bỏ, nhưng ông không thể tự chủ.
Năm 1998, vợ ông bắt đầu tu luyện Pháp Luân Đại Pháp. Bà đi luyện công tập thể mỗi sáng thậm chí cả vào mùa đông. Ông Bào không tin vào công năng chữa bệnh khỏe người của Pháp Luân Đại Pháp nên đã cố ngăn bà đi luyện công trong suốt mùa đông. Tuy nhiên, ông nhận thấy bệnh tật hành hạ vợ mình bao nhiêu năm đã hoàn toàn khỏi chỉ sau vài tháng luyện công. Bà bảo ông rằng Đại Pháp có thể giúp ông cai bỏ rượu và thuốc lá. Lúc đó ông đã quá tuyệt vọng nên quyết định thử một luyện xem thế nào.
Ông Bào bắt đầu tu luyện Đại Pháp từ tháng 5 năm 1999. Ông nghiêm khắc yêu cầu bản thân chiểu theo các Pháp lý Chân-Thiện-Nhẫn của Pháp Luân Đại Pháp, tinh tấn trong tu luyện và trở thành người có trách nhiệm. Ông đã cai bỏ thành công rượu và thuốc lá, chứng viêm đại tràng của ông cũng khỏi một cách thần kỳ.
Hiện ông rất chịu khó và cũng chăm lo chu đáo cho gia đình. Đại Pháp đã cứu ông và đem hạnh phúc đến cho gia đình ông.
* * *
Pháp Luân Công, còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là Đại Pháp tu luyện Phật gia thượng thừa, được Sư phụ Lý Hồng Chí truyền xuất ra công chúng vào năm 1992, lấy đặc tính tối cao của Vũ trụ “Chân-Thiện-Nhẫn” làm nguyên tắc chỉ đạo người tu luyện, với năm bài công pháp giản đơn, đẹp mắt phụ trợ, có thể giúp người tu luyện chỉ trong một thời gian ngắn tâm thân tịnh hóa, đạo đức hồi thăng.
Theo thống kê của Chính phủ Trung Quốc, có khoảng 100 triệu người đang tu luyện Pháp Luân Công trước khi Trung Cộng đàn áp pháp môn tu luyện này vào năm 1999.
Trong gần 20 năm bị Trung Cộng bức hại mọi mặt, Pháp Luân Công không hề bị Trung Cộng xóa sổ, ngược lại, còn truyền rộng ở hơn 100 quốc gia và địa khu trên thế giới. Cuốn sách “Chuyển Pháp Luân” đã được phiên dịch sang 39 thứ tiếng. Ngày nay, ở nhiều quốc gia và địa khu trên thế giới, đều có điểm luyện công của Pháp Luân Công, cũng có thể nhìn thấy các học viên luyện công tập thể, hoằng dương vẻ đẹp của Pháp Luân Công.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2018/12/15/378423.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2018/12/28/173790.html
Đăng ngày 12-03-2019; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.