[MINH HUỆ 23-1-2019] Kính chào Sư phụ tôn kính! Xin chào các đồng tu!

Tôi bước vào tu luyện Pháp Luân Đại Pháp vào năm 2011, cách đây 7 năm. Kể từ đó, tôi đã có nhiều trải nghiệm. Có những lúc tôi tu luyện tinh tấn, nhưng cũng có lúc không. Tôi dễ dàng vượt qua một số khảo nghiệm tâm tính nhưng cũng có lúc gặp nhiều khó khăn khi vượt quan. Tôi muốn chia sẻ với các đồng tu về một số trải nghiệm và cách tôi buông bỏ chấp trước vào lợi ích cá nhân.

Thuở nhỏ, gia đình tôi nghèo khó. Vì vậy, tôi hầu như không có tiền mua bánh kẹo hay quần áo. Tôi biết rằng mình phải tiết kiệm. Khi thu nhập của cha tôi tăng lên, và gia đình tôi ngày càng khá giả hơn, tôi vẫn rất tằn tiện. Có nhiều lúc tôi đi đến cực đoan, ngay cả khi tôi có tiền, tôi cũng không chi tiêu gì cả. Sau khi tôi bước vào tu luyện, chấp trước về bảo vệ lợi ích bản thân càng trở nên nổi cộm.

Những khảo nghiệm về vé tàu và chỗ ăn ở

Gần đây, tôi phải đối mặt với khảo nghiệm đặc biệt liên quan tới chấp trước vào lợi ích cá nhân. Tôi quyết định tới Ludwigsburg để trợ giúp công tác chuẩn bị cho Shen Yun, vì vậy, tôi xem lịch trình tàu và xe buýt. Vé rẻ nhất lúc bấy giờ cũng đắt hơn vé mà tôi vẫn thường mua.

Chấp trước đó khiến tôi do dự về chuyến đi. Tôi nhận ra niệm đầu đó dựa trên những quan niệm người thường, và làm tôi lo lắng. Tôi tự nhủ: “Tại sao mình lại không muốn đến đó, có phải vì vé đắt không? Mình sẽ không cứu chúng sinh nữa chỉ vì giá vé hay sao ? Điều đó thể hiện rõ ràng rằng mình đang bám lấy chấp trước vào lợi ích cá nhân. Ngoài ra, điều đó cũng có nghĩa là mình ôm giữ tâm được an nhàn thoải mái.” Sau đó, tôi tự hỏi mình rằng liệu tôi có nên mua vé, và tôi cần phải quyết định.

Đây không phải là lần đầu tiên Sư phụ điểm hóa cho tôi về chấp trước mạnh mẽ vào lợi ích cá nhân. Chồng tôi, cũng là một học viên, đã nhiều lần chỉ cho tôi vấn đề này.

Không lâu trước khi tôi trải qua khảo nghiệm này, tôi đã đọc một truyện cổ tích của phương Tây. Trong diễn biến của câu chuyện, nhân vật chính của câu chuyện đã bị lừa dối một vài lần trên đường về nhà. Bất cứ thứ gì anh nhận được đều không giá trị bằng những thứ anh đổi đi. Cuối cùng, anh đã mất tất cả. Tuy vậy, anh vẫn vui và không hề căng thẳng.

Sau khi đọc câu chuyện này, tôi cảm thấy thật xấu hổ. Mặc dù tôi đã tu luyện được vài năm, nhưng tôi vẫn bị các chấp trước vào lợi ích cá nhân ngăn trở, và vẫn ôm chặt lấy nhiều thứ trong thế giới này.

Khi tôi chú tâm vào chủ đề đó, tôi nhận ra rằng những lo lắng, chẳng hạn như về việc mua vé, là khảo nghiệm dành cho tôi để tôi tống khứ chấp trước [vào lợi ích cá nhân]. Tôi quyết định sẽ mua vé. Tuy vậy, sau đó tôi lại gặp nhiều khảo nghiệm về chấp trước này.

Những vấn đề về chỗ trọ

Trước khi rời nhà, tôi đã liên hệ với một học viên địa phương, và được thông báo rằng tôi sẽ ở cùng với một học viên phương Tây. Tôi liên hệ với cô ấy và được biết rằng những ngày đó không phù hợp với cô. Sau đó, tôi được báo sẽ ở cùng một học viên khác, Alice, cô ấy nói với tôi rằng mọi việc sẽ ổn thôi. Tuy vậy, cô ấy lại không sống ở Stuttgart.

Tôi kiểm tra làm thế nào để tới chỗ cô ấy và nhận ra rằng tôi cần thêm bốn vé nữa, với chi phí khoảng từ 20 tới 30 euro. Đó quả là một gánh nặng tài chính. Cô ấy gợi ý tôi ở cùng với một học viên ở Stuttgart. Tôi suy nghĩ về điều này và nói rằng tôi sẽ hỏi ý kiến cô.

Tôi dành thời gian để gọi điện cho một học viên khác, bởi vì tôi cần biết tại sao tôi lại được thông báo rằng sẽ ở cùng một học viên mà người này lại sống ở vùng ngoại ô. Tôi biết tôi không nên phàn nàn mà phải hợp tác và không được gây rắc rối cho người khác.

Tôi tự nhủ: “Mình có [thật sự ] muốn hỏi các học viên khác [về điều này không]? Họ hầu hết đều bận rộn và có khách sẽ tạo vấn đề cho họ. Tôi chỉ cần một chiếc giường cho hai đêm, như vậy cũng không đến nỗi đắt. Các học viên cần phối hợp với các học viên khác. Vậy có nghĩa rằng mình cần phải phối hợp.”

Với quan điểm này, tôi chấp nhận sự sắp xếp đó và tống khứ tâm truy cầu về lợi ích bản thân. Tôi bật khóc, rồi mỉm cười và nhắc nhở bản thân rằng nhẫn chịu là một phần của tu luyện.

Sau đó, tôi nhận được cuộc gọi từ học viên chịu trách nhiệm sắp xếp chỗ ở. Anh ấy giải thích rằng tại sao phương án đầu tiên là tốt nhất. Mặc dù Alice không sống ở Stuttgart nhưng chuyến tàu của tôi sẽ đi qua nơi cô ấy sống. Tôi xúc động và cảm thấy bối rối vì đã tạo ra khó khăn, tôi cám ơn anh ấy hết lần này đến lần khác.

Tôi cảm thấy nhẹ nhõm khi tôi quyết định sẽ ở cùng với Alice. Dù tôi phải mua thêm vé vì một số lý do khác, nhưng tim tôi không còn dao động nữa.

Sự cố nhỡ tàu

Khi tôi đang trên đường, chấp trước vào lợi ích cá nhân của tôi lại được khảo nghiệm một lần nữa.

Tôi sắp xếp gặp Alice tại Nhà ga Trung tâm Stuttgart và tiếp tục cuộc hành trình cùng nhau. Chúng tôi trao đổi với nhau qua điện thoại trước khi tôi đến. Để tiết kiệm thời gian, tôi đã nhờ Alice mua giúp tôi một vé, để chúng tôi có thể bắt kịp chuyến tàu sớm.

Tôi nhận ra có điều gì đó không đúng nhưng tôi không thể tìm ra đó là điều gì. Có thể tôi không nên sắp xếp như vậy.

Khi tới sân ga, tôi không thấy Alice đâu cả. Ngay trước khi tàu rời đi, cô ấy gọi cho tôi và bảo tôi lên tàu, và tôi đã lên chuyến tàu đó. Một lát sau, tôi trông thấy cô ấy chạy về phía đoàn tàu, nhưng cô ấy không thể mở cửa, và sau đó đoàn tàu rời đi.

Tôi lặng đi không nói được gì, cảm thấy như không còn sức lực và lo lắng bởi vì tàu đã khởi hành và tôi không có vé. Tôi không thể mua vé trên tàu. Tôi sẽ gặp rắc rối khi người soát vé kiểm tra vé của tôi. Rồi tôi nghĩ rằng tôi nên xuống và bắt chuyến tàu kế tiếp.

Sau đó, Alice gọi điện cho tôi và nói rằng chuyến tàu tiếp theo khởi hành trong nửa giờ nữa. Chúng tôi đồng ý sẽ gặp nhau trên chuyến tàu đó.

Tôi nhận ra rằng tôi luôn nhờ người khác giúp đỡ. Nếu tôi không nhờ Alice mua vé giúp tôi, mọi việc sẽ dễ dàng hơn. Cho dù chúng tôi có lỡ chuyến tàu đó, nhưng luôn có một chuyến khác. Tôi nên tự bắt tàu tới thị trấn nơi cô ấy ở, bởi vì tôi đã sống ở Đức một thời gian và đã quen với tiếng Đức.

Sau đó, tôi nghĩ tới việc mua vé, như thế tôi sẽ không phải tìm cô ấy trên tàu và gọi điện qua lại nữa. Tôi tự nhủ nếu tôi không chịu mua một vé khác, thì đó chẳng phải chấp trước vào lợi ích của tôi sao. Ngay lúc ấy, tôi cũng cảm nhận được Alice thật từ bi khi cô đã đồng ý với yêu cầu của tôi.

Ngay khi bình tĩnh lại, tôi quyết định tống khứ tâm chấp trước vào lợi ích của mình. Tôi gửi tin nhắn cho Alice rằng tôi sẽ mua vé khác và sẽ gặp cô ấy tại thị trấn nơi cô ấy sinh sống. Tôi cảm thấy thật nhẹ nhõm. Mọi việc đều diễn ra suôn sẻ. Tôi trả tiền vé cho cô ấy, mặc dù cô ấy từ chối nhận tiền của tôi. Vì tôi là người cần vé, do vậy tôi phải trả tiền mua.

Tối hôm đó, người học viên thu xếp chỗ ở gọi cho tôi và báo với tôi rằng tôi có thể ở với người học viên ở Stuttgart vào tối hôm sau. Điều này sẽ tiết kiệm thời gian và tiền bạc. Sư phụ giúp tôi cắt giảm chi phí bời vì tôi đã tống khứ được chấp trước của mình.

Coi nhẹ lợi ích cá nhân

Chồng tôi tiếp quản một cửa hàng bán đồ ăn Châu Á với sự hỗ trợ tài chính từ mẹ anh ấy đã được khoảng hai năm. Ban đầu, tôi không giúp được gì nhiều. Nhưng sau đó, tôi phải hỗ trợ anh bởi vì tài chính của chúng tôi hạn hẹp và không thể thuê người. Hiện giờ, chúng tôi thay phiên nhau quản lý cửa hàng này.

Tôi không có nhiều kinh nghiệm làm bất cứ việc gì vì tôi chỉ làm việc bán thời gian và không thường xuyên. Khi một người đi làm thuê, tiền lương [nhận được] thường cố định. Tuy nhiên, khi sở hữu một doanh nghiệp thì người ta sẽ thấy được doanh thu hàng ngày.

Thời kỳ đầu, những quan niệm người thường của tôi xuất hiện. Khi doanh thu cao, tôi vui mừng quá đỗi, nhưng khi doanh thu thấp thì tôi lại thất vọng, buồn bã và lo lắng. Khi hạn dùng của hàng hóa hết hạn, tôi cũng lo lắng, v.v..

Tôi nhận ra rằng tôi đã có chấp trước mạnh mẽ vào cửa hàng này. Khi tôi học Pháp hoặc phát chính niệm, tôi không thể tĩnh lại được, và lại nghĩ về cửa hàng. Rất nhiều lần tôi bị can nhiễu bởi điều đó. Trong những lúc như thế, tôi trở nên tức giận và không muốn trông coi cửa hàng này nữa. Tôi đã quá bị phụ thuộc như thể tôi bị gắn chặt vào nơi này vậy, khiến tôi không thể dễ dàng ra ngoài giảng chân tướng về Đại Pháp và cuộc bức hại như trước.

Sau đó, Sự phụ đã điểm hóa thông qua chồng tôi rằng đó không phải do nghề nghiệp, mà là nội tâm của tôi có vấn đề.

Sư phụ giảng,

“Trong các giao tiếp xã hội, sẽ gặp các dạng các loại mâu thuẫn. Bộ phận tu luyện [tại] người thường chúng ta, bất kể chư vị có bao nhiêu tiền, làm quan [chức] to đến mấy, chư vị làm kinh doanh cá thể, mở công ty, làm doanh nghiệp gì đi nữa, thì cũng không hề gì; [hãy] giao dịch công bằng, giữ tâm cho chính. Các ngành nghề trong xã hội nhân loại đều nên tồn tại; ấy là do nhân tâm không chính, chứ không phải do làm nghề gì. Có câu thuyết trong quá khứ, kiểu như: “mười người buôn chín kẻ gian”; ấy là người thường nói thế; tôi nói rằng đây là vấn đề ‘nhân tâm’. Nếu nhân tâm được giữ cho chính, giao dịch công bằng, [thì] chư vị phó xuất nhiều đến đâu sẽ nên kiếm được tiền nhiều đến đó; ấy là vì ở nơi người thường chư vị phải phó xuất rồi mới được, ‘bất thất bất đắc’, [đây là] cái được nhờ lao động. Mỗi giai tầng đều có thể làm người tốt, các giai tầng khác nhau có tồn tại các mâu thuẫn khác nhau. Giai tầng cao có hình thức mâu thuẫn của giai tầng cao, đều có thể đối xử thích hợp với các mâu thuẫn; tại giai tầng nào cũng làm người tốt, đều có thể coi nhẹ các chủng dục vọng, [và] tâm chấp trước. Tại các giai tầng khác nhau đều có thể thể hiện là người tốt; đều có thể tu luyện ngay tại giai tầng của mình.” (Bài giảng thứ tư,Chuyển Pháp Luân)

Pháp của Sư phụ dạy tôi rằng tôi không nên suy nghĩ như vậy, bởi vì như thế có nghĩa là hướng ngoại mà tìm thay vì hướng nội. Vấn đề xuất hiện không phải do công việc mà là vì nội tâm của tôi. Tôi nên coi những thứ đó thật nhẹ.

Dù sao thì cửa hàng cũng là nơi để giảng chân tướng, bởi vì chúng tôi có thể phát tờ rơi và báo giảng chân tướng để khách hàng mang đi. Chúng tôi không ngần ngại giảng chân tướng cho mọi người về Đại Pháp khi có cơ hội. Chúng tôi học Pháp tại đó và thay phiên nhau quản lý cửa hàng. Khi người này ở cửa hàng thì người kia có thể dành thời gian cho các hạng mục khác hay tham gia các hoạt động khác.

Chồng tôi liên tục nhắc nhở tôi rằng thu nhập của chúng tôi phụ thuộc vào đức hạnh của chúng tôi. Thu nhập của chúng tôi tăng lên và chúng tôi kiếm đủ tiền để duy trì cuộc sống. Cùng thời gian đó chúng tôi có thể giảng chân tướng. Điều thú vị là công việc kinh doanh của chúng tôi sẽ rất tốt khi chúng tôi bước ra giảng chân tướng về Đại Pháp. Ngược lại, công việc kinh doanh của chúng tôi thường giảm sút khi chúng tôi quá tập trung vào công việc của mình.

Sư phụ nói về những người làm kinh doanh ở Châu Âu trong bài giảng của Ngài:

“Về điểm này, người da trắng châu Âu làm ăn tôi thấy rằng tâm thái của họ vô cùng tốt. Họ coi nó như một sự nghiệp, một công việc, tận tâm tận lực mà làm. Một ngày dù cho chỉ có một khách hàng, họ cũng không chê ít, họ cho rằng đây là công việc của họ, đây chính là một phần trong cuộc sống con người, đang làm một sự việc, có thể duy trì cuộc sống, có một chút tích lũy là được. Đây là trạng thái của con người. Người ta hiện nay tư tưởng muốn phát tài nhanh chóng mạnh mẽ vô cùng, chính là vì tư tưởng chỉ đạo này, mà con người hiện nay đều đang làm hại lẫn nhau, dường như muốn vét sạch tiền của người khác cất hết trong túi của mình. Người khác làm sao đây? Họ không thử nghĩ là người khác cũng khổ sao? Làm các việc cơ bản là không nghĩ tới người khác. Đây chính là tư tưởng của nhân loại biến dị trong xã hội nhân loại ngày nay.” (Giảng Pháp tại Pháp hội Bắc Mỹ lần đầu [1998])

Điều đó nhắm vào xu hướng truy cầu lợi ích cá nhân của tôi, điều mà tôi sẽ phải liên tục loại bỏ trên con đường tu luyện của mình.

(Bài chia sẻ được đọc tại Pháp hội Đức 2019)


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2019/1/23/380749.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2019/2/2/174948.html

Đăng ngày 16-02-2019; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share