Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp ở Washington DC

[MINH HUỆ 15-10-2018]

Con xin kính chào Sư phụ!

Xin chào các bạn đồng tu!

Cách đây 13 năm, tôi đã may mắn đắc Pháp. Không lâu sau khi tôi bắt đầu tu luyện, tôi nhớ ra một đoạn Pháp của Sư phụ:

“Người tu luyện [nào] giữ mình không vững thì rất khó hoá độ, và dễ tự huỷ [hoại] bản thân mình.” (Bài giảng thứ sáu, Chuyển Pháp Luân)

Tôi cảm giác tôi có vấn đề này, tâm tính của tôi bất ổn. Tôi đã cố gắng trong tu luyện cá nhân để buông bỏ chấp trước và giải quyết vấn đề này. Một phần, tôi lo lắng cho chính mình, nhưng tôi cũng nhận ra rằng trạng thái tâm tính không ổn định khiến tôi không thể hoàn thành sứ mệnh của bản thân.

Sư phụ giảng:

“Pháp là đã truyền xuất lai rồi; Sư phụ bảo cho chư vị rằng, bộ Pháp này, chỉ cần giữ vững theo Ông mà tu, [thì] điều gì cũng có thể đắc. (Giảng Pháp tại Pháp hội quốc tế New York năm 2009,Giảng Pháp tại các nơi IX​)

Trong nội tâm, tôi nói với Sư phụ: “Bất kể thứ gì mà một người tu luyện kiên định nên có, con đều muốn có! Con muốn có nó!”

Tại Pháp hội New York năm 2017, một tầng chấp trước sâu hơn của tôi bắt đầu bộc lộ. Nhiều lần, lời nói của đồng tu đã trực tiếp đánh vào tâm tôi, trúng vào chấp trước của tôi.

Tôi đang nói chuyện với một vài đồng tu, đến lúc tôi xin phép ra về, thì một đồng tu nói: “Tốt, tạm biệt!” Nhưng tôi cảm thấy anh như đang nói rằng: “Tốt, hãy đi đi! Chúng tôi không cần cậu!” Đột nhiên, nội tâm tôi xuất hiện một áp lực tâm lý nặng nề: không ai cần mình cả.

Tôi nhìn sâu vào trong tâm mình để tìm ra nguyên nhân tại sao tôi lại cảm thấy thống khổ như vậy. Dường như nó xuất phát từ nỗi lo sợ rằng tôi không có chút giá trị gì và người khác không cần tôi, một loại khát vọng được đánh giá cao và quan trọng trong mắt người khác. Nó đã điểm trúng vào quan niệm của tôi về tự ngã.

Một vài ngày sau, tôi tham gia một nhóm học Pháp nhỏ ở địa phương khác. Khi một đồng tu phát hiện rằng tôi có thể nói được tiếng Trung, cô đã hỏi tại sao tôi không tham gia Thần Vận với tư cách là một người dẫn chương trình. Tôi nói: “Tôi không có được sự chuyên nghiệp và dáng vẻ của một nghệ sỹ biểu diễn, vì vậy tôi đã không được chọn.”

Cô nói: “Anh không nên nhấn mạnh bản thân mình quá. Tất cả đều là do Sư phụ an bài.” Tôi nghĩ tôi đã từng nghe nhiều người nói với tôi như vậy nhưng tôi vẫn chưa hiểu điều đó thực sự có nghĩa gì, nó có liên quan gì đến tu luyện của tôi.

Ngày hôm sau, khi đọc mục “Chu thiên” trong Bài giảng thứ tám của cuốn Chuyển Pháp Luân, tôi đã ngộ ra điều này. Sư phụ giảng:

“…mục đích là thông qua hình thức chu thiên ‘nhất mạch đới bách mạch’, để làm cho các mạch của thân thể, tất cả các mạch toàn bộ khai [mở]. Chúng ta đã đang làm công việc ấy rồi.“

Tôi đã đem khả năng và tính cách của mình như là một phần khái niệm cố hữu về bản thân. Đó là cách tôi định nghĩa về chính mình. Nhưng trên thực tế, là một đệ tử Đại Pháp, tôi chỉ là một cái mạch mà thông qua đó Pháp có thể hiển hiện trong thế giới con người. Mạch này càng đồng hóa với Pháp, thì năng lượng của nó càng lớn, và tôi sẽ càng có thể hoàn thành sứ mệnh của bản thân. Chỉ là khái niệm của bản thân tôi về tự ngã đã ngăn trở con đường của mình.

Vậy điều gì đóng vai trò chủ đạo trong quan niệm về tự ngã của tôi? Khoảng chừng một ngày sau, tôi đã tìm được câu trả lời trong Pháp. Sư phụ giảng:

“Vị ấy nghĩ: ‘Tại điểm luyện công này, chỉ thiên mục của mình là khai mở tốt thế, mình có lẽ không là người bình thường thì phải? Mình có thể học Pháp Luân Đại Pháp của Sư phụ Lý Hồng Chí, mình có thể học tốt đến như thế, mình trội hơn hẳn những người khác, mình có thể không phải người bình thường đâu’. Riêng suy nghĩ này đã là không đúng rồi.” (Chuyển Pháp Luân)

Từ nhỏ, tôi đã cảm thấy mình không phải là một người bình thường mà rất đặc biệt. So với người khác, khả năng lý giải của tôi đối với các vấn đề tâm linh và tôn giáo có phần nổi trội hơn, giả tướng của xã hội người thường cũng ít ảnh hưởng đến tôi hơn. Một số người không tin vào Thần Phật, nhưng đối với tôi đó là điều hết sức tự nhiên. Tuy nhiên, tôi đã để những suy nghĩ này ảnh hưởng đến mình. Tôi bắt đầu tin rằng “Mình là người đặc biệt, Thần Phật đều đặc biệt chiếu cố đến mình.”

Khi đắc Pháp, tôi vẫn mang theo quan niệm này. Bởi vậy, tôi rất dễ trở nên cao hứng, chấp trước tự cho mình là quan trọng, do đó, chúng cũng dễ dàng tràn vào tư tưởng của bản thân. Nếu hoàn thành tốt một việc nào đó để chứng thực Pháp, tôi sẽ coi đây là minh chứng rằng mình không giống những người khác. Tâm hoan hỷ sẽ xuất hiện, và tôi sẽ dễ dàng rơi vào chấp trước chứng thực bản thân, cho rằng mình tốt hơn những người khác, mình đặc biệt hơn họ, và mình là người khác biệt.

Sau khi nhận ra chấp trước này, tôi đã hướng nội để tìm ra căn nguyên của nó. Từ nhỏ đến nay, vì điều gì mà tôi không thể buông bỏ ý nghĩ này? Nếu tôi giống như những người khác, nếu tôi không đặc biệt, thì liệu tôi còn có giá trị? Liệu tôi có trở nên vô dụng hay không? Và nếu tôi cảm thấy mình vô dụng, thì làm sao tôi có thể tiến lên phía trước? Trên thực tế, Sư phụ đã nhiều lần đề cập đến sự đáng quý của sinh mệnh. Nhưng trong suốt một thời gian dài, tôi đã bị can nhiễu bởi quan niệm đã hình thành trong xã hội người thường này: Nếu mình không đặc biệt, nếu mình chỉ là một người bình thường, thì mình sẽ cảm thấy rằng mình không quý giá.

Sư phụ giảng:

“Có những lúc tôi nghĩ, là một sinh mệnh mà giảng, nhìn thì tựa như rất nhỏ bé, nhưng đều có câu chuyện của sinh mệnh [cuộc đời] bản thân mình, có bi tráng, có khúc triết, có hoan lạc, có thống khổ, có từ bi và thiện lương, còn có các đặc điểm khác nhau của sinh mệnh, tôi hết sức trân quý những điều ấy.” (Giảng Pháp vào ngày Kỷ niệm 20 năm truyền PhápGiảng Pháp tại các nơi IX​)

Tôi tự nhủ, đã đến lúc mình cần hài lòng với suy nghĩ rằng mình chỉ là một người bình thường, chỉ là một sinh mệnh trong số hàng tỷ sinh mệnh trong vũ trụ. Nhưng tôi không sao đột phá được cái tâm tự đại của bản thân.

Nếu trong tương lai, tôi có thể thực sự viên mãn, thực sự trở thành người bảo vệ vũ trụ, thì tôi vẫn chỉ giống như những người khác, là một sinh mệnh bình thường trong vũ trụ, chỉ là một sinh mệnh nhỏ bé trong vũ trụ bao la với vô lượng chúng sinh. Vũ trụ là vô cùng to lớn. Từ góc độ vũ trụ mà xét, thì chúng sinh đều là bình đẳng.

Tôi cố gắng thuyết phục bản thân rằng mình không phải là người đặc biệt, nhưng tôi không làm được, ý nghĩ này đã trở thành tự nhiên mất rồi, nó đã thành một quan niệm rất mạnh trong tư tưởng của tôi. Nếu như có ai đó cố gắng chỉ ra cho tôi rằng bạn không đặc biệt và chỉ là một người bình thường, thì họ cũng sẽ thất bại. Nhưng trên thực tế, họ sẽ không có cơ hội làm như vậy, bởi vì tôi chưa bao giờ tiết lộ những ý nghĩ này cho ai khác. Tôi chỉ lặng lẽ và tự tin mà tự nói với bản thân rằng mình tốt hơn những người khác.

Mùa thu năm ngoái, tôi vẫn đang vật lộn để thoát khỏi niềm tin rằng mình là người đặc biệt. Trong khoảng thời gian này, tôi đang cân nhắc việc đăng ký học chương trình nghiên cứu sinh về Nghiên cứu Đông Á. Chương trình học có vẻ rất thú vị và thuộc một trường học có danh tiếng, nhưng đáng kinh ngạc là việc tuyển sinh dường như không có cạnh tranh.

Chương trình học có vẻ rất phù hợp với tôi. Tôi đã từng tham gia một khóa học hè tại trường này, và đó là một trải nghiệm tu luyện thực sự đáng kinh ngạc. Trong thời gian đó, tôi đã có một vài trải nghiệm mạnh mẽ về ký ức ảo giác (Déjà Vu – cảm thấy sự kiện đang xảy ra ở hiện tại đã từng xảy ra trong quá khứ). Tôi tự thuyết phục bản thân rằng đây là những gì tôi cần làm, rằng đây là bước tiếp theo của tôi.

Một mặt, tôi đang tìm kiếm danh vọng, tôi biết rõ điều đó. Nhưng tôi tự nhủ trải nghiệm tu luyện bản thân sẽ vô cùng quý giá. Tôi bắt đầu cho rằng loại tự nghiệm này hẳn là của mình, là con đường của mình.

Tuy vậy, tôi vẫn thường xuyên nhắc nhở bản thân đoạn Pháp mà Sư phụ giảng về tâm tật đố:

“Có lúc chư vị thấy rằng thứ ấy là [của] chư vị, người ta cũng nói với chư vị rằng thứ ấy là [của] chư vị; kỳ thực nó không phải [của] chư vị. Chư vị có thể cho rằng đó là của mình, [nhưng] rốt cuộc nó lại không phải của chư vị; qua đó thấy được rằng đối với sự việc này chư vị có thể vứt bỏ được không; vứt bỏ không được thì chính là tâm chấp trước; chính là dùng cách này để chư vị vứt bỏ tâm [chấp trước] vào lợi ích ấy.” (Chuyển Pháp Luân)

Tôi tự nói với mình: Đúng vậy, đương nhiên là mình biết, nhưng mình có thể buông bỏ; ngoài ra, những gì mình thực sự muốn là trải nghiệm tu luyện phi thường và đề cao cá nhân.

Thời gian trôi qua, tôi chờ đợi kết quả. Khi thư thông báo không trúng tuyển được gửi đến, ban đầu tâm tôi bất động. Nhưng vài ngày sau, nó bắt đầu tấn công tôi như một trận lở đất. Nỗi thống khổ vì bị từ chối đã áp đảo tôi. Tôi cảm thấy mình hoàn toàn vô dụng.

Tôi đã không ngừng nhẩm đi nhẩm lại lời giảng của Sư phụ:

“Nhưng đề cao chân chính ấy là ‘xả bỏ’, chứ không phải là ‘đắc được’.” (Giảng Pháp tại Pháp hội Philadelphia ở Mỹ quốc năm 2002)

Tôi không ý thức được rằng lúc nhận được thông tin không trúng tuyển, tư tưởng của tôi đã bị bao nhiêu thứ tiến nhập vào. Đột nhiên, bước tiếp theo của cuộc đời tôi dường như không rõ ràng, và tôi cũng không quan tâm nữa. Tôi đã mất đi hứng thú đối với việc hoàn thành chương trình ở viện nghiên cứu sinh. Tôi cũng không quan tâm đến bất kỳ thứ gì khác. Tôi không đi học nữa, và cũng không cạo râu. Dường như chẳng còn điều gì là quan trọng đối với tôi nữa, hết thảy tôi đều không quan tâm.

Đối mặt với việc không trúng tuyển, tôi đã phải từ bỏ tư tưởng cho rằng kinh nghiệm học tập và danh vọng này là của tôi. Và khi từ bỏ nó, rốt cuộc tôi cũng đã buông bỏ tâm tật đố và cảm giác bất an trong lòng.

Không ai nợ tôi thứ gì cả. Vũ trụ cũng không nợ tôi thứ gì. Chính là tôi đã tự gây ra tất cả khó khăn cho bản thân.

Trong nhiều năm, tôi đã bị đối xử bất công. Tôi cảm thấy cựu thế lực đã phá hủy những an bài trước kia của Sư phụ dành cho tôi và đã gây thêm nhiều khó khăn quá mức cho tu luyện của tôi. Đối mặt với lần bị cự tuyệt này, cuối cùng tôi đã buông xuống được cảm giác bất công. Tôi có thể thấy rằng nguyên nhân dẫn đến mọi khó khăn của tôi là do tự ngã của tôi bị thổi phồng lên và ảo tưởng rằng mình là người đặc biệt và khác người. Nhiều năm qua, tôi đã nuôi dưỡng ác ma trong tư tưởng của mình. Tôi luôn cho rằng mình cao hơn người thường, nhưng suy nghĩ như vậy đã dẫn tôi lạc lối.

Nhưng tôi phải hoàn thành chương trình đại học đang sắp kết thúc. Bị kẹt trong trạng thái tồi tệ, tôi đã cầu xin Sư phụ giúp đỡ. Và cơ hội đã đến ngay lập tức.

Một người họ hàng gọi điện cho tôi và nói: “Cháu đã nghe tin hàng xóm của mình qua đời chưa?” Đã có người bảo tôi đến thăm người hàng xóm này, nhưng mà tôi đã chậm trễ vì mải mê với cuộc sống của mình và nghĩ rằng “Tôi hầu như không quen biết bà.”

Lúc này, tôi lại có thêm một nỗi đau tâm lý do thất bại mang lại. “Một lần nữa, một người mà tôi quen biết đã qua đời, và tôi không chắc là mình đã giảng chân tướng đầy đủ cho họ chưa. Tại sao tôi lại thất bại ở những sự tình như thế này!” Áp lực đè nặng lên tôi.

Sư phụ giảng:

“Chư vị hãy nhớ cho kỹ! Tu luyện tự nó không hề khổ, điểm chốt là không buông bỏ được chấp trước người thường. Khi danh-lợi-tình của chư vị cần buông bỏ thì mới cảm thấy khổ.” (Chân tu, Tinh Tấn Yếu Chỉ)

Vậy cái gì đã gây ra cho tôi cảm giác thống khổ kịch liệt này? Tôi quan tâm đến tương lai của hàng xóm, nhưng rốt cuộc thứ khiến cho tôi lo lắng lại chính là cảm giác thất bại. Chúng sinh đang trông chờ tôi, nhưng tôi đã không làm tốt. Tôi lo lắng bởi vì tôi chưa hoàn thành sứ mệnh của mình. Tôi chỉ nghĩ đến bản thân mình.

Không được, như vậy là đủ rồi! Sinh mệnh này của tôi chỉ là một cái mạch dành cho Pháp tại tầng nhân loại này. Nếu trước đây, mạch này chưa được khai mở tốt, thì giờ tôi phải nhanh chóng mở nó ra để cho lực lượng của Đại Pháp có thể triển hiện tại tầng không gian này. Cảm giác tội lỗi như vậy là đủ rồi! Tôi không được lo lắng về thất bại hay thành công của bản thân nữa. Sinh mệnh này của tôi chỉ là một cái mạch, một mạch trong số hàng triệu mạch, dành cho Pháp tại tầng nhân loại.

Tôi đã khởi được chính niệm và tự kéo mình ra khỏi trạng thái tồi tệ. Vì vậy, tôi đã quay lại trường học để giải quyết vấn đề. Tôi đã gặp thầy hướng dẫn của mình để xin gia hạn luận văn và bài thi, bởi vì tôi đã không học gì trong suốt ba tuần lễ. Tiếp theo, tôi cần phải đến nói chuyện với thầy giáo trực tiếp dạy mình, nhưng tôi đã không làm được điều đó. Tôi không thể đi được. Sau đó, tôi và thầy hướng dẫn của mình đã tình cờ gặp nhau ở cầu thang, nhưng tôi đã không thể ngẩng đầu lên để nhìn ông. Tôi không làm được điều đó.

Tôi cảm thấy hoàn toàn xấu hổ và nhục nhã. Tôi đã từng là một học sinh vô trách nhiệm. Thầy hướng dẫn của tôi biết điều đó, và chẳng mấy chốc các bạn cùng lớp của tôi cũng vậy.

Đối mặt với sự nhục nhã này, tôi phải đối mặt với hiện thực và từ bỏ tư tưởng cho rằng mình là một học sinh tốt, rằng mình là người có trách nhiệm, mình có năng lực, mình rất thông minh. Từ căn bản mà nói, tôi phải từ bỏ hình tượng của bản thân mà tôi đã trường kỳ níu giữ.

Gần đây, một đồng tu đã chia sẻ với tôi một câu chuyện thần thoại cổ Hy Lạp về Narcissus. Một thanh niên với vẻ ngoài đẹp trai, sau khi từ chối sự chú ý của một nữ thần, đã bị ám ảnh với hình ảnh phản chiếu dưới nước của chính mình. Anh với tay để chạm vào nó nhưng lại khiến cho hình ảnh đó bị nhòe đi và tan mất. Nó biến mất, và anh vĩnh viễn không thể nào chạm được vào nó.

Câu chuyện này miêu tả chính xác trạng thái tư tưởng đang bị mắc kẹt của tôi. Tôi đã từng ám ảnh với hình tượng tự mình thiết định về bản thân: một người có năng lực, có trách nhiệm, hào phóng, cao thượng, và thông minh. Tôi đã trở nên ám ảnh với điều này, và thống khổ để đạt tới nó. Thực ra, đây chính là động cơ tu luyện căn bản của tôi.

Tôi khao khát phục hồi lại những gì tôi cảm thấy mình đã đánh mất – chính nghĩa, năng lực, và trí huệ của bản thân. Tôi có động lực bởi vì tôi cảm thấy hổ thẹn với trạng thái mà tôi tự thấy ở mình. Khi nghĩ lại quá khứ, tôi phát hiện rằng nỗi sợ mất mặt này từ lâu đã chi phối nhiều quyết định và lựa chọn của tôi; nó đã hình thành nên tính cách của tôi.

Về căn bản, động cơ muốn theo học chương trình nghiên cứu sinh của tôi là để chấm dứt sự hổ thẹn của tôi giữa các đồng tu và gia đình. Bị trói buộc trong đó, nhưng tôi lại tự nhủ làm như thế là để chứng thực Pháp.

Trong một thời gian dài, tôi tin rằng động cơ tu luyện của tôi là thuần khiết. Tôi muốn khôi phục lại chân ngã của mình! Nhưng trên thực tế những gì tôi thực sự muốn là chấm dứt sự hổ thẹn và tìm lại hình ảnh của bản thân mà tôi đã tạo ra trong tâm trí.

Điều này quá ư sai biệt với đồng hóa Pháp một cách vô điều kiện! Đó không phải là bản tính hồn nhiên và thuần khiết mà tôi nỗ lực phục hồi trong tu luyện. Tôi chỉ muốn chấm dứt nỗi thống khổ của sự hổ thẹn. Đương nhiên, động cơ của tôi là hỗn tạp, vì từ lâu tôi đã cảm thấy rằng sứ mệnh của mình là nghiêm túc.

Nhưng căn bản mà nói, tất cả vẫn xoay quanh khái niệm của tôi về bản thân. Hiện tại, tôi chủ động bài trừ khái niệm này. Tôi cũng buông bỏ quan niệm về tự ngã trong các vấn đề chính Pháp và chứng thực Đại Pháp.

Tôi không còn quan tâm liệu tôi có phải là độc nhất vô nhị. Có lẽ trong quá khứ, tôi đã từng là một quốc vương, nhưng có lẽ cũng chỉ là một con gián! Ai quan tâm cơ chứ? Hết thảy sinh mệnh đều là bình đẳng.

Các đệ tử Đại Pháp là một chỉnh thể, tôi chỉ là một tế bào của cơ thể ấy. Nhưng cái “tôi” chân chính cũng chính là chỉnh thể.

Sư phụ giảng:

“Kỳ thực ở xã hội phương Tây cũng không đơn giản. Thủ đoạn ma quỷ phá hoại nhân loại ở đó là từ văn hóa mà làm, là gây tác hại từ một góc độ khác. Phóng đại quan niệm tự do, phóng đại loại tư tưởng lấy cái tôi cá nhân làm trung tâm, thứ gọi là…; [tôi] không muốn nói thêm nữa, hiện nay những thứ được cổ xúy [ấy] quá nhiều rồi. Là nói chúng là từ một góc độ khác mà phá hoại văn hóa truyền thống.” (Giảng Pháp tại Washington DC năm 2018)

Nhiều năm qua, tôi cảm thấy vô cùng may mắn vì đã không phải lớn lên trong văn hóa đảng. Hơn nữa tôi cũng vô cùng may mắn vì đã được sinh ra trong một gia đình tôn trọng văn hóa truyền thống. Nhưng tôi không ý thức được rằng tôi đã bị tha hóa sâu sắc bởi tư tưởng tự coi mình là trung tâm của phương Tây và chủ nghĩa cá nhân của Mỹ. Nó rất khó nhận ra, từ lâu tôi chỉ đơn giản coi nó là tự nhiên.

Trong quá trình thoát khỏi khái niệm về bản thân, tôi phát hiện rằng tu luyện của mình đã đi vào trạng thái ổn định mà tôi chưa từng đạt được trong quá khứ. Tâm tôi rất tĩnh, và tu luyện đã trở nên đơn giản hơn rất nhiều: đồng hóa và thăng thiên.

Con xin cảm ơn Sư phụ! Cảm ơn các bạn đồng tu!

Trên đây là những chia sẻ tại tầng thứ của tôi. Xin vui lòng chỉ ra những điều không phù hợp!

(Trình bày tại Hội Giao lưu Tâm đắc bằng tiếng Anh tại New York năm 2018)


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2018/10/5/375347.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2018/10/9/172779.html

Đăng ngày 25-01-2019; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share