Bài viết của đồng tu Pháp Luân Đại Pháp Thụy Sỹ

[Minh Huệ 21-1-2019] Con xin kính chào Sư phụ tôn kính! Xin chào các đồng tu!

Đã gần hai năm từ khi tôi trở thành điều phối viên khu vực. Trong thời gian này, tôi đã trải qua đủ loại sự tình cho thấy rõ các chấp trước và thiếu sót của bản thân. Nhiều điều mà trước đó tôi chưa nhận ra đã được bộc lộ rõ. Với sự hỗ trợ từ bi của các đồng tu và hướng nội tìm, tôi đã vượt qua được một số trở ngại.

Giữ tâm từ bi với các đồng tu

Sư phụ giảng:

“Tôi vẫn thường giảng rằng một người nếu hoàn toàn muốn tốt cho người khác, chứ không có bất kể chút nào mục đích hoặc nhận thức của mình, thì lời nói ra sẽ khiến người nghe rơi lệ. Tôi không chỉ là dạy chư vị Đại Pháp, tác phong của tôi cũng là để lưu lại cho chư vị, ngữ khí, thiện tâm trong công tác, thêm vào đó là đạo lý có thể cải biến nhân tâm, chứ mệnh lệnh vĩnh viễn không thể! Trong tâm người ta không phục mà chỉ là phục tùng ở bề ngoài, như vậy khi nhìn không thấy thì vẫn hành sự theo ý nguyện của chính mình.” (Thanh Tỉnh, Tinh Tấn Yếu Chỉ)

Tôi thường chia sẻ thể ngộ về Pháp với các đồng tu khác và thường nhận ra rằng tôi đã không đạt được trạng thái tu luyện cần phải có. Lúc có áp lực khi làm hạng mục, và có việc phải hoàn thành nhanh chóng, lời nói của tôi không giống như người tu luyện. Nó lập tức phản ánh qua phản ứng của đồng tu, đó là họ từ chối, phê bình đề xuất của tôi hoặc không phối hợp với tôi nữa. Tình huống này giúp tôi ý thức được rằng mình phải chú ý đến lời nói và suy nghĩ của bản thân.

Khi tôi giữ cho tâm mình tĩnh thì mọi việc được giải quyết rất dễ dàng. Trải nghiệm sâu sắc càng tăng cường tín tâm của tôi đối với Sư phụ, đối với Pháp và các đồng tu. Tôi hiểu rằng là một điều phối viên, tôi không được giữ thành kiến với đồng tu, mà phải hỗ trợ họ trong mọi tình huống.

Tiếp nhận phê bình và tu nhẫn

Kỳ thực, tôi từng là người hướng nội, chỉ thích làm việc ở phía sau hậu trường. Khi nhận lời làm điều phối viên, tôi đột nhiên bị đẩy ra phía trước và phải nói trước nhiều đồng tu, rồi phải điều phối. Tôi cũng phải xử lý những việc chưa làm bao giờ.

Tôi cảm thấy như mình như chiếc ly thủy tinh trong quầy kính, bị mọi người nhìn săm soi xem tôi có đảm đương công việc ấy có tốt không. Không lâu sau đó, tôi ý thức được rằng đó là tâm sợ hãi của bản thân đang tác quái; nó xuất phát từ chấp trước về thể diện, sợ làm không tốt, sợ bị phê bình. Đa phần là tôi có thể tiếp nhận khi đồng tu thiện ý nhắc nhở. Nhưng hễ có đồng tu thấy tôi làm gì đó không hợp ý mà phê bình, hoặc khi tôi thấy lời phê bình đó không liên quan gì đến việc đang làm, tôi liền cảm thấy bất bình.

Tuy nhiên, cứ nghĩ đến lời giảng Pháp này của Sư phụ, tâm tôi lại bình tĩnh trở lại:

“Các học viên đều sẽ đối chiếu với Đại Pháp mà đo lường, nhìn thấy rất rõ. Hễ có niệm đầu đưa mình lên cao, học viên sẽ nghĩ tâm tính của chư vị có vấn đề, vậy nên, khiêm tốn mới làm việc được tốt. Danh tiếng là nhờ học Pháp được tốt mà dựng lập nên. Một người tu luyện có thể không sai lầm sao?” (Phụ đạo như thế nào – Tinh Tấn Yếu Chỉ)

Kỳ thực, mọi việc thực ra rất dễ, nhưng tôi luôn bị rơi vào cái bẫy này. Khi đối diện với tình huống như thế, tôi thử lùi một bước và hướng nội thì sẽ phát hiện rằng tâm tự phụ của tôi bị tổn thương và vì tôi cứ bám cứng lấy những quan niệm cố hữu. Làm sao tôi có thể kỳ vọng đồng tu hành động theo mong muốn của mình được!

Khi tôi hướng nội sâu hơn, tôi phát hiện ra mình còn có chấp trước vào sự thoải mái và cố chấp. Càng nghĩ nhiều về việc làm sao đồng tu lại đối xử với tôi như thế, tôi càng thấy bứt rứt, càng không sao ngủ yên được.

Nếu theo yêu cầu của Sư phụ là phải hướng nội khi gặp mâu thuẫn, tôi phát hiện ra rằng kỳ thực, mỗi khi gặp vấn đề đều là khi những tâm chấp trước được che giấu ở nơi sâu kín trong tâm, hết sức tinh vi đang phản ánh ra, như tâm oán giận, không thể nhẫn nhịn. Đúng là tôi không thể tìm ra được những chấp trước ấy nếu không có những vấn đề này.

Do đó, tôi thường xuyên nhẩm Pháp để cách ly với những quan niệm cố hữu, để đứng từ xa mà quan sát nó. Nhờ đó, tôi có thể trấn tĩnh lại, càng lúc càng tường hòa. Gặp vấn đề, để có thể không canh cánh trong lòng, mà lại khoan dung vẫn là một quan khó đối với tôi, bởi vậy, tôi mới phải nhiều lần đối diện với khảo nghiệm này. Tôi biết rõ nếu vượt được quan này thì tâm tính của tôi sẽ lập tức đề cao, cũng sẽ cảm thấy nhẹ nhõm, nên tôi vô cùng cảm tạ Sư phụ đã tạo ra cho cơ hội cho tôi đề cao qua những tình huống ấy.

Sư phụ giảng:

“Nhẫn là chìa khoá của đề cao tâm tính. Nhẫn mà uất hận, uỷ khuất, hay đẫm lệ là cái nhẫn của người thường với chấp trước vào tâm lo nghĩ, hoàn toàn không hề nảy sinh uất hận, không cảm thấy uỷ khuất thì mới là cái Nhẫn của người tu luyện.” (Thế nào là nhẫn – Tinh Tấn Yếu Chỉ)

Tự mình cần làm tốt trước

Có lần luyện công tập thể, một đồng tu thiện ý nhắc nhở tôi rằng, vì tôi là một điều phối viên, tôi nên đảm bảo các động tác luyện công phải chính xác, vì người khác đều nhìn vào tôi mà học. Tôi nhận ra rằng tôi cần phải làm gương nên tôi chú ý sát sao bản thân mình. Thậm chí khi học Pháp, tôi cũng ngồi song bàn càng lâu càng tốt. Tôi để ý thấy các đồng tu khác cũng ngồi song bàn và trân quý sách Chuyển Pháp Luân hơn. Trước đây, họ không làm như thế. Việc này không cần đến lời nói, hành động là ví dụ tốt nhất.

Tín Sư, tín Pháp, tin tưởng các đồng tu

Khi chúng tôi bàn kế hoạch cho một hạng mục lớn, có một đồng tu đột nhiên bặt vô âm tín, gọi điện thoại cũng không được. Lúc ấy rất cần câu trả lời của cô ấy về việc triển khai hạng mục như thế nào. Tôi đi tìm cô ấy một hồi rồi cũng liên lạc được; cô ấy bảo rằng cô ấy không muốn bị quấy rầy khi làm hạng mục. Chuyện này khiến tôi nhận ra mình đúng là thiếu kiên nhẫn.

Vì không tìm được cô ấy trong thời gian này nên tôi có phần dao động sự tín nhiệm đồng tu này. Nhưng tôi nhận ra rằng tâm hoài nghi không có lợi cho bất kể hạng mục nào. Giờ đây, nếu như xảy ra vấn đề nào cần làm sáng tỏ, tôi sẽ tận lực, mau chóng trao đổi trực tiếp với đồng tu để tránh xuất hiện hiểu lầm.

Có một thời gian ngắn, tôi không sao chuyên tâm học Pháp được. Bởi vậy, tôi bắt đầu học thuộc Pháp để có thể lý giải Pháp sâu hơn. Có lúc có cảm giác thế này, khi học đến một đoạn Pháp nào đó, trước kia căn bản là không minh bạch như thế. Giờ học thuộc Pháp thì lại lý giải được Pháp thâm sâu hơn, cũng là có thể đề cao lên một tầng thứ mới.

Hy vọng bài chia sẻ này của tôi sẽ tiếp thêm động lực để các đồng tu khác viết bài chia sẻ kinh nghiệm tu luyện của họ. Việc này sẽ giúp ích cho các đồng tu có thêm thể ngộ mới, và trừ bỏ chấp trước.

(Bài chia sẻ được trình bày tại Pháp hội Đức năm 2019)


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2019/1/21/380644.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2019/1/26/174765.html

Đăng ngày 31-01-2019; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share