Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp tại Áo
[MINH HUỆ 21-1-2019] Kính chào Sư phụ tôn kính, xin chào các đồng tu!
Tôi là một học viên Pháp Luân Đại Pháp tại Áo, đắc Pháp vào mùa thu năm 2006. Sau đó, tôi đã tham gia vào nhiều hạng mục Đại Pháp giảng chân tướng về Pháp Luân Đại Pháp để cứu những người hữu duyên.
Sau khi con tôi ra đời, hoàn cảnh của tôi thay đổi khiến thời gian của tôi rất hạn hẹp. Tôi luôn nghĩ làm sao để điều chỉnh cuộc sống mới và tiếp tục giảng chân tướng về Đại Pháp. Thỉnh thoảng, tôi đi phát tờ rơi giảng chân tướng tại các điểm du lịch thu hút nhiều du khách Trung Quốc. Song, vừa phát tài liệu vừa đẩy xe nôi và trông trẻ nhỏ quả là bất tiện. Vì vậy tôi đã hỏi một học viên đang làm việc cho The Epoch Times (Thời báo Đại Kỷ Nguyên) tiếng Đức xem tôi có thể viết bài vài giờ mỗi ngày được không. Công việc này có vẻ khá linh hoạt và rất phù hợp với tôi. Khi con trai tôi bắt đầu đi nhà trẻ cũng là lúc tôi đã sẵn sàng làm việc cho The Epoch Times. Đó là công việc mà tôi hằng mong ước.
Sư phụ giảng:
“Bởi vì chư vị có rất nhiều việc cần làm, cần làm tốt công tác người thường, cần quản các việc gia đình, đệ tử Đại Pháp còn phải có thời gian học Pháp luyện công, còn phải giảng chân tướng, còn phải tham gia các hạng mục [công việc] Đại Pháp, gồm cả việc của Đại Kỷ Nguyên. Nếu lấy việc giảng chân tướng và việc làm kênh thông tin của đệ tử Đại Pháp hợp lại làm một, thế chẳng phải bớt phần thời gian phải chia tải ra không?” (Giảng Pháp tại hội nghị Đại Kỷ Nguyên 2009)
Ban đầu, tôi làm biên tập viên bán thời gian. Tuy nhiên, tôi bắt đầu nghĩ đến việc chuyển sang bộ phận bán hàng và cuối cùng tôi đã quyết định như vậy. Tôi ở Vienna nên làm việc từ xa trong khoảng ba năm. Tôi liên lạc với các đồng nghiệp của mình tại trụ sở chính ở Berlin qua internet.
Trách nhiệm của tôi tại The Epoch Times tăng lên đòi hỏi phải trao đổi trực tiếp nhiều hơn. Điều đó khiến tôi đi đến quyết định chuyển tới Berlin vào mùa hè năm 2017.
Vì chồng tôi bị trầm cảm mấy năm nay nên tôi không thể trông đợi sự hỗ trợ của anh trong việc chuyển nhà. Song, để anh chấp thuận, tôi đề nghị tôi sẽ đi trước và tìm một căn hộ thật tiện nghi. Anh đồng ý với lời đề nghị của tôi và không phản đối việc tôi đưa con trai đi cùng.
Tôi được các đồng tu trợ giúp rất nhiều. Họ nhiệt tình chào đón tôi và giúp tôi rất nhiều. Để hạn chế đến mức tối thiểu những khó khăn và củng cố bản thân, tôi liên tục tự nhủ bản thân rằng, từ nay trở đi, tôi phải có thể đến và làm việc tại văn phòng mỗi ngày.
Mục tiêu chính của tôi đó là tập trung vào công việc và làm thật tốt công việc của mình trong giờ hành chính, mặc dù việc chuyển chỗ ở vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết. Vì vậy, tôi thu xếp công việc để không bị quá tập trung vào tiểu tiết như tìm căn hộ, tìm trường mẫu giáo, hoàn thành những thủ tục cần thiết, vận chuyển và bán một số đồ nội thất.
Tôi đã làm mọi việc cần làm, kìm nén và tống khứ cái tình, và không để bị dẫn động bởi bất cứ điều gì.
Chẳng hạn như cái tình với chồng tôi khi anh không thể quyết định có tới Berlin hay không. Khi tôi chuyển đi cùng với con trai, tôi hoàn toàn chắc chắn rằng anh sẽ đi theo hai mẹ con tôi. Bởi vì, cuối cùng thì tôi và con trai cũng là hai người quan trọng nhất trong cuộc đời anh, thế là chúng tôi đã đi Berlin.
Nhưng nhiều tuần trôi qua mà chồng tôi vẫn chưa đến, tôi lại hơi mất kiên nhẫn nhưng vẫn nghĩ rằng anh sẽ tới sớm thôi. Rồi nhiều tuần nữa trôi qua, tôi nhận ra rằng kế hoạch và kỳ vọng của tôi đã không thành hiện thực.
Tôi nhận ra rằng tôi đã không nghĩ tới sự thuận tiện của chồng mình, tôi chỉ nghĩ đến việc anh sẽ ở cùng tôi và đảm đương một số việc vặt trong nhà. Lúc đó, tôi nhận ra chấp trước vị tư của mình, điều mà tôi đã khéo che giấu để dẫn dụ chồng tôi tới Berlin. Rồi tôi thấy không chắc chồng tôi có chuyển tới Berlin hay không. Tôi cần phương án B – Tôi tống khứ cái “tình” của mình với chồng. Tôi cũng cần tống khứ sự bất mãn khi phải ở một mình và đưa đón con đến trường mẫu giáo.
Tôi không còn buồn bực về việc có ít thời gian và trân quý mỗi giờ tôi làm việc. Tôi điều chỉnh bản thân, chấp nhận nghĩa vụ và lo toan việc nhà. Tôi cũng không còn lo lắng về trách nhiệm với con trai nữa. Khi tôi thay đổi thái độ, chồng tôi đã quyết định rời bỏ căn hộ ở Vienna và chuyển tới Berlin.
Liên hệ với mọi người để giới thiệu Shen Yun vàEpoch Times
Sư phụ giảng:
“Đặc biệt là các thứ mà con người chúng ta vì sinh tồn, vì bảo hộ bản thân, vì đắc được nhiều lợi ích hơn cho bản thân mà không bỏ được, tôi gộp hết cả lại gọi nó là chấp trước. Những chấp trước này chính xác là giống một cái khóa cường đại đang khóa chư vị lại, trên con đường chư vị tiến lên phía trước, mỗi cái khóa chư vị đều phải đả khai nó ra, không đả khai nó thì nó khóa chư vị, [làm] mê chư vị, [làm] chư vị nhìn không thấy chân tướng. Hơn nữa trên con đường phản bổn quy chân, chư vị không đả khai được những cái khóa này, thì chư vị không bước qua được, đó chính là quan.” (Giảng Pháp tại Pháp hội Thụy Sỹ [1998])
Vào thời gian đó, tôi tham gia một khóa đào tạo bán hàng do NTD tổ chức, trong đó có một cấu phần về giao tiếp với thư ký. Khóa học đã truyền cảm hứng cho tôi, và tôi quyết định sẽ áp dụng những điều tôi đã học được vào thực tế. Thật đáng tiếc là tôi lại có quan niệm không tốt về thư ký. Tôi coi thường họ và cho rằng họ ở vị trí bậc dưới so với những việc mà tôi đã tham gia. Tôi coi họ là chướng ngại cho những gì tôi muốn đạt được và cảm thấy họ chỉ tạo thêm việc cho tôi mà thôi.
Tôi cố gắng tu bỏ những quan niệm tiêu cực rằng thư ký là bậc dưới và không coi trọng công việc của họ. Theo thời gian, khi tôi nỗ lực tống khứ chấp trước tự phụ, thái độ của tôi cũng khá hơn. Khi chính lại tâm mình, tôi buông bỏ được các chấp trước, và kết quả công việc của tôi cũng tốt hơn.
Tôi đã tìm được đúng người mà tôi cần liên hệ và dùng mạng để thực hiện nghiên cứu. Kỹ năng liên hệ với các thư ký và sếp của họ bằng thư điện tử hay điện thoại được nâng cao. Hiện giờ, tôi đã thay đổi hoàn toàn quan niệm cố hữu và thấy rằng, thư ký là kênh rất hữu ích khi cần liên hệ với sếp của họ – hầu như trường hợp nào cũng vậy. Sau khi tôi tống khứ chấp trước, Sư phụ đã ban cho tôi trí huệ và giúp tôi đề cao tầng.
Cải thiện phương thức giao tiếp
Một trong những đồng nghiệp của tôi, cũng là một nữ nhân viên bán hàng, đã yêu cầu tôi tổ chức một cuộc phỏng vấn cá nhân. Với kinh nghiệm đã có, tôi không nên tìm cách liên hệ với giám đốc marketing hay quản lý bán hàng. Hai vị trí này nhìn chung đều do giám đốc điều hành giao việc. Tôi phải có chiến lược và cần có sự phê duyệt của giám đốc điều hành. Nghĩa là, tôi cần liên hệ trực tiếp với giám đốc điều hành.
Tôi quyết định viết thư cho thư ký của giám đốc điều hành với hy vọng rằng ông ấy sẽ gửi đề xuất của tôi cho các đồng nghiệp của ông ấy. Tuy nhiên, liên hệ với thư ký lại có điểm bất lợi là tốn thời gian và phải mất một thời gian thì đề xuất của tôi mới được trình lên giám đốc điều hành. Trong khi chờ đợi, một đồng nghiệp bên công ty đó khuyên tôi nên liên hệ trực tiếp với giám đốc điều hành. Tôi không do dự, liền thu xếp một cuộc gặp giữa đồng nghiệp của tôi với giám đốc marketing.
Ngay khi tôi tống khứ chấp trước về liên hệ với thư ký, phương thức liên lạc của tôi lại cải thiện đáng kể.
Tôi nhận ra rằng, khi tôi tống khứ chấp trước và thoát ra khỏi lối mòn của mình để thực thi quy trình làm việc, cũng như hoàn thành những gì tôi cần phải làm, Sư phụ sẽ khai mở trí huệ cho tôi. Ngoài ra, phương thức làm việc của tôi cũng được cải thiện, và tôi đã tìm được cách hoàn tất những nhiệm vụ khó khăn.
Khi gặp trường hợp xem ra sẽ thành công, tôi loại bỏ ý nghĩ đó. Bất cứ khi nào tôi đối mặt với những trường hợp tưởng chừng không có lối thoát, tôi lại đối chiếu trường hợp cụ thể đó với Pháp của Sư phụ. Tôi luôn chắc chắn rằng tôi cần phải làm gì thì đều đã được an bài. Tôi phải tự tin trong công việc.
Thật ra, bất cứ trở ngại nào trên con đường cứu người của tôi đều xuất phát từ ý niệm tiêu cực của bản thân. Khi tôi viết bài chia sẻ thể ngộ tu luyện, tôi đã nhận ra rằng nguyên nhân căn bản đằng sau những chấp trước đó là cái tôi – nhất là khi trở nên tự ti.
Đã nhiều năm trôi qua kể từ khi tôi cố gắng buông bỏ chấp trước này. Mặc dù tôi đã tống khứ được mấy tầng của chấp trước này nhưng nó vẫn chưa hoàn toàn biến mất. Chấp trước này biểu hiện qua sự nghi ngờ bản thân cùng với áp lực tinh thần và đau nhức mình mẩy. Bất cứ khi nào tôi không thể đạt mục tiêu trong công việc, gia đình hay không đạt được kết quả mong muốn, tôi lại có những biểu hiện đó. Song, trạng thái này xuất hiện ngày càng thưa dần, và tôi thường thành công trong việc xoay chuyển tình hình.
Trước tiên, tôi nén những ý nghĩ tiêu cực xuống và khởi lên những ý nghĩ tốt đẹp về bản thân. Như vậy để làm giảm áp lực và cho tôi không gian để phủ định an bài của cựu thế lực và nhớ lại Pháp của Sư phụ về hướng nội. Tôi sẽ tìm kiếm chấp trước nào mà tôi vẫn chưa tống khứ. Tôi sẽ lại xây dựng thái độ chân thành với bản thân và với bất kỳ điều gì đã an bài cho tôi.
Điều đó giúp tôi lấy lại được chính niệm. Sau đó, tôi phát chính niệm cường đại và phủ định an bài của cựu thế lực. Tôi đã xử lý được nhiều chấp trước, kể cả nỗi sợ bị thất bại và không được viên mãn. Nguyên nhân cơ bản đằng sau những chấp trước đó là cái tôi cá nhân.
Sư phụ giảng:
“ Tôi không thích khi thấy chư vị tự trách, không có tác dụng gì. Tôi vẫn là nói câu ấy: trượt ngã rồi đừng nằm ở đó, mau đứng lên đi thôi!” (Giảng Pháp vào Tết Nguyên Tiêu 2003)
(Bài chia sẻ được đọc tại Pháp hội Đức 2019)
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2019/1/21/380643.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2019/1/28/174792.html
Đăng ngày 12-02-2019; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.