Bài viết của phóng viên Minh Huệ ở tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc
[MINH HUỆ 04-12-2018] Đối với cha mẹ anh Trương Kim Khố, ngày 2 tháng 7 năm 2018 là một ngày ảm đạm. Ngày hôm đó, con trai của họ được trả tự do sau khi thụ án oan sai năm năm tù giam vì tu luyện Pháp Luân Công, nhưng cảnh sát lại không cho họ đón con trai tại nhà tù cách nhà khoảng 150 km, mà yêu cầu họ phải ở nhà đợi anh Trương trở về.
Pháp Luân Công, hay còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là pháp môn tu luyện cả tâm lẫn thân truyền thống dựa trên tiêu chuẩn Chân-Thiện-Nhẫn. Pháp môn đã bị chính quyền cộng sản Trung Quốc bức hại từ năm 1999. Rất nhiều học viên Pháp Luân Công đã bị bắt, tra tấn, thậm chí bị mổ cướp nội tạng vì từ chối từ bỏ đức tin của mình.
Cuối cùng, một chiếc xe cảnh sát đã đến nhà bố mẹ anh Trương, cảnh sát đã khiêng một người đàn ông gầy hốc hác và không thể tự đi lại ra khỏi xe. Cặp vợ chồng già không tin nổi vào mắt mình bởi lẽ trông anh Trương không giống người con trai phong nhã hào hoa trước kia của cha mẹ anh nữa. Mẹ anh Trương gào khóc bi thương: “Con trai tôi đâu? Chuyện gì xảy ra với nó? Con trai của chúng tôi bị các người bắt đi và bức hại thành bộ dạng này, lương tâm của các người đâu rồi?” Khi bà con lối xóm vây quanh và ai nấy đều giận dữ và mắt rưng lệ than vãn, cảnh sát đã vội vã rời đi.
Hàng xóm láng giềng cùng nhau giúp đưa anh Trương, 45 tuổi vào nhà. Lúc này, anh chỉ nặng khoảng 40kg và không thể nói được một lời nào.
Khi vào trong nhà, anh Trương đưa mắt nhìn xung quanh để tìm vợ mình. Mẹ anh vừa khóc vừa nói rằng vợ anh, cô Lý Á Lệ, vì bị tổn thương nặng nề về việc anh bị bắt và tra tấn, nên đã qua đời vào tháng 5 năm 2016, ở tuổi 47.
Anh Trương Kim Khố trước khi bị cầm tù.
Anh Trương không thể đi lại và nói chuyện khi trở về nhà sau năm năm bị cầm tù phi pháp
Mẹ anh Trương đã dốc lòng chăm sóc cho con trai, nhưng anh hồi phục rất chậm. Khi mẹ anh hỏi tại sao anh lại gầy hốc hác như vậy, anh chầm chậm viết bằng tay trái không thuận (tay phải của anh đã bị gãy vì bị tra tấn ở trong tù) rằng: “Con đã liên tục tuyệt thực trong khoảng năm năm.”
Khi mẹ anh Trương hỏi chi tiết hơn nữa, anh viết, “Họ (lính canh và tù nhân) cho thuốc vào đồ ăn.” Sau đó anh Trương đã cảm ơn gia đình, họ hàng và các học viên Pháp Luân Công khác vì đã rất kịp thời hối thúc nhà tù trả tự do cho mình. Mặc dù anh không được ra tù trước hạn, nhưng nỗ lực của họ đã giúp cải biến đáng kể hoàn cảnh của anh ở trong tù.
Bị bắt giữ và bị cầm tù
Ngày 29 tháng 3 năm 2013, anh Trương Kim Khố, cư dân huyện Bột Lợi bị bắt giữ, ngay sau khi Vương Hiến Khôi, chủ tịch tỉnh Hắc Long Giang nhìn thấy các tấm biểu ngữ “Pháp Luân Đại Pháp hảo” và “Chân-Thiện-Nhẫn hảo” trên một tuyến đường quốc lộ. Vương đã ra lệnh điều tra nguồn gốc của các tấm biểu ngữ đó, và nhiều học viên Pháp Luân Công ở tỉnh Hắc Long Giang bị bắt giữ cùng ngày với anh Trương.
Tại Trại tạm giam Số 1 Y Lan, cảnh sát trưởng thuộc cấp của ông ta đã đánh đập anh Trương rất tàn bạo khiến anh bị gãy nhiều răng và xương sườn. Chấn thương của anh Trương đã khiến anh bị nhiễm trùng phổi và chuyển thành bệnh lao. Vì anh Trương bị thương nghiêm trọng và thổ huyết, nên sau khi gia đình anh chi trả 10.000 nhân dân tệ, thì ngày 20 tháng 4, anh đã được tại ngoại vài tuần để điều trị y tế.
Ngày 17 tháng 7 năm 2013, anh Trương bị bắt một lần nữa và lại bị tra tấn trong trại giam. Cột sống của anh Trương bị chấn thương khiến anh bị liệt. Khi hay tin, người dân trong thôn đã ký đơn thỉnh nguyện kêu gọi trả tự do cho anh. Nhưng anh Trương vẫn bị kết án năm năm tù giam vào ngày 21 tháng 8 năm 2013, anh bị đưa đến Nhà tù Giai Mộc Tư bằng cáng.
Bị ngược đãi nghiêm trọng tại Nhà tù Hô Lan
Ngày 1 tháng 10 năm 2013, thời điểm anh Trương bị chuyển tới Nhà tù Hô Lan, anh đã không thể đi lại vì chấn thương cột sống. Tuy vậy, lính canh và tù nhân thường đánh đập và nhục mạ anh cùng các học viên khác mỗi khi họ muốn.
Một ngày sau khi anh Trương bị đưa vào Nhà tù Hô Lan, Vương Hoành Bân – một tù nhân bị ngồi tù vì tội giết người đã đá vào ngực của anh Trương, khiến anh ngã ngửa ra đằng sau, đập đầu xuống đất và gần như bất tỉnh. Vương dùng một chân giẫm lên ngực anh Trương, và dùng chân còn lại đạp đầu anh xuống sàn nhà.
Khi anh Trương quá yếu đến mức không thể cử động hay đứng dậy được, anh nghe thấy Vương hét lên: “Các cán bộ đã nói với bọn này rằng các học viên Pháp Luân Công bị đánh chết thì sẽ được tính là tự sát. Rất nhiều học viên đã chết dưới tay ta.”
Mặc dù Vương không có kiến thức về y tế, nhưng anh ta vẫn được giao nhiệm vụ lấy mẫu máu của anh Trương. Vương thường lấy nhiều máu quá mức, cố ý sử dụng đầu kim lớn nhất có thể và chọc xoắn kim thật mạnh vào bắp tay của anh Trương, khiến anh hoa mắt và chóng mặt. Vương cũng lấy máu từ cổ và ngực của anh Trương.
Có lần, khi một tù nhân khác cố gắng ngăn cản Vương vì sợ anh Trương sẽ chết. Vương đã phớt lờ những lo lắng đó và nói: “Không sao. Máu của anh ta có thể được sử dụng cho các bệnh nhân tại bệnh viện. Thậm chí anh ta có chết, thì sẽ được tính là tự sát.”
Có lần, Vương túm đầu anh Trương và đập xuống sàn nhà, ngoài ra còn bóp tinh hoàn và đá vào vùng kín của anh Trương. Các lính canh chứng kiến những việc làm đó của Vương đều không lên tiếng, mà lẳng lặng bỏ đi nơi khác.
Nỗ lực giải cứu tạo nên sự khác biệt
Theo anh Trương, năm 2014 và 2015 là khoảng thời gian tồi tệ nhất trong khi anh bị giam giữ. Tất cả các học viên ở Nhà tù Hô Lan bị yêu cầu phải từ bỏ đức tin của mình. Nếu họ không từ bỏ họ sẽ bị buộc phải đứng bất động trong thời gian dài hoặc chạy vòng quanh. Môi trường rất khắc nghiệt và khu vực bị nhiễm chấy rận nghiêm trọng. Ngoài việc bị tra tấn cả về thể chất lẫn tinh thần, các học viên còn bị tước quyền được gia đình thăm nom.
Khi anh Trương đang bên bờ vực của cái chết vì bị ngược đãi, thì gia đình, bốn luật sư và hơn 100 họ hàng cùng bà con lối xóm đã đến thăm anh. Tất cả các quan chức nhà tù, từ cai ngục cho đến lính canh đã bị sốc vì điều đó, và đây là lần đầu nhà tù cho phép gia đình của các học viên Pháp Luân Công, những người từ chối từ bỏ đức tin của mình, được vào thăm.
Trong tù, anh Trương cố gắng phản bức hại, nhưng sức khỏe của anh tiếp tục xấu đi. Giống như nhiều người bị giam giữ khác, anh bị phù phổi. Thực tế, hàng chục tù nhân đã chết vì bị phù phổi và một bác sỹ nhà tù chẩn đoán anh Trương sẽ không thể sống quá ba tháng. Anh Trương viết: “Nhưng thật may mắn vì tôi đã có thể sống sót.”
Nỗi đau và cái chết của vợ
Vợ anh Trương, cô Lý Á Lệ đã bị tổn thương vì chồng bị bắt giữ và chết dần chết mòn trong tù. Cô đã viết một lá thư gửi tới Cục Nhà tù Hắc Long Giang. Trong thư có đoạn: “Từ khi chồng tôi bị giam giữ, gia đình tôi không có thu nhập. Tôi quá yếu để có thể trợ giúp cho gia đình. Áp lực vô cùng to lớn, giống như một ngọn núi đè nặng và tôi không biết mình có thể sống được bao lâu.”
Trong một bài viết bà gửi tới website Minh Huệ, cô Lý viết: “Tôi đã thổn thức một mình. Sau một hồi, tôi lau nước mắt và tự nhủ phải vững vàng, bởi tôi phải tiếp tục chuyến đi [đến nhà tù] của mình. Và tôi phải đưa chồng tôi trở về nhà trước khi quá muộn để chữa khỏi bệnh cho anh ấy.”
Hành trình của cô dài hơn 150km, cô di chuyển bằng tàu hỏa và xe buýt từ huyện Bột Lợi tới Nhà tù Hô Lan ở gần thành phố Cáp Nhĩ Tân, thủ phủ của tỉnh Hắc Long Giang. Từ tháng 10 năm 2013 và tháng 1 năm 2014, cô Lý đã đi 11 chuyến tới nhà tù.
Cô Lý không được phép gặp chồng cho đến lần thăm thứ 11 vào ngày 9 tháng 1 năm 2014. Khi cô Lý gặp chồng, cô thấy anh đã không còn là người chồng khỏe mạnh của mình trước đây, anh Trương được đưa vào phòng thăm hỏi bằng xe đẩy.
Năm 2014, trong những lần gia đình đến thăm anh Trương, anh vẫn có thể nói chuyện và thường nói rằng anh bị tù nhân đánh đập tàn bạo. Nhưng ngay khi anh Trương đề cập đến điều đó, lính canh và tù nhân sẽ nhanh chóng đưa anh đi nơi khác. Trong suốt buổi gặp mặt anh Trương hay đưa tay sờ lên đầu và nói rằng anh bị đau đầu vì bị ngược đãi.
Sức khỏe của anh Trương càng ngày càng tệ đi. Ngày 17 tháng 2 năm 2014, khi em gái tới thăm, anh nói rằng có lần bác sỹ nhà tù đã nói với anh rằng: “Ngay cả khi anh bị tra tấn tới chết, thì cũng không một quan chức nào quan tâm.”
Ngoài việc đến nhà tù để cố gắng gặp chồng, cô Lý cũng đi đến rất nhiều cơ quan chính quyền thành phố Cáp Nhĩ Tân, nhưng tất cả đều từ chối cho phép chồng cô tại ngoại để điều trị y tế. Bởi triền miên sống trong lo lắng, thất vọng và sự uy hiếp từ phía chính quyền, cô Lý đã ngất xỉu hai lần, một lần tại Nhà tù Hô Lan và một lần khác tại Cục Quản lý Nhà tù Hắc Long Giang.
Sức khỏe của cô suy giảm nhanh chóng và cân nặng của cô sụt xuống dưới 36kg. Ngày 4 tháng 5 năm 2016, cô Lý tới thăm chồng, và cả hai người đều không ngờ rằng đó là lần cuối cùng họ gặp nhau.
Mười ngày sau, ngày 14 tháng 5 năm 2016, cô Lý đã qua đời vào hồi 5 giờ sáng, dương thọ 47 tuổi.
Nỗi đau của cô con gái
Sau cái chết của mẹ và cha vẫn ở trong tù, con gái của cô Lý và anh Trương thu mình sống tách biệt, thậm chí cô không muốn tới thăm ông bà của mình, những người ở cùng nhà với cha mẹ cô.
Cô gái trẻ đã không ở đó để đón cha mình trở về khi ông được trả tự do.
Hiện tại, anh Trương phải nhờ bố mẹ chăm sóc. Hiện vẫn chưa rõ mức độ tra tấn và những thương tích mà anh Trương phải chịu đựng bởi anh chỉ có thể giao tiếp bằng cách viết ra giấy bằng tay trái không thuận của mình.
Những gì mà anh Trương và gia đình anh phải chịu đựng chỉ là một ví dụ về những gì mà hàng chục triệu học viên Pháp Luân Công đã trải qua kể từ khi cuộc bức hại bắt đầu cách đây 19 năm. Chúng tôi hy vọng nhiều người hơn nữa lưu tâm tới cuộc đàn áp này và giúp ngăn chặn những thảm kịch như vậy xảy ra.
Bài viết liên quan:
Nhà tù từ chối điều trị y tế và đổ lỗi cho gia đình vì bệnh lao của học viên
Trương Kim Khố trong tình trạng nguy kịch vì bị tra tấn, gia đình kêu gọi trả tự do cho ông
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2018/12/4/378013.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2018/12/17/173660.html
Đăng ngày 26-12-2018; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.