Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp ở Trung Quốc

[MINH HUỆ 21-11-2018] Trong những năm qua, chồng tôi đã cải biến rất nhiều; từ sợ hãi và phản đối tôi tu luyện Pháp Luân Đại Pháp, anh ấy đã chuyển sang ủng hộ; từ nhút nhát đến dám đường đường chính chính tới các cơ quan công kiểm pháp (công an, kiểm soát và tư pháp) lý luận đòi thả tôi; và từ rất nặng tâm về gia đình đã bước ra lên tiếng cho chính nghĩa, vì Pháp Luân Công mà nói lời công đạo. Anh ấy nói: “Tôi biết là Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang dối gạt người. Từ khi ra đời đến nay nó vẫn luôn không một ngày nào không lừa dối người. Giờ đây, bởi tôi đã nhìn thấu tỏ nó nên tôi rất thư thái.” Tôi hiểu anh ấy nói vậy là bởi anh ấy nhìn rõ bản chất của tà đảng, loại bỏ được vật chất sợ hãi, nên toàn thân thoải mái.

Đến nay tôi đã tu luyện Đại Pháp được 20 năm, và càng tu luyện, tôi càng trân trọng thời gian quý báu mà Sư phụ từ bi đã chịu đựng và phó xuất cự đại để kéo dài cho chúng ta. Chúng ta cần phải trân quý mọi thứ mà Sư phụ ban cho chúng ta, làm tốt ba việc, và cứu nhiều người hơn nữa. Dưới đây, tôi xin chia sẻ với mọi người một chút về sự biến hóa của chồng tôi.

Tu tốt bản thân từ những việc nhỏ trong cuộc sống thường nhật và đề cao tâm tính

Chồng tôi là người phương Nam, nhưng sau khi tốt nghiệp đại học, anh ấy đã xin được việc làm ở vùng Đông Bắc. Tôi cảm thấy tâm anh ấy luôn hướng về người thân ở quê nhà anh ấy. Anh trai chồng tôi sống ở nông thôn và cuộc sống khó khăn, nên khi con của anh trai chồng tôi tôi học cấp ba, anh ấy dùng tiền lương của mình để chi trả học phí và tiền sinh hoạt cho cháu, nhưng anh lại không bao giờ bận tâm đến việc đón con chúng tôi từ trường về sau những buổi học tối. Dần dần tôi sinh tâm oán hận anh ấy.

Chồng tôi thường than lưng mỏi chân đau, nên để sinh hoạt của anh ấy được thoải mái hơn, tôi đã chạy vạy vay tiền để mua một ngôi nhà rộng hơn. Tuy nhiên, đến ngày nhận nhà, anh ấy lại bắt tàu về quê để đưa cháu trai lên trường đại học. Anh ấy cũng mang theo 10.000 tệ. Tôi rất oán hận và nghĩ: “Lúc tôi cần tiền và người giúp đỡ nhất, thì anh ấy lại đi để tìm sự yên ổn và thoải mái, để mình tôi lo liệu việc sửa sang nhà cửa. Anh ấy quá vô trách nhiệm với gia đình riêng của chúng tôi.”

Sau khi nhà cửa sửa sang xong, anh ấy lại gây khó dễ cho tôi khi không chuyển đến ở. Tôi biết lý do là bởi anh ấy cảm thấy hổ thẹn vì bản thân không đóng góp được gì nhiều cho ngôi nhà mới này. Mẹ con tôi phải năm lần bảy lượt xuống nước cầu xin anh ấy, anh ấy mới đồng ý dọn đến ở. Tôi thiếu khoảng 10.000 tệ tiền nợ, nhưng khi tôi hỏi anh ấy giúp số tiền đó, anh ấy lại bắt tôi phải viết giấy nợ, điều này khiến tôi dở khóc dở cười.

Chồng tôi có thói quen là khi ăn cơm xong không bao giờ rửa chén bát mà chỉ ngâm chúng vào nước. Tôi thấy không thuận mắt, nên tôi thường càm ràm vài câu, anh ấy không thích nghe, nên hai chúng tôi thường xuyên cãi vã vì những chuyện không đâu.

Một hôm, tôi nghĩ: “Tôi là người tu luyện Đại Pháp. Tôi sao có thể tranh cãi như vậy được.” Sau đó, khi anh ấy ngâm bát đĩa, thì tôi sẽ chỉ lặng lẽ đi rửa chúng.

Chồng tôi cũng có thói quen ngâm quần áo thay vì giặt chúng, và thỉnh thoảng anh ấy ngâm chúng trong ba đến năm ngày. Mặc dù tôi không nói gì, nhưng vẫn phàn nàn trong tâm.

Khi rảnh, anh ấy thường ngủ hoặc đi dạo chứ không giúp tôi làm bất kỳ việc nhà nào. Em gái tôi nghĩ rằng điều này thật không công bằng với tôi, và nói: “Chị đừng chiều anh ấy như vậy, đừng giặt quần áo cho anh ấy. Chị kiếm nhiều tiền hơn anh ấy, trẻ hơn anh ấy. Tại sao chị phải chiều anh ấy như thế?”

Tôi biết rằng hết thảy những việc này đều là để tôi tu luyện. Anh ấy giống như một tấm gương phản ánh tâm chấp trước của tôi, như tâm bất bình, tâm so bì, tâm tranh đấu, tâm tật đố,… Tôi nhất định phải loại bỏ những tâm chấp trước này.

Khi khảo nghiệm tâm tính đến, thay vì tranh cãi với chồng như trước kia, tôi ghi nhớ rằng tôi phải khuếch đại từ bi trong tâm, dụng thiện tâm đối đãi với anh ấy. Trước hết, tôi chiểu theo Pháp quy chính bản thân, nào là danh, lợi, tình, thù – những chủng tâm này tôi đều buông bỏ.

Mặc dù chồng tôi biết rằng Đại Pháp là tốt, nhưng những gì trải qua trước kia đã khiến anh ấy sợ đảng. Khi anh ấy còn nhỏ, cha anh ấy bị gán nhãn là một người “cánh hữu”, và các cuộc thanh trừng chính trị đã ám ảnh anh ấy trong suốt những năm tháng về sau. Tháng 7 năm 1999, khi Giang Trạch Dân bức hại Pháp Luân Công, anh ấy vì quá sợ hãi nên muốn tôi rời nhà đến nơi nào đó để tránh bức hại. Tôi nói: “Em đi đâu trốn đây? Nhà là nơi an toàn nhất. Em không sợ thì anh sợ gì chứ?”

Có lần, trong khi tôi đang học Pháp, anh ấy bước vào, giằng lấy sách trong tay tôi, rồi xé nó. Một lần khác, một học viên đến tìm tôi, vừa lúc cô ấy ra đến cửa toan rời đi thì gặp chồng tôi về nhà. Anh ấy không khách khí mà thô lỗ bảo cô ấy lần sau đừng có đến nhà tôi nữa.

Sau khi đồng tu về, tôi nghĩ: “Đại Pháp vừa từ bi vừa uy nghiêm. Tôi không thể để chồng tôi đối đãi với các đệ tử Đại Pháp như vậy được, không thể để anh ấy tạo nghiệp.” Tôi bình tĩnh như cũng nghiêm túc bảo anh ấy: “Sao anh lại nói người khác như vậy được? Cô ấy là phụ huynh của một học sinh trong lớp em và là một trong bốn hàng xóm ở tầng trên của chúng ta. Việc cô ấy ghé qua nhà là chuyện rất đỗi bình thường mà? Với tư cách là chủ nhà, anh nên tiếp đãi khách một cách lịch sự, ít nhất thì cũng phải có lễ mạo. Anh không tôn trọng khách của em thì cũng bằng như không tôn trọng em.” Nghe vậy anh ấy không nói tiếng nào. Sau đó, khi một học viên khác đến giúp tôi cài đặt máy tính, chồng tôi rất nhiệt tình tiếp đãi và thậm chí còn xuống bếp chuẩn bị cơm nước cho chúng tôi.

Đài truyền hình Tân Đường Nhân giúp chồng tôi cải biến

Tôi biết rõ là chồng tôi đã bị tà ác thao khống, tư duy của anh ấy đều là văn hóa đảng. Tôi nhận ra rằng, để giúp anh ấy, thì trước hết tôi phải quy chính bản thân. Bình thường trong cuộc sống thì mọi chuyện tôi đều tìm trong bản thân, gặp mâu thuẫn hướng nội tìm, loại bỏ tâm oán hận, tâm xem thường người khác.

Đồng thời tôi cũng triệt để thanh lý nhà cửa. Tôi đem xé và đốt bỏ mọi sách báo có mang theo nhân tố tà đảng, trong đó tôi đốt cả giấy chứng nhận tốt nghiệp của tôi có trích dẫn lời của Mao Trạch Đông trên đó. Tôi cũng đập vỡ và quăng bỏ hết thảy những kỷ niệm chương có chân dung của Mao trên đó.

Năm 2008, tôi lắp đặt thiết bị có thể thu sóng Đài truyền hình Tân Đường Nhân (NTDTV). Dần dần, thế giới quan của chồng tôi phát sinh chuyển biến căn bản. Hiện tại, điều đầu tiên anh ấy làm vào mỗi buổi sáng là bật ti-vi và xem các chương trình NTDTV. Anh ấy trở thành một người hoàn toàn mới so với trước kia. Anh ấy có trách nhiệm với gia đình, chủ động làm việc nhà để tôi có thể có nhiều thời gian hơn làm tốt ba việc.

Nói lời công đạo cho Pháp Luân Công

Năm 2012 tôi bị bắt giữ phi pháp, chồng tôi đã thuê một luật sư cho tôi và đọc rất nhiều sách luật. Anh ấy không còn sợ hãi nữa và đường đường chính chính đi đến cục công an, tòa án, viện kiểm sát, và thậm chí là đến cả Phòng 610, môt cơ quan chuyên đứng sau chỉ đạo toàn bộ các bước trong quá trình làm án, không lộ diện.

Chồng tôi trí tuệ mà đến tận văn phòng của họ nói: “Vậy tổ chức này thực sự tồn tại. Có vẻ như những điều Pháp Luân Công nói về các vị đều là thật. Bức hại Pháp Luân Công là bất hợp pháp!”

Chồng tôi viết thư khiếu nại lên Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc, Văn phòng khiếu nại, các cơ quan công kiểm pháp, nói rằng thực hành Pháp Luân Công là hoàn tòa hợp pháp và rằng pháp môn này đang bị bức hại oan uổng. Khi anh ấy đến thăm tôi, anh ấy nói với cảnh sát nhà tù rằng: “Cô ấy là người có tín ngưỡng, nếu các vị cưỡng ép cô ấy từ bỏ tín ngưỡng, thì cô ấy sẽ thống khổ suốt đời!”

Thân nhân của các học viên Pháp Luân Công có vai trò rất tích cực. Bởi chồng tôi không phối hợp với chính quyền, nên tôi không bị quá nhiều áp lực trong khi bị giam giữ. Cuối cùng, thậm chí không có ai nói việc “chuyển hóa” với tôi. Bản thân tôi cũng không ngừng kêu gọi công lý cho Pháp Luân Công khi bị giam giữ.

Ngày tôi ra khỏi sào huyệt tà ác, chồng tôi từ chối ký tên vào giấy tờ của Phòng 610. Anh ấy nói với một cậu thanh niên làm việc cho Phòng 610 rằng: “Chàng trai, cậu còn trẻ sao không làm việc gì khác có phải tốt hơn không? Đừng làm công việc thất đức này.”

Chồng tôi từ chối ký tên, nhưng họ cũng không thể làm gì được. Cuối cùng, chúng tôi lên xe và chúng tôi tự lái xe nhà.

Tại đây, tôi muốn cảm tạ các đồng tu đã giúp đỡ tôi. Tôi cũng muốn cảm tạ các đồng tu ở hải ngoại đã gọi điện ủng hộ tôi. Từ khi tôi trở về nhà, chồng tôi thậm chí lại càng ủng hộ tôi tu luyện hơn trước.

Giúp đỡ gia đình học viên bị bức hại

Khi ở trong sào huyệt của tà ác, tôi gặp một đồng tu, hiện cô ấy vẫn đang bị giam giữ phi pháp ở đó. Tôi nghĩ tới gia đình cô ấy rất nhiều vào dịp năm mới và quyết định đến thăm họ.

Tôi chuẩn bị một túi gạo lớn và một thùng dầu ăn và cùng chồng tôi đi cùng vì đồ khá nặng.

Chồng tôi rất vui vẻ đi cùng và đã làm một việc rất tuyệt vời. Anh ấy nói với người chồng của học viên đó: “Bà xã anh tu luyện Pháp Luân Công, là người tốt và cô ấy không vi phạm bất kỳ điều luật nào. Anh hãy nói với vợ anh rằng cô ấy đang bị oan và cô ấy không làm gì sai cả. Nói vậy cô ấy sẽ tín tâm hơn.”

Anh ấy cũng khuyên người chồng của học viên hãy nói như vậy với cảnh sát: “Nói với họ rằng vợ anh bị oan. Không việc gì phải sợ họ. Anh phải cứng rắn, mạnh mẽ và đường đường chính chính, làm vậy cảnh sát sẽ sợ.”

Người chồng của học viên rất cảm động, chắp tay nói: “Anh chị đến khiến tôi rất hạnh phúc! Mấy ngày qua tôi thực sự rất khổ sở. Con gái thì không tìm được việc và vẫn chưa kết hôn. Áp lực đè nặng lên tôi. Họ hàng thân thích đều xa lánh chúng tôi. Anh chị thật tốt bụng, lại còn lặn lội đường xa đến chơi với tôi nữa.”

Tôi động viên anh ấy đến thăm vợ: “Dù là bận đến đâu, thì anh cũng nên đi thăm vợ mình. Chị ấy đang bị giam giữ phi pháp, việc anh đến thăm sẽ giúp an ủi tinh thần chị ấy rất nhiều, thậm chí là anh không cần phải nói gì cả.”

Anh ấy bảo chúng tôi rằng ông chủ không cho anh ấy nghỉ làm để đi thăm vợ, và còn gắng khuyên anh ấy ly hôn vợ, và còn giới thiệu một phụ nữ khác cho anh ấy, nhưng anh ấy từ chối gặp mặt. Anh ấy nói: “Tôi không muốn làm như thế. Vợ tôi là người tốt.”

Tôi khích lệ anh ấy và nói: “Anh đang làm điều tốt, anh sẽ được thiện báo. Là Giang Trạch Dân bức hại anh, anh nên kiện ông ta.”

Anh ấy dường như bừng tỉnh, nói: “Chị nói đúng. Ngày mai tôi sẽ đi và tìm gặp giám đốc nhà tù. Vợ tôi mà có gì bất trắc, tôi sẽ không tha cho họ!”

Sau khi nói lời tạm biệt anh ấy, chúng tôi đến thăm một học viên khác, cô ấy đang một mình nuôi con trai kể từ khi chồng cô ấy bị giam giữ phi pháp. Cô ấy trông mềm yếu nhưng thực ra lại vô cùng kiên cường. Mỗi tháng cô ấy đều đi thăm chồng, vừa phải đi làm toàn thời gian, vừa phải chăm sóc cậu con trai đang học cấp hai.

Cô ấy bảo chúng tôi rằng cô ấy đã đi tới cơ quan công kiểm pháp các cấp để giảng chân tướng Pháp Luân Công và viết rất nhiều thư, tích cực giải cứu chồng. Chồng tôi nói: “Chúng tôi quả thực rất bội phục chị.” Cô ấy cảm ơn chúng tôi vì đã đến chơi với cô ấy và đi cả một đoạn đường dài để tiễn chúng tôi.

Sau khi về nhà, tôi cảm ơn chồng đã giúp đỡ: “Hôm nay anh đã làm một việc tốt công đức vô lượng. Những lời ấy anh nói ra sẽ hiệu quả hơn là em nói. Cảm ơn anh rất nhiều.” Trong tâm anh ấy vô cùng cao hứng khi nghe tôi khen anh ấy như vậy.

Thực tế thì chồng tôi cũng có nhiều mỹ đức truyền thống, anh ấy luôn hiếu kính người già và không bao giờ dính vào những thú tiêu khiển không lành mạnh, như nhậu nhẹt quá chén, bài bạc, gái gú. Tôi rất tôn trọng anh ấy về những đức tính đó.

Trở thành “phương tiện truyền thông lưu động”

Hàng ngày chồng tôi đều xem NTDTV và đọc Thời báo Đại Kỷ Nguyên trực tuyến. Anh ấy cũng đọc các tập san chân tướng, và thường đi đến công viên và nói chuyện với mọi người, anh ấy nói rằng “tư tưởng” Mao“ không có gì hơn là sự kết hợp giữa hệ tự tưởng Marxist của phương Tây và những lý thuyết thổ phỉ (ngoài vòng pháp luật), và anh ấy còn nói rằng địa chủ là người sở hữu hợp pháp đất đai của họ, nông dân làm thuê cũng là làm theo giao kèo giữa họ với chủ đất. Nhưng Trung Cộng lại cướp đất của địa chủ và giết họ. Rất nhiều giáo sư, hiệu trưởng, và sinh viên đều thích nghe anh ấy nói, vì những gì anh ấy nói đều là chân tướng mà trước kia họ chưa từng nghe.

Khi mọi người hỏi anh ấy vì sao biết những thông tin đó, anh ấy thường nói: “Đừng hỏi tôi từ đâu mà biết những điều này. Thay vào đó, hãy nói cho tôi biết lời tôi nói có đạo lý hay không.” Khi mọi người hỏi anh ấy có luyện Pháp Luân Công không, anh ấy nói: “Luyện Pháp Luân Công không hề phạm pháp, nhưng tôi ngay cả đến tập thể thao như mọi người còn không biết cách tập, nói gì đến luyện Pháp Luân Công!”

Khi anh ấy họp lớp cấp ba, các bạn học của anh ấy nói rằng anh ấy thật dũng cảm khi nói ra những điều ấy. Anh ấy bảo họ rằng anh không hề cảm thấy sợ và còn nói đùa rằng anh ấy là “phương tiện truyền thông lưu động.”

Đại Pháp ban phúc báo

Chồng tôi quả thực đã đắc phúc báo. Anh ấy cảm thấy ngày càng trẻ hơn, đầu tóc đen trở lại. Trước kia anh ấy từng bị điếc nhẹ, nhưng giờ đây anh ấy có thể nghe rất rõ ràng. Bệnh tim của anh ấy cũng khỏi.

Cảm tạ Sư phụ từ bi vĩ đại luôn chỉ dẫn và trông chừng chúng con, điểm hóa chúng con trên con đường tu luyện và bảo hộ người nhà con.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2018/11/21/372344.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2018/12/10/173571.html

Đăng ngày 25-12-2018; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share