Bài viết của một đệ tử Đại Pháp ở Bắc Kinh, Trung Quốc

[MINH HUỆ 5-11-2018]

Lạc lối trong nhân thế

Năm tôi hai tuổi, cha và bà nội tôi bắt đầu tu luyện Pháp Luân Đại Pháp. Thỉnh thoảng tôi có đến điểm luyện công cùng cha, nhưng cũng không biết rõ đó là gì. Tôi chỉ biết ba chữ Chân – Thiện – Nhẫn.

Năm 1999, khi tôi lên tám, chính quyền cộng sản Trung Quốc bắt đầu phát động cuộc bức hại Pháp Luân Đại Pháp. Đột nhiên mọi thứ đều thay đổi. Nhà trường và bạn học đều biết cha tôi là một học viên và họ nhìn tôi bằng con mắt rất khác. Năm 2001, tôi thấy được những hình ảnh mà người ta gọi là “tự thiêu” của các học viên Pháp Luân Đại Pháp trên truyền hình. Tôi nghĩ những gì chính quyền nói là đúng, nên đã vô cùng sợ hãi.

Cảnh sát lục soát nhà chúng tôi. Cha tôi bị bắt và bị đưa đến một trung tâm tẩy não. Tôi hoảng sợ. Tôi có suy nghĩ không tốt về Pháp Luân Đại Pháp và ước gì cha mình không tu luyện.

Sau khi được thả, trong hơn 10 năm từ đó về sau, cha tôi bỏ tu luyện Pháp Luân Đại Pháp. Trong suốt những năm đó, tôi lớn lên dưới văn hóa Đảng và thực sự tin vào thuyết vô thần. Tôi vui mừng khi cha không tu luyện Đại Pháp nữa và nghĩ rằng chỉ có như vậy gia đình tôi mới được bình an.

Khi vào trung học, tôi bị trầm cảm. Tôi khóc suốt và cảm thấy cuộc đời thật cay đắng.

Mãi đến sau này khi bắt đầu tu luyện Đại Pháp, tôi mới nhận ra rằng mình bị ô nhiễm nặng trong xã hội người thường. Nhiều vật chất bại hoại và hư nát ở trên thân thể khiến tôi buồn phiền và chán đời. Tôi không biết những đau khổ của mình từ đâu đến. Tôi đọc rất nhiều sách triết học, cố gắng để tìm ra ý nghĩa nhân sinh, nhưng không tìm được câu trả lời.

Đắc Pháp

Khi định mệnh tới, vào năm 2013, cuộc đời tôi đã thay đổi.

Một ngày, cha tôi quyết định tu luyện Pháp Luân Đại Pháp trở lại. Khi tôi biết điều đó, những ký ức kinh hoàng thời thơ ấu trong tôi ập về. Tôi phản đối và tìm mọi cách để ngăn cản cha. Tôi cố tình quấy nhiễu khi ông học Pháp và cố tranh luận với ông từ góc độ vật lý, hóa học và triết học để thuyết phục ông từ bỏ Đại Pháp. Mỗi lần như vậy, cha tôi đều dễ dàng thắng thế bằng việc trích dẫn những lời giảng trong các sách Đại Pháp.

Giai đoạn này tôi đang thực tập đại học ở một công ty. Tôi chứng kiến nhiều mâu thuẫn và mưu mô giữa ông chủ và đồng nghiệp. Tôi thấy cuộc sống quá mệt mỏi. Tôi nghĩ rằng làm người tốt trong một xã hội phức tạp như vậy thật sự khó khăn. Sau đó, tôi nhớ cha có nói với tôi rằng Pháp Luân Đại Pháp dạy mọi người làm người tốt.

Một ngày, khi gặp cha tôi hỏi: “Con không muốn tu luyện Pháp Luân Đại Pháp. Nhưng con muốn biết cách để trở thành một người tốt.”

Ông trả lời: “Nếu con thực sự muốn biết, vậy thì con cần tự mình đọc sách Đại Pháp.”

Tôi biết cha muốn dẫn dắt tôi bước vào tu luyện. Lúc đó tôi nhất quyết không chịu. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng không có gì sai khi đọc cuốn sách một chút. Tôi nghĩ, để mình xem trong sách viết gì, khi hiểu rõ mình có thể thuyết phục cha ngừng tu luyện. Với ý nghĩ như vậy, tôi quyết định đọc sách.

Cha tôi nói: “Con đừng nghĩ đọc cuốn sách này là dễ dàng.” Ông đưa ra cuốn Chuyển Pháp Luân và nói: “Nhưng cha sẽ thực sự ấn tượng nếu con đọc hết cuốn sách!”

Tôi biết cha đang khích mình. Tôi nghĩ mình đã đọc nhiều sách như vậy, chẳng lẽ đọc thêm cuốn này có thể khó vậy sao?

Tuy nhiên, đúng là thật khó để đọc cuốn Chuyển Pháp Luân và tôi thường đọc qua các chữ trong sách mà không thể hiểu được ý nghĩa của chúng. Thỉnh thoảng tôi ngủ thiếp đi sau khi mới chỉ đọc được vài dòng.

Trong khi đó, tôi bỗng trở nên bận rộn, thỉnh thoảng phải làm thêm giờ và về nhà rất muộn. Không muốn mất mặt với cha, tôi nói với bản thân rằng cần phải đọc xong cuốn sách cho dù có thế nào đi nữa. Vì vậy tôi tải về điện thoại di động một bản điện tử sách Chuyển Pháp Luân và đọc trong khi đi tàu điện ngầm. Tôi buộc bản thân phải đọc sách hàng ngày. Chậm nhưng chắc, sau vài tháng, tôi đã đọc xong cuốn sách.

Buổi tối ngày mà tôi đọc xong trang cuối của cuốn sách, khi đóng sách lại, tôi muốn hét lên: “Tại sao! Tại sao mình lại đọc cuốn sách này quá muộn khi mà cuốn sách đã ở trong nhà mình bao nhiêu năm như vậy!” Tôi hối tiếc vì đã mất gần 20 năm cuộc đời mà không hiểu gì về Đại Pháp!

Tôi chợt nhớ khi còn bé tôi đã ngồi thiền ở thế kiết già cùng cha như thế nào. Tôi tự hỏi liệu sau gần 20 năm tôi còn có thể ngồi được như thế nữa không. Tôi cố gắng và đã làm được! Chân tôi vô cùng đau nhức nhưng vẫn nhắm mắt nhẫn chịu.

Tôi tự nhủ: “Hãy để tất cả đau đớn và khổ nạn đến. Dù thế nào đi nữa, mình sẽ không từ bỏ Pháp Luân Đại Pháp!”

Đột phá trong giảng chân tướng

Trong một thời gian dài, tôi gặp khó khăn trong việc giảng chân tướng. Tôi rất sợ người khác có suy nghĩ không tốt về tôi. Vì vậy, tôi quyết định bắt đầu giảng chân tướng với người thân quen: Mẹ tôi, vì bà có nhiều hiểu sai về Đại Pháp. Nhiều lần, tôi cố gắng giảng chân tướng Đại Pháp cho bà từ các góc độ khác nhau, nhưng bà luôn phản bác tôi.

Một ngày, sau một lần nữa giảng chân tướng cho bà thất bại, tôi thở dài và nói: “Mẹ biết đấy, con đang cố gắng cứu mẹ.”

Bà nói: “Mẹ không muốn được cứu, ngay cả nếu mẹ có xuống địa ngục đi nữa!”

Tôi bị sốc. Tôi cảm thấy giảng chân tướng cho bà khó khăn quá. Thậm chí tôi không thể thuyết phục mẹ mình thành công! Tôi rất thất vọng. Lúc ấy, tôi biết mình phải buông bỏ cái tình và cố gắng cứu càng nhiều người càng tốt.

Tôi hướng nội và nhận ra thái độ của mẹ có thể liên quan đến chấp trước của tôi. Quả thật là tôi chọn giảng chân tướng cho mẹ mình trước tiên bởi tôi quá sợ hãi khi giảng chân tướng Pháp Luân Đại Pháp cho những người khác. Tôi cố gắng che giấu tâm sợ hãi thay vì loại bỏ nó. Đào sâu vào tâm sợ hãi, tôi nhận ra mình để tâm quá nhiều tới thể diện và danh tiếng. Tôi sợ rằng người khác có thể nghĩ không tốt về tôi. Tôi không tự tin để nói với mọi người rằng Đại Pháp là tốt nhất trên thế giới, điều này thể hiện rằng tôi không thực sự tín Sư tín Pháp 100%. Tôi ngộ ra rằng để giảng chân tướng được, tôi cần buông bỏ tâm sợ hãi.

Tuy nhiên, tôi không biết bắt đầu giảng chân tướng Đại Pháp như thế nào. Sau đó tôi vào trang web Minh Huệ và đọc một lượng lớn các bài chia sẻ [về việc giảng chân tướng] của các học viên. Tôi ghi lại những câu mà tôi nghĩ sẽ hữu ích với mình và ghi nhớ chúng.

Tiếp theo tôi có kế hoạch giảng chân tướng cho ba người bạn thân nhất. Trước một cuộc gặp với họ, tôi viết ra những gì muốn nói và ghi nhớ từng từ. Tôi tự nhủ: Mình phải đột phá tâm sợ hãi và mình sẽ nói với họ mình đang tu luyện Đại Pháp. Trên đường đi gặp họ, tôi phát chính niệm liên tục để loại bỏ tất cả những sinh mệnh tà ác ngăn cản tôi giảng chân tướng cho họ.

Trong cuộc gặp, tôi luôn tìm cơ hội để đưa ra chủ đề nhưng không mở lời được. Khi cuộc gặp của chúng tôi gần kết thúc, tôi trở nên thực sự lo lắng và tôi đã xin phép mọi người để vào nhà vệ sinh. Nhìn hình ảnh mình trong gương, tôi tự nhủ: “Mình ở đây để cứu họ. Hãy buông xuống cái tôi!” Tôi thấy tĩnh tại nhanh chóng.

Sau khi trở lại bàn, tôi đợi thêm hai phút nữa, rồi cuối cùng mở lời nói một cách chân thành: “Thực sự thì hôm này mình muốn nói với các bạn một chuyện.”

Một người bạn vỗ bàn trêu chọc: “Tại sao bạn phải đợi rất lâu như vậy mới mở miệng nói với bọn mình?”

Tôi hiểu rằng Sư phụ đã dùng miệng của cô ấy để điểm hóa cho tôi. Tôi lấy hết dũng khí để nói: “Mình muốn nói với các bạn rằng mình đang tu luyện Pháp Luân Đại Pháp.”

Sau khi nói ra, tâm trí tôi trống rỗng. Tôi đợi chờ họ nhảy bổ vào và chỉ trích tôi. Trước sự ngạc nhiên của tôi, họ tỏ ra quan tâm và hỏi tôi thực sự đó là gì? Cuối cùng tôi nói với họ mọi thứ họ muốn biết một cách tự nhiên. Họ đồng tình với mọi thứ tôi nói và thậm chí còn làm Tam thoái.

Không có gì mà tôi lo lắng xảy đến. Đúng thật như Sư phụ đã giảng:

“…thấy thật khó làm, nói là khó làm, chư vị cứ làm xem cuối cùng có làm được chăng. Nếu chư vị có thể thật sự thực hiện được như vậy, thì chư vị sẽ phát hiện rằng ‘liễu ám hoa minh hựu nhất thôn’!” (Bài giảng thứ chín, Chuyển Pháp Luân)

Cuối cùng tôi minh bạch rằng việc giảng chân tướng Pháp Luân Đại Pháp, tự bản thân nó không hề khó. Cái khó chính là có được dũng khí để thực hiện bước đi đầu tiên.

Ngay ngày hôm sau, mẹ tôi chủ động nói với cha tôi rằng bà muốn tu luyện Pháp Luân Đại Pháp. Tôi thật không dám tin vào tai mình khi nghe mẹ nói với cha như vậy. Thật quá đỗi vui mừng!

Tôi nhận ra rằng trước đây bà có thái độ như vậy là hoàn toàn do tôi. Sau khi tôi có sự đột phá, bà không cần thiết phải giữ thái độ đó nữa. Vì vậy bà đã thay đổi.

Không còn chấp vào Tình

Sau khi tôi bắt đầu tu luyện, tình là một trong những đại quan đầu tiên. Rất khó để tôi buông bỏ nó.

Sư phụ giảng:

“…miễn là chư vị có, thì cần phải vứt bỏ tại các chủng hoàn cảnh [khác nhau]. [Sẽ] làm cho chư vị trượt ngã, từ đó mà ngộ Đạo; tu luyện là như thế.” (Bài giảng thứ tư, Chuyển Pháp Luân)

Ngay khi quyết định tu Đại Pháp, tôi gặp một người đàn công rất tốt với tôi. Chúng tôi nhanh chóng bắt đầu hẹn hò với nhau.

Vào một ngày, khi đang ở nhà một học viên, tôi bị lỡ cuộc gọi của anh ấy. Anh ấy thực sự giận dữ và dọa chia tay. Tôi liên tục xin lỗi, tuy thế nhưng anh ấy khăng khăng rằng tôi phải hứa không được tham gia bất cứ hoạt động Đại Pháp nào hay tiếp xúc với bất cứ học viên nào.

Tôi biết rằng đây là quan để khảo nghiệm xem tôi có phải là một học viên chân chính không và xem tôi có thể buông xuống hết thảy mọi thứ khác không. Tôi nghiêm túc nói với anh ấy rằng chuyện này thì tuyệt đối không thể được, rằng tôi sẽ không làm theo những mong muốn của anh ấy được.

Anh ấy giận dữ hơn và muốn chia tay ngay lập tức. Tôi không thể giữ được bình tĩnh và bắt đầu khóc.

Anh ấy yêu cầu: “Em chọn gì? Anh hay Pháp Luân Đại Pháp?”

Lúc này, đó chính là nỗi sợ lớn nhất của tôi. Tôi không muốn lựa chọn.

Anh ấy nói: “Đây là cơ hội cuối cùng của em. Chúng ta sẽ vẫn ở bên nhau miễn là em đồng ý không tu luyện nữa. Em không cần nói, chỉ cần gật đầu. Anh sẽ đếm đến ba…”

Tôi tuyệt vọng. Tôi nghĩ đó là thủ đoạn của cựu thế lực. Chúng muốn dùng anh ấy để kéo tôi xuống. Tôi nhắm mắt, khóc và cầu xin Sư phụ:

“Sư phụ, xin cho con biết con phải làm gì!”

Một giọng nói xuất hiện trong đầu tôi: “Con biết câu trả lời.”

Tôi biết mình không có lựa chọn khác: Đại Pháp là sinh mạng của tôi. Tôi không thể từ bỏ được. Nước mắt chảy dài trên mặt, tôi lắc đầu. Anh ấy quay người và bỏ đi.

Tôi biết mình đã mất anh ấy. Trái tim tôi tan nát và tôi khóc to trên đường.

Cuối cùng tôi bình tĩnh lại, đột nhiên, anh ấy xuất hiện cạnh tôi và nhẹ nhàng nói: “Anh thực sự xin lỗi. Anh không nên ép em.” Cứ như thể không có chuyện gì xảy ra vậy.

Tôi biết mình đã qua được khảo nghiệm. Hơn nữa, tôi hiểu hơn về những gì Sư phụ giảng:

“…nhưng đề cao chân chính ấy là ‘xả bỏ’, chứ không phải là ‘đắc được’.” (Giảng Pháp tại Pháp hội Philadelphia ở Mỹ quốc năm 2002)

Sáu tháng sau, cha mẹ anh ép chúng tôi chia tay sau khi họ biết tôi tu luyện Pháp Luân Đại Pháp. Anh ấy lại cầu xin tôi từ bỏ Pháp Luân Đại Pháp để chúng tôi có thể tiếp tục mối quan hệ. Lần này tôi kiên quyết nói: “Em sẽ không từ bỏ tu luyện, thậm chí là phải chết!” Chúng tôi chia tay. Anh ấy nhanh chóng hẹn hò với một người khác, chuyện này khiến tôi rất buồn.

Thời điểm đó, ông ngoại tôi cũng qua đời. Mọi người trong gia đình tôi đều khóc. Tôi cũng khóc. Tôi không chắc là mình khóc vì ai. Tôi buồn vì ông và vì cả chính bản thân tôi. Sau đó tôi nhớ tới bài thơ của Sư phụ:

“Bách khổ nhất tề giáng

Khán kỳ như hà hoạt”

(Khổ kỳ tâm chí, Hồng Ngâm)

Tạm dịch:

Khổ về tâm chí

“Trăm khổ cùng giáng xuống

Xem sẽ sống ra sao”

Với tôi, để buông bỏ hoàn toàn cái tình là một quá trình lâu dài và chậm chạp. Thời gian sau khi chia tay, cứ nghĩ đến anh ấy trái tim tôi lại quặn đau. Kỷ niệm cùng anh thường xuất hiện trong tâm trí tôi và trong tôi tràn ngập đố kỵ và oán hận. Trong một đêm không ngủ, tôi quỳ trước Pháp tượng của Sư phụ và khóc nức nở: “Con thật xin lỗi Sư phụ! Con đã thất bại. Con không nghĩ mình có thể qua được quan này.”

Một lát sau, một người bạn gửi tin cho tôi một truyện tranh có nội dung:

Một người đàn ông quỳ trước Thượng Đế và cầu xin Thượng Đế phù hộ. Sau khi anh ấy đứng dậy và bắt đầu bước đi, một hòn đá nhỏ từ trên trời rơi xuống và đập vào đầu anh ấy. Anh ấy khóc và oán trách rằng Thượng Đế không bảo hộ cho mình. Sau đó anh ấy quay đầu lại và thấy Thượng Đế ở sau lưng mình đang giang rộng hai tay để chặn lại hàng ngàn tảng đá lớn, chúng sẽ rơi trúng anh nếu Thượng đế không ở đó.

Tôi bừng tỉnh. Sư phụ đang bảo hộ cho tôi từng thời khắc. Ngài đã thay tôi gánh chịu nghiệp lực mà tôi đã tích qua đời đời kiếp kiếp và tôi chỉ cần phải chịu một chút xíu mà thôi. Làm sao tôi có thể nói rằng mình không qua được khảo nghiệm đây? Hãy nghĩ xem, Sư phụ đã vì tôi mà gánh chịu biết bao nhiêu!

Một ngày, tôi học một bài kinh văn của Sư phụ:

“Hỡi các đệ tử chân tu, tôi dạy chư vị là Pháp tu Phật tu Đạo, vậy mà chư vị lại kể khổ với tôi vì những tổn thất về lợi ích nơi người thường, chứ không thấy khổ não vì tâm chấp trước nơi người thường của bản thân vẫn chưa buông bỏ được, đó là tu luyện sao?…” (Chân tu, Tinh Tấn Yếu Chỉ)

“Chư vị hãy nhớ cho kỹ! Tu luyện tự nó không hề khổ, điểm chốt là không buông bỏ được chấp trước người thường. Khi danh-lợi-tình của chư vị cần buông bỏ thì mới cảm thấy khổ.” (Chân tu, Tinh Tấn Yếu Chỉ)

Tôi cảm thấy xấu hổ về bản thân mình. Tôi quyết tâm tu luyện tinh tấn hơn.

Sư phụ giảng:

“Mọi người biết chăng, có rất nhiều thứ, cũng như rất nhiều tâm chấp trước tại sao bỏ mãi mà không được? Vì sao khó khăn đến như vậy? Tôi vẫn thường giảng cho mọi người rằng, các lạp tử là qua các tầng vi quan mà tổ [hợp tạo] thành cho đến vật chất ở bề mặt. Nếu ở [tầng] cực vi quan mà mọi người nhìn thấy hình thức các thứ chấp trước trong tư tưởng thì vật chất đó là gì? Là núi, là những quả núi đồ sộ, như những núi đá hoa cương ngoan [cố]; một khi chúng đã hình thành thì con người hoàn toàn không thể động đến chúng được nữa…” (Giảng Pháp tại Pháp hội Chicago năm 2004)

“Có nhiều sự việc chư vị làm không nổi, nhưng Sư phụ có thể làm, nhưng Sư phụ thực hiện [chúng] như thế nào? [Tôi] không nói là tôi hễ gặp chư vị liền bỏ chúng đi. Khi chư vị kiên định chính niệm, khi chư vị có thể bài xích chúng, tôi sẽ gỡ bỏ cho chư vị từng chút từng chút một; chư vị có thể làm được bao nhiêu, thì tôi giúp chư vị bấy nhiêu, tức là giúp chư vị huỷ [bỏ] bấy nhiêu.” (Giảng Pháp tại Pháp hội Chicago năm 2004)

Tôi ngộ ra rằng đó không phải bản nguyên sinh mệnh của mình thấy thống khổ. Đó là “cái tôi” giả được cấu thành bởi tình và nghiệp lực. Tôi biết rằng khi tôi càng không ngừng bài xích chúng thì Sư phụ càng giúp tôi loại bỏ chúng nhiều hơn.

Nhưng tôi vẫn thấy khó khăn. Bất cứ khi nào thấy các cặp đôi nam nữ cùng nhau trên phố, tôi lại thấy buồn. Một thời gian dài, tôi chìm trong buồn đau. Có lúc khi đang ăn nước mắt tôi cũng chảy xuống. Tôi cố gắng học Pháp nhưng gần như không thể nhập tâm. Tôi biết đây không phải là trạng thái đúng đắn của một người tu luyện. Tôi nghĩ mình sẽ phải thay đổi.

Một ngày, cha chỉ cho tôi một đoạn giảng Pháp của Sư phụ:

“Một chủng quan niệm khi đã hình thành rồi, sẽ khống chế một đời của chư vị, lèo lái tư tưởng của cá nhân ấy, cho đến cả hỷ nộ ai lạc của người ta. Đó là hậu thiên hình thành. Nếu những thứ đó qua thời gian lâu, sẽ hoà tan vào tư tưởng con người ta, hoà tan vào đại não chân chính của bản thân; nó sẽ hình thành tính cách một cá nhân.” (Phật tính, Chuyển Pháp Luân – Quyển II)

Tôi đột nhiên minh bạch: Chính quan niệm con người đã khiến tôi thống khổ. Những quan niệm đó khiến tôi tin rằng một người phụ nữ phải có một người đàn ông ở bên và chăm sóc. Không như vậy thì tôi sẽ thống khổ, cô đơn. Tôi nhận ra rằng thứ tôi thực sự lưu luyến không phải là bản thân người bạn trai cũ đó mà chính là cái cảm giác thỏa mãn khi được yêu. Quan niệm này kiểm soát cảm xúc của tôi. Để thoát khỏi cái tình, tôi phải buông bỏ quan niệm này.

Tôi liên tục ghi nhớ những lời giảng của Sư phụ:

“Tu luyện cần phải tu luyện trong ma nạn, [để] xem [đối với] thất tình lục dục chư vị có thể dứt bỏ hay không, có thể coi nhẹ hay không. Chư vị chấp trước chính vào những thứ ấy, thì chư vị không tu xuất lai được. Bất kể sự việc gì cũng có quan hệ nhân duyên; vì sao người ta có thể làm người? Chính là vì người ta có ‘tình’; người ta vì cái ‘tình’ này mà sống; tình cảm thân quyến, tình cảm nam nữ, tình cảm với cha mẹ, cảm tình, tình bè bạn, thực thi công việc cũng có tình, ở đâu cũng không tách khỏi cái ‘tình’ ấy; muốn làm hay không, cao hứng hay không, yêu và ghét, hết thảy mọi thứ trong toàn bộ xã hội nhân loại đều từ cái ‘tình’ ấy mà ra. Nếu ‘tình’ kia chẳng đoạn, thì chư vị không thể tu luyện được.” (Bài giảng thứ tư, Chuyển Pháp Luân)

Mỗi lần đọc thuộc đoạn Pháp này, một số vật chất xấu trong tôi bị giải thể. Bất cứ khi nào thấy buồn, tôi nhẩm Pháp và cảm thấy tốt hơn. Sau đó vào một ngày, tôi có một suy nghĩ rất rõ ràng: Thực sự có thứ gì trên thế gian dơ bẩn này mà mình không thể buông bỏ đây?

Sau khoảng hai năm, cuối cùng tôi đã qua được quan tình. Đối với tôi, quan này giống như quan sinh tử. Thỉnh thoảng vẫn có chút xáo trộn nhưng tôi đã biết cách tu thế nào khi ở trong tình trạng đó. Khi tôi buông bỏ một số chấp trước, cảm giác hạnh phúc trong tâm đơn giản là tuyệt vời. Sư phụ luôn an bài tốt nhất cho tôi!

Đại Pháp đã tịnh hóa tâm hồn tôi. Không từ ngữ nào có thể biểu đạt lòng biết ơn của tôi đối với Sư phụ và Đại Pháp. Tôi chỉ có thể hồi báo ơn cứu độ của Sư phụ bằng cách tu luyện tinh tấn hơn và cứu độ nhiều chúng sinh hơn.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2018/11/5/376437.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2018/11/12/173221.html

Đăng ngày 19-12-2018; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share