Bài viết của một học viên Pháp Luân Công tại Trung Quốc

[MINH HUỆ 5-11-2018] Con xin kính chào Sư Phụ! Kính chào các đồng tu!

Trong 20 năm tu luyện Pháp Luân Công, tôi đã được thụ ích rất nhiều từ các bài đăng trên trang web Minh Huệ. Trong thời gian diễn ra Pháp hội Trung Quốc lần này, tôi hy vọng có thể chia sẻ kinh nghiệm về quá trình phản đối cuộc bức hại bằng cách đệ đơn kiện dân sự để đòi lại công việc sau khi tôi bị chấm dứt hợp đồng lao động bất hợp pháp.

Phòng 610 phải chịu trách nhiệm cho việc tôi bị sa thải

Tôi bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công vào tháng 5 năm 1998 theo lời khuyên của một đồng nghiệp. Tim tôi nát tan khi chính quyền phát động cuộc đàn áp Pháp Luân Công vào tháng 7 năm 1999. Tôi tin rằng chúng tôi không có gì sai khi tu luyện Pháp Luân Công và tuân theo Chân-Thiện-Nhẫn. Tôi đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện đòi quyền tu luyện Pháp Luân Công, rồi bị bắt và giam trong 15 ngày.

Tôi đã viết thư ngỏ cho chính quyền địa phương để đòi công lý cho Pháp Luân Công sau khi tôi được thả. Phòng 610 gây áp lực nhằm ép cơ quan tôi cho tôi nghỉ việc. Tôi quyết định chuyển đến một thành phố khác và tìm một công việc mới, nhưng lại bị cảnh sát cấm rời khỏi thành phố.

Cuối cùng, khi tìm được một công việc khác phù hợp với trình độ của mình, tôi lại bị một nhân viên Phòng 610 bắt và đưa đến một trung tâm tẩy não. Họ tịch thu điện thoại di động của tôi và không cho tôi gọi cho người quản lý của tôi. Vì thế, tôi đã bị mất việc.

Hành động

Tình trạng bị ép thất nghiệp khiến cuộc sống của tôi trở nên rất khó khăn, nhất là tôi lại là trụ cột cho cha mẹ già và các con nhỏ. Tôi liên lạc với cơ quan cũ để đòi lại công việc, nhưng không nhận được hồi âm.

Tôi nghĩ, vì yêu cầu bằng lời cũng chẳng đi đến đâu nên tôi đã gửi yêu cầu bằng văn bản chính thức. Nếu không được trả lại công việc thì tôi có thể nhờ đến kiện tụng và nhân cơ hội này để cho nhiều người biết về cuộc bức hại.

Tôi quyết định không giữ im lặng về cuộc bức hại. Tôi cho rằng, nếu tôi im lặng và không có hành động cụ thể nào thì coi như tôi đã thừa nhận cuộc bức hại. Ngoài ra, tôi tin rằng những người tham gia cuộc đàn áp cũng phải chịu trách nhiệm.

Nộp đơn kiện cũng cho tôi cơ hội nói với các viên chức chính phủ và cán bộ tòa án và viện kiểm sát về Pháp Luân Công. Đây là những người bị ảnh hưởng sâu nặng vì những tuyên truyền của chính quyền cộng sản nhằm bôi nhọ Pháp Luân Công, nhưng trong hoàn cảnh bình thường lại khó mà có cơ hội nói với họ.

Rõ ràng là chúng ta cần khai mở tâm trí của những người này. Đi con đường này sẽ không dễ dàng, nhưng trong tâm, lúc nào tôi cũng ấp ủ ý định này. Tôi tự nhủ rằng mình không được chấp vào kết quả, mà phải thực sự đặt tâm trong quá trình này và tu xuất tâm từ bi đối với tất cả những người tôi sẽ gặp.

Tôi chia sẻ suy nghĩ của mình với các đồng tu. Họ ủng hộ tôi và phát chính niệm cho tôi.

Sau khi cuộc đàn áp nổ ra vào tháng 7 năm 1999, tôi bắt đầu thu thập tài liệu để chuẩn bị cho vụ kiện sau này. Tôi không biết gì về thủ tục pháp lý, vì không biết ai là chuyên gia về vấn đề này. Ngoài ra, các học viên khác đã tham gia vào các hạng mục khác nên tôi đành tự mày mò cách tiến hành.

Nghiên cứu luật liên quan

Tôi tìm được nhiều tài liệu sơ cấp về các vụ kiện dân sự và bắt đầu tự học. Tôi đã sử dụng internet để tìm hiểu những gì cần tìm hiểu, và tham khảo ý kiến ​​luật sư của một số công ty luật khi tôi không tìm được câu trả lời. Ngoài ra, trong khi chuẩn bị tài liệu, Sư Phụ đã điểm hóa cho tôi cách bồi dưỡng kiến ​​thức cho bản thân.

Tôi tin rằng các tài liệu cần phải làm toát lên sự lương thiện và lòng tốt của các học viên Pháp Luân Công để có thể giảng chân tướng cho bất cứ ai đọc đơn. Tôi kể về sự cải thiện sức khỏe và tính cách của mình sau khi bước vào tu luyện. Tôi viết về việc gia đình tôi trở nên hòa thuận hơn, về việc tôi có mối quan hệ tốt hơn với đồng nghiệp. Sau đó, tôi nói về việc tu luyện Pháp Luân Công là quyền được hiến pháp bảo vệ, và chúng tôi không làm điều gì sai trái hoặc gây hại cho xã hội khi tu luyện Đại Pháp. Tôi chỉnh sửa cẩn thận toàn bộ các đơn từ và cố gắng phát huy tối đa tác dụng giảng chân tướng.

Nỗ lực đầu tiên để lấy lại công việc

Sau khi chuẩn bị một số tài liệu sơ bộ, tôi quay trở lại nơi làm việc cũ và gửi đơn cho nhóm lãnh đạo. Tiếp theo, tôi phát đơn kiến nghị cho tất cả mọi người, kể cả các cán bộ quản lý khác, các đồng nghiệp cũ, phòng khiếu nại địa phương và chính quyền thành phố. Tôi đã đề nghị họ giúp chuyển tiếp đơn kiến nghị của tôi lên cấp cao hơn. Rồi tôi giữ liên lạc với họ để cập nhật tình hình sau khi gửi đơn thư đi.

Khi an ninh tại cơ quan cũ của tôi không cho tôi vào tòa nhà, tôi đứng ở lối vào và phản đối, vì thế mà nhiều người đã nghe về vụ việc của tôi. Ngay sau đó, họ cử một người quản lý ra nói chuyện với tôi và tiếp nhận đơn thư của tôi.

Tuy nhiên, mấy tháng sau, cơ quan tôi báo với tôi rằng họ quyết định không thuê tôi nữa và khuyên tôi nên đi theo con đường pháp lý. Tôi tin rằng đây là một cơ hội mới cho nhiều người hơn nữa nghe sự thật.

Sử dụng trọng tài lao động

Khi hiểu rằng hầu hết quan chức chính phủ và nhân viên tòa án đã bị ảnh hưởng sâu sắc bởi tuyên truyền tiêu cực của truyền thông về Pháp Luân Công, tôi quyết định không vội vàng. Tôi nộp đơn xin trọng tài lao động trước khi nộp đơn kiện.

Tuy nhiên, vì tôi chưa giảng chân tướng cho các cán bộ tại văn phòng trọng tài nên vụ việc của tôi đã bị từ chối ngay sau khi tôi liên lạc với họ. Tôi được cho biết rằng tôi có thể kháng cáo lên tòa án sau 15 ngày nếu tôi không đồng ý với quyết định của họ.

Tôi có hai giấc mơ đêm đó. Trong giấc mơ đầu tiên, tôi được bảo rằng cần phải làm rất nhiều việc, và sẽ có một số người tham gia và giúp đỡ tôi. Trong giấc mơ thứ hai, tôi được điểm hóa rằng sẽ có hai vòng kiện, nhưng tôi không rõ lắm như vậy có nghĩa là sao.

Đệ đơn kiện

Vụ kiện mà tôi đã đệ trình lên tòa án đã được chuẩn bị kỹ lưỡng. Tôi giải thích rõ hơn về tình hình của mình. Tôi nhắc bản thân mình phải có lý và miễn là họ chấp nhận trường hợp của tôi là tôi đã đạt được tiến triển.

Không lâu sau khi tôi nộp đơn kiện, chỗ làm cũ của tôi được đề nghị giải quyết vụ việc trực tiếp với tôi và yêu cầu tôi rút đơn kiện. Tôi đã tham khảo ý kiến ​​của một cán bộ tòa án và được khuyên không nên rút đơn cho đến khi đạt được thỏa thuận với họ. Khi tôi nói với cơ quan cũ rằng tôi sẽ theo đuổi vụ kiện thì họ không còn đề cập đến việc hòa giải nữa.

Sau khi vụ kiện của tôi được tòa án chấp nhận, tôi tìm được một luật sư địa phương nhận đại diện cho tôi. Cô ấy nói rằng, miễn là tòa án chấp nhận vụ án thì cô ấy sẵn sàng đại diện cho tôi. Kế đến, cô đến Phòng 610 địa phương, Sở Tư pháp và nơi làm việc cũ của tôi để yêu cầu cung cấp tài liệu pháp lý về cuộc bức hại và quyết định của họ về việc sa thải tôi, nhưng được bảo rằng đó là điều bí mật.

Ngoài luật sư địa phương, tôi còn thuê luật sư từ Bắc Kinh đại diện cho tôi nữa.

Trong khi chờ đợi phiên tòa, tôi đã gửi nhiều đơn kiện cho bạn bè và đồng nghiệp cũ để cho họ biết về cuộc đàn áp và đề nghị họ đưa ra lời khuyên làm sao để hoàn thiện đơn thư.

Nhiều người hỏi tôi, cuộc bức hại vẫn đang tiếp diễn, vậy tôi có sợ ảnh hưởng đến việc con gái tôi vào đại học hay đi du học không. Tôi nói với họ rằng tôi chỉ muốn trở thành một người tốt và tuân theo nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn, nhưng chính quyền và chỗ làm của tôi lại không cho tôi kiếm sống. Tôi chỉ đấu tranh đòi quyền lợi của mình bằng hình thức ôn hòa thôi.

Hóa ra con gái tôi lại nhận được học bổng toàn phần và được nhận vào trường đại học mơ ước của cháu. Tôi không phải lo lắng về học phí của con tôi. Sư Phụ đã an bài việc này. Con gái tôi ủng hộ tôi tu luyện Pháp Luân Công và nộp đơn kiện để xin việc trở lại, vì vậy cháu đã được phước lành vì ủng hộ chính nghĩa. Tôi biết Sư phụ cũng khích lệ và giúp đỡ tôi.

Cựu thế lực tìm cách can nhiễu và khiến mặt tôi bị rộp mụn nước trước phiên xử, nhưng tôi không màng tới nó và làm mọi việc như thường lệ. Các nốt mụn nước rất mau biến mất.

Một thời gian ngắn trước phiên tòa, cựu thế lực lại tấn công tôi một lần nữa, nhưng tôi bị đuối sức đến mức không đứng vững được. Tôi liên lạc với các đồng tu. Sau khi phát chính niệm cho tôi, khổ nạn đã tiêu tan và tôi hồi phục trở lại.

Vụ xét xử đã ảnh hưởng rất lớn đến chính quyền địa phương, vì đó là lần đầu tiên một học viên Pháp Luân Công là nguyên đơn, với một luật sư từ Bắc Kinh làm đại diện.

Nhiều học viên đã phát chính niệm, còn luật sư Bắc Kinh đưa ra những luận cứ biện hộ hết sức xác đáng. Thẩm phán chủ tọa thể hiện sự ủng hộ phần nào sau phiên xử – hiệu quả tốt hơn nhiều so với những gì tôi mong đợi.

Nhưng vì áp lực của chính quyền cấp trên và Phòng 610 nên thẩm phán không thể ra phán quyết có lợi cho tôi được. Tôi bị thua vụ kiện đó và được báo là có thể khiếu nại lên tòa án trung thẩm trong vòng 15 ngày.

Đây lại là một cơ hội giảng chân tướng khác.

Một người bạn của tôi bảo tôi rằng anh có một người thân làm cho sở cảnh sát tỉnh. Họ thậm chí đã nghe về vụ việc của tôi rồi. Họ yêu cầu tòa án trung thẩm không được ra phán quyết có lợi cho tôi.

Khi tiến hành vụ kiện đầu tiên, tôi thấy được lòng tốt của những người mà tôi tiếp xúc. Tôi tin rằng họ đã lựa chọn đúng.

Trong khi tôi đang chuẩn bị đơn kháng cáo, nhân viên tòa án đã giúp tôi lấy một bản bằng chứng ngụy tạo của chỗ làm cũ của tôi, và tòa án đã không dùng một lời thô thiển nào để công kích Pháp Luân Công trong bản án cuối cùng.

Tôi thực sự cảm thấy Sư phụ đã an bài tất cả, chỉ là tôi có đi theo an bài đó hay không thôi. Sau phiên toà, tôi đã có chính niệm mạnh mẽ hơn và quên mất cuộc bức hại. Tôi hiểu rằng tôi đã thực sự khai mở tâm trí cho họ về cuộc bức hại. Khi tôi hiểu đúng đắn về những điều mà tôi đang làm, con đường đi của tôi cũng trở nên dễ dàng hơn.

Kháng cáo lên tòa trung thẩm

Với sự trợ giúp của Sư Phụ, tôi đã làm xong đơn kháng cáo trong một thời gian cực ngắn và nộp cho tòa sơ thẩm.

Sau khi vụ kiện được chấp nhận, tôi đã ra tòa để đề nghị được cập nhật tình hình. Tôi đã nói chuyện với chủ tịch của tòa án trung thẩm và các ủy viên của ủy ban kỷ luật. Trong quá trình này, tôi đã gặp nhiều nguyên đơn bền bỉ suốt cả thập kỷ qua để tìm kiếm công lý cho những gì mà họ phải chịu đựng, trong đó, một số người đã ngoài 80. Sự bền bỉ của họ khiến tôi có thêm động lực. Tôi còn nói với họ về Pháp Luân Công và cuộc bức hại.

Trong khi chờ đợi phiên tòa tại tòa trung thẩm, cơ quan cũ của tôi đã đề nghị giải quyết vụ kiện với tôi và yêu cầu tôi rút đơn kháng nghị. Lần này, họ lại đề xuất chế độ đặc biệt cho tôi. Tôi không phản đối việc hòa giải, nhưng hy vọng mọi việc sẽ hoàn tất trước khi tôi rút đơn. Song, tôi lại không nhận được thêm tin gì của họ.

Thực ra, tôi không nghĩ đến việc khép lại vụ kiện và được giải quyết sớm thế vì tôi vẫn muốn tận dụng cơ hội giảng chân tướng cho nhiều quan chức hơn nữa.

Cán bộ Phòng 610 yêu cầu tôi rút đơn kiện. Họ cử mấy cảnh sát đóng chốt ngoài chung cư của tôi. Tôi gọi luật sư ở Bắc Kinh để xin lời khuyên. Anh ấy nghi ngại rằng họ đang tìm cách bắt tôi nên đề nghị tôi rời nhà đi trốn.

Tôi nghĩ rằng nếu chạy trốn thì tôi sẽ không thể dự phiên tòa và tiếp tục những nỗ lực giảng chân tướng của mình thông qua vụ kiện nữa. Bỏ đi lang thang cũng sẽ khiến việc tu luyện của tôi gặp nhiều rắc rối. Tôi quyết định ở nhà và đối mặt với cảnh sát.

Cán bộ Phòng 610 ở bên ngoài tòa nhà chung cư của tôi một tuần liền. Tôi không đi ra ngoài, mà ở nhà, học Pháp và phát chính niệm. Tôi xin Sư Phụ gia trì cho tôi và giúp tôi loại bỏ tà ác đằng sau những cán bộ đó. Cuối cùng, họ đã rời đi sau một tuần.

Phiên xử mở ở tòa trung thẩm hóa ra chỉ là phiên xử mang tính hình thức gọi là có. Ngay cả thẩm phán chủ tọa cũng bị thay đổi vài lần. Họ bác bỏ vụ kiện của tôi, nhưng mãi mấy tháng sau mới đưa ra phán quyết, mà đó là sau nhiều lần tôi đề nghị.

Yêu cầu tái xét xử tại tòa án tối cao

Sau khi đơn kháng án của tôi bị tòa trung thẩm bác bỏ, tôi đã đệ đơn xin tái xét xử tại tòa án tối cao. Một luật sư, cũng là một học viên, khuyên tôi nên đích thân gửi đơn, cũng có thể gửi qua đường chuyển phát nhanh. Học viên địa phương cũng động viên tôi không nên từ bỏ.

Sau khi tôi giao tận tay và gửi đơn yêu cầu tái xét xử, tôi liên tục gọi đến tòa cao cấp để hỏi tin cập nhật. Một số nhân viên ở tòa rất tốt bụng và đã cho tôi lời khuyên tốt về việc tôi có thể làm những gì để thúc đẩy vụ kiện.

Sau khi đơn kiện được lưu ký, tôi liên lạc với luật sư và chuẩn bị các luận điểm biện hộ của tôi.

Lần này, tôi không phải nhìn giấy mà đọc như hai lần xử trước nữa. Tôi tóm tắt các luận điểm của mình và bằng chứng để chứng minh những luận điểm đó. Ngạc nhiên thay, thẩm phán bảo tôi rằng tôi đã giải thích vụ việc hết sức tốt.

Họ hỏi tôi một số câu hỏi, chẳng hạn như lúc bị sa thải, tôi có có mặt ở chỗ làm hay không, vì cả phán quyết sơ thẩm và phúc thẩm đều dựa trên bằng chứng giả do chỗ làm cũ của tôi cung cấp. Họ tuyên bố tôi đã bỏ việc mà không xin nghỉ phép khi tôi đi Bắc Kinh để thỉnh nguyện công lý cho Pháp Luân Công. Tôi giải thích với họ rằng tôi không bỏ một ngày làm việc nào và không vi phạm bất kỳ chính sách nào của cơ quan.

Họ cũng hỏi tôi về Pháp Luân Công, như cuộc thỉnh nguyện ôn hòa ngày 25 tháng 4, vụ tự thiêu ở Thiên An Môn, và những lợi ích sức khỏe của Pháp Luân Công. Tôi đã giảng chân tướng thấu đáo cho họ.

Không lâu sau buổi điều trần, tòa án cao cấp đã ra lệnh tái xét xử và chuyển lại vụ việc của tôi cho tòa trung thẩm.

Tái xét xử tại tòa trung thẩm

Dù đã có phán quyết của tòa án tối cao nhưng vẫn phải mất rất nhiều công sức, tòa án trung thẩm mới tiếp nhận vụ kiện của tôi.

Khi tôi nói chuyện với thẩm phán phụ trách vụ án của tôi, cô ấy rất thô lỗ và nói rằng bất luận thế nào, cô ấy cũng không để tôi thắng kiện. Khi tôi hỏi về tình trạng của vụ án, lúc nào cô ấy cũng nói đang bận một vụ khác nên không có thời gian gặp tôi.

Tôi thấy tiếc cho cô ấy vì có thái độ tiêu cực đối với Đại Pháp.

Trong phiên tái xét xử, tôi đã tóm tắt phần biện hộ của mình rồi trình bày những điểm chính. Thẩm phán đã nhiều lần chen ngang và cắt lời tôi, không để tôi có cơ hội nói sâu vào các bằng chứng. Luật sư của tôi đã hoàn thành việc biện hộ cho tôi. Thẩm phán hỏi liệu cơ quan tôi và tôi đã sẵn sàng hòa giải tại phiên tòa chưa. Lần này, tôi đã đồng ý, nhưng cơ quan của tôi lại từ chối.

Trước khi tòa trung thẩm tuyên bố phán quyết, cơ quan tôi lại thay đi đổi lại suy nghĩ của họ. Cuối cùng, chúng tôi vẫn không đi đến thỏa thuận nào và đơn khiếu nại của tôi lại bị từ chối một lần nữa.

Kháng cáo lên viện kiểm sát

Tôi không bỏ cuộc. Tôi lại đệ đơn kháng cáo lên viện kiểm sát địa phương. Ban đầu, họ bác đơn, song lại tiếp nhận đơn sau khi tôi liên tục liên lạc với họ.

Tôi đã có một cuộc gặp trực tiếp với công tố viên. Tôi nói với anh ấy là tôi bị mất công việc được trả lương cao chỉ vì cuộc đàn áp nên việc trang trải sinh hoạt vô cùng khó khăn. Anh ấy thấy tiếc cho tôi, nhưng cũng nói với tôi rằng sẽ càng khó để tôi thắng vụ kiện bằng cách kháng cáo. Anh ấy khuyên tôi nói chuyện trực tiếp với cơ quan tôi.

Đi đến thỏa thuận

Trong vài năm qua, mỗi khi nộp đơn kiện, tôi luôn cập nhật thông tin cho cơ quan của mình nên họ đã hiểu rõ vụ việc của tôi. Lần này, thay vì yêu cầu trở lại làm việc, tôi đã xin trợ cấp hưu trí, vì tôi đã đến tuổi nghỉ hưu.

Trước sự ngạc nhiên của tôi, lần này, họ đã đồng ý với tôi. Một viên chức nói với tôi: “Chúng ta nên hành xử theo nguyên lý của Pháp Luân Công và trở thành người tốt.”

Tôi thấy rất mừng vì những năm tháng nỗ lực giảng chân tướng cho họ cuối cùng đã được đền đáp. Việc họ hiểu chân tướng chính là những gì tôi muốn đạt được thông qua vụ kiện của tôi.

Mặc dù những lợi ích tôi nhận được không tốt như mong đợi, nhưng tôi không bận tâm về điều này.

Mặt khác, hầu hết mọi người, từ lãnh đạo thế hệ trước đã nghỉ hưu, và ban lãnh đạo mới chưa bao giờ trực tiếp tham gia vào cuộc bức hại, nhưng họ cũng là nạn nhân của cuộc bức hại đó. Tôi hiểu rằng dưới áp lực của Phòng 610, để giải quyết cho tôi không phải là một quyết định dễ dàng và đòi hỏi họ phải can đảm rất nhiều.

Nhớ lại vài năm trước khi đệ trình vụ kiện và giảng chân tướng cho các quan chức chính quyền các cấp, tôi thấy hầu hết trong số họ vẫn có thiện tâm. Những vị ở địa vị càng cao thì càng dễ hiểu sự thật. Chỉ là họ không có cơ hội để nghe sự thật và lại bị chính quyền cộng sản nhồi nhét tuyên truyền thôi. Hầu hết trong số họ sẽ mở rộng tâm mình miễn là chúng ta sẵn sàng giảng chân tướng cho họ.

(Bài chia sẻ tại Pháp hội Trung Quốc lần thứ 15 trên Minh Huệ)


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2018/11/5/376408.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2018/11/9/173182.html

Đăng ngày 10-12-2018; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share