Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp tại tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc

[MINH HUỆ 11-11-2018]

Con xin kính chào Sư phụ tôn kính!

Chào các bạn đồng tu!

Trước năm 1999, có rất nhiều tiểu đệ tử Đại Pháp vừa mới theo cha mẹ học Pháp luyện công liền có thể nhìn thấy Thiên nữ trải hoa, Bồ Tát, và các cảnh tượng mỹ diệu ở không gian khác, căn cơ của chúng rất tốt.

Sau khi tập đoàn Giang Trạch Dân bắt đầu bức hại Đại Pháp và đệ tử Đại Pháp, rất nhiều tiểu đệ tử đã lần lượt ly khai Đại Pháp. Càng lớn lên, chúng càng dần dần tiếp xúc với xã hội, khiến chúng mê lạc trong cõi người thường và không còn tu luyện nữa, thật là vô cùng đáng tiếc!

Hôm nay, tôi xin kể về quá trình trưởng thành từ trong Đại Pháp của con gái tôi, hy vọng có thể thức tỉnh các tiểu đệ tử Đại Pháp năm đó trở về với con đường tu luyện.

Trở thành tiểu đệ tử Đại Pháp từ khi học tiểu học

Năm con gái tôi bốn tuổi, trường học của cháu cho các bé kiểm tra thị lực thì phát hiện một mắt của cháu bị cận thị, còn mắt kia bị suy giảm thị lực và loạn thị. Để điều chỉnh lại thị lực, cháu phải đeo một chiếc kính đặc biệt, trong đó một mắt kính được che lại bằng vải và cháu chỉ dùng một mắt để nhìn.

Lên tiểu học, do thị lực rất kém nên cháu thường nhìn nhầm đề bài. Tại buổi họp phụ huynh sau khi khi kết thúc kỳ học thứ nhất, giáo viên đã hỏi tôi: “Sao cháu bé nhà chị lại cẩu thả như vậy?” Thành tích học tập của cháu ở bậc tiểu học chỉ ở mức dưới trung bình. Tôi hiểu những khó khăn của cháu, nhưng không thể làm được gì.

Tôi bắt đầu tu luyện Pháp Luân Đại Pháp vào năm 1997. Sau một năm, chồng tôi nhận thấy không chỉ sức khỏe của tôi được cải thiện, mà toàn bộ con người tôi đều có sự thay đổi về bản chất. Anh ấy nghĩ Đại Pháp thật thần kỳ và siêu thường, nên đã nói với con gái chúng tôi: “Hai cha con mình cùng luyện công giống mẹ nhé?” Con gái chúng tôi đã vui vẻ đồng ý.

Một buổi sáng Chủ Nhật, ba chúng tôi cùng dậy sớm luyện động công. Khi luyện bài công pháp thứ hai, Pháp Luân Trang Pháp, tôi vô tình liếc mắt nhìn con gái: Hai cánh tay của cháu nâng trên đỉnh đầu, hai mắt cháu khép hờ, nước mũi xanh vàng chảy xuống cằm nhưng cháu vẫn không động đậy. Tôi nhìn thấy vậy, trong tâm rất thán phục ý chí của cháu.

Kể từ đó, hàng ngày con gái tôi luôn học Pháp luyện công cùng với chúng tôi sau khi đã hoàn thành bài tập về nhà. Không lâu sau, bệnh viêm mũi của cháu đã khỏi hẳn, còn thị lực của cháu cũng dần dần tốt lên.

Ở trường, cháu biết mình là người tu luyện, hàng ngày đều hành xử chiểu theo Đại Pháp. Ví dụ, đến ngày trực nhật, cháu sẽ làm những việc mà các bạn khác không muốn làm mà không ngại bẩn hay ngại mệt. Sau khi tan học, các bạn đã về hết rồi, cháu vẫn ở lại lau lớp học và đi đổ rác. Thỉnh thoảng khá muộn rồi mà chưa thấy cháu về, tôi bèn đến trường đón cháu, vốn định mắng cháu mấy câu, nhưng khi nhìn thấy bụi bặm bám đầy quần áo và đầu tóc của cháu, tôi lại không nỡ nói cháu nữa.

Trẻ em ngày nay hành xử như “tiểu hoàng thượng” và chỉ muốn được người lớn phục vụ. Con gái tôi thì giống như một “tiểu nha đầu”, luôn vui vẻ giúp đỡ người khác.

Hàng ngày, con gái tôi phải đeo ba lô nặng trĩu đi học một mình. Do phải đi làm, chúng tôi chưa từng đưa cháu đến trường. Các phụ huynh thường nói với chúng tôi: “Cháu bé này lớn lên nhất định có thể làm được việc lớn, cháu có tính tự lập rất cao. Cháu không chỉ học giỏi, mà tố chất của cháu cũng rất đặc biệt. Anh chị làm sao có thể dạy cháu như thế?” Mỗi lần như vậy, tôi đều chân thành nói với họ: “Cháu có đức tính như vậy bởi vì cháu tu luyện Pháp Luân Đại Pháp.”

Kiên trì tu luyện, tốt nghiệp trung học với thành tích xuất sắc

Tháng 7 năm 1999, Giang Trạch Dân lợi dụng quyền lực trong tay, đã phát động cuộc đàn áp tàn bạo chưa từng có đối với Pháp Luân Công. Đặc biệt là trong hệ thống giáo dục, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã lợi dụng sự thuần khiết, thiện lương, và chưa có năng lực phân biệt của trẻ nhỏ để đầu độc chúng, khiến chúng sợ hãi và căm ghét Pháp Luân Đại Pháp.

Ở trường học, trong tiết học chính trị, mỗi khi giáo viên nhắc tới ba từ “Pháp Luân Công”, lập tức cả lớp hơn 40 người đều đồng loạt đổ dồn ánh mắt về phía con gái tôi, cháu đã phải chịu đựng áp lực mà không người nào có thể hiểu được.

Giáo viên chủ nhiệm thường xuyên yêu cầu con gái tôi tới văn phòng nhằm thuyết phục cháu ngừng tu luyện. Con gái tôi bao giờ cũng trả lời cô giáo một cách vô cùng nghiêm túc: “Em và cha mẹ đều biết rằng Pháp Luân Đại Pháp dạy mọi người trở thành người tốt. Thưa cô, điều này có gì sai ạ?”

Trong các kỳ thi cuối học kỳ, trên đề thi thường xuất hiện các câu hỏi có nội dung vu khống Pháp Luân Công. Bất luận những câu hỏi đó được bao nhiêu điểm, con gái tôi không bao giờ trả lời. Một lần, một giáo viên có ý tốt đã chân thành nói với tôi: “Tôi không phản đối tín ngưỡng của gia đình chị, nhưng không nên vì thế mà làm mất đi tiền đồ của con gái chị. Đừng xem thường một vài điểm của các câu hỏi đó. Chúng có thể khởi tác dụng vào những lúc then chốt đấy. Tôi thực sự muốn cháu được lên lớp nên mới lo lắng như vậy!”

Trường học của cháu có mời một thầy giáo người Mỹ làm giáo viên Anh ngữ. Tiếng Anh của cháu khá tốt. Sau bữa cơm chiều, cháu thường đi dạo cùng với hai vợ chồng thầy giáo và trò chuyện với họ bằng tiếng Anh. Vợ chồng thầy giáo đã khen ngợi sự hiếu học và chăm chỉ của con gái tôi, và họ rất thân thiện với cháu. Con gái tôi đã nói với họ về Pháp Luân Đại Pháp, về cuộc bức hại và tình cảnh của gia đình chúng tôi. Họ đã rất hiểu và ủng hộ cháu. Trong hoàn cảnh lúc ấy, đó là sự cổ vũ rất lớn đối với con gái tôi.

Hàng năm, thành phố thường tổ chức cuộc thi học sinh giỏi môn tiếng Anh dành cho học sinh trung học cơ sở. Trường học đã cử cháu tham gia cuộc thi này.

Khi con gái tôi tốt nghiệp trung học cơ sở, lãnh đạo nhà trường và các giáo viên đều cho cháu điểm cao nhất về năng khiếu xuất sắc. Hơn nữa, họ còn cho cháu thêm 10 điểm vào đơn xin học bổng học sinh giỏi của thành phố.

Lên cấp 3, con gái tôi phải sống trong ký túc xá của trường, vì vậy cháu không còn môi trường học Pháp và luyện công như ở nhà. Chúng tôi đã mua cho cháu một chiếc máy MP3 để cháu có thể nghe các bài giảng Pháp của Sư phụ vào buổi tối.

Tuy nhiên, hàng ngày sau khi cháu làm xong hết các bài tập ở trường thì đã khuya lắm rồi. Cháu thường mệt tới mức vừa nằm xuống giường là ngủ thiếp đi ngay, không còn lúc nào học Pháp nữa.

Một ngày cuối tuần, cháu về nhà và nói với tôi: “Mẹ ơi, khi con không học Pháp, con cảm thấy mình giống như người thường. Con thấy tâm tật đố của mình còn rất mạnh mẽ. Con không thích khi nghe thấy người khác đạt điểm cao hơn con, con cũng không thích khi nhìn thấy các bạn nữ trang điểm.”

Tôi nói: “Bất luận học tập ở trường áp lực đến đâu, con nhất định phải dành thời gian học Pháp. Mỗi ngày con có thể dành 15 đến 20 phút học Pháp được không?”

Từ đó về sau, cháu luôn kiên trì nghe Sư phụ giảng Pháp vào mỗi buổi tối trước khi đi ngủ, có lúc cháu có thể nghe được nửa bài giảng, có lúc chỉ nghe được một hoặc hai phần. Cháu nói: “Nghe Sư phụ giảng Pháp mỗi ngày là môn học bắt buộc của con.”

Ba năm học cấp 3, dù học tập bận rộn nhưng con gái tôi vẫn luôn kiên trì học Pháp. Thông qua việc không ngừng nghe Pháp, tâm tính cháu liên tục được đề cao, tấm lòng thản nhiên thoáng đãng, thành tích học tập cũng rất tốt, và cháu luôn vui vẻ giúp đỡ các bạn.

Mỗi khi các bạn hỏi cháu vấn đề gì, cháu luôn kiên nhẫn giải đáp, và còn cho các bạn mượn vở ghi chép của mình. Có một bạn học nói với cháu: “Thời gian của chúng mình quá eo hẹp, sao bạn lại có thời gian giúp đỡ người khác vậy?” Cháu hiểu rằng, thời gian là vô cùng quý giá đối với những người đang chuẩn bị thi đại học; nhưng cháu cho rằng, khi các bạn hỏi thì cháu nên vô tư giúp đỡ.

Buổi tối trước ngày thi đại học, các bạn của cháu đều căng thẳng, một số người cả đêm không ngủ được, một số người cố gắng nhắm mắt để ngủ, vậy mà con gái tôi chưa đến 9 giờ đã ngủ rồi. Các bạn học đều thán phục cháu: “Trạng thái tâm lý của bạn ấy tốt thật đấy!”

Càng thần kỳ hơn, ba năm học cấp 3 vô cùng căng thẳng mà thị lực của cháu không hề suy giảm. Ngược lại, mắt của cháu còn sáng lên. Tôi tin rằng đó là bởi vì cháu đã kiên trì tu luyện Đại Pháp, đây chính là sự thần kỳ và siêu thường của Pháp Luân Đại Pháp.

Không ngừng tinh tấn

Con gái tôi được nhận vào một trường đại học trọng điểm sau khi đạt được thành tích xuất sắc trong kỳ thi đại học. Ở trường đại học, việc học tập nhẹ nhàng hơn nhiều so với hồi học trung học, nhưng lại có rất nhiều các hoạt động và dự án. Đối với những người trẻ tuổi, việc kiên trì tu luyện quả thật là không dễ dàng, bởi vì có quá nhiều các loại dụ dỗ mê hoặc trong xã hội người thường, và văn hóa đảng đã thấm nhuần vào trong mọi khía cạnh của đời sống ở Trung Quốc.

Sư phụ giảng:

“Tuy rất nhiều sinh mệnh cao tầng tới đây, nhưng rất nhiều ma quỷ cũng tới, chuyển sinh thành người, khuấy đảo nơi xã hội này, không ngừng dẫn người ta sang cái gọi là trào lưu tư tưởng mới.” (Giảng Pháp tại Washington DC năm 2018)

“Vì thế chúng ở xã hội nhân loại chính là đang khởi tác dụng như thế, dùng ý thức hiện đại, dùng các chủng các dạng thủ đoạn làm bại hoại nhân loại, các loại các dạng biểu hiện, tới phá hoại nhân loại, hơn nữa dẫn dắt nhân loại. Xác thực có rất nhiều người bị khuấy lẫn vào, nhất là thanh niên. Nơi họ bắt đầu tập trung nhất là học sinh, nhất là sinh viên đại học.” (Giảng Pháp tại Washington DC năm 2018)

Biểu hiện trên hình thức thì các nữ sinh đều thích trang điểm, uốn tóc, cắt mí mắt, xỏ lỗ tai, sơn móng tay; thích nói chuyện về bạn trai, chơi điện tử, và lên mạng nói chuyện phiếm. Trong hoàn cảnh như vậy, con gái tôi còn có thể kiên trì học Pháp không? Có thể giữ vững không để những thứ này dụ dỗ mê hoặc không? Đối với cháu mà nói, đây là một thách thức rất lớn.

Ở trường đại học, con gái tôi phụ trách chương trình phát thanh Anh ngữ, cháu chịu trách nhiệm làm nội dung chương trình. Một số bạn học đề nghị phát thanh các câu chuyện về tình yêu, nhưng cháu trả lời: “Những cái đó nghe quá nhiều rồi, chúng mình nên làm một chương trình hoàn toàn mới.” Con gái tôi liền tìm các câu chuyện văn hóa truyền thống phù hợp với người trẻ tuổi, tự mình biên tập và phiên dịch sang tiếng Anh. Chương trình đã được phát thanh tới từng ngóc ngách của trường đại học. Cháu từng tự hào nói với tôi: “Con là bông hoa sen trong sạch vươn lên giữa môi trường bùn lầy.”

Bốn năm học đại học, con gái tôi luôn mang theo bên mình máy MP3, cứ khi nào có thời gian là cháu liền nghe Pháp. Cháu luôn cân nhắc cử chỉ ngôn hành của bản thân chiểu theo Pháp. Có lúc cháu vẫn cảm thấy ủy khuất khi bị người khác đổ oan, mặc dù cháu không sai. Mỗi khi gặp phải sự việc như vậy, cháu liền tìm một nơi yên tĩnh để nghe Pháp. Càng nghe cháu càng minh bạch rằng mọi việc xảy ra đều không ngẫu nhiên. Khi cháu ngộ ra các Pháp lý, mâu thuẫn liền được hóa giải. Cháu thường nói với tôi: “Mẹ, com cảm thấy thật may mắn vì được tu luyện Đại Pháp.”

Sau khi tốt nghiệp đại học, nhà trường đã giới thiệu cháu tới một trường đại học danh tiếng khác để tiếp tục học lên Thạc sỹ và Tiến sỹ. Khi nghe thấy điều này, trong tâm tôi vô cùng xúc động. Từ khi đắc Pháp đến nay, con gái tôi đã tu luyện được 20 năm. Bất luận hình thế xã hội thay đổi thế nào, thậm chí cả khi tôi và chồng bị bức hại và bị cầm tù phi pháp, cháu vẫn chưa bao giờ ngừng tu luyện Đại Pháp. Cho dù cháu gặp phải khó khăn như thế nào, Sư phụ và Đại Pháp luôn bảo hộ và giúp đỡ cháu. Dưới sự dẫn dắt và bảo hộ của Sư phụ, cháu đã luôn kiên trì trên con đường tu luyện cho đến ngày hôm nay.

Con xin tạ ơn Sư phụ!


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2018/11/11/376430.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2018/11/17/173278.html

Đăng ngày 13-12-2018; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share