Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ tại khu tự trị Ninh Hạ Hồi, Trung Quốc

[MINH HUỆ 22-8-2018] Hơn một năm sau khi được trả tự do, một cư dân ở Trung Ninh vẫn đấu tranh đòi công lý sau khi mất hết hai phần ba răng do bị tra tấn trong tù.

Ông Tôn Kiến Phong, 46 tuổi, bị bắt giữ vào ngày 30 tháng 3 năm 2012, và bị kết án 5,5 năm tù vì từ chối từ bỏ Pháp Luân Công, một môn tu luyện đang bị Đảng Cộng sản Trung Quốc bức hại.

Tháng 1 năm 2013, ông bị đưa vào Nhà tù Ngân Xuyên. Tại đây, ông bị tra tấn tàn bạo.

Vào thời điểm được thả vào ngày 30 tháng 9 năm 2017, ông chỉ còn lại 10 cái răng và không thể nhai thức ăn nữa. Ông cũng bị thương nặng ở lưng.

Ông đã gửi đơn khiếu nại nhà tù, nhưng được cho hay Viện kiểm sát Thượng Tiền Thành không có thẩm quyền xử lý trường hợp này. Sau đó ông gửi đơn đến một uỷ ban giám sát mới được thành lập vào tháng 1 năm 2018 theo đúng hướng dẫn. Khi không nhận được phản hồi, ông đã đệ đơn kiện hành chính nhà tù lên Toà án Khu Hưng Khánh vào tháng 5 năm 2018. Toà án đã quyết định không thụ lý vụ kiện.

Theo Luật Thủ tục Hành chính của nước Cộng Hoà Nhân dân Trung Hoa, các toà án “phải tiếp nhận các đơn khởi kiện hành chính khởi kiện những cơ quan nhà nước vì đã xâm hại quyền của công dân.”

Ông Tôn đã đệ đơn lên Toà án Trung cấp Ngân Xuyên, yêu cầu ra lệnh cho toà án khu thụ lý hồ sơ của ông. Ngày 8 tháng 8, toà án cấp cao hơn đã thông báo với ông rằng phiên xử sẽ diễn ra vào ngày 15 tháng 8. Tại toà, ông ngạc nhiên khi phát hiện phiên xử bị biến thành một phiên hỏi-đáp, và họ bảo ông rằng toà án cấp cao hơn vẫn đang cân nhắc xem họ có nên thụ lý trường hợp của ông hay không.

Chi tiết vụ việc ông Tôn xuất hiện tại Toà án Trung cấp Ngân Xuyên

Trong đơn kiện, ông Tôn yêu cầu nhà tù bồi thường 300.000 nhân dân tệ để sửa răng và bù đắp tổn thương tinh thần, đồng thời giám đốc nhà tù cùng những thủ phạm bức hại chính phải chịu trách nhiệm cho những thương tích của ông.

Sau khi Toà án Khu Hưng Khánh từ chối thụ lý vụ án, ông Tôn đã đệ đơn lên Toà án Trung cấp Ngân Xuyên. Ông yêu cầu toà án cao hơn thu hồi lại phán quyết của toà án khu vực và ra lệnh toà án cấp thấp hơn thụ lý lại đơn kiện của ông. Ông còn yêu cầu toà án cấp cao hơn ra lệnh cho nhà tù phải chi trả chi phí kiện tụng của ông.

Ngày 8 tháng 8, Toà án Trung cấp Ngân Xuyên đã gửi cho ông hai văn bản: “Triệu tập tại Toà án Trung cấp Ngân Xuyên, Khu Tự trị Hồi Ninh Hạ” và “Xác nhận Biên lai cho Toà án Trung cấp Ngân Xuyên, Khu Tự trị Hồi Ninh Hạ.” Mục đích của lời triệu tập là “phiên xử diễn ra vào ngày 15 tháng 8 năm 2018, lúc 2 giờ 30 chiều tại phòng xử 201, khu Đông.”

Hơn mười người thân và bè bạn đã cùng ông Tôn đã đến phòng xử. Nhân viên an ninh tại cửa đã thu giấy triệu tập và biên nhận của ông.

Trong phòng xử, ông được trao một giấy triệu tập và biên nhận mới, và yêu cầu ông ký tên vào chúng. Ông thấy mục đích ghi trên giấy triệu tập bị đổi thành một “phiên hỏi-đáp.”

Thẩm phán nói với ông Tôn rằng phiên hỏi-đáp này được tổ chức để xác nhận xem hồ sơ có đủ điều kiện để được toà tiếp nhận không.

Ông Tôn thấy không cần phải có một phiên hỏi-đáp như vậy, vì mọi thứ ông viết trong đơn kiện đã rõ ràng.

Thẩm phán trả lời: “Đây là một trường hợp kháng án, vì vậy chúng tôi phải thực hiện theo đúng quy trình.”

Phiên hỏi-đáp kéo dài 20 phút.

Chi tiết về những ngược đãi trong đơn kiện nhà tù

Ông Tôn đã thuật lại chi tiết những khổ nạn trong tù trong đơn của mình.

1. Bị tra tấn thể xác và tinh thần ở trong tù

Tháng 1 năm 2013, ông Tôn bị chuyển từ Trại tạm giam Trung Vệ đến Nhà tù Ngân Xuyên. Khi đến nơi, năm tù nhân được giao nhiệm vụ giám sát ông.

Theo lệnh của lính canh, các tù nhân thay phiên nhau buộc ông ngồi trên một cái ghế nhỏ với hai tay đặt trên hai chân. Ông không được cử động hay nói chuyện. Nếu ông cần uống nước, đi vệ sinh, hỉ mũi hay đi ngủ, thì phải được các tù nhân chấp thuận. Nếu không, ông sẽ bị lăng mạ, bắt đứng thẳng hay bị đánh đập.

Vài ngày sau, cai ngục Hồ Kiến Kiều muốn nói chuyện với ông Tôn. Các tù nhân ra lệnh cho ông phải ngồi xổm và tự gọi mình là tội phạm khi Hồ đến. Vì ông cảm thấy mình bị kết án phi pháp và không có luật nào như vậy trong quy tắc ứng xử với các tù nhân, nên ông đã từ chối.

Một ngày nọ, khi ông đang ngồi trên ghế, hai tù nhân đã cho phép một tù nhân khác đấm ông nhiều lần khiến mũi ông chảy máu. Khi Điền Huy, tù nhân từ uỷ ban kỷ luật, đến và thấy máu, anh ta ra lệnh làm sạch sàn. Ông Tôn đã từ chối làm theo và yêu cầu được báo cáo vụ việc với lính canh.

Các tù nhân khác sau đó đã kéo ông Tôn dậy và đẩy ông ra ngoài để họ lau máu trên sàn, đồng thời Điền bảo ông Tôn hãy lau sạch máu miệng, nhưng ông từ chối. Bởi vậy, một tù nhân đã kéo ông vào nhà vệ sinh để dội nước lên mặt ông và lau máu.

Miệng của ông Tôn bị thương khi ông đang rửa miệng, và một vài cái răng bị lung lay. Khi ông cố bước ra khỏi phòng thì bị các tù nhân giữ lại.

Để ép ông Tôn từ bỏ Pháp Luân Công, lính canh Lục Vỹ đã bắt ông ngồi trên một cái ghế nhỏ và cấm ông ngủ.

Một tù nhân sẽ đánh thức ông dậy lúc 5 giờ sáng và bắt ông ngồi trên một cái ghế nhựa bị cưa chân. Ngoài việc ăn và đi vệ sinh, ông không được di chuyển.

Mỗi đêm, các lính canh và tù nhân thay phiên nhau nói chuyện với ông Tôn đến nửa đêm. Khi Lôi và các lính canh nói chuyện với ông, họ ngồi trên một cái ghế cao, ép ông phải ngẩng mặt lên. Vì bị cấm ngủ, ông yếu đến nỗi không thể ngẩng mặt lên, nên các tù nhân giật tóc và véo giữ hai má của ông để khiến đầu ông ngẩng lên. Khi ông cố tránh tay của họ, họ còn kéo tóc ông mạnh hơn, khiến răng ông lung lay nhiều hơn.

Sau khi ngồi trên ghế nhiều ngày, mông ông bắt đầu mưng mủ và chân ông sưng đến nỗi không mang vừa giày. Ngoài ra, ông còn mất cảm giác ở chân và bị đau lưng. Ông bị choáng váng.

Sau đó một tù nhân bắt ông ngồi trên một cái ghế mà anh ta đã lắp từ ba miếng gỗ có kích thước như lòng bàn tay. Các tù nhân cũng lăng mạ ông mỗi ngày.

2. Yêu cầu chăm sóc nha khoa bị làm ngơ

Sau khi ông Tôn nói với cai ngục Hồ rằng ông bị đánh đập, hai lính canh đã đến gặp ông để lập biên bản. Khi ông nói với họ rằng răng ông bị lung lay và hai cái đã rụng, họ không nói gì cả.

Hai lính canh tiếp tục làm ngơ khi ông Tôn đề cập đến răng của ông thêm hai lần nữa.

Vì mặt sưng và răng lung lay, ông bị đau và không thể ăn. Tù nhân Thiên đã đưa cho ông một gói mỳ.

Ông đã tìm đến y tá nhà tù để nói về răng của mình. Y tá nói rằng nhà tù không chăm sóc nha khoa và sau đó đã làm ngơ ông khi ông đến tìm anh ta lần nữa.

Vài ngày sau, thêm hai cái răng của ông Tôn bị rụng ra.

Vài tháng sau khi ông Tôn bị chuyển đến đội quản lý nghiêm, ông nói với y tá về răng của mình nhưng lại tiếp tục bị làm ngơ. Ông cũng không nhận được phản hồi khi gửi thư cho nhà tù yêu cầu chăm sóc nha khoa.

Chỉ sau khi ông bị chuyển đến Đội 12, bệnh viện nhà tù mới cho ông kiểm tra. Vì không có nha sỹ trong bệnh viện, một nha sỹ từ phòng khám tư đã được đưa đến để khám cho ông.

Họ bảo ông Tôn rằng răng của ông đang trong tình trạng rất xấu và chỉ có cách là nhổ chúng. Kết quả là, cả chục cái răng của ông đã bị mất đi trong chưa đầy hai năm. Vì chăm sóc nha khoa không có trong bảo hiểm y tế, ông Tôn phải trả gần 2.000 nhân dân tệ cho việc này.

Vào thời điểm ra khỏi nhà tù, ông chỉ còn lại 10 cái răng và không thể nhai bất kỳ cái gì. Ông phải ăn thức ăn lỏng.

3. Bị làm ngơ khi báo cáo hành vi ngược đãi

Ông Tôn đã báo cáo và thỉnh nguyện lên nhà tù, Toà án Thành phố Trung Vệ, và Cục Quản lý Nhà tù Ninh Hạ, nhưng lại bị làm ngơ hoặc bị trả thù.

Sau khi được thả, ông Tôn đã gửi đơn khiếu nại đến bộ phận xử lý các vấn đề nội bộ tại Nhà tù Ngân Xuyên và Uỷ ban Giám sát Ngân Xuyên nhưng không nhận được phản hồi.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2018/8/22/372760.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2018/10/30/173058.html

Đăng ngày 05-11-2018; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share